Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.813 tác phẩm
2.758 tác giả
521
122.763.267
 
Quần-đảo-tráo-tên (Trường ca thời sự - chương 1: phương hướng)
Đỗ Quyên

MỤC LỤC

 

 

Chương mở: Bờ bắc quân cảng xuất phát

Chương 1: Phương hướng

Chương 2: Hải đăng

Chương 3: Kim chỉ nam

Chương 4: Hải lý  

Chương 5  “Thủy triều người nhân loại bể”

Chương 6: Vĩ độ   

Chương 7: Kinh độ

Chương 8: Vĩ tuyến

Chương 9: Kinh tuyến

Chương 10: Tọa độ

Chương kết: Bờ nam cảng biển tập kết

 

☆☆☆

 

 

KÍNH TẶNG NHỮNG NGƯỜI SỐNG CHẾT VÌ BIỂN ĐẢO TỔ QUỐC[1]

 

 

 

"Danh chính ngôn thuận"

Khổng Tử (551 - 479 TCN)

 

“Gìn vàng giữ ngọc”[2]

“Gìn biển giữ đảo”

(Chương hồi 3.3)

 

“Luôn luôn này tiếng kêu than

luôn luôn này nỗi hận hờn luôn luôn[3]

 

 

“Tiểu thuyết gia không phải là người hầu của sử gia.”

Milan Kundera (1929 - 2023)

 

 

 

 

 ☆☆☆

 

 

 

CHƯƠNG MỞ

Bờ bắc quân cảng xuất phát

 

 

 

Đấy

      đích thị

        nói thẳng tưng

Quần - Đảo - Bị - Tráo - Tên[4]

 

nhan đề bản trường ca

                              diễn ngôn lẹ

nhức cái mắt

gọn bớt

in đậm cho chắc

      Quần-Đảo-Bị-Tráo-Tên

 

… hỡi quần đảo cuối trời xanh

như trăm hạt thóc vãi thành đảo con

hỡi chùm đảo bỗng chẳng còn

làm chùm trái quý cho non nước nhà[5]...  

 

… Vài chục sát na mô Phật ạ

toan nhâm nhi trà thái nước hai

(ứ phải trà tàu[6] xác định lại

vài chương sau tiện bàn lai rai)

 

lướt mạng thế nào vô tư lự

đụng cái gọi là bản đồ[7] bên ấy

     bên kia

bển

(lối gọi chệch gọn nhẹ trường hợp cực đặc biệt lại được tiếng bình dân thân thiện hảo lớ lở đảo tỷ như đận nọ “tàu lạ”)

 

Phẩy mao[8] chẹp miệng

thôi thế cũng

ăn thua đủ nghĩa tình

một nhất đoạn luận

tới giờ nặng trĩu ngàn năm

Danh - chính - ngôn - thuận

 

(Điệp khúc)

… Bạn đã nghe về hai trận hải chiến xa xưa?

Bạn đã biết ai đã thắng cả hai lần xâm lược?[9]

 

Vừa chẵn nửa thế kỷ

… A há[10]

 

 

CHƯƠNG 1                          

Phương hướng

 

(Các khúc vô đề)

 

 

1.1   

 

Trường ca

       trường ca

   trường ca quần đảo

nóng (n)/lòng sao bốn làn đạn luôn chờ

gióng giả trước nào hỡi bao hảo hớn

cùng thân bằng văn thi hữu nơi nơi

 

Ai là ai thời thế hại anh hùng

vô khối chuyện mãi bây giờ mới kể

ngũ thập niên hề tang điền thương hải

bãi đá xưa nay ngậm ngấm mệnh trời

 

Bốn làn đạn

hải chiến đâu còn đó

Trường ca

       Quần đảo

   Trường ca  

Quần đảo…

       

 

1.2

 

Không mất

        không biến mất

trời cũng không bảo thăng thiên

đất càng không thưa đột thổ

Chúa Phật Thánh Thần vẫn không kêu biến hóa

trẻ trâu không nỡ nói tàng hình

 

Quần đảo

      quần đảo

thưa vâng

                 chính xác quần đảo kia

đã phạm cú lừa lịch-sử-gầm-bàn

luyên thuyên tào lao lôi thôi ôi cũng đành

                                                                  phận bà-già-lịch-sử

bàn bốn chân

chuột bạch chuột cống chuột đồng chuột cảnh chuột nhắt cắn gặm tùm lum

bà già thêm một phen

thua kẻ cướp[11]

                            chuột

 

Ới quần đảo ta ơi

nói càng thêm khổ[12]

 

 

1.3               

 

Sách tựa đầu tay

tung hứng

những pho trường ca tân cổ lưu thông Tây Đông hợp điệu thuận duyên đáo để

Aniara[13]Hoa Linh ThảoPhồn Sinh[14] Bài Hát Chính Tôi[15] Sa Mộc[16] Lục Bát Lên Đồng[17] Ô Mai[18]Về Trung[19]

(riêng cái sau cùng

không trường ca hình thức cấu trúc mà hình thái thi điệu

khơ khớ oách)

tứ thi hữu

     giai lanh tài gái giỏi xinh

cùng liền anh thi nhân đầu 4X

   biên tập viên cừ khôi kiêm dịch giả khủng

   dọn nhà kho sách dư đầy

   bèn khuân đến hội phát đây mang về

   sang năm dọn nữa anh nha

   liền em sẽ lại trường ca hát cùng

 

Sách tựa đầu óc

hóc búa ráng mà học

     Văn Bản Học Và Sự Bất Ổn Của Nghĩa[20]

rồi

    Phạc Nhiên ĐY[21]

(quả này búa bổ không bổ thượng cũng bổ hạ)

tới

     Nhịp điệu vẽ lối đi[22]

xuyên thấu

       Phê Bình Văn Học Việt Nam Hiện Đại - Lịch Sử Và Chân Dung[23]

 

Sách tựa bàn chân

đắp nền

   Đánh Đường Tìm Hoa Đối Thoại Với Hoa[24]

   Người Ca Thơ đang Tháo Mặt Nạ[25] trên Những Mảnh Thuyền[26]

 

Sách tựa linh hồn

Thiền Năng Lượng[27]

 

Cùng kha khá ấn phẩm báo chí vật tặng

tạo nguồn[28]

từ mỗi chặng hành hương nửa năm trường lòng vòng cố quận

 

Ấy vậy

lỡ nhịp đại hành trình hải phận

quan yếu nhất

 

mỗi năm gió thuận đôi mùa

tháng chạp qua tới tháng tư bão chùng

sóng bớt hỗn sóng hết lừng

biển bao nhiêu sóng khóc cùng đảo xa

 

thế nên cái đang bị là

Quần-đảo-tráo-tên

càng thêm nức nở

bá ngọ nó!

   

 

1.4    

 

… Kia

kia kìa

nguyên vẹn quần đảo

       to đùng bát điếu

từng bị đánh tráo

       trắng trợn tráo trở trâng tráo

cái gọi là chủ quyền

(hơ hơ bản quyền

ôi cái mỹ tự đến từ

đám văn nhân viển vông

mà chưa hẳn vô tích sự

cầm súng không chặt ngón cò

cầm xẻng chống lại súng run tay tê thấp khớp

ở xa la lớn nếu ta là thi sĩ nhớn

hải chiến kia đã không thể hiện hình[29])

 

Cú nữa thảm thê thêm

14 năm sau[30]

một ngày này xuân mởn

 

64 quân sĩ công binh tay không trụ chân đồng bãi đá

Trung úy

    Phó chỉ huy trưởng đảo 

sừng sững giữ cờ

như nâng thập tự

lừng lững thét vang

người chết đảo không mất

lời thề hải quân Tổ quốc

kẻ muốn nhổ ngọn cờ khỏi ngực

thì nhận đây dòng máu nóng hực ra[31]

 

không ngọn gió nào như gió ở đây

mảng thân thể xẻ

đỏ chói

không ụ sỏi

không nấm mồ

cột mốc gió

nghìn năm

ngạo nghễ

sự thật như cát

không ngọn gió nào như gió ở đây

gió ngầm gió nổi gió cuốn chiếu gió ngang dọc

 

64 kiểu gió 64 cuộc đời[32]

 

mộ gió[33] đây

                         đất thành xương cốt

cứ gọi lên là rõ hình hài

mộ gió đây

                cát vun thành da thịt

mịn màng đi

                  dìu dặt bên trời...

 

mộ gió đây

                  những phút giây biển lặng

gió là tay ôm ấp bến bờ xa

chạm vào gió như chạm vào da thịt

chạm vào

                nhói buốt

                           Vàng Sa

 

mộ gió đấy

                 giăng từng hàng từng lớp

vẫn hùng binh giữa biển đảo xa khơi

là mộ gió

               gió thổi hoài thổi mãi

thổi bùng lên

                         những ngọn sóng

                                                             ngang trời[34]

 

liệu chăng động lòng Chúa Phật

 

bằng không

cả trăm đảo đá bãi đảo nhỏ cồn cát rạn đá ngầm bãi cát ngầm bãi cạn bãi ngầm

đã bị đánh tráo bố láo bố thiên

ngay và luôn

sau vài chục cho chí vài trăm sát na

       mấy nỗi

 

Cái gọi là chủ quyền[35]

và tất nhiên kéo theo cả hệ-thống-cống-rãnh

(chậc

là nói cái hệ thống nhà bển)

nhất trí đồng loạt mạo danh

 

Bố khỉ thời 4.0 mạt danh

sanh nhầm phiên bản tỏ vẻ chuẩn khó thể chỉnh bởi Ai[36] quái thai

(lại là quái thai phi bản quyền mới nhọc lòng bá tánh

chả làm sao kiện tụng nổi bởi hoài công mà đấm đại-lục-bông)

 

Mách sổ Nam Tào Bắc Đẩu

bển vứt xuống thềm lục địa này[37] hai Quần-đảo-tráo-tên

rồi ạ

(các thềm khác ư có nhẽ cũng tùm lum tà la)...

 

… Đường hồi hương nhớ đầy

chiều chậm đưa chân ngày

tiếng buồn vang trong mây

tiếng buồn vang trong mây

có phải sầu vạn cổ

chất trong trường ca nay

tôi là người viết lách

mất đảo khó làm khuây

ngỡ lòng mình là biển

ngỡ hồn mình là mây

nhớ đảo nâng bút viết

sóng buồn bay lên đây…[38]

 

 

1.5   ĐIỆP KHÚC

 

… Bạn đã nghe về hai trận hải chiến xa xưa?

Bạn đã biết ai đã thua cả hai lần yêu nước?[39]...

 

 

CHƯƠNG 2 

Hải đăng

 

 

Bộ tư lệnh Hải quân vừa hoàn thiện kể như mỹ mãn

Danh sách các ngọn hải đăng

                                    cực kỳ oách

                      và rất chi là vô cùng cần thiết

 

Hội Thi sĩ nhà ta

                  thi lệnh như sơn

                              nương theo

nghe nói đang túi bụi sắp xếp

các hải đăng phù tiêu của mình theo đúng chuyên môn

 

Ấy là

Danh sách thi phẩm về biển đảo

thi ca giăng hàng thẳng lối gióng ra chủ quyền cương vực Tổ quốc ngoài khơi[40]

 

Vậy nên nơi đây

mạn phép xưng danh Mõ-quần-đảo

                   (giải quyết tí khâu oai)

trường-ca-ca liều bút gõ mõ làng thơ

 

Chiềng làng chiềng chạ

dân ta khắp nơi

từ lòng đất nước

ra 4 phương trời

12 phương biển

đông tây nam bắc

tây đông bắc nam

nam bắc đông tây

tây nam đông bắc

ai có ai biết

thơ ngắn thơ dài

ca dao đồng dao

trường ca càng oách

nói chung tóm lại

hễ cứ văn vần

yêu nước thương biển

nhớ quần nhớ đảo

chữ S dặm khơi

gửi tên sáng tác

nhập vô Danh sách

có trọn vẹn bài

hoặc vài câu trích

oen-com[41] bằng thích

 

buổi đầu tiếng mõ chưa ngân

chưa đầy chưa vẹn đặng phần xứng danh

cũng xin gom chút lòng lành

rất mong tạ lỗi chờ lần nữa cơ

mõ-quần-đảo chiềng làng thơ…

 

(Điệp khúc)

… Bạn đã nghe về hai trận hải chiến xa xưa?

Bạn đã biết ai đã thắng cả hai lần cướp nước?[42]...

 

 

(Còn tiếp)

 

Hà Nội & Sài Gòn (Phác thảo 19/1)

Vancouver (Chấp bút 14/3 - Hoàn thành 28/8 - Tu chỉnh 1/10/2024  

 

Đỗ Quyên

 

 

 



[1] Và, xin trân trọng cảm tạ 245 tác giả của những tác phẩm, lời trích… mà trường ca thời sự này mạn phép “liên văn bản”, cũng như chân thành cáo lỗi các đồng tác giả đó về những gì chưa phải ngoài thiện ý của người viết.

[2] Thành ngữ.

[3] Nguyên bản tiếng Pháp “Toujours il y eut cette clameur / Toujours il y eut cette fureur” (Saint-John Perse, trường ca Lưu Đầy / Exil) là lời đề từ trong bài thơ Trường Sa Hành của Tô Thuỳ Yên.

[4] Quần đảo Hoàng Sa, vi.wikipedia.org 19/1/2024.

[5] Theo bài thơ Gần Lắm Trường Sa (Lê Thị Kim, thivien.net 19/1/2024).

[6]Trà Việt Nam”, vi.wikipedia.org 19/1/2024.

[8] Chuột máy tính (tiếng Anh: Computer mouse). Ở các chú thích tiếp theo, sẽ chỉ ghi rõ với những tiếng nước ngoài không là tiếng Anh.

[9] Theo “Bạn đã nghe về trận hải chiến xa xưa? / Bạn đã biết ai đã thắng dưới ánh trăng sao đêm ấy?” (Walt Whitman - Trường ca Song of Myself / Bài Hát Chính Tôi; Hoàng Hưng chuyển ngữ).

[10] Ca từ Việt Nam - Trung Hoa (Đỗ Nhuận).

[11] Sự chuẩn bị của Trung Quốc

Đêm 17 tháng 1 năm 1974, Chu Ân Lai nhận báo cáo tình hình Hoàng Sa từ [...] Cục phó Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Sau đó Chu Ân Lai cùng với Diệp Kiếm Anh viết báo cáo gửi Mao Trạch Đông đề nghị phái quân ra quần đảo Hoàng Sa. Mao Trạch Đông phê vào bản báo cáo [...]: "Đồng ý!" và nói rằng, "trận này không thể không đánh". Mao Trạch Đông giao cho Diệp Kiếm Anh và Đặng Tiểu Bình trực tiếp chỉ huy trận đánh tại quần đảo Hoàng Sa. Đây là trận đánh đầu tiên của Đặng Tiểu Bình khi mới được phục chức sau 7 năm đi ‘cải tạo’. Ngày 18/1/1974, Chu Ân Lai triệu tập cuộc họp Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc để thảo luận về tình hình Hoàng Sa và lập ra Ban chuyên trách 5 người để đối phó với các diễn biến có thể xảy ra (...) gồm: Diệp Kiếm Anh (Chủ nhiệm), Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Đặng Tiểu Bình và Trần Tích Liên.[...]

“Trung Quốc chiếm toàn bộ Hoàng Sa

Trong khi chiến sự đang diễn ra tại Hoàng Sa, Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình [...] báo cáo lên Mao Trạch Đông đề nghị cho phép quân đội Trung Quốc chiếm tất cả các đảo do Việt Nam Cộng hòa kiểm soát. Mao đã chấp thuận đề nghị này. Khi hải chiến Hoàng Sa kết thúc, sau khi nghe báo cáo, Đặng Tiểu Bình đã chỉ thị cho Quân khu Quảng Châu tiếp tục đánh chiếm các đảo Hoàng Sa, Hữu Nhật và Quang Ảnh.”

(“Hải chiến Hoàng Sa 1974, vi.wikipedia.org 19/1/2024; 50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Bài học lớn cho Việt Nam; Toshi Yoshihara & Mỹ Hằng, bbc.com 16/1/2024; "Tổng thống Thiệu ra lệnh tái chiếm Hoàng Sa, nhưng…”, nhadatphucankhang 1/2/2016); “Chiến dịch tái chiếm Hoàng Sa bất thành của không lực VNCH”, Lê Đức Dục baotiengdan.com 19/1/2021). 

[12] Theo bài thơ Văn tế Ngạc Nhi (Nguyễn Khuyến).

[13] Sử thi khoa học giả tưởng Aniara của Harry Martinson (1956); Hoàng Hưng dịch thơ, Tobias Theander & Mimmi Diệu Hường Bergström dịch và hiệu đính tiếng Thụy Điển sang tiếng Việt,  Erik Bergqvist biên tập dịch thuật - 2012).

[14] Hai trường ca của Nguyễn Linh Khiếu (2021 và 2018).

[15] Trường ca của W. Whitman (1891); Hoàng Hưng chuyển ngữ (2015), Tài liệu đã dẫn.

[16] Trường ca của Phạm Vân Anh (2016).

[17] Trường ca của Thế Dũng (2010).

[18] Tiểu-thuyết-thơ của Đặng Đình Hưng (1993).

[19] Tập thơ của Đặng Thân (2024).

[20] Tập tiểu luận của Trương Đăng Dung (2021).

[21] Tập tiểu luận của Đặng Thân (2022).

[22] Tập phê bình, tiểu luận của Mai Văn Phấn (2024).

[23] Tập nghiên cứu-phê bình của Trần Đình Sử (2023).

[24] Hai tập chân dung nhân vật của Nguyễn Thị Minh Thái (2018 và 2010).

[25] Theo tên hai bản thảo văn chương của Bùi Mai Hạnh.

[26] Theo tên một bản thảo tiểu thuyết của Nguyễn Đức Tùng.

[27] Tập giáo lý tâm linh của Vô Hữu (2023).

[28] Bài thơ ngoại đề (Trọng lượng thơ tình; Đỗ Quyên, vanchuongviet.org 12/4/2024).

[29] Theo “Mọi thứ nay kết thúc thật rồi. Nếu tôi thực sự là một nhà thơ, tôi đã có thể ngăn cản cuộc chiến.” - Ghi chép khuyết danh 23/8/1939, một tuần trước khi Chiến tranh thế giới thứ hai bắt đầu (Elias Canetti; Nghề của Nhà thơ, Quyên Hoàng dịch từ bản dịch tiếng Anh, vanviet.info 18/11/2023).

[31] Theo bài thơ Gửi Quần Đảo Trường Sa (Đỗ Nam Cao, thethaovanhoa.vn 30/10/2012).

[32] Theo bài thơ Gió Hoàng Sa (Hoàng Vũ Thuật, thivien.net 19/1/2024).

[33] Mộ tượng trưng theo nghi lễ chiêu hồn những chiến binh thời Nguyễn đi bảo vệ chủ quyền biển, đảo, không trở về.

[34] Theo toàn bộ bài thơ Mộ Gió (Trịnh Công Lộc, vanhocnghethuathatinh.org.vn 25/7/2021).

[35] “Ngày 12/7/2024 đánh dấu tròn 8 năm Tòa Trọng Tài Quốc Tế xác định rằng các yêu sách hàng hải mở rộng của Trung Quốc ở Biển Đông là không phù hợp với luật pháp quốc tế. (...) Tám năm sau, Việt Nam, Philippines vẫn phải đối phó với những hành động bạo lực, hăm dọa của Trung Quốc trong chiến lược “mưa dầm thấm lâu” độc chiếm Biển Đông (...) Các hành động của Trung Quốc phản ánh sự coi thường trắng trợn đối với luật pháp quốc tế”, theo thông cáo của ngoại trưởng Mỹ ngày 11/7. Phía Liên Hiệp Châu Âu khẳng định trong một tuyên bố ngày 12/7 rằng phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực năm 2016 có giá trị ràng buộc pháp lý đối với các bên liên quan. Tuy nhiên, đối với Bắc Kinh, chỉ có luật quốc gia của Trung Quốc mới có giá trị ở Biển Đông. (...)

Chiến lược này được ban thành luật về vùng lãnh hải tháng 2/1992. Thoạt nhìn định nghĩa “lãnh hải” của Bắc Kinh phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 mà Trung Quốc là thành viên. Nhưng điểm nguy hiểm nằm ở tuyên bố 1958, được nhắc lại trong bộ luật 1992, theo đó lãnh thổ đất liền của Trung Quốc bao gồm Đài Loan và các nhóm đảo khác như Sankaku/Điếu Ngư (tranh chấp với Nhật Bản), Bành Hồ, Đông Sa, Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa), Nam Sa (quần đảo Trường Sa). Do đó, Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với 80 đến 90% diện tích Biển Đông. Yêu sách này được chính thức ghi trong tài liệu “đường 9 đoạn”, lần đầu tiên được chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa công bố chính thức bằng một công hàm ngoại giao gửi tới Liên Hiệp Quốc vào tháng 5/2019. (...) Bản thân tuyên bố này đã là một hành động kiểu “chuyện đã rồi” (...)

Biển Đông sẽ là địa điểm thử nghiệm đầu tiên về một trật tự mới mang màu sắc Trung Hoa, trước khi chuyển sang giai đoạn tiếp theo, đó là thống nhất với đảo Đài Loan.”

(“Việt Nam trước chiến lược “mưa dầm thấm lâu” của Trung Quốc để độc chiếm Biển Đông”; Lénaïck Le Peutrec / RFI, rfi.fr 15/7/2024).

[36] Trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence).

[37] Theo “Việt Nam vứt xuống thềm lục địa này ba tên đế quốc” (Chế Lan Viên, bài thơ Bể Và Người).

[38] Theo bài thơ Màu Cây Trong Khói (Hồ Dzếnh).

[39] Theo “Bạn đã nghe về trận hải chiến xa xưa? / Bạn đã biết ai đã thắng dưới ánh trăng sao đêm ấy?” (W. Whitman - Trường ca Bài Hát Chính Tôi, Tlđd).  

[40] Xin dẫn xuất một danh sách tượng trưng.

Thơ:

Trường Sa hành (Tô Thuỳ Yên); Gửi quần đảo Trường Sa (Đỗ Nam Cao); Thơ tình người lính biển, Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn, Lính đảo hát tình ca trên đảo, Đoạn văn xuôi chép ở đảo chìm, Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài, Hát về hòn đảo chìm (Trần Đăng Khoa); Tổ Quốc nhìn từ biển, Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra, Tổ quốc bên bờ biển cả (Nguyễn Việt Chiến); Mộ gió, Từ biển mà đi, Thơ viết về biển, Còn đấy, Hoàng Sa!, Vòng hoa quanh đảo Gạc Ma (Trịnh Công Lộc); Em hãy về với biển đảo quê hương, Huyện đảo quê hương (Giang Nam); Gần lắm Trường Sa (Lê Thị Kim); Một Trường Sa, mọi Trường Sa; Từ Trường Sa, Trường Sa, Lời người lính ở đảo Sơn Ca (Đặng Huy Giang); Đất đi chơi biển (Phạm Đình Ân); Gió Hoàng Sa, Mắt Trường Sa (Hoàng Vũ Thuật); Thao thức từ Lý Sơn (Nguyễn Kim Ngân); Một trưa Trường Sa, Rau Trường Sa (Vương Trọng); “Nếu tôi là người Trung Quốc”, Nắng nóng Trường Sa, Trường Sa dây bí, dây bầu… (Lê Huy Mậu); Sóng Gạc Ma (Huy Tùng); Thao thức Trường Sa (Nguyễn Thế Kỷ); Gửi Trường Sa, Thời sự tháng 5.2014, Lời mẹ dặn, Đêm đầu tiên ở biển xanh (Lê Minh Quốc); Chuyện ở Trường Sa (Thuận Hữu); Biển thức (Vũ Thanh Hoa); Ở toạ độ 15 vĩ Bắc 111 kinh Đông, Vẫn một Trường Sa trong thơ; Trùng khơi (Trần Thế Vinh); Tình ca sau đêm bão (Trúc Chi); Trái bàng vuông ở đảo Trường Sa; Nhịp tim kê chân đảo (Lê Thị Mây); Khúc ru con khi biển Đông dậy sóng (Trà Hoa Nữ); Thao thức từ Lý Sơn (Nguyễn Kim Ngân); Trăng ở Trường Sa, Trường Sa áo trắng (Nguyễn Đình Xuân); Biển đảo quê hương (Trần Ngọc Hưởng); Chú ở Trường Sa (Nguyễn Lãm Thắng); Tháng tư, Trường Sa (Nguyễn Khoa Điềm); Tổ quốc tôi ba nghìn cây số biển (Nguyễn Ngọc Phú); Thơ từ Trường Sa, Mưa Trường Sa đón khách (Nguyễn Hữu Quý); Chiến sĩ đảo Song Tử Tây, Áo dài ở Trường Sa (Phùng Văn Khai); Nhớ Trường Sa (Đỗ Quý Doãn); Sóng Gạc Ma (Huy Tùng); Tiếng chuông chùa trên đảo (Lê Quang Sinh); Con mắt long lanh (Mai Thìn); v.v…              

Trường ca và thơ dài:

Chuyện một đêm ở Cồn Cỏ (Nguyễn Trọng Oánh); Ba phần tư trái đất (Thi Hoàng); Hoàng Sa hành (Nguyễn Hữu Nhật), Trường ca biển (Hữu Thỉnh); Hào phóng thềm lục địa (Nguyễn Thanh Mừng); Biển mặn (Nguyễn Trọng Tạo); Huyền thoại biển và Tàu Không số (Trung Phương); Hạ thủy những giấc mơ (Nguyễn Hữu Quý); Mười bảy khúc đảo ca (Dương Thuấn); Đảo chìm, Hơi thở rừng hồi (Vương Trọng); Tổ quốc - đường chân trời (Nguyễn Trọng Văn); Trường ca Hoàng Sa - Trường Sa (Nguyễn Hữu Viện); Trường ca biển Đông & giữ hồn dân tộc (Nguyễn Nhã); Biển và tôi (Nguyễn Ngọc Phú); Nước non mặt biển (Nguyễn Quang Hưng), Ngang qua bình minh (Lữ Mai); Sóng trầm biển dựng (Ðoàn Văn Mật); Nơi khôn thiêng của biển (Lương Hữu Quang); Quần-đảo-tráo-tên (Đỗ Quyên); v.v…

("Trường ca Việt Nam: Tác giả và tác phẩm”; Đỗ Quyên; vanviet.info 28/4/2015, vanhoanghean.com.vn 3/10/2011).

[41] Welcome (Đón nhận).

[42] Theo “Bạn đã nghe về trận hải chiến xa xưa? / Bạn đã biết ai đã thắng dưới ánh trăng sao đêm ấy?” (W. Whitman, Tlđd).

 

Đỗ Quyên
Số lần đọc: 143
Ngày đăng: 08.10.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hình bóng biển trời (tiếp theo Chương 13) - Phan Tấn Uẩn
Về miền trú ẩn (Phần 14) - Đỗ Nguyễn
Hình bóng biển trời (Tiếp theo chương 12) - Phan Tấn Uẩn
Về miền trú ẩn (Phần 13) - Đỗ Nguyễn
Về miền trú ẩn (Phần 12) - Đỗ Nguyễn
Về miền trú ẩn (phần 11) - Đỗ Nguyễn
Hình bóng biển trời (Tiếp theo chương 11) - Phan Tấn Uẩn
Về miền trú ẩn (phần 10) - Đỗ Nguyễn
Về miền trú ẩn (phần 9) - Đỗ Nguyễn
Hình bóng biển trời (Tiếp theo chương 10)) - Phan Tấn Uẩn
Cùng một tác giả
Hôn - 2 (thơ)
Em (thơ)
Thai phu (truyện ngắn)
Ăn tim (truyện ngắn)
Thư về thơ (phê bình)