Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.108
123.202.618
 
Tu hú cá Chuồn
Thanh Phương

 

 

Được nghỉ phép năm, sáng sớm từ Nha trang xe chở tôi về Đà Nẵng thăm má và các anh chị, tôi theo quê vợ lâu rồi. Buổi chiều nhìn xuống lề đường thấy cột mốc ghi “Tam Kỳ cách Đà Nẵng 09 cây số”, chộn rộn chi lạ. Mùi đất từ đám ruộng cày bên đường bay vào mũi tôi chan chát, ngây ngấy, bỗng nhiên tôi nhớ thời nhỏ đi học trường làng. Không biết từ khi nào, mỗi lần đi học đều có bốn bạn đi chung, trở thành nhóm bạn thân thiết. Ngày nào cũng có một đàn chim xòe cánh bay qua đầu chúng tôi ríu ra ríu rít hoặc đậu trên cành cao, thế là bọn học trò lượm đá ném lên “chíu chíu”, đàn chim hoảng sợ bay đi cái vụt!

1. 

Ngày ấy đường đi học vắng vẻ ít người qua lại, cỏ mọc phủ phê, đi lâu thành con đường mòn, nào là bụi tre, bụi gai, lùm cây, chùm bao, chùm bát mọc lên thả dàn, muốn hái, bọn tôi phải chồm tới tránh gai đâm, kiến bu. Trái chùm bao có hình khối tam giác rỗng bên trong, hái xuống đập vô đùi nổ “tạch tạch" nghe đã lắm. Riêng cây ngũ sắc mọc rất nhiều trên đường đi, khát nước, chúng tôi ngắt chùm bông đưa vào miệng hút "tuýt tuýt", nước ươm ra mát cổ họng đã đời, có đều hút phải nhụy bông mà con bướm hoặc con chim ruồi ghé vào "xơi" trước thì mất công nhả ra, nhụy bông lạt nhách. Cây ngũ sắc như một nhà máy thiên nhiên cho chúng tôi nước uống miễn phí khi tới trường, thật ngưỡng mộ!

2.

Một hôm trên đường đi học, bỗng chúng tôi nghe tiếng “tu hú, tu hú” từ lùm cây phía trước cất lên, gần lắm, cả bọn giựt mình đứng lại. Khổ nổi bụi cây này chằng chịt gai góc đâm xỉa tứ phía, nào là cây sậy, cây tre gai, cây bời lời, cây rằn ri, nhất là các nhánh mắc mèo vươn cao đu đưa trên đầu chúng tôi, có kiến vàng làm tổ trên đó, thật đáng sợ. Hèn chi con chim tu hú lợi dụng bụi gai, nhánh mắc mèo, tổ kiến nên nó ở núp thong thả, kêu tu hú suốt ngày. Nhưng “lạy ông tôi ở bụi này”, tu hú càng cất giọng thì càng khêu khích bọn học trò rình bắt thôi. Nghe nói bụi gai là chỗ con chích chòe làm tổ, sau đó tu hú mẹ đến tổ gửi con cho chích-chòe cưu mang, bởi tu hú mẹ mớm mồi sẽ nguy hiểm vì miệng nó chứa đầy vi khuẩn độc hại trong khi tu hú con chưa có kháng sinh để tiêu diệt, phải nói “ông” thiên nhiên tính toán cho sự sống chết muôn loài rất là bài bản. Tóm lại, để rình bắt con chim tu hú trong lùm cây, chúng tôi thống nhất gom sách vở về một chỗ, khum người bước tới như lính đặc công, đứa đầu cầm cây sào tới trước, thọc cây vào bụi rậm, nhắm con tu hú đập gậy cái ào, còn lại thì cầm cục đá đi sau, hể thấy tu hú rục rịch chỗ nào thì phang đá vô chỗ đó, quyết không chạy thoát, sẳn sàng. Nhưng hình như con tu hú đoán trước, vừa thấy bọn tôi nó liền bay lên cái xẹt mất tiêu, nhanh quá, như tên bay, lúc này chúng tôi theo phản xạ chạy tới rung cây, ném đá liên hồi. Bỗng từ trên cao tiếng tu hú vang xa: “tu hú, tu hú” nghe buồn thảm. Thôi rồi, sư đoàn kiến vàng từ các nhánh mắc mèo vỡ tổ rớt xuống đất dày đặt, bu quanh người chúng tôi, nó bấu chặt vào da thịt, đâm chích mặt, mũi, chân, tay sưng vù. Đang phủi kiến, chúng tôi lại nghe con chim tu hú từ trên cao vọng về: “tu hú, tu hú, tu hú” đầy tiếc nuối. Nghe vậy chúng tôi liền đồng thanh đáp lời: “cá chuồn, cá chuồn, cá chuồn”!

Thì ra vào cuối xuân đầu hạ là khoảng thời gian chim tú hú tìm kiếm bạn tình giao phối kêu vang khắp cả núi đồi. Nhưng đấy cũng là những tháng trời bình yên biển lặng, ngư dân miền biển vươn khơi đánh bắt cá chuồn đem lên bán dạo ở các làng quê. Vì thế mới có câu “tu hú cá chuồn” mà bọn học trò đáp lời cho chim tu hú là vậy.

3.

Khi con tu hú gọi hè cũng là lúc dân chài làng Cổ Mân, Tân Thái, Nam Thọ thuộc Sơn Chà ra khơi đánh bắt cá chuồn rộ lên. Ngay trường học Nam Thọ tôi, đang ngồi học nhìn ra ngoài đường thấy dân chài gánh cá ra chợ tấp nập, vừa gánh vừa chạy cho kịp phiên chợ: Buổi sáng là chợ Mai, Sơn Chà, buổi chiều là chợ Chiều, Mân Quang. Có thể nói, cá chuồn là đặc ân xứ Quảng, đến mùa dân chài đem ghe tới vùng nước phù hợp thả lưới rê, cá chuồn bay lượn trên mặt nước nhiều vô kể. Dân gian kể rằng, ai gặp thời thì cá chuồn sẽ lao vào ghe thuyền nằm sắp lớp, phải quay vô bờ liền vì sức chứa cá chuồn trong ghe có hạn. Từ tháng giêng đến tháng tư là rộ mùa, ánh đèn chiếu sáng ngoài khơi lấp lánh như thành phố về đêm. Có đủ loại cá chuồn nào là cá chuồn gành, cá chuồn lộng, cá chuồn khơi, cá chuồn cồ, cá chuồn xanh. Ngoài ra, dân chài muối cá để dành bán sau gọi là “cá chuồn thính". Từ miền xuôi đến miền ngược, dường như chỗ nào cũng tràn ngập cá chuồn:

"Ai lên nhắn với nậu nguồn

Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên"

4.

Thường mỗi năm tôi về quê một lần nên rất nhớ quê nhà, nhớ mái trường thời thơ ấu sâu đậm. Tới thành phố Đà Nẵng khoảng 5h chiều, lần này về thấy thành phố đẹp lên, nhất là khi xe chạy trên chiếc cầu quay sông Hàn hướng về Sơn Chà, ngày xưa đi học phải qua phà, nhiều kỷ niệm. Tôi có cảm tưởng thành phố mình như người con gái dậy thì, hôm nay nàng đã thay chiếc áo lụa cũ trên người, mặc chiếc áo tân thời lộng lẫy hơn trước gấp mấy lần. Vâng, sự phát triển bao giờ cũng đi lên là vậy, nhưng nhìn kỹ, tôi cảm thấy hối tiếc một điều gì, khi người con gái bỏ mất chiếc áo lụa cũ năm xưa một cách hững hờ. Thật vậy, thành phố đang xây dựng mới nhưng tiếc quá, với góc nhìn của tôi, tại sao họ chặt bỏ những cây đa linh thiêng ở làng Nam Thọ, Mân Quang nhỉ? Hồi nhỏ tôi học trường Nam Thọ, sát bên cây đa này, hằng ngày dân làng điều đến thắp nhang thờ phượng, chưa nói đến bóng mát cây đa che phủ trường làng những buổi trưa hè. Các nhánh sông từ sông Hàn đổ ra biển bây giờ họ lấp đất san bằng tất cả để xây dựng biệt thự-villa hoàng tráng. Tôi nhớ có lần theo má lội sông đến làng Nại Hiên Đông buôn bán, tôi chỉ mê nhất là được bắt ốc, bắt còng, bắt cá cảnh (cá lòng tong) dọc bờ sông về nuôi thật thú vị. Nhưng kết quả sự lấp sông này đã làm tắt nghẻn dòng chảy ra biển của sông Hàn (chớ không phải tiếc nuối kỷ niệm riêng của tôi): Cứ đến mùa mưa thành phố đều ngập nước vì các nhánh sông đã triệt tiêu, nước không có đường rút phải ứ đọng trong thành phố, nhà dân là tất yếu. Còn nữa, những trảng cát thoai thoải dọc bờ sông sau làng Mân Quang không thấy tồn tại nữa, chắc họ đã khai thác lấy cát trắng hết rồi sao? Nhớ lại ngày trước, hằng ngày má tôi gánh đôi gióng bước lên đồi cát trắng chập chùng, sau đó bước xuống đồi cát thì gặp con sông phía dưới bát ngát bao la, tới làng Nại Hiên Đông buôn bán. Chính những trảng cát này đã che chở cho thành phố Đà Nẵng hằng năm tránh những đợt gió chướng thổi vào từ biển vắng trở nên êm dịu, gọi là những đợt gió đối lưu, giờ thì trống rỗng hết rồi. Theo tôi sự phát triển phải là tôn vinh cái đẹp, cái truyền thống quá khứ mới là vĩnh cữu. Tôi nhớ lại bài thơ “Tiếng Chim Tu Hú” của Anh Thơ ray rức chừng nào:

Nắng hè đỏ hoa gạo

Nước sông Thương trôi nhanh

Trên đường quê rảo bước

Gió nam giỡn lá cành.

Bỗng tiếng chim tu hú

Đưa từ vườn vải xa

Quả bắt đầu chín lự

Ngọt như nỗi nhớ nhà.

Cha già thêm tóc bạc

Chống gậy bước lên đồi

Thương một mùa vải đỏ

Má hồng con đang tươi.

Có chàng qua dạm ngõ

Bỗng khói lửa ngút trời

Con đi đêm súng nổ

Vải rụng bến sông trôi...

Rồi tiếng chim tu hú

Vang suốt những mùa hè

Con đi dài thương nhớ

Mười năm chửa về quê.

Tu hú ơi tu hú

Kêu hoài chi vườn xanh?

Ta còn đi đi nữa

Như dòng sông trôi nhanh

Nhắn với chim tu hú

Cha già vui đợi mong

Mười năm trong khói lửa

Má con dù nhạt hồng

Nhưng bao nhiêu em gái

Đẹp lên mùa vải chín ven sông!

5.

Về lại Đà Nẵng, ngồi trên xe nhớ về thời thơ ấu, tôi xin mượn đoạn văn của nhà văn Trà Đóa để kết thúc bài viết mình như sau: "Thực ra tâm tưởng tôi chưa bao giờ thoát ra khỏi con đường mòn hoang vắng đầy cỏ dại mà tôi đã lặn lội suốt chiều dài tuổi thơ của mình. Quả thực, những lúc mệt mỏi tôi vẫn chọn cách quay về úp mặt vào dòng sông tuổi thơ để gột rửa những nhọc nhằn bụi bặm. Có thể nói, tuổi thơ mãi mãi như một suối nguồn. Với tôi, và có lẽ là với bất kỳ ai".  

 

 

 

 

 

Thanh Phương
Số lần đọc: 75
Ngày đăng: 07.11.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Khu Nancy ở Saigon - Nguyễn Minh Nữu
“Truyền thuyết” Qua Đi - Nguyễn Hàng Tình
Một thoáng ở Hòn Đất - Phan Anh
Seoul - mùa hoa ngân hạnh - Minh Tứ
Chuyện ‘Sư phụ” của nhà thơ Nguyễn Đăng Hành - Đặng Xuân Xuyến
Cuộc trùng phùng của cha con nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ - Minh Tứ
Đồng Phú ơi - Hoàng Xuân
Nguyễn Văn Thành, độc giả tâm đắc của Bàn tay nhỏ dưới mưa - Trương Văn Dân
Viết bên dòng Potomac (Phần 02: Người Việt sống bên bờ sông Potomac) - Nguyễn Minh Nữu
Viết bên dòng Potomac. (Phần 1: Làm báo ở Washington DC) - Nguyễn Minh Nữu
Cùng một tác giả
Tuất khùng múa lân (truyện ngắn)
Chùa Cầu Hội An (truyện ngắn)
Hoa cau quê ngoại (truyện ngắn)
Tiếng còi tàu (truyện ngắn)