Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
991
123.201.296
 
127. Vua Lê Thần Tông lên ngôi lần thứ hai [1649-1662].
Hồ Bạch Thảo

 

(Vua Lê, Chúa Trịnh buổi đầu ngầm giúp nhà Minh, nhưng khi quân Thanh chiếm Trung Quốc, đành phải liên lạc ngoại giao với nhà Thanh. Thanh Khang Hy  với ý đồ chia rẽ An Nam, phong chức cho cả nhà Lê và Mạc. Tại miền Nam, Chúa Nguyễn Phúc Tần sai tướng lấy đất Chiêm Thành từ đất Phú Yên đến sông Phan Rang; sau đó cho mang quân đánh Biên Hòa, bắt  Vua nước Chân Lạp Nặc Ông Chân về, rồi cho làm phiên thần, hằng năm nộp cống. Phía bắc quân Nguyễn đánh úp quân Trịnh, ra đến bờ sông Lam, sau đó rút quân về mạn sông Gianh.)

Tháng 10 năm Khánh Đức thứ 2 [25/10-23/11/1650], (Minh Vĩnh Lịch năm thứ 4; Thanh Thuận Trị năm thứ 7), thi Hội các sĩ nhân trong nước. Lấy đỗ bọn Khương Thế Hiền 8 người. Tháng 12 [21/1-19/21651], thi Đình, cho Khương Thế Hiền đỗ Tiến sĩ cập đệ tam danh, Nguyễn Văn Lễ đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Trịnh Cao Đệ 6 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân.

Tháng 2 năm Khánh Đức thứ 3 [21/3-19/4/1651], (Minh Vĩnh Lịch năm thứ 5; Thanh Thuận Trị năm thứ 8). vua Chiêu Tông nhà Minh chạy xuống đóng quân ở Nam Ninh [Quảng Tây], sắc dụ cho Chúa Trịnh Tráng cấp binh tượng, lương súng để giúp việc đánh dẹp. Trịnh Tráng đáp ứng, nên vào tháng háng 10 [13/11-12/12/1651], nhà Minh sai quan mang sắc và ấn sang phong Trịnh Tráng làm Phó quốc vương. Lời sắc viết:

 "Trẫm nghĩ, tổ tông dựng nên bờ cõi, thanh giáo rộng ban; lấy lễ, tín đối đãi ngoại phiên để mở rộng dậu phên cho nhà nước. An Nam vương họ Lê nước người, xa ở cõi Nam, đời đời thần phục, đội đức giữ trung, luôn kính theo lệnh. Xét nguyên do được như thế, là do công của ông cha Trịnh Tráng ngươi phụ quốc chính, trước sau cùng đức khuông phù, công lao giúp dập được ghi chép lưu truyền, sớm tỏ lòng trung với nước. Truyền đến Tráng ngươi, công danh rực rỡ, dân chúng xiêu lòng, giúp vua đỡ dân, làm tròn chức phận, trẫm đã biết rõ. Mới rồi, trẫm đóng tại Việt Tây [Quảng Tây], mưu việc khôi phục, sớm khuya lo nghĩ đã 5 năm nay. Nay các bề tôi huân cựu ở Xuyên Sở [Tứ Xuyên, Hồ Nam] lũ lượt vào giúp, đại quân đến đâu, muôn bếp khói tụ, thế quân lừng vang. Những người đem quân hộ vệ từ trước, đã lần lượt đi cả, mà Trịnh Tráng ngươi dâng biểu nộp cống, từ mùa xuân đến mùa thu, vất vả theo gót, không dám bỏ thiếu, trẫm rất khen ngợi. Tuy có nhiều kẻ chê gièm, trẫm cũng không có lòng ngờ vực. Vậy đặc ban ân điển riêng, tấn phong người làm An Nam phó quốc vương, ban cho sắc, ấn, ngươi kính nhận lấy. Ôi, triều đình đặt phiên trấn bên ngoài, cốt để vỗ yên cõi xa, mở rộng phên dậu. Lúc yên bình thì thấm nhuần đức giáo, khi đánh dẹp thì giúp đỡ minh uy. Đã là cánh, là thành, thì trong, ngoài không có khác. Ngươi nhận được mệnh ban tôn quý, phải gắng trung trinh, giúp đỡ họ Lê, giữ bền chức cống, làm phên dậu cõi Nam cho trẫm, giữ mãi đời đời. Hãy kính theo".

Tháng 3 năm Khánh Đức thứ 4 [8/4-7/5/1652], (Minh Vĩnh Lịch năm thứ 6; Thanh Thuận Trị năm thứ 9); thi Hội các sĩ nhân trong nước. Lấy đỗ bọn Nguyễn Đình Chính 9 người. Tháng 4 [8/5-5/6/1652], thi Đình, Vua thân ra đầu đề văn sách, hỏi về chính sự hay dở; cho bọn Phùng Viết Tu hai người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Hồ Sĩ Dương 7 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân.

Tháng 8 [3/9-1/10/1652], tiến phong Thái uý Tân quốc công Trịnh Tạc làm Nguyên soái chưởng quốc chính Tây Định Vương.

Tháng 2 năm Khánh Đức  thứ 5 [28/2-28/3/1653], (Từ tháng 2 trở đi đổi là Thịnh Đức năm thứ 1; Minh Vĩnh Lịch năm thứ 7; Thanh Thuận Trị năm thứ 10), sao Chổi mọc ở phương đông. Vua Thần Tông ban đại xá, đổi niên hiệu là Thịnh Đức năm thứ 1.

Tháng 3 [29/3-26/4/1653], tại miền Nam, Chúa Nguyễn mở cuộc duyệt binh lớn ở xã An Cựu [phường An Cựu, thành phố Huế]

Bấy giờ có Vua nước Chiêm Thành là Bà Tấm xâm lấn Phú Yên, Chúa Nguyễn sai Cai cơ Hùng Lộc làm Thống binh, lãnh 3.000 quân đi đánh. Quân đến Phú Yên, các tướng đều muốn dừng lại để dụ địch. Hùng Lộc nói:

-“Ra quân lúc không ngờ, đánh giặc lúc không phòng bị, là mưu hay của nhà binh. Nay quân ta từ nơi xa đến, lợi ở sự đánh chóng, cần gì phải dụ”.

Bèn tiến quân vượt đèo Hổ Dương núi Thạch Bi [Phú Yên], đánh thẳng vào thành, nhân đêm phóng lửa đánh gấp, cả phá được. Bà Tấm trốn chạy; lấy được đất đến sông Phan Rang. Bà Tấm sai con là Xác Bà Ân mang thư xin hàng. Lấy sông Phan Rang làm giới hạn, từ phía đông sông đến địa đầu Phú Yên chia làm hai phủ là Thái Khang [nay là Ninh Hòa, bắc Khánh Hòa] và Diên Ninh [nay là Diên Khánh, nam Khánh Hòa đến Ninh Thuận]. Phủ Thái Khang có 2 huyện: Quảng Phước và Tân An; phủ Diên Ninh có 3 huyện: Phước Điền, Vĩnh Xương và Hoa Châu. Đặt dinh Thái Khang (nay là Khánh Hòa) cho Hùng Lộc trấn giữ. Phía tây sông Phan Rang thuộc Chiêm Thành, bắt theo lệ cống.

 Năm Thịnh Đức thứ 2 [1654], (Minh Vĩnh Lịch năm thứ 8; Thanh Thuận Trị năm thứ 11); triều Lê Trịnh sai bộ Lại phụ trách tuyển bổ các chức trong triều và các địa phương, giao xuống cho triều thần nghị bàn. Những người dự khoa sĩ vọng đỗ ba trường và con cháu công thần đều được tuyển dụng.

Tháng giêng [17/2-18/3/1654], tại miền Nam Chúa Nguyễn triệu Trấn thủ dinh Bố Chính [Quảng Bình] là Xuân Sơn, cho sang trấn giữ dinh Thái Khang [Khánh Hòa], lấy Phù Dương thay Xuân Sơn. Phù Dương đến Bố Chính, sửa sang thành trì, vỗ về quân sĩ, mọi người đều mến phục.

 Tháng 4 năm Thịnh Đức thứ 3 [6/5-3/6/1655], (Minh Vĩnh Lịch năm thứ 9; Thanh Thuận Trị năm thứ 12), Chúa Nguyễn Phúc Tần ở Thuận Hoá sai thuộc hạ là Thuận Nghĩa hầu Nguyễn Hữu Tiến, Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật đánh úp, phá được viên Mậu quốc công Phạm Tất Toàn tại dinh Tam Hiệu [Ba Đồn] ở châu nam Bố Chính [bắc sông Gianh, Quảng Bình]; Tất Toàn đem châu ấy đầu hàng. Quân Nguyễn thừa thắng tiến đánh bọn Tả trấn Tiến quận công Lê Văn Hiểu, Hữu trấn Đông quận công Lê Hữu Đức ở miền Hà Tây, huyện Kỳ Hoa [Kỳ Anh]. Văn Hiểu đem quân bản bộ liều sức đánh, chân trúng đạn, thế không địch nổi, cùng với Hữu Đức rút chạy. Ngày hôm ấy, Văn Hiểu, Hữu Đức và thuộc tướng hai dinh chạy ra An Trường [thành phố Vinh]. Quân Nguyễn lấn vào đất Thạch Hà. Hôm sau, Văn Hiểu và Hữu Đức lại đem thuộc tướng tiến vào đóng quân ở xã Đại Nại, huyện Thạch Hà, để làm kế chống giữ.

Tháng 5 [4/6-3/7/1655], phía Trịnh cho gọi Lê Văn Hiểu, Lê Hữu Đức và các thuộc tướng về Kinh; đi được nửa đường, Văn Hiểu bị đau vì vết thương mà chết.

Tháng 6 [4/7-1/8/1655], xét tội thua trận, truy thu lại sắc ấn của Lê Văn Hiểu, giáng Lê Hữu Đức làm Đô đốc thiêm sự, phần đông bọn thuộc tướng đều bị giáng hoặc bãi chức. Người châu Bố Chính là Nguyễn Tất Thú không theo Phạm Tất Toàn đầu hàng, cho thăng chức tước. Tháng ấy, sai Thái bảo Khê quận công Trịnh Trượng làm thống lĩnh, đem 18 viên thuộc tướng đến xứ Nghệ An tiến đánh quân Nguyễn.

 Tháng 8 [31/8/29/9/1655], Trịnh Trượng đem đại binh tiến đến huyện Kỳ Hoa, rồi lui về xã Lạc Xuyên [Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh]. Quân Nguyễn bám sát, quân Trịnh thua chạy, vứt bỏ hết quân nhu, khí giới. Thuyền quân Nguyễn vào cửa biển Kỳ La [cửa Nhượng, huyện Cẩm Xuyên]; phía Trịnh, Lũng quận công Vũ Văn Thiêm dời thuyền ra đóng ở cửa biển Đan Nhai [cửa Hội, cửa sông Lam]. Rồi thuyền Nguyễn vào cửa biển Nam Giới [cửa Sót, huyện Thạch Hà], Nguyễn Hữu Sắc nghe tin bỏ chạy, Lê Nhân Hậu vừa đánh vừa lùi. Trịnh Trượng cùng các tướng chạy đến đất An Trường. Lại chia quân đóng đồn ở Bắc Hà [bắc sông Lam] từ Nghĩa Liệt [núi Thành, Nghệ An] đến cửa biển Đan Nhai để ngăn giặc. Khi ấy quân Nguyễn thừa thế tiến đến đất Bân Xa huyện Thiên Lộc [huyện Can Lộc, Hà Tĩnh]; miền nam sông Lam vì thế rối loạn. Tháng ấy, Chúa Trịnh Tráng sai con, Tây Định Vương Trịnh Tạc, đích thân đem tướng sĩ các dinh tiến đánh.

Tháng 10 [29/10-27/11/1655], sai Tả đô đốc Ninh quận công Trịnh Toàn [con út Trịnh Tráng] làm thống lĩnh, cùng Lũng quận công Vũ Văn Thiêm đốc suất thuỷ quân, chia đường đánh giặc. Khi tiến đến đất Kỳ Hoa thì quân Nguyễn tự rút lui.

Tháng 11[28/11-27/12/1655], bọn Trịnh Toàn, Đào Quang Nhiêu, Lê Hữu Đức rút quân về An Trường. Tây Định Vương Trịnh Tạc hạ lệnh cho các tướng đem quân về Kinh. Lại sai thuộc tướng là Đề đốc Nam quận công Thân Văn Quanh, Tham đốc Lại quận công Mẫn Văn Liên, Cai đội là bọn Nguyễn Văn Khuê, Lê Văn Tiến, Lê Văn Hy đóng đồn ở xã Tiếp Vũ [thuộc huyện Can Lộc, Hà Tĩnh], Lăng quận công Lại Thế thì đóng đồn ở xã Minh Lương [huyện Can Lộc] để chống giữ quân Nguyễn.

 Tháng giêng năm Thịnh Đức thứ 4 [26/1-24/2/1656], (Minh Vĩnh Lịch năm thứ 10, Thanh Thuận Trị năm thứ 13); quân Nguyễn đánh úp đồn Tiếp Vũ [huyện Can Lộc], tướng Trịnh là bọn Thân Văn Quanh thua chạy. Quân Nguyễn thừa thắng đuổi đánh thủy binh Trịnh ở sông Tam Chế (1) [sông Lam gần Vinh]. Bấy giờ phía Trịnh, Vũ Công Quang và Lê Sĩ Hậu hợp sức cùng đánh, quân Nguyễn hơi lùi.

Tháng 2 [25/2-25/3/1656], Nguyễn Hữu Dật tiến quân đến núi Hồng Lĩnh [Hà Tĩnh], gặp du binh của Trịnh, đánh phá được. Bấy giờ tướng Trịnh là Võ Văn Thiêm đem thủy binh lên bờ, tiên phong của Hữu Dật đánh ngay; Văn Thiêm lui giữ xã Đằng Để, Hữu Dật đốc quân xung kích, bắn giết được tướng là Tường Trung. Văn Thiêm sợ lắm, chạy về An Trường [Vinh]. Hữu Tiến suất quân đến Minh Lương; Đào Quang Nhiêu chia quân chống đánh, bị tướng Nguyễn là Đăng Doanh đánh thua, các tướng Trịnh đều trốn. Quang Nhiêu cũng bỏ lũy về An Trường. Hữu Tiến và Hữu Dật bèn thu quân đóng ở Vân Cát. Chúa Trịnh Tráng sai Thiếu bảo Trịnh Toàn thống lĩnh các tướng trấn giữ Nghệ An, bọn Vũ Văn Thiêm, Đào Quang Nhiêu đều thuộc dưới quyền.

Tháng 5 [24/5-21/6/1656], sau khi Trịnh Toàn đến quân thứ, đốc suất các quân tiến đến Thạch Hà, sai bọn Đào Quang Nhiêu và Dương Hồ quản Lĩnh quân bộ đóng ở Hương Bộc và Đại Nại [đều thuộc huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh], bọn Xuân quận công Lê Sĩ Hậu và Bùi Sĩ Lương quản lĩnh quân thủy đóng ở cửa biển Nam Giới [cửa Sót, huyện Thạch Hà], Vũ Văn Thiêm đóng ở Đan Nhai [cửa Hội sông Lam]. Phía Nguyễn, Hữu Tiến họp các tướng ở Na Khố [huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh], sai Dương Trí và Nguyễn Văn Kiều quản lĩnh quân thủy, bọn Tống Phúc Khang và Phù Dương quản lĩnh quân bộ, chia đường tiến đánh. Dương Trí tiến đánh ở cửa biển Nam Giới [cửa Sót, huyện Thạch Hà], Hữu Dật đốc suất quân bộ đánh tiếp, bắt được Xuân quận công và 30 chiếc thuyền chiến. Bọn Sĩ Hậu và Sĩ Lương đều thua chạy. Dương Trí bèn tiến quân đến sông Lam, phó tướng Văn Kiều đem quân thủy thẳng đến Đan Nhai, lại đánh phá tan được quân thủy của họ Trịnh; Văn Thiêm bỏ thuyền chạy. Trịnh Toàn hay tin, cả sợ, lui quân đóng ở Hoạt Độ. Gặp lúc ấy bọn Phúc Khang và Phù Dương dẫn quân bộ bất thình lình kéo đến Hương Bộc [huyện Thạch Hà] bao vây toán quân của Đào Quang Nhiêu, Trịnh Toàn đốc thúc các quân đến cứu viện, Dương Hồ chỉ huy quân tiến lên lên phía trước. Quang Nhiêu có được quân cứu viện, bèn mở cửa thành ra đón đánh, hai cánh quân đánh khép quân của Phúc Khang ở Đại Nại [Thạch Hà]. Quân của bọn Phúc Khang bị thua, lui về Hà Trung, bọn Trịnh Toàn và Quang Nhiêu đốc suất các quân đuổi đến Tam Lộng [huyện Cẩm Xuyên]. Hữu Tiến hay tin, bèn phân phối sai quân thủy dàn trận ở các bến đò thuộc phố Phù Thạch và xã Triều Khẩu [huyện Hưng Nguyên, Nghệ An], xã Việt Yên [huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh], lại sai Hoằng Tín quản lĩnh chiến thuyền phục sẵn Nam Ngạn [phía nam sông Lam] để ngăn đường về của quân Trịnh. Trịnh Toàn dẫn quân về, sai tướng là Tào Nham và Diễn Thọ tiến quân đến Nam Ngạn đánh nhau với bọn Hữu Dật, bị thua to, chết ở mặt trận. Khi quân của Toàn đi đến Bình Hồ [Yên Hồ, huyện Đức Thọ], Hoằng Tín đuổi đánh, quân họ Trịnh bị chết rất nhiều; Toàn bèn rút về An Trường [Vinh]

Tháng 6 [22/7-19/8/1656], Chúa Trịnh sai Phú quận công Trịnh Căn thống lĩnh các tướng đến xứ Nghệ An hiệp đồng với Ninh quốc công Trịnh Toàn đánh quân Nguyễn.

Tháng 10 [16/11-15/12/1656], triều Lê thi Hội các sĩ nhân trong nước; lấy đỗ bọn Nguyễn Đình Trụ 6 người. Tháng 12 [14/1-12/2/1657], vào thi Đình, cho bọn Nguyễn Đình Trụ đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân.

Tháng 11 [16/12/1656-14/1/1657], các quân đồn trấn đều tiến qua Nam Hà [nam sông Lam]. Ninh quốc công Trịnh Toàn đóng quân ở Quảng Khuyến, Phú quốc công Trịnh Căn đóng quân ở Bạt Trạc [Quảng Khuyến và Bạt Trạc là tên hai xã thuộc huyện Can Lộc], sai các quân đào hào đắp luỹ, chia giữ các nơi hiểm yếu, bí mật sai người đi dò thám tình hình địch để biết rõ hư thực. Khi ấy, Tiết chế Trịnh Toàn cậy công tự phụ, ngầm có ý khác, ngày đêm vỗ nuôi tướng sĩ, phân phát bạc vàng không có hạn độ, rồi tự tiện đem quân về Trường An [Vinh]. Thống lĩnh quan phó đô tướng Phú quận công Trịnh Căn dò biết ý Toàn, cũng đem các quân về xã Phù Long [huyện Hưng Nguyên, Nghệ An] sửa sang dinh luỹ để xem động tĩnh.

 Tháng 4 năm Thịnh Đức thứ 5 [13/5-11/6/1657], (Minh Vĩnh Lịch năm thứ 11; Thanh Thuận Trị năm thứ 14), Đại nguyên soái Trịnh Tráng mất, truy phong làm Nghị Vương; con là Trịnh Tạc lên thay. Bấy giờ Trịnh Toàn âm mưu phản nghịch đã lộ; thủ hạ là Trịnh Bàn, Trương Đắc Danh sợ vạ đến mình, trốn trước đầu hàng phía Nguyễn, do đó quân lính tan rã. Toàn không biết làm thế nào, mới sai người mang voi ngựa khí giới bản bộ dâng tại cửa quân, có ý xin đoái thương. Thái bảo Phú quận công Trịnh Căn nhân lấy lẽ thuận nghịch dụ và nói:

 "Việc đã như thế, phải tự mình về cửa khuyết đợi mệnh".

Toàn nghe nói, trong lòng sợ hãi, tự liệu không thể khỏi tội, mới miễn cưỡng về Kinh. Bèn giao xuống cho đình thần xét hỏi tội trạng. Vương Trịnh Tạc cho Toàn là người chí thân, không nỡ giết, tâu xin an trí trong ngục.

Tháng 6 [11/7-9/6/1657], người xã Phước Châu [huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh] tên là Phan Lân đến đầu hàng phía Nguyễn; nói với Nguyễn Hữu Dật rằng:

Tướng Trịnh là Lê Thời Hiến, Hoàng Nghĩa Giao và Đặng Thế Công hẹn đến ngày 24 [3/8/1657], chia quân làm ba đạo, sang sông Thanh Chương [sông Lam] vượt xã Nam Hoa [nay là xã Nam Kim, Nam Đàn, Nghệ An] để đánh úp quân của Tống Hữu Đại; Trịnh Căn thì đốc suất đại binh tiếp ứng.”

Hữu Dật lập tức mật báo cho Hữu Đại bày trận để chờ. Khi quân Trịnh lên bờ, đi chưa được vài dặm thì gặp quân Hữu Đại, cùng nhau giao chiến. Hữu Đại giả đò chạy, bọn Thời Hiến đuổi theo đến chỗ phục binh của Phù Dương. Quân Trịnh rối loạn, tự vỡ chạy; quân Nguyễn đuổi đến sông rồi trở về.

Tháng 2 [4/3-2/4/1658] năm Thịnh Đức thứ 6 [1658], (Từ tháng 2 trở đi đổi là Vĩnh Thọ năm thứ 1; Minh Vĩnh Lịch năm thứ 12, Thanh Thuận Trị năm thứ 15); Vua Lê đổi niên hiệu là năm Vĩnh Thọ thứ 1, đại xá.

 Tháng 5 [1/6-30/6/1658], bấy giờ dùng quân đánh dẹp lâu ngày, tiêu pha hao phí; bèn hạ lệnh trong nước ai nộp thóc, thì tuỳ theo số thóc nộp nhiều ít mà bổ quan chức theo thứ bậc khác nhau.

Tháng 6 [1/7-29/7/1658], viên quan lang ở sách Trọng Hợp, huyện Quỳnh Lưu là Công Cẩn ngầm làm phản, lẻn đưa quân Nguyễn đi tắt theo chân núi đến xã Dương Hiệp, huyện Đông Thành [Nghệ An]. Dân địa phương rối động; Phú quận công Trịnh Căn sai bọn Lê Văn Hy và Lưu Thế Canh đánh tan. Bọn Công Cẩn sau dồn tụ lại; bèn sai bọn Phạm Thạnh, Đàm Cảnh Khải đem quân đánh bắt được, đóng cũi giải về Kinh sư.

Tháng 7 [30/7-28/8/1658], quân Nguyễn vượt sông, xâm lấn xã Mỹ Dụ, huyện Hưng Nguyên [Nghệ An], Nguyễn Hữu Tá không địch nổi, thua chạy. Lê Thì Hiến đem tướng hiệu sở thuộc hợp sức đánh, quân Nguyễn rút lui, bị chết trôi nhiều.

Tháng 9 [27/9-25/10/1658], vua nước Chân Lạp [Cao Miên] là Nặc Ông Chân xâm lấn biên thùy; dinh Trấn Biên (2) báo lên. Chúa Nguyễn sai Phó tướng Trấn Biên là Tôn Thất Yến, Cai đội là Xuân Thắng, Tham mưu là Minh Lộc đem 3.000 quân đến thành Hưng Phước bấy giờ gọi là Mỗi Xuy [nay thuộc huyện Phước Chính, tỉnh Biên Hòa] đánh phá, bắt Nặc Ông Chân đưa về. Chúa Nguyễn tha tội cho và sai hộ tống về nước, cho làm phiên thần, hằng năm nộp cống.

Tháng 10 [26/10-24/11/1658], triều Lê sai quan khảo hạch các cống sĩ có đức vọng trong nước. Lấy đỗ hạng ưu bọn Nguyễn Thạnh, Đặng Duy Tinh, Nguyễn Duy Đoán 3 người, hạng trung bọn Hoàng Trực 19 người, đều ban cho bạc và áo, bổ nhiệm các chức theo thứ bậc khác nhau

Tháng 12 [24/12/1658-22/1/1659], Phú quận công Trịnh Căn sai Đào Quang Nhiêu đem bọn Lễ Thì Hiến, Đặng Thế Công cùng với Phó tham thị Trịnh Đăng Đệ chia đường tiến đánh quân Nguyễn ở xã Tuần Lễ, huyện Hương Sơn [xã Sơn Lễ, Hương Sơn, Hà Tĩnh]. Các đạo quân giao chiến thắng lớn; quân Nguyễn thua chạy.

Tháng 2 năm Vĩnh Thọ thứ 2 [23/3-20/4/1659], (Minh Vĩnh Lịch năm thứ 13; Thanh Thuận Trị năm thứ 16); thi Hội các sĩ nhân trong nước. Lấy đỗ bọn Lê Thức 20 người. Tháng 4 [21/5-19/6/1659], vào thi Đình; cho bọn Nguyễn Quốc Trịnh, Nguyễn Văn Bích, Nguyễn Văn Thực 3 người đỗ Tiến sĩ cập đệ; bọn Mai Trọng Hoà 2 người đỗ Tiến sĩ xuất thân; bọn Phạm Duy Chất 15 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân.

Tháng 8, viên Kinh lược nhà Thanh tâu rằng Quốc vương An Nam gửi thư ngõ ý muốn nạp cống:

Ngày 8 Bính Thân  tháng 8 năm Thuận Trị thứ 16 [23/9/1659]. Kinh lược Ðại học sĩ Hồng Thừa Trù tâu báo:

Ðô tướng An Nam Thái truyền tông quốc công Vũ Công Tứ sai lại mục Ngọc xuyên bá Ðặng Phúc Tuy, Triều dương bá Nguyễn Quang Hoa mang thư của Quận vương đến cửa quân, tỏ lòng thành nạp cống.

Nay trình báo lên.” (Thế Tông Thực Lục quyển 127, trang 20; tập 3, trang 998)

Vào năm sau, Vua Thanh nhận được biểu văn của Quốc vương An Nam, tỏ lòng hoan hỷ:

Ngày Quí Sửu tháng 9 năm Thuận Trị thứ 17 [4/10/1660].Quốc vương An Nam Lê Duy Kì (3) có lòng thành dâng biểu, cùng cống sản vật địa phương. Nhận chiếu chỉ rằng:

Xem tờ biểu tâu của Vương, có lòng thành hướng theo sự giáo hóa, ta rất vui mừng. Nay theo lệ tâu lên đầy đủ.” (Thế Tổ Thực Lục, quyển 140, trang 1; tập 3, trang 1079)

Ngày mồng 2 tháng 9 [17/10/1659], Vua Lê phong Tây Định Vương Trịnh Tạc làm Đại nguyên soái chưởng quốc chính Thượng sư Tây Vương. 

Tháng 10 [14/11-13/12/1659], vua đích thân cho thi khoa Đông các; lấy đỗ bọn Nguyễn Đăng Cảo, Hồ Sĩ Dương, Nguyễn Thiêm, Phạm Duy Chất, Bùi Đình Viên 5 người, bổ làm các chức Đông các đại học sĩ, Học sĩ, Hiệu thư.

Vào tháng chạp, Tổng đốc Lưỡng Quảng tâu rằng Mạc Kinh Diệu tại Cao Bằng cũng xin triều cống nhà Thanh:

Ngày 20 Bính Ngọ tháng 12 năm Thuận Trị thứ 16 [31/1/1660]. Tổng đốc Lưỡng Quảng Lý Thê Phượng tâu báo:

Ðô thống sứ ty An Nam Ðô thống sứ Mạc Kinh Diệu sai sứ tỏ lòng thành qui thuận.

Ðưa sớ xuống ty liên hệ.” (Thế Tông Thực Lục, quyển 130, trang 14; tập 3, trang 1008)

 Tháng 8 năm Vĩnh Thọ thứ 3 [5/9-3/10/1660], (Minh Vĩnh Lịch năm thứ 14; Thanh Thuận Trị năm thứ 17); Nguyễn Hữu Tiến đem đại binh qua sông Lam đánh tướng họ Trịnh là Lan ở Do Nha, Lan lui quân giữ lũy Hồng Hôn [huyện Hưng Nguyên, Nghệ An]. Nguyễn Hữu Dật lại tiến quân đánh mạnh; Lan thua chạy, viên tướng phòng giữ là Miện dẫn quân quanh đằng sau núi đánh tiếp. Hữu Tiến đem đại binh tiếp đến, Miện không dám chống cự, chạy về An Trường [Vinh]. Hữu Tiến lui về bờ phía nam sông Lam, chia quân đóng đồn phòng giữ.

 Trịnh Căn lấy làm hổ thẹn muốn báo thù lại, bèn làm cầu phao để qua sông Lam, sai Đô đốc Diệu cầm quân, kéo qua sông Khu Độc và núi Hoành Lĩnh, Tham đốc Hằng quản lĩnh quân thủy, theo sông Lãng Khê [huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh] đánh úp toán quân của Hữu Tiến. Hữu Dật biết được mưu ấy, bèn sai tì tướng Trương Văn Vân đem quân mai phục ở Hoành Lĩnh, Tô Triều và Tú Minh đóng ở Hoành Cảng để rình đợi quân địch. Diệu dẫn quân đến Hoành Lĩnh, quân mai phục bổng nổi dậy, quân bên Trịnh sợ hãi tan vỡ, chết hại rất nhiều. Toán thủy quân của Hằng kéo ra Lãng Khê [Nghi Xuân], bọn Tô Triều tung quân ra bắn lại, Hằng bị thua to, bỏ thuyền, chạy về An Trường.

 Tháng 9 [4/10-2/11/1660] Nguyễn Hữu Tiến dẫn quân đóng ở Nghi Xuân. Quân bên Trịnh và quân Nguyễn đóng đồn đối diện hai bên bờ sông Lam cầm cự với nhau. Bọn Hữu Tiến tiến quân qua sông, lại đánh vào Mỹ Dụ [huyện Hưng Nguyên, Nghệ An], Trịnh Đường đánh nhau bị chết. Bọn Hoàng Nghĩa Giao dẫn quân đánh tiếp, quân Nguyễn bèn lui  giữ mặt nam sông Lam. Trịnh Căn họp các tướng bàn mưu kế, Trần Công Bách xin làm tiên phong, Căn y cho, bèn chia quân làm hai đạo: một đạo sai Hoàng Nghĩa Giao và Phan Kim Toàn do đường Âm Công, qua sông để tiến quân; một đạo sai Lê Thì Hiến qua cửa biển Hội Thống [cửa sông Lam] do đường làng Tả Ao [xã Xuân Giang, Nghi Xuân] để tiến quân, đều hẹn nửa đêm xuất phát. Tờ mờ sáng hôm sau, Trịnh Căn tự đem đại binh lên núi Dũng Quyết [Vinh] xem xét việc chiến đấu. Bọn Nghĩa Giao qua sông, tiến thẳng đến núi An Lạc [xã An Lạc, Nghi Xuân]; Trần Công Bách đi sâu vào để chiếm cứ Lận Sơn [huyện Nghi Xuân], gặp quân mai phục của Hữu Dật đánh bất thình lình. Công Bách cùng Đinh Đức Nhuận cố sức đánh đều bị chết. Bọn Lê Văn Hi và Lưu Thế Canh nghe được phong thanh, rút lui bỏ chạy. Quân Nguyễn bốn mặt bao vây, thanh thế rất lừng lẫy. Trịnh Căn sai bọn Trần Tiến Triều và Ngô Đình Xuân đem quân của mình quản lĩnh đến cứu viện, lại sai quân thủy tiến đến bờ sông để bắn. Toán quân của Hữu Tiến hơi lùi một chút. Bọn Lê Thì Hiến và Mẫn Văn Liên dẫn quân đến Tả Ao bị quân Nguyễn đánh gấp, bọn này phải thua, Văn Liên chết tại trận. Lê Thì Hiến lại đốc thúc quân cố đánh, tiến nhanh đến Hoa Viên [xã Xuân Viên, Nghi Xuân]. Quân Nguyễn không thắng, vẫn đóng ở Nghi Xuân.

Ngày 17 tháng 11 [18/12/1660], Phú quận công Trịnh Căn sai bọn thuộc tướng Lê Thì Hiến, Hoàng Nghĩa Giao; Lê Sĩ Triệt, Nguyễn Năng Thiệu chia đường tiến đánh . Thì Hiến, Sĩ Triệt từ bờ biển qua đất Cương Gián [huyện Nghi Xuân] tiến đi; bọn Nghĩa Giao, Năng Thiệu theo đường bộ qua các xã Lũng Trâu, Mạn Trường [tên xã thuộc huyện Can Lộc] tiến đi. Lại hạ lệnh cho thống suất và đốc suất các đạo chỉnh bị quân dưới quyền, ngày đêm cố sức công kích bốn mặt. Tiếng thanh la và tiếng trống vang trời; thế giặc rối loạn lung tung, không kịp trở tay. Ngày 18 [19/12/1660], bọn Thì Hiến, Sĩ Triệt phá được quân Nguyễn ở đất An Điềm [huyện Thiên Lộc]. Ngày 19 [20/12/1660], bọn Thì Hiến, Sĩ Triệt, Nghĩa Giao, Năng Thiệu hội quân tiến đánh, lại phá được ở Phù Lưu Thượng [huyện Thiên Lộc]. Tướng sĩ thừa thắng đánh dấn, lại cả phá quân địch, chém được rất nhiều thủ cấp, thu được voi ngựa, khí giới nhiều không kể xiết, cuối cùng quân Nguyễn thua chạy, phía Trịnh thu phục được hết 7 huyện Nam Hà [nam sông Lam].

Ngày 21 [22/12/1660], Phú quận công Trịnh Căn đích thân chỉ huy các viên thống suất, đốc suất và quân các đạo thẳng tiến ruổi dài, đến tận cửa biển Nhật Lệ [Đồng Hới, Quảng Bình], thì cho quân nghỉ.

Về sự kiện quân Nguyễn rút lui về cửa bể Nhật Lệ trong tháng 11, sử triều Nguyễn Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục và Đại Nam Thực Lục chép khác sử liệu Toàn Thư nêu trên; nêu lý do hai tướng Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật bất hòa nên Hữu Tiến ngầm rút lui, không báo cho Hữu Dật biết, nội dung như sau: Bấy giờ hai tướng Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật bất hòa; Hữu Tiến đặt kế hoạch rút quân về, nhưng không cho Hữu Dật biết. Hữu Tiến bề ngoài hạ lệnh cho các tướng  đem quân thủy, bộ chia đường cùng tiến quân, lại báo cho Hữu Dật đem quân theo sau để tiếp ứng. Mặt khác Tiến dặn riêng các tướng ai nấy đều đem quân thuộc quyền cai quản của mình rút về Nam Bố Chính, chỉ không bảo cho Hữu Dật biết mà thôi. Bởi thế, các tướng nhân đêm lặng lẽ rút lui. Về phần Hữu Dật, chỉnh bị quân lính sẵn sàng ngồi đợi, không thấy có tin tức động tĩnh gì. Đến lúc dò thám biết được binh tình, thì quân bên Trịnh đã qua sông, tiến sát gần doanh trại Khu Độc. Hữu Dật nhân lúc bên địch chưa rõ tin Hữu Tiến rút quân, cũng mật hạ lệnh cho các tướng rút lui. Dật chỉ để lại mấy chục quân nhanh nhẹn sắc bén theo hầu bên cạnh, rồi đem ra nơi rộng khoáng biểu diễn trò vui, tiếng trống nổi lên như sấm. Quân bên Trịnh nghi ngờ, không dám tiến. Bấy giờ Hữu Dật mới thư thả rút quân. Hữu Dật về thẳng Hoành Sơn mới hội hợp toán quân Hữu Tiến. Trịnh Căn đốc suất các quân đuổi kịp, quân hai bên giao chiến, chết hại rất nhiều. Trịnh Căn lui quân 20 mươi dặm, đóng doanh trại ở Kỳ Hoa [huyện Kỳ Anh]. Còn về bên Nguyễn thì Hữu Tiến đem quân về đóng ở cửa biển Nhật Lệ, Hữu Dật đóng ở Đông Cao, chia nhau phòng giữ những nơi hiểm yếu để chống nhau với quân Trịnh. Từ đấy 7 huyện ở mặt nam sông Lam thuộc Nghệ An lại phụ thuộc về chúa Trịnh .

Tháng 2 năm Vĩnh Thọ thứ 4 [1/3-29/3/1661], (Minh Vĩnh Lịch năm thứ 15; Thanh Thuận Trị năm thứ 18); Tiết chế Nghi quốc công Trịnh Căn đem quân về Kinh, lưu Đào Quang Nhiêu làm Trấn thủ, Lê Sĩ Triệt, Hồ Sĩ Dương, Trịnh Thì Tế làm Đốc thị, đóng quân ở đất Hà Trung, huyện Kỳ Hoa [Kỳ Anh, Hà Tĩnh].

Tháng 3 [31/3-28/4/1661] thi Hội các sĩ nhân trong nước; lấy đỗ bọn Trần Xuân Bảng 13 người. Đến khi thi Đình, cho Đặng Công Chất, Đào Công Chính, Ngô Khuê 3 người đỗ Tiến sĩ cập đệ; Trần Xuân Bảng, Lê Trí Bình 2 người đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Lê Nhân Kiệt 8 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân.

Tháng 10 nhuận [22/11-20/12/1661], ChúaTrịnh đích thân đưa xa giá nhà Vua đi đánh phía Nguyễn. Ủy cho Tiết chế Nghi quận công Trịnh Căn đốc quân đến thẳng cửa biển Nhật Lệ, sai Phó tướng Đào Quang Nhiêu làm Thống suất, bọn Phó tướng Lê Thì Hiến, Tả đô đốc Hoàng Nghĩa Giao đều làm Đốc suất, bọn Bồi tụng Lê Sĩ Triệt, Trịnh Thì Tế, Thân Toàn làm Đốc thị, chia ba đường tiến đánh. Trấn thủ Nguyễn Hữu Dật đốc suất dân Nam Bố Chính vào cả trong lũy, cố sức phòng thủ không động binh. Được hơn một tháng, quân của họ Trịnh thiếu lương ăn; nhân đêm, Trương Văn Vân lẻn ra khe Động Giản, bắn giết hơn trăm người. Trịnh Căn bỏ doanh lũy chạy; quân Nguyễn đuổi đến bờ sông Gianh. Tháng 2 năm sau [20/3-17/4/1662], phía Trịnh ra lệnh đem quân về.

Về phía nhà Thanh, bấy giờ Vua Khang Hy mới lên ngôi, chủ trương chiêu dụ các nước phương nam, thưởng nhiều quà, dễ dàng trong việc ban sắc ấn; nhưng vẫn theo chủ trương cũ của nhà Minh, nhắm chia rẽ nước An Nam, ban tước cho cả nhà Lê và nhà Mạc:

Ngày Giáp Thân tháng 4 năm Thuận Trị thứ 18 [3/5/1661]. Bộ Lễ đề xuất:

Quốc vương nước An Nam Lê Duy Kì hết sức thành tâm hướng theo sự giáo hóa lại ra công hiệp lực dẹp giặc, đáng theo lệ thưởng 100 lạng bạc, 4 tấm gấm, 12 tấm tơ trữ trong ngoài, xin lệnh bộ binh soạn sắc thư ban cho.

Chiếu chỉ ban rằng:

Giao Chỉ thành tâm theo sự giáo hóa, lại hiệp lực dẹp giặc, thực đáng khen lao. Bộ các ngươi bắt chước nhà Minh xưa đánh giá thấp lễ nghĩa của các nước ngoài, thật không hợp lý, hãy bàn thêm.

Lại nghị bàn rằng:

Nên thưởng 500 lượng bạc, 2 tấm đoạn thêu mãng xà lớn, hai tấm đoạn có trang trí, 2 tấm gấm, thải đoạn trong ngoài mỗi thứ 10 tấm, vẫn ra lệnh bộ binh soạn sắc thư, rồi sai quan mang về.

Thiên tử chấp nhận.” ( Thánh Tổ Thực Lục, quyển 2, tờ 12-13)

Ngày 23 Nhâm Dần tháng 4 năm Thuận Trị thứ 18 [21/5/1661]. Tuần phủ Quảng Tây Vu Thời Dược dâng sớ rằng:

Ðô thống sứ An Nam Mạc Kinh Diệu thành tâm theo sự giáo hóa, xin cấp sắc ấn; đáng chấp thuận theo lời xin.

Chiếu chỉ ban rằng:

Trao chức Ðô thống sứ, ban ấn sắc là theo lệ nhà Minh trước kia, triều ta không nên tập theo. An Nam là nước tại phương xa, Mạc Kinh Diệu có lòng thành xin giáo hóa, nên cho quan chức riêng để cổ vũ. Ðáng theo lệ nước nào đã qui phụ? Ban cho phẩm hàm gì? Bộ các ngươi hãy bàn bạc kỹ với bộ Lễ, rồi tâu lên đầy đủ.” ( Thánh Tổ Thực Lục, quyển 3, trang 20)

Vua Thanh gửi sắc dụ cho Vua Lê với lời lẽ mềm mỏng, lại sai quan tháp tùng Sứ thần về tận biên giới:

Ngày 24 Quí Mão tháng 4 năm Thuận Trị thứ 18 [25/5/1661]. Sắc dụ Quốc vương An Nam Lê Duy Kì rằng:

Trẫm nghĩ trau dồi đạo đức để người xa tới, đó là khuôn phép mới của triều thịnh đại; nạp cống theo điều nhân là lẽ phải của nhân thần. Dưới đem hết lòng thành hướng hóa, trên dùng đế mệnh để tuyên ân; khen trung, khuyến lương, điển lệ rất trọng.

Ngươi Quốc vương An Nam Lê Duy Kì ở đất hoang nóng xa xôi, coi sóc dân chúng; nhưng thấm nhuần thanh giáo, dẫn đầu trong việc sai sứ đến qui phụ. Xem qua biểu văn, thấy được lòng thành khẩn; vốn xưa nước này có nhiều tuấn kiệt, mấy lần được phong Vương, Trẫm nghĩ thực đáng khen, ban sắc thưởng dụ. Lại còn ban cho quan sai đến các vật như thoa, tiền tệ, y phục. Sai một viên Thông sự (4) tại quán An Nam làm bạn tống đến tỉnh Quảng Tây; cùng sắc viên Tuần phủ Quảng Tây phát binh mã dọc đường đưa xuất cảnh, để làm rõ sự khen lao của Trẫm và chính sách mềm dẽo đối với người xa xôi. Ngươi nhận được ân sủng, cần gắng sức trung cần, vĩnh viễn làm phiên bang, chăm lo chức cống; hãy vâng theo chớ sao lãng. Khâm tai! Khâm tai!” (Thánh Tổ Thực Lục, quyển 2, trang 20-21)

Đối với họ Mạc, nhà Thanh cũng dùng chính sách mềm mỏng tương tự, phong cho Mạc Kinh Diệu chức Qui Hóa Tướng quân và con là Nguyên Thanh làm Đô thống sứ; lại vì lãnh thổ nhỏ hẹp, cho miễn cống:

Ngày 27 Ất Hợi tháng 5 năm Thuận Trị thứ 18 [23/6/1661]

Nha môn thuộc bộ binh bàn và phúc tấu:

Ðô thống sứ nước An Nam Mạc Kính Diệu lãnh coi các xứ Cao Bằng rất cung thuận, đáng được tăng trật phong chức Qui Hóa Tướng Quân, nhắm khích lệ. Ấn tín, sắc thư, đợi lúc đến kinh đô sẽ cấp phát.

Chấp nhận.” (Thánh Tổ Thực Lục, quyển 2, trang 32)

Ngày 10 Bính Thìn tháng 10 năm Thuận Trị thứ 18 [1/12/1661]. Mạc Nguyên Thanh con trai của Qui Hóa Tướng quân Mạc Kinh Diệu nước An Nam sai sứ đến cống, cùng tâu rằng:

Ðịa phương nhỏ hẹp, từ nay về sau xin miễn cống hiến.

Chấp thuận. Ban yến và cho như lệ.” (Thánh Tổ Thực Lục, quyển 5, trang 3-4)

Ngày 4 Kỷ Mão tháng 11 năm Thuận Trị thứ 18 [24/12/1661]

Trao cho Mạc Nguyên Thanh, con Qui Hóa Tướng quân Mạc Kinh Diệu, chức Ðô thống sứ An Nam. (Thánh Tổ Thực Lục quyển 5 trang 9)

Bấy giờ nhà Minh đã tàn nhưng chưa bị hoàn toàn tiêu diệt, triều đình nhà Lê vẫn ngầm liên lạc ngoại giao với cả nhà Minh và nhà Thanh. Nên khi nhà Thanh đòi nhà Lê nạp sắc ấn cũ của nhà Minh, nhà Lê đã phản đối:

Ngày 23 Canh Tý tháng 7 nhuần năm Thuận Trị thứ 18 [16/9/1661]. Trước đó vào tháng 7 năm Thuận Trị thứ 17, Quốc vương An Nam Lê Duy Kì dâng biểu qui thuận; các quan thuộc bộ cho rằng chỉ dâng biểu cống, không xin đổi nạp sắc ấn, bèn ra lệnh Tổng đốc, Tuần phủ tại Quảng Ðông ban hịch tra xét. Ðến nay Lê Duy Kì phúc đáp rằng:

Theo qui chế của triều đại trước, không có việc đổi nạp sắc ấn, chỉ tuân theo lệ cống mà thôi, y theo hạn thì dâng lên.

Tuần phủ Vu Thời Dược đề xuất:

Xin cứ ban sắc ấn riêng, cho vĩnh viễn làm phiên thần.

Ðưa xuống bộ bàn để thi hành.” (Thánh Tổ Thực Lục, quyển 4, trang 5-6)

Tháng 3 năm Vĩnh Thọ thứ 5 [18/4-17/5/1662], (Từ tháng 9 trở đi là Vạn Khánh năm thứ 1; Minh Vĩnh Lịch năm thứ 16; Thanh Khang Hy năm thứ 1); họ Mạc ở Cao Bằng mang quân đóng ở huyện Thất Tuyền [huyện Tràng Định, Lạng Sơn] làm náo động dân địa phương. Bèn sai Phó tướng Vân quận công Trịnh Kiền làm Thống lĩnh, Thiêm đô ngự sử Phùng Viết Tu làm Đốc thị đem quân tiến đánh; quân Mạc chạy trốn.

Tháng 9 [12/10-10/11/1662], vua Thần Tông nhiễm bệnh ung thư, xuống chiếu đổi niên hiệu là Vạn Khánh năm thứ 1; đại xá. Ngày 22 [8/11/1662] vua băng ; Thái tử Lê Duy Vũ lên nối ngôi.

 

Chú thích:

1.Sông Tam Chế: Khúc sông Lam ở khoảng dưới cửa sông La, giáp giới 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh; có bến đò Chế.

2.Dinh Trấn Biên: Dinh Trấn Biên nhà Nguyễn không cố định, dinh đặt tại biên giới thường gọi là Trấn Biên.

3. Lê Duy Kì tức vua Thần Tông, con vua Kính Tông.

4. Thông sự: Người hướng dẫn, thông dịch.

 

 

 

 

 

Hồ Bạch Thảo
Số lần đọc: 74
Ngày đăng: 20.10.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
126. Lê Thần Tông, Lê Chân Tông [1635-1649]. - Hồ Bạch Thảo
Sư Ông Chùa núi - Nguyễn Minh Nữu
Rau Tần, rau Táo có phải là đồ cúng tế ngày xưa ở Trung Hoa không ? - La Thụy
125. Lê Thần Tông [1619-1635]. - Hồ Bạch Thảo
Về một cây Bút Nữ Đặc Biệt - Nguyễn Văn Sâm
Trang sử lộng gió chủ quyền trên biển đảo Tây Nam Tổ Quốc - Nguyễn Anh Tuấn
123. Vua Lê Thế Tông: giai đoạn ngự trị tại thành Thăng Long. [1593-1599] (2) - Hồ Bạch Thảo
122. Vua Lê Thế Tông: giai đoạn ngự trị tại thành Thăng Long (1). [1593-1599] - Hồ Bạch Thảo
Chủ thể tâm lý qua tư duy của Martin Heidegger - Võ Công Liêm
121. Mạc Mậu Hợp. (3) - Hồ Bạch Thảo
Cùng một tác giả
Biển Giao Chỉ (lịch sử)
109. Vua Lê Uy Mục. (tiểu luận)