Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.813 tác phẩm
2.758 tác giả
576
122.764.636
 
“Truyền thuyết” Qua Đi
Nguyễn Hàng Tình

            

“Bởi cả thế gian này đang như trong cuộc hành khất lâu năm về sự Trong sáng …”.

 

         

 

         Bhăvanã, cổ ngữ Sanskrit là Tu đó. Nghĩa của chữ Bhăvanã  cực dễ hiểu, là “làm cho mình khác đi; phát triển thành cao thượng và càng lúc càng thực  thà, thanh tao hơn”.  Chỉ  có ... thật Tu... mới khó.  Tu tại gia cũng là một cách tu. Tu ở chợ cũng là một cách tu. Tu ở chùa cũng là một cách tu. Bộ hành cũng là một cách tu. Ai ở “duyên” nào, “lực”nào  thì tu theo “duyên pháp”, sức lực, bản lĩnh đó. Bộ hành tu cũng là một vẻ đẹp như ba vẻ đẹp kia. 

                        

                                                 “PHIM”

          

          Cứ thế, hành giả ấy đã “tu... đi”.  Xưng “Con” với bất cứ ai. “Bộ hành” là... đi, bằng đôi chân. Chân trần_ giữa thời buổi công nghiệp và sinh hoạt con người là tối đa vật dụng hóa cùng hưởng thụ hóa những thứ li ti nhất. Đầu trọc, cũng không bao giờ cần nón mũ, trao nó cho trời xanh. Dám lấy cả thân ra làm “pháp”. Nếu ai tu vượt phàm thì lúc “Đi” cũng là đang chánh niệm,  và “Khất thực” là đang “Tu”. Vì “Khất thực” của một hành giả khác với tính chất “ăn xin” của một người đời ăn mày nên mới có từ “Khất sĩ” để dành cho người làm mục đích cao vời nơi thế gian  là “Tu”, cái cho đức hạnh khác cái cho xác phàm. Hạnh khất thực và hạnh bố thí từ đó ra đời.

 

                                                   *

       

         Rồi,  thì kiểu dáng bộ y chắp vá, màu sắc kết lại không theo chuẩn nào của hành giả ấy chợt thành mẫu thời trang. Thứ trang phục tận dụng từ vải trên những chiếc quần, áo mà người đời mặc chán bỏ đi trong đống rác, trên đường sá, xó bụi, nhặt lấy ghép chắp lại thì làm gì có mẫu chuẩn, sự phối màu sắc hay tính “fashion”. Nó đơn sơ, thanh khiết và vĩ đại như  “đống giẻ rách sạch di động” thôi mà (!)_ từ tư tưởng “y phấn tảo” thuở xa xưa của đức Thế Tôn(Sakyamuni/ Buddha/Bụt/ Phật) ấy rằng quần áo chỉ là thứ che thân, qua ngày, và mặc xấu cũng là để không còn xem nặng hình thức, vật chất, là “hạnh” tu. Nhiều nhà thiết kế đã lấy cảm hứng kia để thiết kế ra những mẫu Áo dài dễ thương, độc lạ cho người phụ nữ Việt Nam, rồi cả áo T-shirt, Pull, Veston cho nam giới cũng mang “hơi thở” hình thái và sắc màu như vậy. “Thời trang hành giả” lang thang_kinh doanh ”ăn theo” người tu hành. Người ta sản xuất hàng loạt và chào bán cả trên sàn thương mại đện tử Ebay, Amazon, Lazada. Shopee... Điều thú vị dễ thương chưa từng có trong làng thời trang Việt Nam, thậm chí đâu đó các nước. Hình ảnh chiếc bình bát thông thường của nhà sư Phật giáo Nam truyền ai cũng thấy biết nhiều, nhưng cái lõi của nồi cơm điện “lạ lùng” trên tay hành giả này nó hóa ra thân mật quá. Đâu đó có những thiểu số run sợ trước cái lõi nồi cơm điện đó giữa lắm người khác thì thích thú. Bỗng một hôm, có cả đoàn “sư” hàng chục người cũng ôm nồi cơm điện như thế để theo hành giả ấy hành khất, học tu, đi xuyên qua những thành phố, làng mạc, núi đèo. Cái lõi nồi cơm điện cũ mà cũng phát sáng, gây “bão”, nổi sóng cảm xúc, và nổi sóng khen, chê, tôn sùng, và cả phỉ báng_ cũng thành “Style” dễ thương. Và mọi thứ tích hợp lung linh đó, còn làm người ta vẽ tranh, tạc tượng, viết nhạc...  về hành giả. Có vẻ cách đón nhận hiện thực sinh động thức thời như ở nước Hàn Quốc kia trong phát triển văn hóa cùng ngành công nghiệp văn hóa phim ảnh, âm nhạc.

 

                                                          *

   

        Người hành giả chắc nhờ  “nói” đi đôi với “làm”, nên có sức hút.  Hình như đang ngẫu nhiên có một sức sống gợi nhắc nhớ thế nhân cùng quay trở lại với chánh pháp của đạo Bụt(dân gian Việt Nam từ xa xưa đã gọi Phật là Bụt_được Việt hóa từ âm phổ biến thế giới là Buddha mà ra. Còn từ “Phật” là âm chữ Hán từ Trung Quốc). Sự góp mặt của hành giả ấy cũng bật ra cho mọi người thấy tính đoàn kết, sự không phân biệt địa phương, vùng miền, và cảm xúc chung của người dân cả xứ sở trước cái gì trong sáng, trung thực, đẹp, lành. Cả xã hội, từ hàng phố đến vùng sâu, hàng ngày theo dõi bước chân hành giả đi qua những ngọn đèo, làng mạc, thành phố. Những đám người sũng ái hành giả lẫn đám người kiếm sống bằng nghề quay Video ghi hình ngài để phát lên mạng, lên đài, lên báo kiếm “view”, “like”, tiền, lẫn những người vì mục đích khác.... cứ thế cùng bám theo gót chân của hành giả. Ngay đám “người của công chúng” là giới showbiz kia bao giờ cũng là “tâm điểm chú ý” trong đời sống thường nhật thì giờ cũng bỗng dạt hết sang một bên bởi “trend”, “viral” có giá trị văn hóa lớn và đáng chú ý hơn, là hành giả này. Dù hành giả nói như năn nỉ với những người bám theo mình để quay hình đừng có quay nữa, rằng: “Đâu phải diễn viên điện ảnh đâu (mà quay phim_NV) !”.  Tự nhiên trong cộng đồng, lúc rảnh rỗi thì từ bá tánh, trí thức, đến doanh nhân, tỷ phú, ăn mày... cũng nhàn đàm, luận bàn, bày tỏ, tranh cãi, tự hào, kêu ca, chửi rủa, ủng hộ, không ủng hộ ngược xuôi... vị hành giả. Bỗng một sinh hoạt về đạo Phật diễn ra rộn rã, ấm áp, thân mật, cuốn hút, kinh động, lan tỏa độc đáo, thú vị, đặc sắc phương Đông. Có những người, và có chỗ không thừa nhận hành giả ấy. Chỉ là cuộc Tu thôi mà cũng thành “sự kiện” văn hóa, xã hội_ thứ sự kiện dễ gần, dễ thương, dễ bàn, mang hơi thở đời sống, hơi thở cộng đồng. Người ta yêu và cung kính tất cả những gì ở hành giả. Mẫu số của sức hút bởi những gì thân mật, người nào trong sáng thực thà, chân chính. 

       Một ngày bỗng nhiên hành giả “bốc hơi”. Bốc hơi rực rỡ và huyền bí. Bốc hơi nhẹ tênh và ngỡ ngàng, dễ hiểu và độc đáo, khó hiểu, thế nhân tha hồ mà đoán già đoán non. Rồi “xuất hiện”, rồi “bốc hơi”, rồi xuất hiện, rồi bốc hơi, rồi xuất hiện. Cả một “rừng” thú vị.

       Hành giả chợt thành “nhân vật” quá lạ.  Càng không muốn nổi tiếng lại thành nổi tiếng. Bỗng trở thành một “ngôi sao”, một “Idol”. 

       Cuộc sống bỗng thơ thơ, mộng mộng.

       Như một cuốn phim sống, giữa đời_nếu ta “thưởng thức” nó bằng cách phân thân, “tách”(tạm) ra khỏi sự thật, coi nó là “tác phẩm nghệ thuật”, vượt trên những xúc cảm hỗn tạp đời thường, tranh luận, hay phán xét cõi ta bà, li ti. “Phim” rất đẹp, thú vị.

       Giờ mà tôi bảo trên là chuyện tưởng tượng, sản phẩm của nghệ thuật, “là phim” chắc chẳng ai chịu, chấp nhận đâu, kể cả chính quyền đương cuộc.

 

                                                         ĐỜI

 

         Thì ra nó không phải “phim”, bởi chuyện như kia đang diễn ra thật trên xứ sở mình. Nó y bong.  Đường tu của hành giả đang như một dòng suối mát với một bộ phận rộng khắp trong cộng đồng, từ đôi bàn chân ấy. Giữa sa mạc khát về sự trong sáng, đơn sơ, thực thà. Thứ bàn chân  trong sáng, nhẹ nhàng, chánh trực, từ ái, đúng nghĩa lành thiện. Chứa niềm tin,  phát sáng. Hành giả “đi”, mà người khác ấm áp. Có vẻ như những giá trị tốt đẹp ở đời vẫn còn quanh đây, con người đang được “dựng” lại. Một sự xúc động của xã hội.                  

        Nếu không có Đời, sẽ không có Đạo. Không có loài người sẽ không có tôn giáo, bất kỳ tôn giáo nào. “Phật pháp bất ly thế gian giác”(Pháp của Bụt không thể rời thế gian mà có, mà giác ngộ được) mà. Giữa thời buổi đồng tiền nó hóa “thánh”, nhưng hành giả lại không nhận tiền bất cứ ai cho. Nội, “không nhận tiền” là hành giả trở thành “Idol” của chúng sinh rồi, cho dù ông không muốn trở thành cái gì cả, kể cả “Idol”_thần tượng, niềm “tự hào” thì chỉ người phàm thế tục cần đến. “Nhận tiền” là ải nạn (cho đường Tu_khó mà đi tới toàn giác, giải thoát), mà “Không nhận tiền” thì tự nhiên nó khởi sinh nhiều thứ kiếp nạn vô hình khác (sự căm ghét của xu hướng ngược lại, và những nguy hiểm cho tính mạng).  Cái gì nơi hành giả cũng lành, thiện, nhân từ, thiết tha, với cả con người lẫn thiên nhiên_không làm tổn hại đến những sinh vật khác, và môi trường. Mặc nguyên bộ đồ tu màu vàng, nâu, sẫm, tím than… thì sợ ảnh hưởng đến những người tu chính qui khác ở hệ phái Mahayana (Bắc truyền/ Đại thừa). Cầm cái bình bát đúng mẫu khất sĩ thường cầm thì sợ ảnh hưởng đến những người tu ở hệ phái Theravada (Nam truyền/ Tiểu thừa). Mỗi ngày một lần ăn, đi “xin” đúng cho một bữa, ai cho nhiều hơn không lấy, để nhắc mình đừng rơi vào ham ăn. Ai cho nước uống cũng lấy một hai chai, đủ để giải khát, mà không lấy cả một thùng, tích trữ.  Chọn ngủ ngồi khi đêm xuống, và hay ngủ ở nghĩa địa để nhắc mình về sự kham nhẫn, không cầu thuận lợi, êm ấm, và không để phải phiền ai mà tội người đời. Khiêm nhường đến tận cùng và không để ai phải tỵ hiềm, hoặc ai đó lo lắng trong quản lý nên đã nói rõ: “Đừng gọi con là “Sư”, hay “Thầy”. Con chỉ là người đang tập học theo lời Phật dạy; con không xứng với điều đó(danh xưng_NV), vì tu chưa tới đâu cả !”.  Và, ai đánh mình thì hành giả chúc cho họ cùng gia đình luôn tốt lành, hạnh phúc mà không hề trách móc hay phản kháng lại, cũng chẳng ghét họ. Sống đến mức như thế thì mấy ai sống được. “Tu” đến mức đó thì ai theo kịp. Người không còn tham - sân - si,  Hỉ - nộ -ái - ố thì là gì nữa nếu không phải người tốt, lành thiện, và cũng chưa cần dùng đến thuật ngữ Phật giáo ấy là người ở trạng thái đắc đạo hay chứng ngộ. Thế nên, hành giả đi tới đâu thì người ta rung cảm, yêu kính. Đi đến đâu tình yêu thương yêu nhau ở con người kết vào nhau; mọi người đều hoan hỉ. Đâu đó, bước chân kia chợt thức tỉnh tính “thiện” trong mọi người. Đạo tâm hiện ra. Các tôn giáo khác còn yêu quí, nói lời bái phục. Năng lượng đạo đức từ hành giả nhiều và sinh động đến mức không thể kể chi li hết được. Nó làm chúng sinh, thiên hạ tỉnh thức, tỉnh ra nhiều điều về quan niệm sống, hành xử trong đời, tình yêu cuộc sống, nhất là soi rọi lại lương tâm, sự khát sống thật thà, hướng thiện. Như, có người gia đình sống bằng nghề buôn bán chim cảnh, bỗng nghĩ về đạo hạnh từ hành giả này mà ngay đấy đã thả hết chim, cho chúng bay đi_sẽ đổi nghề khác kiếm sống. Người ta yêu nể, cung kính, quì lạy hành giả này không phải bởi cái thân của vị, con người của vị, mà vì cái phẩm hạnh của vị ấy mà mình(người đời) làm không có được.  Chẳng có đại gia tỷ phú, nhà khoa học, quyền uy tổng thống, siêu sao bóng đá, ca sĩ... nào  mà người đời quì xuống lạy khi họ ngang đường cả, trên dương thế, đến lúc này, ngoại trừ người có đức hạnh sáng trong, từ bi, giàu tình người.

       “Giờ có chết cũng được. Con tu thế này cho đến chết !”, làm sao mà quên được những lời thế này từ một con người hào hứng với hạnh đầu đà ở Phật giáo và tả tơi trên đường.

        Hành giả bằng da bằng thịt này đã bày tỏ thật từ miệng mình mà bá tánh cả nước ai cũng ít nhiều nghe thấy được: “Con đi tập học theo lời Phật thế này để rèn luyện sức khỏe. Con cố gắng con tập học.  Con không phải là Nam Tông, hay Bắc Tông gì cả. Con cũng không thuộc giáo hội gì, con là một công dân Việt Nam đi tập học theo lời Phật dạy. Con chỉ thực hành cái đời sống 3 y, 1 bát, bụi bờ, phát nguyện suốt đời thế này để tu thành (cái) trí tuệ cho mình. Còn những cái khác con không biết”. Hành giả nguyện chắc nịch:  “Con tu 3 y, 1 bát như thế này cho đến chết !”.

        Đã sống đến mức như thế rồi, thì đòi hành giả phải ứng xử sao nữa thì mới hài lòng mọi người đây ? Không làm gì ai mà cũng không thỏa mãn với đời.

 

                                                  GIỚI                                                                     

 

        Tất nhiên cái chết cũng không là điều hành giả này để ý, coi nhẹ, như “không có” thân thể này. Đúng lẽ Anitya (vô thường) rồi ! Vô thường là dương gian này mọi cái “có” đều không thật có, có mà như là không, rỗng lặng, biến đổi không ngừng, cứ thế mãi. Đi tu muộn mà “Ngộ” rất nhanh, chứng ngộ. Có câu, “Tu một đời chứng ngộ là khi ở một khoảnh khắc nào đó”, là vậy. Lịch sử tu hành theo đạo Phật trên thế giới cũng đã từng chỉ ra thi thoảng có những trường hợp hành giả chứng đắc quả vị Phật trong những tình huống rất đơn sơ, độc đáo, mà không thể lý giải bằng lý tính, hay bình luận soi kiểu ta bà được. Điều thú vị là hành giả này vẫn cứ nói trước bá tánh là “Con đang tập tu học Phật. Hiểu tới đâu con thực hành tới đấy”. Phật pháp nhiệm màu, cho cả những trường hợp ngoại hạng. Ai đi theo bảo vệ mình thì bảo: “Con đã có  Giới  bảo vệ con rồi !”_  ý  hành giả là giữ được sự chân chính, tuân giữ đúng giới luật Bụt chế ra thì tự nhiên sự đàng hoàng ấy của người tu sẽ cảm hóa ai đó muốn làm xấu với mình, không hại mình nữa. Thực hành ngọt ngào, nghiêm chỉnh “Giới luật”(Sila_tiếng Sanskrit), bởi bổn sư Sakyamuni (đức Phật) từng bảo: “Lấy giới làm Thầy”.  Sila, cái tấm khiên “bảo vệ” người tu hành đạo Phật, là “hộ pháp”, là “thanh qui”. Là vấn đề của mọi vấn đề, nan giải của mọi nan giải, ải nạn của mọi ải nạn, hiện trạng của hiện trạng, nỗi buồn của mọi nỗi buồn, tiếc nuối của mọi tiếc nuối.... trong thế giới chùa chiền, tu hành thời kinh tế thị trường và trong thời lòng dạ tha nhân cũng nhiều hư hao, biến đổi. Giữ giới, là không  “phá giới”, “phạm giới”, làm “tổn thương giới”,  “chà đạp giới”. Hành giả này chứng ngộ được là nhờ trọn vẹn với pháp(Dharma), với lời Bụt, và thực hành quyết liệt Sila. Chinh phục lòng người ở sự chân thật, mộc mạc, thành tâm, dễ hiểu, và nhất là không nói dối của ngài. Hẳn hành giả thấu lời Bụt về “định lý” hay nói chuẩn hơn là nguyên lý kéo theo mà từ đó để người đi tu chạm tới giải thoát là “GIỚI - ĐỊNH - TUỆ”. Không giữ được “Giới” thì đừng mơ tới có được sự tập trung tinh tấn để tu, để cảm thọ, biết cho ra biết (Định), và không có “định” thì sẽ không bao giờ có phát sáng liễu tri cái biết được(Tuệ), rốt ráo, thâm sâu, nhận ra tốt - xấu, đúng - sai, nhìn ra được mọi sự thật ở kiếp người, trong bản thân mình, lẫn vũ trụ.

      Tu là Nhận Thức và Hành trì. Hành trì được thì mới “thiện”, thiện được thì mới “gặp” được Phật. Là có an lạc, và cuối cùng là chuyển hóa được, giải thoát. Đơn giản như cái nguyên tắc khá quan trọng ở đạo Bụt, trong giới luật, rằng người đã xuất gia đi tu thì không được cầm giữ tiền bạc, sở hữu tài sản riêng, đứng tên của cải, vật chất.  Bởi “đi tu” là buông bỏ tất cả, không còn ràng buộc, dính mắc mà. Bởi mọi thứ kia là từ Đàng na tín thí, để phục vụ chung đạo pháp trong sáng và Tam bảo, nên người bố thí là bá tánh chúng sinh ấy mới được gọi là Thí chủ.  Nên hành giả này dù mỗi ngày xin thí chủ một bữa ăn thôi, không nhận quá nhu cầu, không dự trữ, mà còn bảo rằng “...Con cố gắng tu, phải tu xứng đáng với thức ăn mà mọi người cho !”.

      Nhờ “Giới” mà hành giả ấy biết sự nguy hại của tiền, vật chất, đến độ cứ phải vái lạy năn nỉ người ta đừng cho mình tiền, đừng ép mình trước tiền. Nhờ Sila mà đức hạnh người này tăng trưởng, cao ngời, và khiêm nhường đến tận cùng. Người đời, ai mà không tham lam bạc tiền còn được mọi người yêu quí, tin tưởng huống gì người tu.  Những “ngọn núi đạo đức” mà người đi tu phải “leo qua”: mức 5 giới căn bản cho người ở hàng xuất gia qui y, mức 10 giới cho hàng Sadi, và 250 giới cho hàng Tỳ kheo. Nữ mà muốn đi tu phải “leo” đến 348 giới, gọi là Tỳ kheo ni, bởi từ những chướng ngại đặc thù trong chính họ.

         

                                                          ĐẠO

 

         Hành giả như bụi hoa hoang dại quí ven đường, bỗng một ngày trổ bông, và tỏa hương. Ong, bướm tụ về, vây quanh. Hành giả xuất hiện giữa thời buổi nhân gian tôn sùng vật chất, “đồng tiền” quấy phá, miền ta bà nhiễu nhương. Hành giả làm “sống lại” sự chân thật của đạo Phật. Hành giả ghé qua cõi người, xứ sở, “rơi” đúng điểm rơi, ở thời điểm hội tụ của nhiều “duyên” từ chính mình và từ môi trường, không gian xã hội. Nếu hành giả ở giữa Myanma, Srilanca, Thailand... thì bình thường thôi, không ai rượt theo quay phim đâu, ở đó hình ảnh khất sĩ đã quen thân.                          

       Bây giờ người đời thèm đạo, đặc biệt phải là sự trong sáng_sự trong sáng của thế gian, thế nhân lắm. Bởi ai giờ cũng “quá” khôn, tinh lỏi hết rồi. Đâu cũng toàn sống bằng lý trí, mánh mẹo, chiêu thức, kỹ xảo, ảo hình, tranh giành, rình rập, tận dụng, vắt chanh lẫn nhau. Đạo nào cũng thế, trong địa cầu, dương gian này. Cả thế gian lâu ngày cứ như đang trong một sự hành khất về Trong sáng. Ao ước hết thảy đều trong trẻo, thực thà, chơn chánh. Nghĩa là loài người vẫn hướng thiện.

       Cõi nhân gian đang ở khúc quanh như vậy. Cõi thế tục ta bà phàm phu đã thế, mà giữa thế giới tu hành hình như cũng thấp thoáng đâu đó có gì lợn cợn, biến tướng, sai lạc, làm xộc xệch giới luật cùng đạo pháp. Đạo Bụt đã thơm ngát xưa nay giờ ngẫu nhiên bừng thêm sinh khí, gần gũi thêm, lan tỏa nữa, rộng khắp từ người nội đạo đến người  khác đạo, không đạo, qua bước chân của một hành giả lang thang, lạc loài.

       Bỗng, một cuộc “đạo hành”, “tu đi bộ” nhiều ngày trên đường, đoàn người lê thê đã diễn ra, đi qua nhiều thành phố, làng quê, dọc theo chiều dài đất nước thân thương. Đến khi quay lại nơi lớn lên và trưởng thành là cao nguyên J’Rai thanh lành kia để tạm tá túc trong rẫy cà phê để tu tiếp thì bá tánh chúng sinh gần xa cũng tiếp tục cố lùng tìm cho ra hành giả để mong được gặp. Rồi, lại bỗng nghe đâu ngài được xuống lại để tu hành đúng nghĩa người đã “xuất gia” nơi ngọn núi Sạn bên rìa Nha Trang miền duyên hải. Quyết “tu” giữa quê hương đất nước mình, trong mọi thuận hay nghịch duyên, tình cảnh.

      Trần gian là vậy, mọi thứ cứ ngược xuôi, xuôi ngược, và người đời phàm luôn sợ “mất” bất cứ thứ gì ở mình. Kể cả là hành giả, có người đi tu để được”… “mất”, có người đi tu sợ”… “mất”.

 

                                                  *

        

       Không phải ai cũng đủ sức đi tu. Và không phải ai đi tu cũng giác ngộ, toàn giác, thành người đức hạnh. Hành giả chân tu nhiều mà hành giả dở dỏm cũng nhiều. Bá tánh biết hết á.

      Tôi nhớ lại, có hành giả người Việt thông tuệ đã xuất gia lâu năm từng giảng: “Trên đời này, người nói được “pháp”  là quí. Nhưng không hiểu bằng người biết pháp_người biết pháp quí hơn. Và, người biết pháp không bằng người hiểu pháp. Người hiểu pháp không bằng người hành  pháp. Vậy,  rốt cuộc quan trọng là hành pháp_ người hành pháp là quí nhất”.

      Thời buổi “vật chất hóa” mọi thứ, quấy phá người đời lẫn chùa chiền, tăng sĩ và thách thức cả chánh pháp, nhưng những hành giả nào thực sự là bậc chân tu, buông xả, giải thoát, nghĩa là không sở hữu tài khoản, đất đai hay cầu màng bất cứ danh lợi gì thì đều biết đến lời kinh dạy chuyện“Sư tử trùng thực sư tử nhục” trong kinh Phật  “Đại Bát Niết Bàn”.  Đoạn kinh này nghĩa nói hùng tráng rằng “không ai có thể đánh phá được đạo pháp, ngoài chỉ có những người đệ tử bên trong đạo tha hóa, xa rời chánh pháp, nền tảng đạo hạnh”, nếu có sự hư hại (diễn ra) với đạo pháp.  Như việc giảng và tu sai pháp, là xa rời chánh pháp, là “phá đạo” đó; như phá giới, không giữ giới, là làm “hỏng” giới luật, giá trị người tăng sĩ đó; như, ham vật chất, cầu lợi danh, hình thức, ngã đắc, sân si, truyền bá mê tín, dị đoan.... Tương ưng với nghĩa của khái niệm trên: “con sư tử nó không chết vì kẻ săn nó, mà nó sẽ chết vì loài côn trùng nằm trong bộ lông của nó. Vì côn trùng nó đục khoét từ bộ lông con sư tử và con sư tử sẽ bị nhiễm trùng mà chết.

       Cứ tu theo đường hướng mình chọn đi mà, theo Mahayana (Bắc tông, Bắc truyền) hay Theravada (Nam tông, Nguyên thủy) cũng là hướng đến thoát khỏi nỗi khổ niềm đau/giải thoát thôi, hơi đâu lo “ảnh hưởng” rơi vào người khác hay mất cơ hội chi. Nếu mục tiêu đi tu là để cầu Giải thoát chứ không phải cầu danh, lợi, ảnh hưởng. “Pháp” của Bụt thì bao la, như bầu trời, đại đương, có chỗ cho mọi người, mà thực chất thì cái bầu trời, đại dương giải thoát đó nó lại nằm chính trong mỗi người. Không phải chỉ những người ở chùa, hoặc người đi tu nói chung ở mọi dạng mới biết yêu quí và có trách nhiệm gìn giữ chánh pháp của đức Phật đâu. Làm ơn nhớ giùm cho, Phật giáo từ Ấn Độ đã vào lãnh thổ Việt Nam này từ thế kỷ III trước Công nguyên, và bám rễ, nên “cây”, là trên hai mươi hai thế kỷ rồi. Nghĩa rằng Phật giáo đã được dân tộc này gầy dựng, nuôi dưỡng, lan trải nó ra trên hai mươi hai thế kỷ rồi, đã thấm vào xứ, gắn bó nhiều nhiều đời, tầng này đắp lên tầng kia, trong lòng các dân tộc Việt Nam. Chúng sinh nặng ân tình với Bụt ( biến từ âm Buddha ra, tức đức Sakyamuni_Phật bổn sư/ Thích Ca Mâu Ni), chứ chẳng riêng người đi tu nào, ở thời nào, triều đại nào. Rộng lớn hơn thế, ngài và pháp/ trí tuệ của ngài là tài sản của chung nhân loại, xuyên quốc gia, dân tộc, chủng nòi, màu da, tôn giáo, tổ chức, hội, nhóm, thực thể, cá nhân. Đừng bao giờ muốn “sở hữu” Phật giáo cho riêng mình, trong mọi cái “duyên” và “quyền” về nó. Hãy để chúng sinh trên đại địa cầu này ai cũng được thọ nhận, học theo, thực hành tu, hưởng lợi lạc từ trí tuệ của đức Sakyamuni chỉ ra, và ôm vào lòng, cũng như trách nhiệm bảo vệ nó. Khi mà các thế hệ chúng ta bây giờ đang hiện diện dương gian đây chưa có mặt trên đời thì đạo Phật đã “sống”, sừng sững, hiện hữu cùng những lớp tiền nhân chúng ta rồi, để khai sáng sự biết về kiếp người, trần gian, vũ trụ, bồi bổ thế giới tinh thần, nương tựa thân tâm, tìm đến an lạc, đạo đức, tình thương chủng nòi, tha nhân và thiên nhiên.  

       Người tu đạo Bụt thường rất khó để trở nên xét nét, nhỏ nhen, hay đố kỵ. Sống trên cõi đời ta bà này ai chứng ngộ, đắc đạo, đạt chánh quả được hãy mừng cho người. Người đời ganh tỵ với họ đã xấu xí, mà người đi tu lại ganh tỵ thì vô vàn kỳ cục, xấu xí. Đạo Bụt là đạo của tỉnh giác. Đường giác ngộ của đạo Bụt vẫn luôn đó, mênh mông, bát ngát, và chia đều cho tha nhân, cho mọi tăng sĩ, ni sĩ, chỉ cần bất kỳ ai đủ sức bước đến và tu ra tu, mạch lạc, tu trong trẻo, tới “nơi”.

       Người đi tu đừng bao giờ than khổ, vì nhờ khổ để hiểu đời, giác ngộ. Vì sao người đời lạy các bậc tu hành ? Là lạy cái sự buông xả của họ, cái giá trị đó. Mà thực ra là lạy cái tinh thần đó chứ không phải cái nhà sư đó. Tu mà không buông bỏ, xả ly tất cả, còn tham - sân - si, màng danh lợi, ham quyền lực, hơn thua, tranh chấp, thích của cải là trật lất rồi, là trái với những gì đức Sakyamuni dạy, trái với đạo Phật.

        Mỗi người đi tu phải là những quyển “kinh sống” ở cõi người. Còn không được vậy, vẫn mang lấy những đặc tính như người đời phàm thì nào phải một samôn, hành giả, “Thầy tu”.

 

                                                 TƯỞNG

 

        Rồi hành giả này có hoàn hảo, đắc đạo ở cảnh giới cao nhất không, có bước khỏi luân hồi sinh tử hay không là chuyện bên trong thế giới của riêng ngài. Ngài có đi “hết đường” không, hay kỳ thực thì ngài đã “đến nơi”, bến giác, rồi ?  Hay là hiện thực trường hợp của ngài đã đạt đến cảnh giới “giác ngộ” rồi nên không cần phải “tu” nữa, bởi chúng ta là người của thế giới cõi phàm nên chúng ta không thể biết tính trạng của thế giới thánh nhân cùng những biểu hiện ra bên ngoài của họ cũng như  những quả đắc bên trong thân tâm họ ? Ồ, một người đã rốt ráo cho “hành pháp” được rồi thì không cần phải “học pháp” nữa. Dù cả thế gian vẫn đang đủ chiều ngược xuôi luận bàn về ngài thì như thế đến lúc này đã rất hay, kì diệu rồi. Sống giữa nhân gian, làm ấm lòng người khó lắm, như ngài.

 

                                                    *

 

         Nhưng những người sùng kính, ái mộ, tò mò, lo lắng, và cả lợi dụng hành giả để làm mọi điều sinh lợi  nọ kia vẫn đang ráo riết lùng tìm hành giả cho mục đích khác nhau đó. Sự tôn sùng như thác lũ, sự phỉ báng như sóng thần, và sự lo sợ hấp lực ảnh hưởng quá lớn từ ngài lên xã hội đã khiến hành giả không còn được tự tại nữa. Sự lo sợ hấp lực cao đẹp từ từ trường của tôn giáo ở xã hội là một ải nạn cho người tu. Nhưng lòng yêu quí quá đồ sộ cũng thành một thử... ải nạn, kiếp nạn cho người tu. Song tất cả ải nạn đều là cơ hội, chất liệu khổ, bậc thang gian khó lý tưởng cho người tu “bước lên”.  

       Chỉ còn có cách ẩn tu ? Mà ẩn tu đâu cho thoát khi bỗng dưng bất đắc dĩ đã thành “Idol”, và giữa thời buổi mỗi người có ít nhất một chiếc điện thoại mà đều có thể trở thành “nhà quay phim”. Tạm biệt hạnh “đầu đà”. Thì thôi, chẳng lang thang, hành khất, ngủ nghĩa địa nữa. Chiếc lỏi nồi cơm điện hãy yên vị, khỏi làm cái việc đáng yêu ngoại hạng của nó nữa. Tội nghiệp hành giả, ước nguyện cuộc đời là đi tu mà lúc nào Youtuber, Tiktoker, phóng viên... cứ “nhắm” đến mình, bám,  “rượt”, truy lùng, tìm theo để thu hình kiếm “view”, kiếm “like”, kiếm tiền hàng ngày. Lại có người nổi tiếng nhờ giàu tiền cùng tai tiếng vừa mới ra tù nhưng nghe nói hành giả này đang được cộng đồng ái mộ liền bung lời dọa sẽ mở livestream để “quất” vào hành giả hư vô trong veo này để bà ta thể hiện bản thân và “xốc lại” sự nổi tiếng “đỉnh cao” của mình. Là dọa… đạo đức, thách thức cái chân, thiện, tử tế, linh hiển. Ngài đã không màng đến bất cứ điều gì, thì “dọa” ngài là dọa… hư vô, tượng đài hư vô. Đã xuất gia đi tu mà hàng ngày còn bị con người gần xa trục lợi, kiếm chác, lợi dụng dưới đủ mọi hình thức, chiêu, trò, toan tính, mưu mánh.                  

       Có thể thế nhân sẽ thiệt thòi khi ánh sáng đạo hạnh từ ngài hoang vắng. Rất khó để trở lại như cũ, từng bước thong dong an nhiên tự tại. Người lành mà cũng sống trong nguy hiểm. Người tu thường chỉ muốn được tự tại, trầm lặng, cần không gian và thời gian để hấp thụ pháp, định, niệm, miên mật, suy tư, giác ngộ, giải thoát. Giờ hành giả tìm đâu ra khoảnh khắc đó. Rồi thì ngài lại phải “bốc hơi” bằng kiểu nào đấy nữa thôi, tự mình hoặc do đưa đẩy, tước mất. Rồi lại “bốc hơi”, lại “xuất hiện”, lại “bốc hơi”, lại “xuất hiện” thôi. Mà xuất hiện hay biến mất đến một bước nào đó cũng không còn quan trọng nữa với bất cứ hành giả nào mà nếu tu đạt đến cảnh giới cao nhất. Ngay cả giả sử nếu một ngày nào đó hành giả tu không đạt đến giải thoát luân hồi sanh tử được, thậm chỉ không đi trọn đường tu mà bỗng nhiên trút bỏ y bát, à, bỏ cái lõi nồi cơm điện và áo vá kia, mà “hoàn tục”, thì cũng không thành vấn đề, vẫn là chuyện bình thường. Vì mấy ai trên đời đủ sức tu và đạt đến A La Hán, Bồ Tát, thành Phật được đâu. Quanh ta, ở đời  thiếu gì người đi tu nhưng rồi đã phải hoàn tục, vì lý do nọ kia, hoặc vì không vượt qua nổi những ham muốn như người đời thường, không thắng được mình. Đầy, trong thế gian. Lịch sử nhân loại đã chỉ ra khi ai đã là bậc chân tu đạt đến thượng thừa chánh giác rồi thì họ không còn sợ chết nữa. Và nếu ai bức hại những bậc đức độ cao cả thường nếu không bị dư luận nhân gian nhấn chìm thì tự mình rồi cũng đọa đày trừng phạt lấy mình bởi tội lỗi ngất trời đó.

        “Hành Giả” tức là ... “Người đi tu Phật giáo”_ Tự điển Phật Học Việt Nam của Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội đã định nghĩa thế. Phật nào có giới hạn nhau không gian đi tu, hay câu nệ buộc ép  thế nhân cách gọi lên  “là...” nọ kia cho một hành giả. Phật còn nói với các samôn đệ tử của mình: “Hãy ra đi đi, các Tỳ kheo, đem lại sự tốt đẹp cho nhiều người; đem lại hạnh phúc cho nhiều người.... Mỗi người hãy đi một ngã...” kia mà. Hành giả ấy có pháp danh Thích Minh Tuệ, thế danh là Lê Anh Tú, đi tu vào chín năm trước từ miền đất lành cao nguyên hào sảng Gia Lai nơi ngài lớn lên và trưởng thành(sanh thì ở Hà Tĩnh ngoài kia), đã trải qua được sáu năm bộ hành khất sĩ.

 

*Một trong vô số những bức tranh mà người đời bằng cảm xúc tự nhiên đã vẽ về vị hành giả đang được nhiều nơi, người tôn yêu quí. Dù chỉ cần nhìn hình dáng phía sau thôi, dân gian đương thời đã biết là ai.

 

        Lúc này lại phải bắt đầu quán vô thường thôi. Rằng, ở triết học Phật giáo, nghĩa của Vô thường là vạn vật, vạn sự biến đổi liên tục mà.“Pháp ở mọi nơi. Vạn pháp do duyên sanh, vạn pháp do duyên diệt”. Hành giả ấy dĩ nhiên đủ định lực để thấu lẽ vô thường kia và tìm ra thích ứng, hoặc “qui hoạch” lại đường tu. Ngần ấy số bước chân in trên phố, đường núi, quốc lộ, đồi cao cũng đã là “chân... tu” , rất cần thiết cho ngài, để hành giả nhận ra đủ đầy mọi không gian nhân quần, nhìn rõ cõi ta bà và thấy sâu hết  “loài người” mình. Quán vô thường, sẽ chợt thấy như là.... huyền bí, một “Truyền thuyết”, như thuộc về “chuyện dân gian”. Từ đấy trọn bộ một hình dạng hành giả bộ hành lang thang giữa trần gian trở thành một ký ức. Ký ức lung linh, thi vị. Ôi, mới vừa xuất hiện mà cứ như “Truyền thuyết”, trên đất nước tôi.  Là ta ở trạng thái thế giới của... “Tưởng” vậy. Lạ thật, từng có một truyện ngắn tôi viết về một nhân vật đi qua cuộc đời gần giống như hành giả này, nhưng không siêu phàm bộ hành suốt dọc dài xứ sở như vậy_nghĩa là tôi phải tưởng tượng, sáng tác mới ra “người” như thế. Nên tôi yêu kính vô vàn “nhân vật”  bằng da thịt Thích Minh Tuệ của đời thật và nể phục hành giả vì mình không đủ dũng lực và trí để đi tu, lại tu theo hạnh đầu đà nữa.

        “Ngày xưa, ở nước mình, có một hành giả bộ hành lang thang, qua...“, có khi nào mai sau hậu sanh sẽ kể cho nhau nghe kiểu vậy không_ chẳng biết nữa./.

 

Nguyễn Hàng Tình
Số lần đọc: 800
Ngày đăng: 25.10.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một thoáng ở Hòn Đất - Phan Anh
Seoul - mùa hoa ngân hạnh - Minh Tứ
Chuyện ‘Sư phụ” của nhà thơ Nguyễn Đăng Hành - Đặng Xuân Xuyến
Cuộc trùng phùng của cha con nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ - Minh Tứ
Đồng Phú ơi - Hoàng Xuân
Nguyễn Văn Thành, độc giả tâm đắc của Bàn tay nhỏ dưới mưa - Trương Văn Dân
Viết bên dòng Potomac (Phần 02: Người Việt sống bên bờ sông Potomac) - Nguyễn Minh Nữu
Viết bên dòng Potomac. (Phần 1: Làm báo ở Washington DC) - Nguyễn Minh Nữu
Hà Nội - Nhìn thoáng qua Hồi Ký Vũ Ngọc Phan - Phan Văn Thạnh
Buồn vui trước ngưỡng cửa tòa soạn - Trần Trung Sáng
Cùng một tác giả