Áp tết Kỷ Sửu (2009) trên báo điện tử của Hội Nhà Văn Việt Nam (hvn.vn), trong mục “tác phẩm và dư luận” có trường ca “Đối thoại trắng” của nhà thơ Hoàng Quý. Thời công nghệ thông tin, cứ thấy trường ca, hoặc tiểu thuyết ngót nghìn trang, là thấy ngại. Nhưng nếu lạ, nếu hay thì vẫn phải đọc. Đọc không sót trang nào, không sót chữ nào. Hoàng Quý đã có mấy tập thơ xuất bản. Có tập đã được nhận giải thưởng ở tầm quốc gia. Vì là bạn học từ lúc còn để chỏm, nên tập thơ nào anh cũng gửi tặng tôi. Trân trọng tấm lòng của bạn, tập nào tôi cũng dành thời gian để đọc. Đọc lướt qua, chưa thấy “sướng”. Đọc kỹ lại cũng vẫn chưa thấy “sướng” lắm. Có thể vì chưa hợp “gu”, mặc dù thơ anh không thuộc dòng “ cổ động, tụng ca, minh họa, sáo rỗng”, kiểu như mấy câu sau của đại thi hào cách mạng Tố Hữu :
“ Ta lại hành quân như năm nào đánh Mỹ
Những binh đoàn không súng lại xung vong
Ta sẽ thắng như những chàng dũng sỹ
Biến hoang vu thành cơm áo hoa hồng…”
Nhưng lần này thì khác. Tôi đọc một mạch. Rồi đọc lại. Rồi phải đọc lại nữa, đọc lại nữa để được trào nước mắt bởi những câu thơ anh được trời, phật ban tặng. Tết này, cả hai chúng tôi đã cùng ngoại thất tuần rồi. Với “Đối thoại trắng”, Hoàng Quý không phải như tôi đã biết và từng biết. Vậy là, nói như một nhân vật trong phim “ không thể hoãn cái sự sung sướng” lại được, tôi liền “phóng” lên mạng cảm nhận của mình. Bốn giờ chiều ba mươi tết, một người bạn từ Sài Gòn gọi điện bảo tôi rằng : “ Vừa đọc được đôi câu, ba sợi của ông về trường ca Đối thoại trắng, “thằng” hnv.vn cũng bạo phổi gớm …”. Nguyên văn bài viết của tôi thế này :
ĐỐI THOẠI TRẮNG … XIN MỜI !
Nếu tính từ 1945 đến nay, thì kỷ nguyên Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã trải qua được hơn một “Hội” (60 năm). Trong thời gian quá nửa đời người ấy, đất nước có bao nhiêu là huyền thoại về … thôi thì, từ thượng vàng đến hạ cám. Tốt thôi. Nhưng bước qua hai cuộc chiến tranh mà hậu quả chưa biết đến bao giờ mới hết, rồi đói vàng mắt, cả nước ăn bo bo, thì không thể cứ trên mấy trên gió mà “huyền thoại” mãi được. Thế là từ huyền thoại trong sách vở, trong vân vân đã được những người “ chân chính sáng tạo lịch sử” theo cách nói của C.Mac, tự chuyển qua bước “giai thoại”. Vâng ! cũng lại “giai thoại” các kiểu về mọi thứ trên đời, mà người trần mắt thịt phải đối mặt và có lẽ đỉnh cao là tiếu lâm hiện đại. Trong lịch sử phát triển của một dân tộc, nếu “cổ tích” là mơ ước, là khát vọng, thì tiếu lâm (rừng cười) là sự bất bình, nhạo báng đấy !
Từ nhiều thập kỷ trước, khi cố Thi sỹ lớn Tản Đà viết “ Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn, cho nên quân nó dễ làm quan”, thì ngoài việc chỉ ra cái thân phận khốn nạn của thằng dân kém hiểu biết (dân trí thấp), chính là Cụ đã đặt viên đá đầu tiên cho dân mình nhìn lại mình, dám đối thoại với mình để mà bứt phá vươn lên. Ngay như bên nước Tàu, dòng máu Đại Hán lúc nào cũng thường trực trong huyết quản từ thời đại này đến thời đại khác, mà một nhà hùng biện người Tàu vẫn đưa ra cái mệnh đề “Người Trung Quốc xấu xí”. Vâng ! một “hội” đã vuột qua mất rồi, với nhiều anh nhược tiểu đã hóa rồng. Còn ta, đã lại bước qua “hội” nữa được mấy năm, “huyền thoại” mãi, “giai thoại” mãi cũng chán rồi. Nhưng “độc thoại” thì vẫn khư khư, cơm ăn với cơm, lĩnh vực nào cũng vừa đá bóng, vừa thổi còi, thì quả là nguy quá, thậm cấp chí nguy quá. Nhất là khi cả thế giới đang thi nhau bước vào thời kỷ rực rỡ nhất, trong lịch sử văn minh nhân loại.
Đọc “Đối thoại trắng”, chúng tôi (gồm tôi và vợ tôi) từ sửng sốt đến nổi da gà. Nền văn học vĩ đại của chúng ta đã có rất nhiều trường ca, minh họa được những bước đi hào hùng, động viên được cả dân, cả nước, dốc hết sức người, sức của, hy sinh nhiều thế hệ để được “ vui gì hơn làm người lính đi đầu” trong cuộc đối đầu lịch sử, quyết tiệu diệt và dồn chủ nghĩa tư bản đến đường cùng, để nếu chúng có đang giẫy chết thì phải chết hẳn.
Vâng ! với những câu chữ không đại ngôn, bình dị như ca dao, như dân ca, như lời ru của mẹ thôi, tác giả Đối thoại trắng như có ma thuật, buộc người đọc phải hướng suy nghĩ quy tụ về hai từ ĐẤT NƯỚC. Có đất nước mới có Nhân Dân, có Nhân Dân mới có những điều kỳ diệu và có tất cả. Những vần thơ trong Đối thoại trắng có sức khái quát cao, rộng, sâu sắc … không thể diễn tả bằng lời được, nhưng buộc người đọc phải liên tưởng, suy ngẫm. Đọc một lần lướt qua chưa thể hiểu hết ngay. Nhưng càng đọc lại càng thấm, càng thấm lại càng thấy trăn trở, day dứt và đớn đau, nhưng lại không hề bi quan về thân phận đất nước mình, thân phận nhân dân mình. Đối thoại trắng đã buộc người đọc, nếu là con dân nước Việt phải lắng lại, để cùng tác giả đối thoại với cha ông, với tổ tiên. Để mà thấy cái được, cái mất, cái hỏng của một thời mở nước, của những dòng tộc từng ngự trị trên ngai vàng. Đối thoại trắng buộc người đọc phải đối thoại với chính mình, để bớt đi cái phần vô cảm, để sáng ra, ngộ ra, thấy ra cái nghĩa vụ, cái trách nhiệm, rằng mình đang là thằng NGƯỜI, rằng mình đang là dân của một NHÂN DÂN thời nào cũng phải oằn lưng gánh TỔ QUỐC suốt chiều dài lịch sử. Đối thoại trắng còn chỉ ra rằng, TỔ QUỐC chính là giá trị thiêng liêng nhất, cao nhất mà nhân dân gánh vác, ngoài ra không có bất cứ một thứ giá trị áp đặt nào khác.
Xin cảm ơn tác giả Hoàng Quý, xin cảm ơn “hnv.vn” . Vâng ! Xin hãy đối thoại, mà phải là Đối thoại trắng kia. Cái gì thật thì thực tế và nhân dân thông minh đã khẳng định rồi. Cái gì giả, hoặc là thấy nó giả giả thế nào ấy, thì thiên hạ cũng biết tỏng cả rồi. Nếu thật lòng tâm huyết với TỔ QUỐC, với NHÂN DÂN, thật lòng với vận mệnh của dân tộc, thì xin hãy “đặt bánh đúc lên sàng” để chúng ta cùng Đối thoại trắng. Nào, xin mời!