Với những người khó tính thì Saigon chỉ là thành phố với 11 quận ngày xưa. Nhưng với tôi, Saigon không chỉ có vậy, mà bao quát hơn nhiều, chẳng những bao gồm 19 quận nội thành, 5 huyện ngoại thành như nghị định năm 2003 của chính phủ, mà còn kể thêm rất nhiều tỉnh, thành phố chung quanh từ phía bắc như Bình Long, Biên Hòa xuống tận cực nam như Rạch Giá, Cà Mau... Ở đâu đó, mọi người có thể nói quê quán là một địa danh xa xa như Mỹ Tho, Bình Chánh, nhưng trong nỗi nhớ thì lại mênh mông là nhớ Saigon.
Gia đình tôi cư trú ở khu Nancy. Khu này có một cái chợ lâu đời và rất nổi tiếng là chợ Nancy. Chợ nằm giữa ranh giới quận 5 và quận 1, hai quận ngăn cách nhau bởi con đường Cộng Hòa, bây giờ gọi là Nguyễn văn Cừ.
Chợ Nancy bây giờ đã giải tỏa, chỉ còn một số người buôn bán lặt vặt ven đường, còn khu chợ cũ đã phá bỏ. Phía bên quận 1 là phường Cầu Kho, phía bên quận 5 là phường Chợ Quán. Khu Nancy coi như mọi người mặc định là khu dân cư bao quanh bốn con đường, phía mặt sông là Bến Hàm Tử, chạy song song là đường Trần Hưng Đạo, đường Phan văn Trị, xa hơn nữa khoảng 700 mét là đường Nguyễn Trãi. Còn cắt ngang là đường Nguyễn Cảnh Chân bên quận 1, rồi tới đường Cộng Hòa, ranh giới giữa quận 1 và quận 5, song song nữa khoảng 700 mét là đường Nguyễn Biểu. Khu tứ giác này giữa hai địa danh Cầu Kho và Chợ Quán.
Trong hồi ký Mặc Khách Saigon của Tô Kiều Ngân nhắc đến khu vực này vì có một thời ông cư ngụ tại đây đồng thời với họa sĩ Tạ Tỵ, nhạc sĩ Văn Phụng và nhạc sĩ Hoàng Trọng.
Nhắc đến Hoàng Trọng thì phải nói tới điệu Tango. Trước Hoàng Trọng, Tango không thông dụng ở Việt Nam. Không thông dụng bởi vì không có bài hát hay, nên ít người hát và cũng từ đó không phổ biến tổng quát. Hoàng Trọng chính là nhạc sĩ đưa điệu Tango vào nhạc Việt, ngay bản đầu tiên viết điệu Tango là "Khúc Chia Ly" do ông viết nhạc và Nguyễn Túc viết lời năm 1948 được phổ biến là một khởi đầu cho liên tục nhiều ca khúc khác để được giới yêu nhạc gọi ông là Ông Hoàng Tango của Việt Nam. Tôi gặp lại ông ở Hoa Kỳ khoảng năm 1996 tại một địa điểm kỳ thú ở vùng Hoa Thịnh Đốn, đó là tư gia nhạc sĩ Nguyễn Túc, một người bạn thân của ông.
Nhạc sĩ Nguyễn Túc sinh năm 1923 tại Hà Nội, dáng người thấp và nụ cười luôn nở nhẹ trên môi. Ông viết khá nhiều ca khúc nhưng lại rất ít phổ biến, ông nổi tiếng nhờ chơi nhiều loại nhạc cụ và rất am tường về hòa âm. Những bạn thời trẻ sinh hoạt âm nhạc cùng nhóm với ông như Hoàng Trọng, Nguyễn Cầu, Đan Thọ, Văn Phụng, Nhật Bằng, Tạ Toàn, Thanh Hùng... mà sau này khi cùng định cư quanh vùng Hoa Thịnh Đốn đã thường xuyên có mặt ở nhà ông vào buổi sáng ngày thứ Năm hàng tuần trong cái sinh hoạt gọi là "Câu lạc bộ ngày thứ Năm" (Club du Jeudi) do Nguyễn Túc thành lập.
Nhà riêng của Nguyễn Túc thực ra chỉ là một căn apartment nhỏ nằm ở Arlington. Ông cư ngụ ở đó năm 1975 cho đến khi từ trần. Ngay trong khoảng thời gian đầu vừa định cư tại Mỹ, món ăn mọi người nhớ đến nhiều là Phở. Lúc bấy giờ, vùng Hoa Thịnh Đốn không có một tiệm phở nào, và công thức nấu được một nồi phở còn có vẻ bí truyền, hơn vậy, gia vị cho phở từ rau húng quế, ngò gai, giá sống cho đến nước mắm còn là một cái gì đó khó kiếm. Nguyễn Túc biết nấu phở và biết chỗ mua được các gia vị cần thiết, mới đầu do lòng yêu phở một cách đặc biệt ông đã tìm kiếm và nấu thành công nồi phở cho gia đình, kế tới là bằng hữu của ông... rồi lan rộng ra tới những người yêu phở. Phở ông nấu và rất tự nhiên đưa ra cho những người có mặt, tới trước ăn trước, tới sau ăn sau. Nhưng không phải ai cũng đến đó ăn được, vì ông không tính tiền, cho nên phải là dân liên quan tới văn nghệ, thơ ca, nhạc họa, thì mới được vào nhà. Số người tới ăn có khi lên tới ba chục người, và ai cũng kín đáo để lại trên cái bàn nhỏ gần bếp một ít tiền để cho nồi phở tuần sau.
Ngoài khả năng âm nhạc, Nguyễn Túc còn hai đam mê nữa cũng rất dễ thương là nhiếp ảnh và lưu giữ bài đăng báo. Nhiếp ảnh là ông thường xuyên tham dự các sinh hoạt cộng đồng, một mình một máy ảnh ông đi từ trước ra sau, lên sân khấu, vào hậu trường, đi vòng các bàn tiệc và đưa máy lên nhắm vào một khuôn mặt nào bất kỳ, một hoạt động nào bất kỳ mà ông thích và chụp. Nên nhớ là thời điểm từ 1975 đến 1995 lúc đó chưa có máy ảnh digital, chưa có Iphone, Ipad nên máy chụp hình bằng phim và phải đi rửa, thế rồi một sinh hoạt sau, ông gặp lại những người ông chụp, thoải mái đưa ảnh. Người nhận được ảnh cũng có thể thoải mái cám ơn rồi bỏ đi, nhưng những người biết ông, đều hiểu rằng phim phải mua, mà rửa ảnh cũng phải trả tiền nên bao giờ cũng gửi lại ông một chút. Ông cũng không khách sáo, nhưng chỉ nhận đúng con số ông cho là hợp lý: 2 đồng cho mỗi tấm ảnh, tấm nào không lấy, không tính tiền.
Cái đam mê lưu trữ bài đăng báo còn cầu kỳ hơn. Ông sưu tầm báo chí tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh, trong đó có bài viết nào giá trị về văn hóa hoặc ông yêu thích, ông cắt ra, và dán vào cuốn sổ lớn kích thước cỡ ngang 40 cm, cao 60 cm, dày cả tấc... Khi tôi tới chơi vào khoảng năm 1996, thì trong nhà ông đã có khoảng mười mấy cuốn như vậy.
Những người thường tới chơi đó vào ngày thứ Năm, ăn phở xong ít ai về liền, mà là trò chuyện tới chiều... Có khi ngồi lại ăn thêm một tô nữa buổi chiều. Những người quen mặt ở đó như nhạc sĩ Văn Phụng, nhạc sĩ Hoàng Trọng, nhạc sĩ Nhật Bằng, thi sĩ Vương Đức Lệ, thi sĩ Hoàng Song Liêm, người nào cũng ở lứa tuổi ngót nghét 80, vào buổi trưa, ngồi yên lặng nghe các đại thụ của thơ ca và âm nhạc trò chuyện nhắc nhớ nhau một thủa Saigon xưa thật thú vị vô cùng.
Ở đây không ai giới thiệu ai với ai, ai biết ai thì ghé tới gần trò chuyện thôi. Có lần tôi bước vào, và ngồi ngay cái bàn sát góc, cạnh một ông cụ rất quen mặt. Tôi ngần ngừ một chút rồi nhớ liền, cũng đã mấy mươi năm không gặp, ngày xưa ông cụ gầy hơn, người thanh mảnh nhưng nhanh nhẹn, mái tóc bềnh bồng đi chiếc xe Lambretta ở gần xóm với tôi, nay lớn tuổi, nhưng đôi mắt vẫn rất linh động. Tôi thưa có phải bác Hoàng Trọng không? Ông cụ gật đầu đưa mắt nhìn tôi khá lâu rồi nói thấy cậu quen quen mà chưa nhớ ra.
- Cháu ở gần nhà, ngày xưa có chạy qua chơi với Hoàng Cung Fa...
Mặt ông cụ sáng lên à... Xóm Lan Chi...
- Dạ không phải, ngày xưa ở khu gần chợ Nancy đường Cộng Hòa...
Ông cụ bật cười, cậu còn trẻ, nên không biết đấy thôi, khu đó gọi là xóm Lan Chi, cái tên của Nguyễn Bính đặt đấy.
Hoàng Trọng là một tên tuổi lớn trong nền âm nhạc Việt Nam. Những ca khúc Tango của ông như Dừng bước giang hồ, Hai phương trời cách biệt, hoặc Tiễn bước sang ngang là những ca khúc in dấu vết vào tâm khảm người nghe từ nửa thế kỷ trước, mà tôi là một người yêu thích và ngưỡng mộ từ thời trai trẻ. Dịp này nghe Hoàng Trọng kể về một giai thoại đẹp của ca khúc Tiễn Bước Sang Ngang. Hoàng Trọng kể rằng: Một hôm đang ngồi ăn ở một nơi gần chợ Đà Lạt thì gặp một cô bé xinh xinh ngồi ăn với gia đình ở một bàn gần chỗ tôi ngồi. Cô ngó tôi hoài và sau đó không biết đã bàn gì với ông bố và cô đã từ từ sang bàn tôi và lễ phép hỏi có phải tôi là nhạc sĩ Hoàng Trọng ở Đài Phát Thanh không? Tôi gật đầu: "Vâng". Nàng bèn nói: "Ba em mời nhạc sĩ sang cùng bàn để nói chuyện cho vui, vì thấy nhạc sĩ đi có một mình và sao buồn thế!". Tôi đã sang bàn gia đình nàng và sau đó được biết ông thân sinh ra nàng là một nhà trí thức lớn và cũng là một chính trị gia nổi tiếng của Saigon! Ông có ý muốn mời tôi khi nào về Saigon thỉnh thoảng ghé thăm ông và nếu có thể được, dạy con ông hát và đàn guitar. Tôi cũng nhận lời ông trước mặt người đẹp nhưng sau khi về Saigon tôi bận liên miên. Vài ba tháng sau tôi mới đến thăm ông và mong gặp lại nàng sau nhiều giấc mơ về nàng. Lúc đó, tôi mới biết nàng sắp thành hôn với một người bạn đồng nghiệp của tôi... Thật là vỡ mộng! Và chuyện này tôi cũng chỉ nói lại với bạn Hồ Đình Phương, người viết lời cho bản nhạc Nhớ Về Đà Lạt của tôi. Và sau đó, bản nhạc Ngỡ Ngàng và Tiễn Bước Sang Ngang cũng được thành hình và kỷ niệm cho đến bây giờ..."
Trở lại với khu tứ giác xóm Nancy, nơi đây ngày xưa có một cái rạch nhỏ chảy từ kênh Tàu Hủ chạy vào, gọi là rạch Bà Đô.
Ca dao còn ghi lại:
Kể từ Rạch Sỏi trở vô,
Xóm Lá là chợ, thị Đô là cầu.
Cầu Bà Đô nằm trên đường Hàm Tử, ngay khoảng ngã ba đường Cộng Hòa và Hàm Tử, bên dưới là con rạch chảy yếu ớt quanh co giữa xóm nhỏ nghèo ra phía đường Trần Hưng Đạo... Nhưng khi tôi lớn lên, khoảng năm 1970 thì cái rạch đã chỉ còn nhỏ như một con mương nước thải, dân cư chung quanh đã lấp dần từng khúc rồi mất hẳn.
Thời thơ ấu của tôi trong con hẻm này và những con đường rợp bóng cây Trần Bình Trọng, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Biểu. Khu Cầu Kho dọc theo bờ sông là những căn nhà cổ lâu đời, theo lịch sử ghi nhận thì tên Cầu Kho là do ngày xưa, thời mới mở đất phương nam, dân cư thưa thớt, triều đình nhà Nguyễn mới lập chín nhà kho để thu thuế suốt từ Gia Định, Mỹ Tho cho đến Biên Hòa.
Cầu Kho là tên gọi của khu vực có Kho Quản Thảo là kho được lập đầu tiên trong loạt 9 kho thu thuế. Dân cư cũng từ đó tụ tập cư trú gần bên. Tác giả Lục Vân Tiên là cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu chào đời năm 1822 tại làng Tân Khánh, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định đã được các nhà nghiên cứu đời sau xác định chính là khu vực Cầu Kho hiện nay. Tác giả TS Hồ Trường có viết một bài trên báo Tuổi Trẻ kể lại: "Khu vực Cầu Kho có gia đình họ Võ hứa gả con gái là Võ Phi Loan cho Nguyễn Đình Chiểu, nhưng sau không gả vì Nguyễn Đình Chiểu bị mù lòa sau khi hay tin mẹ mất. Hồi làm ở Nhà truyền thống quận 1 những năm 1986-1987, đi thực địa khu vực Cầu Kho, chúng tôi ghé một con hẻm lớn ở đường Trần Đình Xu – con đường trung tâm của phường Cầu Kho hiện nay (thuộc Q1, TP.HCM), bà con tại chỗ chỉ chúng tôi vô một căn nhà xưa, cất theo lối năm gian, hai chái, mái lợp ngói âm dương rêu phong, trong nhà còn nhiều đồ đạc cổ xưa.
Người giữ nhà lúc đó chỉ là người làm còn chủ nhà thuộc dòng họ Võ đã định cư nước ngoài. Người giữ nhà cho biết đó đúng là căn nhà xưa kia từng kết thông gia với cha mẹ của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, nhưng sau đã từ hôn."
Cũng trong khu Nancy, phía bên Chợ Quán, còn lưu lại hai di tích lịch sử đáng nhớ, thứ nhất là nhà thờ Chợ Quán, ngôi nhà thờ đầu tiên được xây dựng ở vùng Chợ Lớn. Nhà thờ Đức Bà xây dựng năm 1877, nhà thờ Chợ Quán xây dựng sau đó 10 năm, năm 1887. Cũng là kiến trúc Gothic, nhưng nhà thờ Đức Bà là được xây dựng và trang trí nội thất là do Soái Phủ Nam Kỳ đài thọ, còn nhà thờ Chợ Quán đầu tiên xây dựng do công sức đóng góp khá lớn của các giáo dân là dân di cư từ miền Bắc và miền Trung mới vào định cư nơi vùng đất mới xây dựng lên. Có truyền thuyết kể rằng khi đắp đất làm nền phải sử dụng cả bầy voi dẫm đạp cho bằng. Nhưng ngôi nhà thờ đó bị phá hủy vì chiến tranh nhiều lần, tới năm 1882, một vị linh mục tên Hamm mới quyết định xây dựng lại nhà thờ mới là ngôi nhà thờ ta nhìn thấy bây giờ. Khi ông mất, Linh mục Hamm được an táng trong nền thánh đường, ngay trước bàn thờ Đức Mẹ.
Trong khuôn viên nhà thờ Chợ Quán, thời trước 1975 có một trường trung học tư thục rất lớn là Trung Học Chí Thiện. Đây là trường trung học đầu tiên ở Việt Nam hồi đó dạy theo chương trình mới, phía nữ có giờ học về May Thêu, Âm Nhạc, Nữ Công Gia Chánh, phía nam có giờ học về Máy Móc Điện Tử. Bây giờ cơ sở vật chất đã đổi thành trường tiểu học Trần Bình Trọng.
Còn nhớ, bên hông nhà thờ Chợ Quán có một con hẻm lớn, xe hơi chạy vào được, trong đó có một lớp dạy nhạc với nhiều loại nhạc cụ đời mới, và đám học sinh trường Chí Thiện học lớp buổi chiều có thể nghe được tiếng các âm thanh nhạc cụ vang vọng của trống đàn đủ loại. Lớp nhạc này của nhạc sĩ Trúc Giang quy tụ khá đông học trò, và rất nổi tiếng là nơi đào tạo nhạc công ở Saigon. Con trưởng nhạc sĩ Trúc Giang là Trúc Hồ, nối nghiệp ông và là một nhạc sĩ tài ba với nhiều ca khúc nổi tiếng sau này.
Cách nhà thờ Chợ Quán vài trăm thước, ngay ngã tư Trần Bình Trọng và Trần Hưng Đạo là một di tich mà tới giờ vẫn còn hoang phế là khu nhà mồ của học giả Trương Vĩnh Ký. Học giả Trương Vĩnh Ký là người có ba điều đặc biệt:
1/ Là một người theo Tây học, làm thông ngôn cho phái đoàn Việt Nam qua Pháp đàm phán nhưng ngay đến cuối đời vẫn không vào Pháp tịch.
2/ Một người Việt Nam thông thạo tới 26 ngôn ngữ trên thế giới.
3/ Là người chủ báo đầu tiên ở nước ta, khi ông đảm nhiệm toàn quyền tờ "Gia Định Báo" vào năm 1869. Khi làm người quản trị toàn quyền "Gia Định Báo", Trương Vĩnh Ký đưa ra ba chủ trương:
- Truyền bá chữ quốc ngữ trong nhân dân.
- Cổ động tân học trong nước.
- Khuyến khích nhân dân học chữ quốc ngữ.
Tuy viết bằng chữ quốc ngữ và chủ trương là nhắm vào nhân dân, nhưng vì tờ báo là tờ báo của chính quyền Pháp, nên sau này cuộc đời và sự nghiệp của Trương Vĩnh Ký, tâm huyết và những biên khảo rất giá trị của Trương Vĩnh Ký bị đánh giá là thiếu bóng dáng của đất nước quê hương.
Năm 2017, một tác phẩm công phu của Học giả Nguyễn Đình Đầu được in ra. Tác phẩm: "Petrus Ký - Nỗi Oan Thế Kỷ" được xuất bản và đã phát hành được vài tháng, nhưng khi xin phép tổ chức ra mắt sách, trước thì đồng ý, nhưng phút chót phải hủy bỏ. Cuốn sách không bị thu hồi và sửa chữa nhưng coi như không được khuyến khích. Nhà sử học Nguyễn Nhã là người được dự trù làm diễn giả trong buổi ra mắt sách đó, đã nhận xét:
“Theo tôi, một nhân vật như Trương Vĩnh Ký là một nhân vật rất đặc biệt, mà tôi vẫn cho là tiêu biểu cho thân phận của người Việt Nam. Ông sống ở thời kỳ Pháp thuộc, nơi đó lại là Nam kỳ, thuộc Pháp. Mà khi mình sống thời kỳ Pháp thuộc, mình sống như thế nào trong giới học thuật đó, mà để mãi với thời gian thì đó là một vấn đề rất quan trọng. Ông Trương Vĩnh Ký đã làm được điều đó. Những công trình nghiên cứu và con người, nhân cách của ông là muôn đời.”
Một học giả đời sau là Vương Hồng Sển khẳng khái nhận xét bậc tiền bối của mình: Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của là ba ông minh triết bảo thân, gần bùn mà chẳng nhuốm mùi bùn, không ham "đục nước béo cò" như ai, chỉ say đạo lý và học hỏi, sống đất Tào mà lòng giữ Hán, thác không tiếng nhơ, thấy đó mà mừng thầm cho nước nhà những cơn ba đào sóng gió còn hiếm người xứng danh học trò cửa Khổng.
Nằm trong khuôn viên mỗi bề khoảng hơn trăm mét, chính giữa là một nhà mồ xây cao, cửa nhà mồ xây vào phía đường Trần Bình Trọng, bên trong là ba ngôi mộ đắp bằng, chính giữa là mộ Trương Vĩnh Ký, hai bên mộ là phu nhân của ông nhũ danh Vương thị Thọ và người trưởng nam Trương Vĩnh Thế. Ba ngôi mộ là ba phiến đá cẩm thạch. Thời gian đã làm các phiến đá có chỗ rạn vỡ. Khi từ trần, Trương Vĩnh Ký để lại 121 tác phẩm tiếng Pháp và tiếng Việt, trong đó đặc sắc nhất là tập Truyện Đời Xưa và tác phẩm Kim Vân Kiều của Nguyễn Du lần đầu tiên được viết ra bằng chữ quốc ngữ.
Chung quanh ngôi nhà mồ đã thành một nghĩa trang gia tộc họ Trương, trong đó, có mộ con trai thứ của cụ là Trương Vĩnh Ny. Tôi có tình bạn với Trương thị Diệu là cháu nội cụ Trương Vĩnh Ny và có nhà cư trú ngay trong khu đất mộ này nên thời đi học rất nhiều lần chạy chơi trong khu vực nhà mồ này. Diệu chỉ ngôi mộ thân phụ là cụ Trương Vĩnh Tích, mộ ông nội là cụ Trương Vĩnh Ny. Trong khuôn viên nhà mồ còn có bốn gia đình trong dòng tộc cư ngụ và gìn giữ nhà mồ.
Viết về học giả Trương Vĩnh Ký (1837- 1898), nhà văn Thanh Lãng nhận định: Trương Vĩnh Ký không đạo mạo, không đài các, không cao kỳ; ông trai trẻ hơn, ông mới hơn… Và nhờ ông, câu văn Việt được giải phóng khỏi những xiềng xích chữ Hán. Chủ trương của ông chính là “cách nói tiếng An Nam ròng” và viết “trơn tuột như lời nói”. Nếu đem phân tích theo ngữ pháp thì thấy lôi thôi, nhưng so với văn xuôi khác ra đời sau ông 20, 30 năm, văn ông vẫn còn hay hơn, mạch lạc khúc chiết hơn.
Cuộc đời, sự nghiệp của Trương Vĩnh Ký còn quá nhiều tranh cãi khen chê, nên các tác phẩm của ông vẫn chưa được nhìn đúng giá trị và cũng vì vậy, nơi ông cư trú lúc sống và an táng lúc chết vẫn chưa được bảo trì và tôn vinh như nơi ghi dấu một người được công nhận là nhà Bác Học Ngôn Ngữ của thế giới từ năm 1874. Câu nói ghi trên nhà mộ bằng tiếng La Tinh: “Fons Vitae Eruditio Possidentis” có nghĩa là "Tri thức là nguồn sống cho ai sở hữu nó". Phải chăng câu đó như một lời tiên tri, nhắn gửi đời sau là những gì ông viết xuống bằng tâm huyết yêu thương để truyền rao kiến thức một đời thu thập, gửi tới người Việt sẽ chỉ có giá trị cho những ai hiểu được, biết được và thụ nhận được những tri thức đó.
Khu Nancy nằm giữa đoạn đường từ Saigon vô Chợ lớn, bây giờ khi đường Nguyễn văn Cừ mở rộng kéo dài từ ngã sáu Saigon, xuyên qua cầu Nguyễn văn Cừ để qua quận 8, chạy thẳng tới khu Trung Sơn qua quận Bình Chánh, thì khu Nancy lại trở thành một giao điểm nối bắc nam đông tây của Saigon. Về lại nơi đây, ở lại nơi đây mấy ngày để gặp lại biết bao bạn bè kỷ niệm của thời ấu thơ, phần sau sẽ kể tiếp.