Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.933 tác phẩm
2.763 tác giả
503
123.864.705
 
Trái tim tự do luôn rực cháy
Nguyên Bình BRVT

 


Đọc tác phẩm PHIẾN HẠ (NXB Hội Nhà Văn, 2024) của Trần Hạ Vi

 

Ban đầu, tôi có ý tưởng tìm kiếm triết lý, khám phá cội nguồn cảm xúc để thăm dò định nghĩa thơ trong PHIẾN HẠ (PH) của Trần Hạ Vi (THV). Đọc dần, tôi biết mình đã hoài công. Bởi thơ trong PH chính là cuộc sống, là tình yêu của tác giả. Tình yêu ấy hồn nhiên thật thà, mỏng manh như “nhánh tường vi”, và mơ hồ như “thì thầm lời yêu quyển sách”. Cảm thức thơ tưởng chừng vu vơ mà thực ra THV đang băng tới, vượt rào để cán đích đương đại với thoại ngôn mạnh mẽ, chân thực. Giọng thơ THV “tỉnh như sáo sậu” lại hàm chứa đậm đặc chất liệu hiện đại của cuộc sống thực ở hải ngoại, hiếm gặp ở những tác giả trên bầu trời văn chương trong nước.

Thơ đến từ đâu
nếu không phải từ chúng ta

Nhánh tường vi nhạt màu
thì thầm lời yêu quyển sách
“Em có cần thiết cho anh không?”
“Và anh sẽ yêu em bao lâu?”

(Hạ thương)

Trong PH, ta sẽ bắt gặp tâm cảm thơ xáo động như dựng ngược lên, như nước sôi trong bình siêu tốc, như pháo hoa bắn lên trời cao, như đom đóm lập lòe và thậm chí như một tia chớp trong đêm tối. Nếu bạn cố tìm một mối dây liên kết nào đó về bố cục, về thi tứ và những gì thuộc về trạng thái “bình thường”, trạng thái “đang là” truyền thống thì bạn sẽ thất vọng và ngạc nhiên vì những câu thơ tự cháy rực lên. THV thiêu rụi cái trước cái sau, cái trên cái dưới, cái lẽ ra phải song hành, hay nói ngắn gọn hơn là chuỗi logich đã bị cô đốt cháy.

Ngày mai trời sẽ sáng. Chúng ta sẽ đi ra rừng. Hái cỏ tranh. Tết vòng hoa. Hai mươi ba bông hoa.

Chiếc máy cắt cỏ già nua hát một bài rầu rĩ.
Em đừng đi. Anh tìm, túi trước, túi sau, trong ba lô. Không còn kẹo bạc hà. Chỉ còn một trái cam, tròn như mặt trời. Sáng như mặt trời.

(Những bài thơ trong đầu)

Tới PH thì cảm thức thơ THV vươn tới độ sâu, độ nén và suy tưởng đày dặn, mãnh liệt và già dặn hơn rất nhiều so với VI ba năm trước. Cô soi rọi lục tìm bóng tối của bóng tối để phát hiện tia sáng thực tại đa tầng của cảm xúc, đặc biệt là tình yêu hiện sinh. Củ hành là một liên tưởng độc đáo, bóc lớp này sẽ lòi ra lớp bên trong, càng vào sâu càng nõn nà mà gần gủi với bản ngã. Theo tác già, đàn ông cũng như đàn bà, nhân cách và đạo đức luôn ẩn trú trong “căn phòng bí mật có nhiều cánh cửa”:

Anh cởi mở với em một lần

cũng là tự rọi vào lòng mình thêm lần nữa

Căn phòng bí mật có nhiều cánh cửa

Mở khóa một lần

lại thêm cửa bên trong

(Củ hành)

Khả năng liên tưởng kỳ diệu khi THV đặt bút viết khiến tôi kinh ngạc, cho dù thơ chính là hình thái ngôn ngữ tự do nhất của bản ngã. Tôi không hiểu cái gì, vì sao, động cơ nào đã khiến một phụ nữ xinh đẹp “Không có quan điểm về xã hội hay bình đẳng giới/Chỉ có tình yêu tình yêu” đã với đến tận những vật vã của Van Gogh. Một liên tưởng vượt biên giới địa lí, thời gian và cả lĩnh vực tri thức nghệ thuật, kích thích sự tiếp nhận, cảm thụ của bạn đọc:

Câu chuyện của nàng bình thường
Không có quan điểm về xã hội hay bình đẳng giới
Chỉ có tình yêu tình yêu
Và những vật vã
Mà có lẽ ngày xưa Van Gogh cũng đã đi qua

(Câu chuyện của nàng)

Dòng ý thức chuyển động không ngừng nghỉ, suy tưởng không phụ thuộc vào tiền đề của ý tứ bài thơ. Tôi có cảm giác khi viết xong bài thơ, THV cũng ngỡ ngàng với chính mình, với những phơi trải tâm thức bật ra trên bàn phím:

Biển đảo ta chưa bao giờ ngừng biến động

Quốc hội Mỹ điều tra luận tội tổng thống Trump

Trái bóng tròn sân cỏ cứ lăn
Anh nhặt em từ những bài thơ viết vội

(Thơ tình chiều thứ bảy)

Ẩn dụ trong PH thực sự đẹp, cái đẹp không nề hà ngữ nghĩa, không đi tìm từ thế giới siêu thực. Dung lượng thơ ẩn trú lặng lẽ đâu đó trong tầng tri thức đằm sâu, nay thoát xác, bứt phá ra khỏi xác thân, đến một xứ sở đầy ánh sáng của thứ ngôn ngữ không bận lòng đến quy ước xã hội:

Anh viết con mèo gào hoang dại

những ẩn số từ vũ trụ

Descartes đi lạc từ một điểm trong euclip

em là Venus ngàn năm tỏa sáng

mùa chảy vào tối ngập tràn

(Tháng bảy yêu ai)

Tâm thức tình yêu trong PH không còn là những giá trị chung thủy, hạnh phúc hay khổ đau muôn thuở. Ở đây, nhãn quan về quan hệ nam nữ chừng như đã được tự do hóa, hoặc thực dụng hóa, chân thành đến độ như ai cũng sẳn sàng chấp nhận sự lừa dối, hay có vẻ như tự lừa đối. Tôi không nghĩ những câu thơ trích dẫn dưới đây có hàm ý mỉa mai, chát đắng. Phải chăng đó là một “trạng thái bình thường” của tư duy phương Tây, nơi THV đang sống, đang lột xác để thoát ra khỏi cái vỏ bọc của con ve sầu:

Hôm nay nghe giọng anh
Vẫn trẻ trung như xưa
Cũng một bài thơ
Mềm đi khi nhắc đến
‘em’
Lạc đi khi nhắc đến
‘tình yêu chúng ta’
Dẫu đó không phải tình yêu chúng ta

(Bài thơ và tình yêu)

Thơ THV trong PH còn bao hàm nội cảm cháy phừng phừng trong một người đàn bà, ý thức được cơ thể mình là một phiên bản con người, “khi đầu vú em đứng dậy” trong hoan lạc với người đàn ông khác, nàng vẫn cảm nhận được tình yêu dành cho anh.

Khi đầu vú em đứng dậy
vẫn yêu anh
trong tâm tưởng của tâm tưởng
một miền thế giới rất riêng
chưa chấp nhận rã duyên
không nhớ
không buồn
vì chưa bao giờ xa cách
chưa bao giờ ngừng yêu

(Beauty and the beast)

Và cảm giác Sex tâm lý thần thánh – con người được tôn trọng, người phụ nữ không cần che dấu những vết tích của hoan lạc, của hạnh phúc phút giây:

Hai người đàn ông cuối cùng

Khi rời đi

đã quên khóa cửa

Chị nhặt màu chiều gói lại một thanh âm

Đường vân chiếu ngang tuần hoàn tơ máu

Đám cỏ dại đường parabol liềm hái

Nhựa ứa ra hăng hắc nồng nồng

(Hai người đàn ông cuối cùng)

 

Nói thì nói cho cùng cho tận như thế, nhưng THV cũng có lúc trở về với một cô gái hiền ngoan, vẫn đau đáu một giấc mơ êm đềm, thánh thiện, lãng mạn như “nụ hôn mùa thu”:

Hôn em đi đừng nhớ đến ngày mai
Đừng bận lòng công việc còn dang dở
Một phút yêu díu dan một phút thở
Nhịp tim chờ nhịp tim níu vần thơ

(Nụ hôn mùa thu)

Dư luận có đôi khi cũng thúc giục Trần Hạ Vi nhìn lại mình từ cái nhìn của bạn văn về tính cách và phong cách thơ của mình. Đó là một hình ảnh con người làm thơ hiện đại, phóng túng, sẳn sàng viết thơ sex, “thơ không mặc gì”. Cô thản nhiên đón nhận với một nụ cười thẳm sâu, không phải vì phản đối, cũng không phải là chấp nhận mà là một sự mặc nhiên bỏ mặc và xem thị phi là chuyện đương nhiên ở đời:

Tôi giở trang thơ tôi
Áo quần ngắn dài xộc xệch
Jeans xanh sọt tím áo yếm cánh cam
Tóc tai rũ rượi
Có người bảo tôi làm thơ từ rún trở xuống
Có người bảo thơ tôi không mặc gì

(Đồng phục thơ)

Đẹp đẽ và nhân văn biết bao khi THV nhìn ra thế giới, dõi mắt đến tận Afganistan, Ukraina. Theo tôi, đó không phải là những giọt nước mắt sụt sùi, mà là một thế giới quan về sự phi lí, những đau đớn tột cùng cho thân phận con người, kiếp người:

Anh khóc bằng cặp mắt em hôm qua
Trên mái đầu những đứa con đã chết
Những đứa con Afghanistan
Nửa triệu nắm xương tàn
Thống khổ
Ly tan

(Chiếc áo đỏ sân bay Kabul 2021)

Và cô đã chọn cách quên dĩ vãng thảm sầu của nhân loại và cả bản thân cô bằng cách bay đi, “Bay đi/ giữa bao lần bụng đói”, bay đến một nơi nào đó chưa xác định. Để rồi, có một ngày, đó là ngày hôm nay, một Trần Hạ Vi tỏa sáng trên giảng đường đại học với PH nồng nàn mà các bạn đang cầm trên tay.

Em đã bay đi
giữa vùng ánh sáng phân kỳ
Bay đi
giữa bao lần bụng đói
Em đã chọn quên
quên
quên
quên
lãng quên mãi miền ký ức
để sống cho hôm nay
cho một ngày
như mọi ngày
đón ánh hồng lên

(Sinh sau 1975)

Tôi xin phép được chọn một số câu thơ mà tôi cho là tuyên ngôn của THV trong PHIẾN HẠ:

Tôi là một trái tim tự do
sống đời vui vẻ

Một sớm mai rất lạ
Tôi yêu người
Một sớm mai rất lạ
Tôi lắc mình rời xa

(Tôi là một trái tim tự do)

Trái tim tự do đã hiến tặng những vần thơ tự do để chúng ta có ấn phẩm PHIẾN HẠ xinh xắn trên kệ sách.

Chúc Trần Hạ Vi muôn thuở yêu đẹp và làm thơ với ngôn ngữ bản thể cũng tự do như trái tim cô luôn rực cháy.

 

Bà Rịa, ngày 30/7/2024

 

 

 

Nguyên Bình BRVT
Số lần đọc: 51
Ngày đăng: 30.11.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trần Hạ Vi – Giọng thơ nữ chân thành, bạo liệt và đầy cá tính - Nguyễn Văn Hòa (Phú Yên)
Trần Thị Ngh, viết: xạo ke, vẽ: cà rỡn - Nguyễn Lệ Uyên
“Đối thoại trắng” – Xin mời… - Nguyễn Chính
Đọc tập thơ dưới nắng thu vàng của tác giả Hà Thi - Hoàng Thị Bích Hà
Cảm nhận khi đọc truyện ngắn “Cô Sướng Cưới Vợ” - Vũ Thị Hương Mai
Phê bình văn học đọc và viết với Hoàng Thị Bích Hà - Trần Kiêm Ðoàn
Hạnh phúc không ở Thiên Đường – Một truyện ngắn đặc sắc - Lê Khánh Mai
Bóng tối, dao găm và mạng nhện trong “Ba biến khúc ở tuổi 65” của Văn Cao - Nguyễn Chính
Về mấy bộ phim tham dự giải Cánh Diều Vàng 2024 - Nguyễn Anh Tuấn
Nhà thơ Thai sắc: Ta chiêu tuyết trái tim ta - Vương Tâm