KÍNH TẶNG NHỮNG NGƯỜI SỐNG CHẾT VÌ BIỂN ĐẢO TỔ QUỐC[1]
CHƯƠNG 8
VĨ TUYẾN
8.4 HAI TA KHÔNG THỂ CHỦ QUYỀN CÙNG MỘT ĐẢO[2]
Hai ta không thể chủ quyền cùng một đảo
dẫu đảo xanh cành bàng vuông hay là đảo chìm nghỉm san hô
sẽ không chào nhau nỉ hảo anh ăn cơm chưa tảng sáng còn thức gác
và chiều hôm không cùng giữa hải đăng tàu chiến lặng câm
anh thở đông phương hồng mặt trời lên[3] tôi thở vầng trăng ai xẻ làm đôi[4]
nhưng chung một biển Đông mối tình hữu nghị sớm như rạng đông[5]
tôi luôn giữ trên mình dải đất Hình Chữ S với hai chùm đảo thân thương
anh mãi trải bên mình cả đại lục trung tâm mấy ngàn niên thiên địa
nên nỗi sợ bành trướng bá quyền tôi quá hiểu
và anh đã gây ra sự phòng thủ trong tôi
hãy tránh không xung đột dù là ngắn ngủi chỉ một câu lời
như thế mới giữ cho ta được bình thường quan hệ
chỉ tiếng súng anh vọng từ xa trong biển đảo tôi
và trên biển đảo anh có cái nhìn tôi rộng mở
ôi hai hải chiến mà nỗi uất hèn và sự lãng quên
không thể nào chạm vào đó được
giá anh biết bây giờ tôi hận đau đến độ
muốn đôi tay âm ấm tử tế từ anh
Thu 2024
8.5 QUAN SÁT TỪ XA CHÂN DUNG CON NGƯỜI HÀNG XÓM[6]
Rèm nhựa lập lờ
cửa sổ phòng văn trường-ca-ca ta chĩa ra
đường cách vài chục mét thôi lòng phố hẹp
lá vàng bên ấy
bên này quét
và ngược lại
chuyện vặt
(hơn thiệt gì so bì gió bay)
Kể cả tầng hầm bên ấy ba tầng
nhà mộc không mới
vừa tầm ngắm nghía mắt bình dân
ngoại thất thiết kế phải nói là đặc biệt
ngó xa xa đã thấy phong thủy đầy mình
cũng có nghĩa 90 phần trăm gia chủ bên ấy người gốc bển
Quả nhiên ngày đầu trường-ca-ca mu[7] đến
hoan hỉ vị láng giềng cách vài chục mét thôi lòng phố hẹp
chủ động sang chào
mắt nhỏ nheo
khẩu trang y tế xịn
ai mà biết covid co veo thế nào
lề đường
bàn tay rộng vung không trung
(như chiếc lá trạng thái ít trọng lượng)
tiếng anh tiếng u
pha tiếng bển
85 phần trăm ta hiểu
100 phần trăm ta cảm
Bên này hai tầng cũ mèm sấp nhỏ tân trang ba năm rưỡi sắp xong
(sắp xong ở thì tương lai không kế cận)
thế nên mỗi khi chống tay
cắt cỏ
cào tuyết
quét lá vàng
bên này bên ấy giao lưu ánh mắt kiểu cười
ta ngó bển chơi chơi tiện thể ngắm mây trời vốn vô phương sở hữu
càng thấy
mới cũ tân cổ không khó bằng phong thủy
(lại là phong thủy đầy mình)
Tất thảy
tất thảy
chuyện nhỏ
chuyện nhỏ
nay kể dưới đây
đoạn trường một khúc…
… Mưa tháng 5 đận này thì hơi bị dai đấy
có đôi gái trai tre trẻ trồng cây si vệ đường bên ấy
đứng mãi
đứng mãi
ngang chiếc xe hơi
suốt tiếng đồng hồ
câu được câu chăng hay im lặng tuyệt đối
từ xa bố ai đoán nổi
những cơn mưa nhập nhòa không chỉ gương mặt miệng lưỡi mà cả phong thái
có lẽ trong nắng
dưới mặt trời
con người đời với nhau hơn
May mà không hiểu sao ta vừa dùng một bữa trưa đẫy bụng
cần tiêu cơm canh rau củ quả bác sĩ gia đình chỉ đạo như thế
tuổi này
đầu tư hẳn một tiếng đồng hồ
ngồi
mục kích điều nghiên
giời ơi cái chuyện trên
trong khi trường ca quần đảo
dở dang bản thảo
chương hồi hóc nhất…
… Cậu ấy leo lên
chiếc xe hơi đấy
hạng trung dáng thô mác gì thuộc tây bán cầu đây đâu rành (mà có rành cũng chẳng đảo ngược được binh tình biển đảo nơi đông phương cố quốc)
lừ lừ trườn ra lòng đường
như một con rắn ngắn
trong mưa
Xách giỏ nặng cô ta lưng đeo ba lô bé tẹo sậm đen khá mốt
lững thững bước
vào bển
cổng sau
(tất nhiên
chứ không nhẽ sang bên này
cổng trước)
Chả thấy hai bạn ý ngoái nhìn nhau
nói chi lưu với luyến
có lẽ hỏng toàn tập
người ra đi đầu không ngoảnh lại
sau lưng thềm phố nhỏ mưa đầy[8]
Trai
khó biết giống dân nào
kiên nhẫn to khỏe một tay giương ô tự che cho mình đồng hồ cả tiếng
võ thuật gì tập tành sao hoạ may người trong ngành mới biết
Gái
dáng gốc đông phương 101 phần trăm độc giả ơi
eo kiến cặp chân dưới váy lửng cong cong trắng muột
và sáng lên giữa đùng đục mưa
nhiều phần con gái rượu chủ nhà
(nếu là người thuê phòng
sẽ không bị trường-ca-ca nâng quan điểm
mong lắm ru)
Thoạt tiên dễ théc méc
thằng bé để con nhỏ đứng trần vậy tai tóc chắc ướt hết
giương mục kỉnh lên nhòm chậm
thì ra nhỏ mặc hoodie[9] cũng rất mốt chắc gì mưa tháng 5 đận này dù hơi bị dai đấy thấm suốt
(nhưng chủ thể rồi sẽ bị cảm nặng thì đây dám cá chắc)
nhìn lén lâu là kém đạo đức nhưng cũng chả phạm tội gì sất
còn giương điện thoại thông minh lên chụp trộm các cháu chúng kiện là ta chết ngắc
(vậy nên ngu gì chém gió các hình ảnh này nọ cho lũ chợ phây ngó nghiêng)
Mịa[10] mang danh thành phố du lịch[11] tầm toàn cầu nhưng mưa chầm chậm mây đầm đậm là hiện tượng biểu tượng dẫn đến tỷ lệ tự tử cao nhất xứ lá phong do trầm cảm bởi thiếu ánh nắng đông phương hồng
(coi chừng nghe
hai nhóc
tụi bây có mệnh hệ sao tau cũng là người quan sát)...
… Vĩ tuyến 49 độ bắc
thành phố biển đây hướng về quê nhà ta
xiên khoai
xuyên qua
hai quần đảo
Cái còn[12]
(dù không vẹn toàn[13]
phần nhỏ bị cắn trộm thế mới điên cả tiết)
từ vĩ tuyến 6 độ 50 phút bắc đến vĩ tuyến 12 độ bắc
cách bán đảo quân cảng của nước nhà oách nhất đại dương mạn đông bán cầu 248 hải lý
là một huyện đảo từ 1989 trực thuộc tỉnh có hai đặc sản nức danh toàn quốc yến sào và trầm hương ai mà không biết
Cái đã mất[14] trắng (ba trợn)
từ vĩ tuyến 15 độ 45 phút bắc đến 17 độ 15 phút bắc
là một huyện đảo cách đất liền 170 hải lý từ 1997 trực thuộc thành phố cảng đáng sống nhất đất nước trong mươi năm qua mà từ lâu ơi là lâu đã là thị thành trung tâm bự nhứt trung kỳ với biệt danh thành phố của những cây cầu
cách miền trung Tổ quốc nói chung chừng một phần ba khoảng cách đến những đảo phía bắc của một bển khác[15] (là bển phụ kể như đồng minh với ta vì cùng bị bển chính đì chí chết)
cách đảo tỏi của Tổ quốc chỉ khoảng 200 hải lý và cách đảo nam của bển chính khoảng những 230 hải lý (a há[16] điều này nhắc lại trăm lần cũng không dư dù chó mèo gì đều biết rằng độ chênh 30 hải lý đủ làm nên lịch sử đấy nhá mịa lịch sử lắm khi cũng chó mèo ra phết)...
… Cuộc đứng nhìn nhau đứng dưới mưa
và cuộc ngồi (chờ tiêu bữa trưa quá đẫy)
nhìn hai người khác đứng nhìn nhau đứng dưới mưa
kết thúc lúc mưa vụt đổ ào cùng gió thốc
và bản trường ca hối giục
tạo dựng một chương hồi
phi hư cấu hay thuần hư cấu tùy
thích thì nhích
đặng so với câu chuyện mưa chó mưa mèo sao cho gần nhất
(sự này không là nghệ thuật vị nhân sinh
thì vị biển đảo Tổ quốc
là cái chắc)...
… Thôi nha
giờ đến lúc chốt
ba nhát
Một
hai câu cần liên văn bản ngõ hầu mời quý độc giả nhớ ra
nhị quý ông
(quý đầu quá nổi miền bắc xứ ta ngay từ thập niên 70 thế kỷ qua đã thống khoái la làng cửa mở cửa mở
quý sau tầm khủng toàn cầu suốt hai thế kỷ nay chuyên trị o bế những người khốn khổ)
“Ta đi yêu người ta yêu nhau
người ta cũng là ta khác đâu”[17]
và
“Không gì nhạt nhẽo vô duyên hơn những câu thoại từ đôi trai gái nói với nhau mà người ngoài vô tình nghe được”[18]
Hai
tình yêu thời a còng cũng oách xì dầu và đẫm nước mắt ối nhầm đẫm nước mưa đáo để
Ba
cậu trai ắt là người xứ tuyết gốc và nếu là đồng hương với nhau thì rất khó xác quyết nên đề nghị chúng ta cho qua lần này còn cô nhỏ trông dễ thương (mà ắt thương hổng dễ nếu dễ đã hổng có chuyện đưa nhau về dưới mưa[19]) chắc cóc biết gì về vụ hai quần đảo trường-ca-ca thảm khóc nhưng người cha có thể biết ít nhiều (vì nhà bển cuối tuần cũng hay tụ vạ họp hành nấu nướng gì đó na ná cộng đồng ta) và dù biết thì cũng chửa chắc làm gì trực tiếp phương hại đến Tổ quốc ta đâu bởi lẽ nào giời đầy ta làm hàng xóm với gã đã cha căng chú kiết lại còn phá ta về phương diện giang san cố quốc à dẫu sao cũng muốn xin lỗi về những gì chưa phải trong bản trường ca này với người hàng xóm bên kia đường cách vài chục mét thôi lòng phố hẹp…
8.6 ĐIỆP KHÚC
… Bạn đã nghe về hai trận hải chiến xa xưa?
Bạn đã biết ai đã thắng cả hai lần cướp cạn?[20]...
(Còn tiếp)
Hà Nội & Sài Gòn (Phác thảo 19/1)
Vancouver (Chấp bút 14/3 - Hoàn thành 28/8 - Tu chỉnh 30/11/2024)
[1] Và, xin trân trọng cảm tạ 276 tác giả của những tác phẩm, lời trích… mà trường ca thời sự này mạn phép “liên văn bản”, cũng như chân thành cáo lỗi các đồng tác giả đó về những gì chưa phải ngoài thiện ý của người viết.
[2] “Hai ta sẽ không uống từ cùng một cốc: “Hai ta sẽ không uống từ cùng một cốc / Dẫu rượu ngọt hay là nước trong / Sẽ không hôn nhau buổi sáng mai thức giấc / Và chiều hôm không cùng bên cửa sổ vời trông / Anh thở mặt trời, em thở mặt trăng / Nhưng có một tình yêu ta cùng sống. / Em luôn có bên mình người bạn chung thuỷ, lành hiền / Anh có bên mình cô bạn vui vẻ hồn nhiên. / Nhưng nỗi sợ trong đôi mắt xám em hiểu. / Và anh đã gây ra cơn bệnh trong em. / Ta tránh không gặp nhau dù là ngắn ngủi. / Như thế mới giữ cho ta được bình yên. / Chỉ giọng nói anh vang trong thơ em / Và trong thơ anh có nhịp hơi em thở / Ôi có đống lửa mà nỗi sợ và sự lãng quên / Không thể nào chạm vào được đó. / Giá anh biết bây giờ em yêu đến độ / Muốn đôi môi hồng khô ráp của anh! / Thu 1913” (Anna Akhmatova; dịch thơ và lời phân tích từ nguyên bản tiếng Nga của Ngân Xuyên, diendantheky.net 21/10/2024).
[5] Ca từ Việt Nam - Trung Hoa, Tlđd.
[6] Theo “Chân dung người hàng xóm” (Tên truyện ngắn Dương Thu Hương).
[8] Theo “Người ra đi đầu không ngoảnh lại / Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” (Thơ Nguyễn Đình Thi, bài Đất Nước).
[10] Tiếng chửi thề người trẻ ưa dùng trên mạng xã hội.
[12] "Quần đảo Trường Sa", Tlđd.
“Ai là người đầu tiên phát hiện ra quần đảo Trường Sa
Vậy ai là người đã phát hiện ra quần đảo Trường Sa, câu hỏi này lại càng khó trả lời hơn. [...] Theo những ghi chép có liên quan, ghi chép sớm nhất và rõ ràng về quần đảo Trường Sa là từ “Tống hội yếu“, quyển 197 [...] nói rằng vào năm 1209, có một sứ giả của nước Chân Lí Phú đến. Sứ giả nói với các quan nhà Tống về vị trí của mình và con đường đến Trung Quốc. Chân Lí Phú nằm ở Vũ Lí (Ratcha Buri) miền trung Thái Lan [...] hoặc ở tỉnh Tiêm Trúc Vấn (Chanthaburi) ở đông nam Thái Lan [...] Sau khi thuyền đến Chiêm Thành, có một bờ đá (thạch đường) gọi là Vạn Lí ở phía đông nam Chiêm Thành. Theo lời sứ giả, người dân nước ông trên đường đi tới biên giới Giao Chỉ khi vào đến biên giới Chiêm Thành thuyền gặp sóng gió bị thổi bay đến “Vạn Lí Thạch Đường” ở phía đông nam. Tuyến đường này chạy dọc theo bờ biển từ miền nam tới miền trung Việt Nam [...] Vạn Lí Thạch Đường ở đây chỉ có thể là quần đảo Trường Sa. [...] Đoạn văn này không nói rõ ai là người đã khám phá ra Vạn Lí Thạch Đường. Xét từ lời văn, chưa chắc là do người Chân Lí Phú phát hiện, còn nguồn gốc kiến thức rất có thể là từ người Chiêm Thành (Chăm), vì bờ đá Vạn Lí nằm ở phía đông nam của biên giới Chiêm Thành. Có một bằng chứng khác cho thấy người Chăm có thể là những người đầu tiên khám phá ra quần đảo Trường Sa [...] đã phát triển tuyến đường trực tiếp từ miền nam Việt Nam đến Philippines vào giữa thế kỉ 10 [...] Nếu đúng như vậy thì những người Chăm đi trên tuyến đường này đương nhiên sẽ là những người có cơ hội tốt nhất để khám phá quần đảo Trường Sa. (“Biển không tranh chấp: Lịch sử bị bóp méo của Biển Đông trước thế kỷ 20 (kỳ 4)”, vanviet.info 20/10/2024).
[14] "Quần đảo Hoàng Sa", Tlđd.
“Ai là người đầu tiên phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa [...] rất khó để trả lời câu hỏi ai là người đầu tiên phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa, nhưng nếu đổi câu hỏi thành “Theo các ghi chép lịch sử thì ai là người đầu tiên phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa?” thì câu trả lời sẽ xác định hơn. Trong các ghi chép lịch sử, ghi chép sớm nhất có nói đến quần đảo Hoàng Sa có thể được xác định rõ ràng là “Tống hội yếu” [...] vào đầu thời Tống, lần đầu tiên sử dụng từ “Thạch Đường” để chỉ quần đảo Hoàng Sa. Theo ghi chép trong đó, vào năm Thiên Hi thứ 2 (1018), sứ giả Chiêm Thành là La Bì Đế Gia (Ropidiga) đi sứ sang Trung Quốc. [...] Thông thường, các chuyên gia Trung Quốc coi đoạn ghi chép này là bằng chứng cho thấy “người Trung Quốc đã biết về quần đảo Tây Sa vào thời Tống“ [...] Nhưng tác giả phải chỉ ra rằng mặc dù đoạn văn này do người Trung Quốc ghi, nhưng người Trung Quốc chỉ là người ghi lại vào thời đó, còn người Chiêm Thành mới là người cung cấp thông tin này, và những gì người Trung Quốc ghi lại chính là sự xuất hiện của người Chiêm Thành ở quần đảo Hoàng Sa. [...] Do đó, nếu các ghi chép lịch sử đó là chuẩn xác, thì người Chiêm Thành là những người đầu tiên phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa. Như đã đề cập trước đó, Chiêm Thành hiện là một phần lãnh thổ của Việt Nam nên xét về sự kế thừa chủ quyền theo luật pháp quốc tế, người Việt Nam chứ không phải người Trung Quốc là những người đầu tiên phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa. Năm 1018 chính là năm quần đảo Hoàng Sa được bắt đầu được ghi chép trong lịch sử. Quần đảo Hoàng Sa được đặt tên như thế nào? Có thể hình dung rằng khi người Chiêm Thành đặt chân đến quần đảo này, họ nhất định sẽ đặt cho nó một cái tên, có thể rất đặc biệt hoặc rất thông thường. Nhưng người Chiêm Thành không nói tiếng Trung nên tên sẽ không phải là Thạch Đường. Có rất ít nguồn tư liệu viết về người Chiêm Thành nên không thể biết họ gọi quần đảo này là gì. (“Biển không tranh chấp: Lịch sử bị bóp méo của Biển Đông trước thế kỷ 20 - kỳ 4”, Tlđd).
[17] Thơ trích và tên tác phẩm của Việt Phương.
[18] Trích văn và tên tác phẩm của Victor Hugo.
[19] Thơ Nguyễn Tất Nhiên.
[20] Theo “Bạn đã nghe về trận hải chiến xa xưa? / Bạn đã biết ai đã thắng dưới ánh trăng sao đêm ấy?” (W. Whitman, Tlđd).