THÁNG 10 NGÀY THỨ BA
[Để nhớ MỘT MÌNH VỚI MÙA THU của K.Paustovsky và bạn hiền Liêu Thái ]
-----
1.
Chưa bao giờ trời xanh đến thế
Hanh hanh gió và nắng rất trong
Tháng Chín tiết mạnh thu vàng cúc
Hoàng hoa tửu! Một mình bên song.
Vời vợi xa! Mảnh trăng đầu tháng
Khe khẽ vườn đêm tiếng dế giun
Quên bên trời một vì sao lạ
Bâng quơ thơ! Lại một tứ buồn!
Cuối thu, hình như theo cổ lệ
Xa gần quê cũ rủ nhau về
Nhà hương hỏa anh em đoàn tụ
Trập trùng mấy nỗi nẻo sơn khê.
Hoàng hoa tửu! Trầm trầm vị đắng
Nhân sinh! Bóng chớp. Có rồi không(•)
Mấy mươi năm dấu tàn binh lửa
Li tán! Tha hương! Não! Não lòng!
Cuối thu, trời cứ xanh! Xanh quá
Nắng cứ trong! Trong đến nao lòng
Cả gió nữa! Hanh hao! Rờn rợn
Hoa cúc buồn! Như có như không...
-----
(•) Ý thơ Vạn Hạnh Thiền sư.
2.
Yên tĩnh lạ! Cà phê nhỏ giọt
Dưới tầng xanh biếc, như ủ hương
Chầm chậm thời gian! Như ngưng lại
Dã thảo hoa lấp lánh ngậm sương.
Bạn già. Hẹn gặp. Thường lặng lẽ
Cái thủa ồn ào đã lùi xa
Thơ phú...hình như vào hồi nhạt
Bận tâm chi! Mặc cõi ta bà.
Nào! Chậm lại! Chậm nhất có thể
Chút hương thơm vị đắng cà phê
Một chút thơm thơm làn khói thuốc
Trời xanh qua khe lá! Ô kìa!
Mấy mươi năm lúc nào cũng vội
Cuộc mưu sinh gió cuốn bụi bay
Niềm sinh thú tưởng chừng cũng mất
Ta là ai? Ta cũng không hay.
Thôi! Không tiếc đời ta hữu hạn (•)
Như sáng nay trong vắt nắng thu
Vườn xanh lá! Xin đừng vội rụng
Ban mai này! Ban mai cho ta.
----
(•) Ý thơ Tô Thùy Yên
THÁNG 10 NGÀY THỨ TƯ
1.
Ai về cùng mùa Thu xứ Bắc?
Thái Nguyên độ này nắng mật ong
Thung vàng lúa! Trời xanh! Xanh ngắt
Trầm mặc hồ đẹp đến nao lòng!
Một chút lạnh về đêm tịch lặng
Dậy sớm đi! Dậy sớm đi nào!
Bình minh trà! Tân Cương thanh đạm
Dịu dàng - đắng - chát - ngọt! Nao nao.
Truyện tình lãng xẹt! (•) xin đừng kể
"Huyền thoại hồ..."(••) xin cũng đừng ca
Thu xứ Bắc...xin đừng sầu thảm
Bồng bềnh mây Tam Đảo nẻo xa.
Ai về cùng ta? Thu xứ Bắc
Sông Cầu hết lũ lại xanh trong
Tứ đại danh trà (•••)! Non tơ búp
Sơn nữ mắt huyền dáng lưng ong.
-----
(•) Truyện cổ tích vùng hồ Núi Cốc!
(••) Huyền thoại hồ núi Cốc. Ca khúc của Phó Đức Phương.
(•••) Bốn vùng chè nổi tiếng ở Thái Nguyên Tân Cương, La Bằng, Khe Cốc, Trại Cài.
2.
Về già. Bỗng một ngày dở chứng
Lụi hụi trồng phong lan
Bè bạn nhìn
Cười
Ra chiều thương hại
Gọi cho mầm
Bày đặt cách trồng...
Vương giả chi lan! Cổ nhân từng nói
Về với ta các ngươi đừng mơ giấc mơ ngạo nghễ
Đừng mơ...
Nhà ta nghèo
Đời đạm bạc
Ta không dư sức để ngẫm ngợi suy tư về vẻ thanh quý ngạo nghễ mà các ngươi từng được tôn vinh xưng tụng
Ngươi cũng chỉ là một loài hoang dại sống kí sinh dưới tán rợp cây che
Quê hương các ngươi rừng xanh núi đỏ
Cheo leo
Chênh vênh
Dầm dề mưa cùng lồng lộng gió
Vương giả chi mô!
Danh hão cái giống người đa ngôn đa sự vẽ vời ẩn lậu đầy độc dược
Các ngươi lịm đi trong lưới ngôn từ...
Về nhà ta
Chỉ có khí trời và nước lã!
Tươi héo bởi trời
Có gì nở đấy
Bông mập bông còi
Bông dài bông ngắn
Bận tâm chi bận tâm chi...
3.
Lướt mạng
Thấy
Chúng dân đông như kiến như ong
Đại lộ chật cứng
Quảng trường chật cứng
Gấp trăm lần gấp ngàn lần những gì V.Huygo viết trong chương GIAN ĐẠI SẢNH - NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS!
Và khác ngược 180°
Paris thủa ấy tấn phong Cuồng đãng Giáo hoàng!
Còn - bây - giờ - hạ - bệ - những - thánh - nhân - tự - phong - phe - nhóm!
Ngày hội vui nhộn nhạo Tấn phong!
Ngày hội uất nghẹn oán hờn Hạ bệ!
Búa đập...
Đá ném...
Dây cột cổ...
Máy công trình ngoạm, húc, giật, kéo
Văng đầu
Bể ngực
Gẫy cổ
Cụt chân
Xúc lên xe chở rác
Bãi thải
Điểm đến cuối cùng...
Chúng dân phấn khích reo hò
Niềm sôi giận hạ nhiệt tí chút...
Vui được thì cứ vui
Nào ai biết ngày nao lại mọc tượng đài?
THÁNG 10 NGÀY THỨ NĂM
1.
Xưa
Thâm cung bí sử
Chỉ thành bạch thư sau cả trăm năm
Và có lẽ đã hóa thành dã sử
Hư hư thực thực khó ai rành
Ừ thì đọc cho vui
Vui tấn trò người tứ đốm tam khoanh
Bí sử thâm sì thịt trâu toi mùa rét
Thâm cung toen hoẻn cửa son đỏ loét lún phún rêu và đôi khi tàn rạc rêu thập thành...
Thâm cung bí sử
Thật tanh mùi đời.
Nay
Vỉa hè nhan nhản người ngồi
Mạng tê lê bốc da lô...chạy nhanh ngựa vía
Ba nốt nhạc tin loan tứ xứ
Thâm cung cửa mở tám hướng gió lùa
Bí sử vật vờ không che
Xú thoại thăng hoa
Xú thoại có nhân chứng vật chứng bút lục ghi âm
Thâm cung bí sử tân thời
Vẫn thâm sì thịt trâu chết rét
Vẫn toen hoẻn cửa son đỏ loét
Rêu bạc nhuộm cho đen
Rêu lún phún nhuộm màu bạc bạc...
Lướt mạng cười khặc khặc!
Lướt mạng khóc ngặt ngặt!
Nước mắt méo rơi!
2.
Chiến tranh!
Từ cũ, từ cổ thường dùng
Dày đặc ở những nơi nào có lời, có chữ
Chiến tranh vào một ngày bình thường đã không còn gợi ám ảnh chết chóc, tàn hủy
Những đô thị hóa thành đống gạch vụn
Cả triệu người bỏ nhà bỏ cửa tị nạn
Cả đoàn tàu chở xác lính trong những túi nilon
Cả một huyệt mộ tập thể xếp quan tài vuông vức ngay ngắn
Tù binh bị hành hạ
Chúng dân chết thảm cả đống cả đàn
Và lửa!
Những khối lửa bùng lên dữ dội, khổng lồ, vô phương cứu chữa
Những bãi lửa rộng vài nghìn mét vuông
Những đám cháy khốc tàn năm ngày mười ngày rồi tự tắt
Bầu trời đêm rực sáng những tên lửa đạn đạo, siêu thanh, hành trình...
Chiến tranh không còn làm ai...giật mình!
Chiến tranh như lễ hội tưng bừng
Rũ nát
Vỡ vụn
Chết banh thây
Chết như thịt nướng
Ai chết mặc ai!
Thậm chí đem lại niềm vui không giấu diếm
Sung sướng công khai...
Chết! Chết nữa! Chết mãi...
Thế giới điên rồ trong tiếng khóc, cười
Đại hung đồ, tiểu hung đồ boongke sâu lòng đất
Trí tuệ nhân tạo moi ra
Nổ tung những cơn nhân tạo địa chấn
Ma ma ma bay lên chín tầng trời
Vùi sâu chín tầng địa ngục
Cuộc rong chơi trên biển máu con người
Chết bảy còn ba
Chết hai còn một
Thái bình ứ đầy tang tóc
Hoan ca cùng đổ nát
Lạnh ngắt hoan ca