Giáng sinh sắp tới, đã nghe rộn ràng tiếng hát Merry Christmas…, đã thoáng thấy hình ảnh Ông già Noël, bánh khúc cây, hang đá…
Những thứ này xuất phát từ đâu, có gì lạ, có gì hay?
Mời bạn xem qua.
-
“ Ông già Noël “ không cùng một tên, tuỳ thuộc nơi bạn sinh sống. Le père Noël ở Pháp, Santa Claus ở Mỹ, Father Christmas ở Anh. Saint Nicolas ở Bỉ và Đức, Papa Noël ở Brazil, Joulavana với người Esthonie, Did Moroz với dân Ukraina.
-
Ông già Noël có nguồn gốc từ Saint Nicolas ( Thánh Nicolas ) rất nổi tiếng ở miền Đông nước Pháp. Thánh Nicolas đem kẹo và đồ chơi cho trẻ em ngoan, vị tu sĩ hầu lễ mang than đến cho kẻ ác. Thánh Nicolas di chuyển trên lưng lừa, điều có thể gây khó khăn. Chính vì vậy mà một người Mỹ tên là Clement Moore, năm 1821, có viết truyện ngắn kể rằng một người đàn ông râu ria đi phát quà cho trẻ em khắp nơi trên thế giới, di chuyển trên lưng tuần lộc. Bước đầu huyền thoại ông già Noël là như thế.
-
Từ khi ông già Noël mới xuất hiện, người ta đã nói đến nơi cư ngụ là Romaniem ở Phần Lan. Địa điểm này bị tranh cãi vì ai cũng muốn giành ông già Noël! Ở Mỹ, người ta cho rằng ông sống ở Bắc cực, trong lúc người Úc lại cho là có một đảo Christmas như nơi cư ngụ phụ. Người Na Uy chỉ ra căn nhà ở Dobrak, cách Oslo 50 km, đó lại là Groenland cho người Đan Mạch. Nói gì thì nói, ngôi làng của ông già Noël chính xác là Roveniemie, ở Laponie, Phần Lan.
-
Theo tục lệ, phải viết thư cho ông già Noël để báo cho biết mình muốn gì, nhưng gởi thư đi đâu. Trong nhiều nước, chỉ cần ghi: Gởi ông già Noël, Bắc cực hay Laponie là thư được chuyển đến. Có một thời, người Pháp được gọi tới ông theo số điện thoại 08-36-65-65-65.
-
Bạn biết chăng bánh buche de Noël ( bánh khúc củi ), bánh truyền thống vào dịp này ra đời từ lễ hội Yule cổ xưa, được người dân Bắc Âu, cụ thể là người Teuton và Celtique kỷ niệm như một trọng thể. Khi ngày 25/12 được ấn định là ngày lễ Giáng Sinh thì đêm 24/12 họ sẽ đốt một khúc gỗ để chào mừng ngày Đông chí và cũng là dịp để đón chào sự trở lại của Thần Mặt trời.
Cũng có ý kiến cho rằng theo tục lệ của người phương Tây, trước đêm Giáng Sinh, họ sẽ vào rừng chặt một khúc cây lớn và đem về nhà làm lễ dâng rượu. Khúc cây được rắc thêm ít dầu, muối, rượu nóng, mọi người bắt đầu nghi thức cầu nguyện. Tiếng lửa kêu lách tách và bột than có từ khúc cây đã cháy sẽ bảo vệ căn nhà tránh khỏi thiên tai và sự xâm nhập của ma quỷ - các bà mẹ thường dùng bột tro rắc khắp nhà và tủ quần áo. Từ đây có thể là nguyên nhân những vụ cháy. Lợi bất cập hại, tục lệ bị bãi bỏ, thay vào đó, người ta bắt đầu làm bánh ngọt hình khúc gỗ. Chiếc bánh buche de Noël ra đời năm 1834 bởi một người thợ làm bánh của tiệm bánh La Vieille France, lấy hình dáng khúc cây thay thế cho khúc gỗ thật. Ngày nay bánh buche de Noël đã có mặt khắp thế giới, người ta làm quà tặng.
|
|
|
6. Còn cây thông Noël ( sapin de Noël ) thì sao ?. - Nó ra đời năm 1521 tại Alsace ( Pháp ) - Chính xác hơn là từ ngày 21/12 từ Thánh Thomas. Thời đó, dân chúng được tự do chặt cây. Cây còn xanh và người ta đem trang hoàng với hoa hồng, quả táo và bánh ngọt nhỏ. Dần dần, tục lệ được lây lan sang Đức, Áo và những nơi khác của nước Pháp, rồi sang đến cả lâu đài Windsor ở Anh, chính Nữ hoàng Victoria đã đưa tập tục này vào lâu đài của triều đình.
7. Tại Ba Lan, tại tiệc réveillon ( bữa ăn nửa đêm ), chủ nhà bao giờ cũng dành một chỗ trống nơi bàn. Đây là ghế dự phòng bởi có thể có ai đó không nơi nương tựa . Người này sẽ được mời đến để không ai cô đơn trong đêm Giáng Sinh. Một tập tục rất nhân văn phải không?
8. Trong vài nước, không phải Ông già Noël mang quà đến. Ở Thuỵ Sĩ, đó là e Jul Tomte le petit lutin, ở Ý là Befane ( thực ra chỉ là một mụ phù thủy). Còn ở Anh, đó là “ những nhà thông thái “ - còn gọi là những nhà chiêm tinh, những đạo sĩ. ( Les Rois Mages ). Theo sách Phúc Âm, khi Giê su sinh ra, các mục đồng được thiên sứ báo tin đã đến thời hạn và những nhà thông thái từ phương Đông xa xôi được dẫn dắt bởi một ngôi sao lạ, đã tìm đến để tôn thờ Giê su.
9. Ở nhiều nơi, tối 24/12, người ta thường để lại một cốc sữa và vài bánh ngọt cho Ông già Noël. Ở Irlande ( có khi được gọi là Ái Nhĩ Lan ), theo truyền thống, người ta để lại một cốc rượu whisky hoặc bánh mì thịt.
10. Độc đáo hơn cả, từ 350 năm nay, tổng thống Estonie tuyên bố “ đình công lễ Giáng Sinh “ . Tại thời điểm này, mọi người đi xông hơi từ chiều đến trước tiệc réveillon, để thưởng thức món thịt heo ăn với choucroute ( món ăn truyền thống với dưa cải, xúc xích và các loại thịt muối khác ), bánh mì và nhấm nháp một ly bia. Sau đó, mọi thứ dư thừa để lại cho đến sáng hôm sau để xua đuổi tà ma.
11. Cuốn lịch Aven ( calendrier d’Avent ) là một truyền thống có nguồn gốc từ Phần Lan. Từ thế kỷ XX, tại nước này lịch được treo từ 1/12 hàng năm, mục đích là để trẻ con kiên nhẫn chờ đến Giáng Sinh. Sẽ không có sô cô la hay những món quà nhỏ ở trong nhà, mà chỉ là những hình ảnh tôn giáo, bao gồm một câu trích dẫn từ Thánh Kinh hay sự khuyến khích cho một hành động tử tế.
12. Theo truyền thống tôn giáo ở Irlande, người dân treo những ngọn nến ở cửa sổ. Ban đầu đó là dấu hiệu đón tiếp Joseph và Marie. Theo tập tục, nó phải được người trẻ nhất trong nhà thắp lên và phải được thổi tắt bởi một người có tên phù hợp với Marie. ( Joseph là hậu duệ của Abraham và vua David của bộ lạc Juda. Joseph được đính hôn từ lâu với Marie, khi bà đã có thai bởi hành động của thiên thần. Joseph kết hôn với Marie, chấp nhận đứa bé và trở thành dưỡng phụ của Giê su. )
13. Tại Australia ( Úc ), câu hát “ Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời “ hoàn toàn không phù hợp vì tại đất nước nằm ở Nam bán cầu, Giáng Sinh rơi vào giữa mùa hè. Đến Úc thời điểm này, bạn khỏi cần trang bị mũ len, găng tay và cũng đừng tìm cảnh tuyết rơi. Thay vào đó, là chiếc áo tắm nếu bạn muốn trải nghiệm tắm biển tại Bãi biển Bondi ( Bondi Beach ) ở Sydney, có lúc người đến đây lên tới con số 40 ngàn.
14. Giáng Sinh luôn là thời khắc kỳ diệu nhất trong năm, đem đến sự lắng đọng trong những phút giây đẹp đẽ nhất của mùa đông. Giáng Sinh có thể đem theo niềm vui và cũng có thể gợi lên những nỗi buồn, nhưng đó là ngày mà ai cũng có quyền nghĩ về những gì mình yêu quý nhất và tìm sự yên bình theo cách riêng. Tổng Thống thứ 30 của Hoa Kỳ, Calvin Coolidge, đã từng nói:” Giáng Sinh không phải chỉ là một khoảng thời gian hay một mùa tiết, mà đó còn là một trạng thái của tâm hồn, với sự bình an và hạnh phúc.
Cho dù bạn là tín đồ Thiên Chúa giáo hay chỉ “ Lạy Chúa con là người ngoại đạo “ thì cứ đến tháng 12 khi nhìn từ bên ngoài qua cửa kính cây thông trang trí bằng những dây kim tuyến, hoặc nghe âm thanh sâu lắng của những bài ca Giáng Sinh quen thuộc thì trong tâm tưởng bạn ắt sẽ nhớ sẽ hỏi: “ Mùa thánh ca ấy còn nhớ không em, Noël năm nào chúng mình có nhau …”.
Những bài ca mà mỗi năm chỉ nghe một lần là đã gợi nhớ gợi thương gợi bao nỗi buồn chìm trong kỷ niệm.
Những bài ca được hát bằng nhiều ngôn ngữ trên thế giới, nghe cất giọng lên là lòng lắng xuống.
Đêm Thánh vô cùng là phiên bản tiếng Việt của bài Silent Night bất hủ. Bản gốc bài này là Stile Nacht, do một vị cha xứ người Áo viết năm 1817. Đến năm 1839, nhạc sĩ John Freeman dịch lời gốc sang tiếng Anh và đem trình diễn lần đầu tại nhà thờ ở St Nicolas, Áo.
Silent Night tạo hiệu ứng mạnh khi trở thành bản thánh ca phổ biến tại các nhà thờ trên khắp thế giới. Lời ca mang ý nghĩa chào mừng ngày lễ Giáng Sinh và ngợi ca Chúa Trời đã ban phước lành cho loài người.
Không thể không nhắc tới một bài nữa, cứ vào dịp này là giai điệu ngân lên. JINGLE BELLS. Bài này có tuổi đời gần 200 năm, cả bài không có câu chữ nào nhắc đến lễ GIÁNG SINH cả. Thực ra, nó được viết để hát trong một dịp khác, là Ngày lễ Tạ ơn, Thanksgiving.
Năm 1840, James S. Pierpont, một người sinh sống tại tiểu bang Massachusetts ( Đông Bắc Hoa Kỳ ) được giao sáng tác một nhạc phẩm đặc biệt để hát trong dịp lễ Tạ Ơn ). Đúng vào dịp đó, ông nhìn thấy một nhóm thanh niên đang đua xe trượt tuyết giữa trời đông lạnh. Ông tham gia cùng với họ và cảm thấy một ấn tượng sâu sắc với những chiếc chuông kêu lanh canh gắn trên xe ngựa kéo. Âm thanh vui nhộn đó được đưa vào ca khúc mang tên là One Horse One Sleigh mà ông sáng tác ngay đêm đó. Sau này bản nhạc khi đã phổ biến rộng khắp được đổi tên là Jingle Bells. James đem tập bài hát này cho ca đoàn của nhà thờ Medford. Đến ngày lễ Tạ Ơn, toàn bài nhạc có phần hoà âm được đem ra trình diễn. Tại vùng New England, Thanksgiving là ngày lễ quan trọng nên rất nhiều người tham dự. Họ nhiệt liệt tán thưởng bài hát nên yêu cầu James và ca đoàn biểu diễn một lần nữa vào lễ Giáng Sinh. Vì bài được hát vào lễ Giáng Sinh nên trở thành một bài hát mừng Giáng sinh thực thụ. Ngày nay, bài hát càng nổi tiếng qua phần trình diễn của nhóm nhạc người Đức Boney M.
Tóm lại, Giáng Sinh, hay Noël, hay Chrismas, Xmas… gọi gì cũng được. Đó vẫn là kỷ niệm thân thương của gia đình và người thân. Nó được kéo dài không chỉ một
ngày nữa là một mùa, Mùa Giáng Sinh.
Và đừng quên chúc nhau Merry Christmas ! Joyeux Noël !
Mùa Giáng Sinh
THÂN TRỌNG SƠN.
( Nguồn tài liệu tổng hợp. ).