Qua bài viết này xin được cảm ơn các văn nghệ sĩ huyện Lệ Thủy như nhà văn Trần Khởi, nhà thơ Đỗ Quý Dũng, nhà thơ Hoàng Đại Hữu, nhạc sỹ Phạm Ngọc Liên, câu lạc bộ Hò khoan Lệ Thủy, ca sỹ Hồng Hới, Thanh Tú...
Tôi biết anh Đặng Ngọc Tuân cách đây gần 20 năm khi đọc các bài nghiên cứu về “Hò khoan Lệ Thủy” trên blog của anh. Tôi gọi điện nói. Anh ạ, Từ Sâm đọc nhiều tác giả về hò khoan quê miềng. Nhưng “Hò khoan Lệ Thủy” có tính chuyên sâu hơn cả.
Những giai điệu và cả lời cổ về hò khoan như hò Lỉa trâu, Mái nhài (dài ), Mái ruỗi, Mái chè, Mái nện, Mái ba, Mái xắp, Mái hò khơi và Mái hò Nậu xăm...
Những năm chiến tranh, đã từng giã gạo chày ba, chày tư, thuở nhận “phát xay” ăn công điểm nên hiểu câu hò từ hạt thóc qua mùa dông bão, qua mồ hôi nước mắt thành hạt gạo trắng làng ta. Các điệu hò như sóng nước giao thoa văn hóa các vùng quê. Các nơi khác cũng có dù khác nhau và không đăc trưng như ở miềng. Riêng điệu “hò lĩa trâu” (lĩa gỗ) là "nét riêng" của vùng Lệ thủy, Quảng Ninh (Quảng Bình) không nơi nào có.
Tôi đã từng đi theo các sơn tràng theo trâu lĩa gỗ. Chủ yếu để nghe các cụ hò. Sau một "hò" là trâu “giật lên” khúc gỗ nặng. Sức mạnh con người truyền qua tinh thần của trâu và hò “lĩa gỗ” làm nên nét độc đáo của văn hóa sơn tràng. Nói một cách khác là tình người nối với tình trâu qua câu hò nhọc nhằn kham khổ.
Tôi xin phép anh Đặng Ngọc Tuân được tải và in toàn bộ các nghiên cứu và đóng thành tập để làm thư liệu tham khảo. Anh rất vui và nói rằng sau khi sách xuất bản anh sẽ tặng. Vào dịp “Hò khoan Lệ Thủy” nhận bằng di sản văn hóa quốc gia anh nhắn "mong em về dự". Vì điều kiện không cho phép gặp anh, không ngờ đó là lần cuối. Nhưng “Hò khoan Lệ Thủy” cho người xa trở về “giã gạo chày tư” sau mỗi vụ gặt và theo dấu chân trâu dầm dãi lội bùn hay ngược rừng kéo gỗ. Rồi lại xuống thuyền khỏa sóng trên dòng Kiến Giang...