Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.930 tác phẩm
2.763 tác giả
524
123.844.098
 
Rue Cler - để nhớ một thời
Nguyễn Vĩnh Long

 

           

Có nhiều lý do để tôi không thích và thường tránh né khi phải lái xe vào khu trung tâm thành phố (downtown). Một trong lý do chính là hầu hết các con đường trong trung tâm thành phố trên toàn nước Mỹ đều là đường một chiều. Thành phố càng lớn thì đường một chiều càng nhiều. Ngặt một nổi các cơ quan hành chánh địa phương thường đặt văn phòng trong khu vực này, nên khi cần làm bất cứ giấy tờ gì, bất đắc dĩ chúng ta cũngphải lái xe vào. Có điều cũng lạ, gần như những con đường một chiều trong khu trung tâm thành phố đều mang số như: đường số Một, đường số Hai,… Trung tâm thành phố càng lớn thì những con số càng nhiều. Thành phố tôi ở rất nhỏ, nên chỉ đến đường số 7th là hết.

            Có những điều trong đời thường, dù không thích, không muốn nhưng chúng ta đành phải “tuân theo” như một quy luật cần thiết. Như cuộc đời, như số phận. Con đường một chiều là số phận con người trong cuộc sống đời này? Chỉ một lần đến, một lần qua và sẽ mãi không bao giờ trở lại. Mỗi một thời gian trôi qua, mỗi một kỷ niệm in dấu, mỗi một nghiệt ngã hằn sâu đớn đau, mỗi một dấu tích lịch sử khắc ghi… đều là những sự kiện, nối kết thành một chuổi đời dù ta muốn hay không, ý thức hay vô tình bỏ mặc! Những con đường “một chiều” mà tôi không thích, luôn muốn tránh né vẫn là những con đường huyết mạch tạo ra những sinh hoạt sống còn của trung tâm thành phố tôi đang ở…

 

Buổi chiều cuối tuần, một người bạn làm cùng công ty rủ tôi đi cà phê Pháp chính hiệu mới khai trương. Hắn là người Mỹ gốc Pháp. “Rue Cler” là một tiệm bán cà phê và bánh ngọt của Pháp, lại nằm ngay trong khu trung tâm thành phố Durham, trên con đường một chiều. Bên ngoài không có gì đặc biệt, nhưng bên trong là một không gian kiến trúc rất Pháp. Đúng hơn rất Paris. Thêm vào đó, người bạn tôi cho hay, mỗi cuối tuần đêm thứ Sáu và thứ Bảy còn có cả trình diễn nhạc sống.

            Khoảng tám giờ ba mươi tôi và Vinay đã có mặt. Chương trình nhạc sống cuối tuần sẽ từ chín đến mười một giờ đêm. Khách trong quán không đông lắm, vẫn còn nhiều bàn trống. Có lẽ thành phố này không có nhiều cư dân gốc Pháp. Phía cuối quán là sân khấu nhỏ đã chuẩn bị sẵn sàng với đàn guitar, chiếc organ điện, kèn saxophone, violin và vài chiếc trống tay… Pháp văn là môn sinh ngữ 2 của tôi thời trung học. Còn nhớ trong mấy năm liền liên tục, tôi rất yêu và chăm chỉ học môn Pháp văn hơn cả môn sinh ngữ chính là Anh ngữ. Lý do đơn giản là người dạy Pháp văn trong liền 3 năm đó là cô Huỳnh Thị Liễu. Lớp tôi là lớp đầu tiên cô Liễu vừa ra trường sư phạm giảng dạy. Ngày đó tôi không biết “hoa hậu” đẹp cở nào, nhưng chắc chắn không thể sánh với cô Liễu dạy Pháp văn lớp tôi. Cô “hình hạc sương mai”, cao ráo, khuôn mặt ngọc ngà với mái tóc dài nửa lưng óng ả và đôi mắt to lồ lộ “chìm đắm” lòng người. Nhờ cô Liễu mà tôi có chút vốn luyến và mê nghe nhạc Pháp từ dạo đó..!

Vinay và tôi gọi một dĩa 4 cái Pâté Chaud, hai ly cà phê đen pha với chút bơ ngọt. Hắn uống không đường, còn tôi phải pha thêm vài muỗng đường và sữa tươi cho ly cà phê của mình. Qua làn kiếng lấm tấm hơi sương, bên ngoài đã vắng xe và tĩnh lặng…Tiếng nhạc bắt đầu trổi lên. Người nữ ca sĩ trẻ có dáng gầy, tóc ngắn và rất cao cúi chào khách bằng hai ngôn ngữ Pháp và Anh. Cả quán chợt im lặng, tôi có thể nghe hơi thở nhẹ của cô trong lời giới thiệu bài hát đầu tiên của mình.

-Xin chào mọi người, tôi tên là Donna Wittmer. Chúc tất cả các bạn sẽ có đêm nhạc vui vẻ, đầm ấm. Để mở đầu chương trình tôi xin trình diễn bài hát nổi tiếng của ca sĩ Françoise Hardy có tên là Tous Les Garçons et Les Filles. Mong quý vị thưởng thức.

            Tiếng đàn guitar dạo đầu vút cao, hòa quyện với tiếng organ như một luồn điện lạnh chạy dọc vào mọi cảm giác của tôi. Tiếng hát trong trẻo, dày dặn, thiết tha như cơn lốc cuốn mênh mông tôi vào thật sâu của miền ký ức:

 

“Tous les garçons et les filles de mon âge
Se promènent dans la rue deux par deux
Tous les garçons et les filles de mon âge
Savent bien ce que c'est d'être heureux
 

Et les yeux dans les yeux

Et la main dans la main
Ils s'en vont amoureux

Sans peur du lendemain... (1)

 

 

****  ****  ****  ****

           

Đêm văn nghệ cuối năm trường Marie Curie như mới hôm qua của 50 năm về trước, 1974. Không biết đào ở đâu mà Duy có được hai giấy mời tham dự, nên “ưu ái” rủ tôi đi. Sau khi kết thúc, tôi và Duy chạy hai chiếc xe đạp theo sau ba chiếc xe đạp phía trước. Chắc cả ba cô nàng đã biết hai đứa tôi đang lẽo đẽo theo, nên gửi lại những nụ cười khúc khích sau lưng. Một trong ba, là người con gái tóc ngắn đã hát một ca khúc Pháp lừng lẫy một thời Sài Gòn của ca sĩ Françoise Hardy: “Tous Les Garçons et Les Filles” trong đêm văn nghệ cuối năm tối nay. Tôi đã từng nghe nhiều lần nhạc phẩm này qua tiếng hát của nữ ca sĩ Thanh Lan với lời Pháp lẫn Việt "Những Nụ Tình Xanh" – lời Việt của Phạm Duy. Nhưng đêm nay, tiếng hát ngây thơ trong trẻo, làn hơi mỏng ngọt, đôi lúc lạc giọng của cô nữ sinh trường Marie Curie đã thật sự chiếm trọn niềm xúc cảm của tôi. Khuôn mặt dài thánh thiện, có chút như lai tây, cô gái có đôi mắt to sâu vời vợi trong từng ca từ chuẩn ngữ cả Việt lẫn Pháp:

"Bao nhiêu uyên ương trong cơn yêu đương
            Đôi chân miên man hân hoan
            Lang thang giữa phố phường.
            Bao nhiêu duyên vui xuân xanh
            Đôi mươi xuân xanh như tôi,
            Ai kia hai mươi cũng biết rồi.
            Niềm hạnh phúc trong tay người
            Hay trong mắt, trên môi cười...  (Những Nụ Tình Xanh – lời Việt của NS Phạm Duy)
 

Qua khỏi bùng binh ngả Sáu cổng xe lửa đường Lê Văn Duyệt là hướng về khu vực Chí Hòa. Cũng hơn 10 giờ đêm, đường vắng xe và ba cô gái đạp xe nhanh hơn. Tôi nói với Duy: “Theo mấy nàng cũng coi như đi hộ tống làm phước…”. Nhiều lần tôi định vượt lên nói vài câu làm quen, không hiểu sao lại thôi. Chừng như có cái gì đó, giác quan thứ sáu cho tôi biết “bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu” (Chiều – Xuân Diệu). Đang lan man nghĩ ngợi, thì ba cô gái quẹo nhanh vào khu Chí Hòa. Mấy cây đèn đường ít hơn, ánh điện lưa thưa không in nổi mấy chiếc xe đạp trên đường. Duy và tôi cố bám gần hơn, đủ để nghe mấy tiếng nói cười nho nhỏ. Chợt phía trước hiện rõ một bờ tường cao, quanh đèn sáng tỏ. Cả ba cô nàng dừng trước chiếc cổng nhỏ bên hông chiếc cổng sắt cao, sừng sững trang nghiêm. Người con gái cao gầy, hát nhạc Pháp xuống xe, nói gì đó với hai bạn rồi quay lại ra dấu chào tạm biệt chúng tôi. Rồi nàng khuất sau chiếc cổng nhỏ khép lại, hai cô bạn cười đáp rồi đạp xe đi thẳng. Tất cả diễn ra khá nhanh, bất ngờ khiến cả tôi và Duy không kịp phản ứng gì. Khi định thần, tôi mới chợt thấy bên trên chiếc cổng sắt lớn có tấm bảng ghi: “Dòng Nữ Tu Bác Ái”.

Nhiều buổi chiều sau đó, tôi đứng đợi trước cổng trường Marie Curie nhưng không tìm thấy người con gái cao gầy trong đám đông. Nhiều đêm sau đó, tôi ngồi lặng yên trước cánh cổng sắt nhà dòng, mong gặp lại nhưng vẫn "bóng chim tăm cá". Như thể tất cả không có thật. Như thể tất cả chỉ là một thoáng mơ qua... Đời người có biết bao nhiêu câu hỏi và rất ít câu trả lời. Người con gái hát đêm cuối năm hôm đó là một, mãi mãi chỉ là câu hỏi. Rồi đêm lại nối ngày, ngày trôi tuần tự trên mỗi số phận con người vạn ngả chia xa. Có ánh mắt, có nụ cười thánh thiện đó như giấc mơ có thật luôn hướng tôi về một niềm tin yêu vời vợi trên cao…

 

****  ****  ****  ****

 

Thời gian không chờ nhau và khuôn mặt người con gái ngày nào, nay lờ mờ trong trí nhớ của tôi. Những năm mươi năm, mà ngỡ chừng hôm qua. Càng cố nhớ, khuôn mặt, ánh mắt, nụ cười của nàng càng tan vỡ, khuất xa… Chỉ còn lại là tiếng hát, tiếng hát của ca khúc nhạc Pháp “Tous Les Garçons et Les Filles “, vẫn mãi vang vọng một đời không quên…

Tiếng vỗ tay, dứt nhạc kéo tôi về thực tại. Bài hát nào rồi cũng dứt, khúc nhạc đời cũng thoáng chốc trôi xa. Kỷ niệm nào còn đó chút dư âm. Mùi hương người thánh thiện chưa bám phấn bụi đời. Tất cả sẽ về đâu giữa mênh mông cuộc đời hệ lụy. Như viên ngọc quý, tôi nâng niu từng kỷ niệm chợt có chợt không. Tiếng nhạc lại trổi lên, người thanh niên trẻ ôm chiếc đàn guitar ngồi xuống chiếc trên sân nhỏ nhỏ cuối quán. Đêm càng khuya khách càng đông, để lẫn lộn trong tiếng nói cười chung quanh, giọng hát trầm ấm, âm thổ đục vút cao:

“Si je t'oublie pendant le jour
Je passe mes nuits à te maudire
Et quand la lune se retire
J'ai l'âme vide et le coeur lourd, lourd

La nuit tu m'apparais immense
Je tend les bras pour te saisir
Mais tu prends un malin plaisir
A te jouer de mes avances

La nuit… je deviens fou… je deviens fou! (2)

 

            Quyện đâu đó trong không gian quán nhỏ, đêm mùa đông chợt mới bắt đầu. Ngoài kia những ngọn đèn đường cũng như người ngủ muộn, bừng dậy từ một giấc mơ tiếc nuối giữa muôn trùng. Khúc hát của ai như đang réo gọi biết bao nỗi nhớ cùng tận ập về… Đêm ơi, xin hãy để những nốt nhạc đời trôi nhẹ, rơi mênh mông tình cờ trên môi người hữu hạn, cưu mang…

 

Durham, North Carolina

 

 

Nguyễn Vĩnh Long
Số lần đọc: 90
Ngày đăng: 13.12.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ca sĩ Tân Nhân - còn mãi với giai điệu “Xa khơi” - Minh Tứ
Sông nước miền Tây - Thanh Phương
Nàng H’Ly trên dòng Sê San - Giang Hiền Sơn
Tu hú cá Chuồn - Thanh Phương
Khu Nancy ở Saigon - Nguyễn Minh Nữu
“Truyền thuyết” Qua Đi - Nguyễn Hàng Tình
Một thoáng ở Hòn Đất - Phan Anh
Seoul - mùa hoa ngân hạnh - Minh Tứ
Chuyện ‘Sư phụ” của nhà thơ Nguyễn Đăng Hành - Đặng Xuân Xuyến
Cuộc trùng phùng của cha con nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ - Minh Tứ