Đang bù đầu với bao công việc cuối năm thì nhận được điện thoại của thằng em tôi:
- Anh ba chịu khó về nhà một bữa.
Tôi càu nhàu:
- Từ từ đã, gần tới giỗ ba rồi, tháng sau anh về luôn thể.
Im lặng một lúc, rồi Hùng nói như năn nỉ:
- Thì… ông về giùm cái…, với lại… mấy bữa nay má bả… bệnh.
Tôi thật bực mình với cái kiểu ấp a ấp úng của nó.
- Thôi được, chiều mai tao về.
Gia đình tôi chỉ có ba anh em trai, ba tôi mất năm Mậu Thân, má tôi đã ngoài bảy mươi, dạo nầy cứ ốm đau luôn. Anh Hai hy sinh năm 1972, tôi đảm nhận vai trò anh cả lại phải rời quê sống tuốt trên Sài Gòn. Hùng, thằng em kế thì tính tình lông bông, tối ngày cứ tụ tập bạn bè, chẳng biết lo lắng gì tương lai. Khổ nỗi, má tôi lại thương nó nhất nhà. Chuyện gì má cũng bênh vực nó. Tôi phàn nàn thì má lại móm mém cười.
- Kệ nó, con. Thằng Út nó giống hệt anh Hai bây.
Miệng thì dạ chứ thật ra tôi không sao nhất trí với má được. Hình ảnh cuối cùng mà thằng bé 10 tuổi là tôi hồi ấy còn nhớ được là anh Hai tôi oai phong biết chừng nào. Anh cao to, vạm vỡ trong bộ quân phục chiến sĩ giải phóng, cái nón tai bèo nghiêng nghiêng che khuôn mặt quả cảm khi anh cúi xuống vỗ nhẹ vai tôi.
- Anh Hai đi, ở nhà chú phải phụ má, coi em đàng hoàng nghe.
Dường như tiếng gọi “chú” của anh lúc đó nó làm tôi… lớn thêm được một chút trước nhiệm vụ… giữ em của mình.
Tôi ẵm thằng em quậy như “tinh” trên tay nhìn mãi theo dáng anh khuất dần ngoài lũy tre làng.
Rồi thì cuộc chiến ngày càng ác liệt, nhà tôi lại không may ở gần đồn giặc, cái nhà có bảng đỏ trở thành cái mục tiêu theo dõi của chúng. Cứ mỗi lần trực thăng Mỹ ở căn cứ Đồng Tâm đi hành quân về bay ngang nhà thì má lại thắp nhang bàn thờ ba tôi.
Có lần đi chợ về, từ dưới xuồng bước lên, mặt má tái xanh, buông cái dầm trước cửa, má nói với tôi mà giọng lạc hẳn đi:
- Thằng Nhơn con bà hai Tí bị giặc giết, neo xác ngoài sông cái Nhà việc.
Lúc ấy tôi chưa đủ trí khôn để nhận được cái sâu lắng trong câu nói buồn thảm xót xa của má trước cái chết của con trai bà hàng xóm. Sau nầy lớn lên, tôi hiểu, lúc ấy má không chỉ xót thương trước cái chết của anh hai Nhơn, người bạn chăn trâu thời thơ ấu của anh tôi mà má còn lo sợ cho thằng con lớn xa nhà đang băng mình trong lửa đạn chiến tranh để giải phóng quê hương.
Vậy mà, cái điều lo sợ không dám nghĩ đến ấy của má tôi, cuối cùng rồi cũng tới. Đó là một đêm mưa cuối năm 1972, chó sủa rộn rã dưới bến sông. Chú Bảy Đồng, xã đội trưởng bước lên nhà.
Má vặn thêm một chút cây đèn ‘’hột vịt’’ leo lét trên bàn thờ.
Không như mọi khi, mỗi lần đưa cho má tôi lá thư của anh tôi là chú đi ngay. Lần này, chú Bảy bước hẳn vào nhà.
Má tôi dỡ cái phên tre làm cửa nhà cho chú Bảy bước vô. Tôi tỉnh giấc đứng chỗ cửa ngang lắng nghe, ngoài trời mưa rả rích.
Hình như lâu lắm tôi mới nghe chú Bảy lên tiếng sau tiếng thở ra nặng nề:
- Chị Tư à. ..
Rồi. . . chú lại lặng thinh.
Tôi nhìn má tôi, trong ánh đèn dầu hiu hắt, má bỗng già nua hẳn đi, dù năm ấy má mới có 39 tuổi. Má lặng nhìn về bàn thờ rồi hai giọt lệ từ từ trào tuôn từ đôi mắt mỏi mệt,. Má cúi xuống, đôi vai gầy rung lên, cái linh cảm của một bà mẹ trong chiến tranh đã cho má biết điều lo sợ mà má không dám nghĩ đến ấy, cuối cùng cũng đã tới.
Khó khăn lắm chú Bảy mới nói được lời động viên an ủi chia buồn và trao lại cho má cái ra-dô bể một góc, cái bao vải bông còn dấu máu và tờ giấy báo tử xếp tư.
Từ đó, má lặng thầm suốt ngày ngoài đồng vắng. Có lẽ, má sợ ở trong nhà má sẽ phải nhìn thấy những kỷ niệm thời thơ ấu của đứa con trai hiếu thảo, chất phác thật thà mà má đã đặt vào nó biết bao thương yêu.
Nghe má kể, cái ra-dô ấy, anh tôi rất quý, trong thơ gởi về nhà, anh nói những giây phút nghỉ quân, tòn ten trên cái võng giữa rừng tràm mà nghe Thanh Nhanh ca vọng cổ thì còn hạnh phúc nào hơn, cũng cái ra-dô ấy vào đêm giao thừa, cả đơn vị lắng im háo hức chờ đợi nghe tiếng nói của Bác, chúc Tết thắng lợi... vậy mà...
*
* *
Gởi cái xe Hon da ngoài quán nước chị ba Thanh, tôi xăn quần lội tắt đường ruộng về nhà.
Qua khỏi luỹ tre xanh chỗ bờ bao, thấp thoáng trong ánh nắng chiều vàng vọt, ngôi nhà ấu thơ của tôi nằm lặng im bên dòng sông nhỏ.
Gió chiều và cánh diều của ai đó lượn lờ trong không gian êm ả của một buổi chiều cuối năm, quá khứ như hiện về, tôi bùi ngùi nhớ lại thuở còn là một đứa bé con nhà nghèo, mồ côi cha, áo rách vắt vai suốt ngày thơ thẩn ngoài đồng vắng với con trâu của ông Cai Tổng Phèn.
Thoáng đó mà đã mấy mươi năm. Sau giải phóng, ngôi nhà lá cột tre ám khói ọp ẹp đã được Ủy ban thay cho ngôi nhà tình nghĩa khang trang. Má tôi được công nhận mẹ liệt sĩ, thỉnh thoảng vào các ngày lễ lớn lại lội đồng ra chợ, ngồi nghiêm chỉnh nghe thế hệ trẻ báo cáo thành tích và mỉm cười sung sướng. Có lẽ lúc ấy má lại rất nhớ đến anh Hai tôi.
Tiếng con ki sủa mừng làm mà bước ra cửa, mấy sợi tóc bạc phất phơ theo ngọn gió nội đồng, má tôi vẫn như ngày nào, thực thà phúc hậu với tấm lòng bà mẹ như biển rộng sông dài.
Buổi cơm chiều, hai mẹ con ngồi ăn với nhau, thằng Hùng vẫn chưa về, nhìn tô canh chua cá rô đồng nấu bông điên điển, tôi thật sự xúc động, lòng tràn ngập niềm hạnh phúc khi thấy má vẫn còn nhớ món ăn ưa thích của từng đứa con.
Thấy tôi ăn cơm ngon lành, má cười:
- Lâu lắm rồi má mới lại vô bếp, lúc nầy thằng Hùng nó lãnh việc cơm nước… Có hai má con ở nhà, ăn qua loa cái gì không được.
Tôi bùi ngùi nhìn má, cả một đời, má tôi có được bao ngày hạnh phúc, tuổi xuân của má, chiến tranh đã như một cơn lốc vô tình cuốn phăng vào tâm xoáy của lửa đạn. Mất chồng, mất con, còn nỗi đau nào hơn, vậy mà má vẫn phải chịu đựng nỗi bất hạnh ấy như một lẽ đương nhiên của cái mệnh đời nghiệt ngã để làm mướn nuôi hai đứa con thơ dại.
Tôi buông đũa, lòng có chút an tâm khi Hùng đã biết lo cho má.
Có tiếng lòi tói cột xuồng loảng xoảng dưới bến sông. Hùng về tới, mình mẩy ướt nhem, tay cầm dầm, tay cầm xâu chuột đồng:
- Anh Ba, hay thiệt. Ông về tới nhà trước tôi há. Bữa nay em phụ cắt lúa bên nhà bác Sáu Cưỡng.
Tôi nhìn kỹ thằng em tôi, thằng bé nhõng nhẽo tối ngày trên tay tôi thuở nào nay đã là một thanh niên khỏe mạnh. Như bao chàng trai làng khác, em tôi sống một nếp sống giản đơn, bình dị và có phần thiếu thốn. Điều đó cũng chẳng có chi đáng nói, gắn bó với mảnh ruộng cây cày là người nông dân đã mặc nhiên chấp nhận những khó khăn đời thường.
Tôi chỉ hằng mong em tôi sẽ giữ được cái nếp sống truyền thống của gia đình, cũng như bao nhiêu gia đình nông dân khác, cái đáng quý vẫn là cái tình, cái nghĩa và dù rất nghèo, họ vẫn sẵn sàng chia cơm xẻ áo cho những người quanh họ.
Đã lâu, anh em tôi mới có dịp ngồi với nhau. Khi dĩa chuột xào rau răm vừa vơi phân nửa thì tôi đã tìm ra được cái lý do má tôi phiền lòng đến sinh bệnh.
Tôi thở dài khi nghĩ đến cái trầm cảm của tuổi già, luôn sống quay quắt với bao kỷ niệm của quá khứ.
Khi về đến nhà, thắp nhang trên bàn thờ mà tôi không để ý, thì ra cái ra-dô có cái áo ngoài bằng vải bông đã không còn ở đó nữa.
Đó chỉ là một cái ra-dô hiệu National hai băng mà ngày anh tôi đi Bộ đội, má bán con heo để mua cho anh, cùng với mấy thứ linh tinh như kem đánh răng, bàn chải, áo thun, quần cụt và cái khăn rằn choàng cổ. Không biết ý má hay do anh hai yêu cầu mà má đã cắt vải bông của cái áo gối để cặm cụi may tay một cái bao vải bọc ngoài cái bao da sẵn có, lại còn thêm một sợi dây vải để anh tôi mang vào mình lủng la lủng lẳng bên hông. Khi anh hy sinh, má cứ mân mê cái ra-dô bể góc có cái áo vải bông ấy, tôi thầm trách mình khi nhớ lại lúc đó, tôi cứ nghĩ là chắc má tiếc cái tài sản lớn nhất trong nhà tôi có được. Ôi, tấm lòng của một bà mẹ trước sự hy sinh dũng cảm của thằng con trai lớn nó thiêng liêng biết là chừng nào.
Mặt đỏ bừng, thằng Hùng lí nhí:
- Hôm lễ thương binh liệt sĩ, Ủy ban ban tặng má cái đài có thu băng để nghe cải lương. Em thấy cái ra-dô cũ hổng xài được nên bán ve chai được năm ngàn, em đưa cho má, bả không lấy mà chỉ buồn hiu.
Tôi ngẩn cả người trước cái vô tâm của thằng em tôi:
- Trời đất, năm nay mày bao nhiêu tuổi rồi hả Hùng?
Tôi nổi nóng:
- Tao chưa thấy ai ngu như mày, cái ra-dô cũ ấy là kỷ vật của anh Hai, mày biết không hả thằng ‘’ôn binh’’.
Má bước ra khi nghe tôi lớn tiếng, thì ra trong buồng má vẫn lắng nghe câu chuyện của hai anh em tôi. Lại như những năm tụi tôi còn nhỏ dại, giọng má êm đềm:
- Thôi con à, em nó...
Tôi định lên tiếng trách má nuông chịu thằng Hùng thái quá nhưng cũng kịp dừng lại khi trên mắt má đã lung linh giọt lệ.
*
* *
Dù công việc bận rộn đến đâu, tôi cũng phải vào cuộc. Thế là sáng hôm sau, tôi đi tìm cho bằng được anh chàng ốm nhom có giọng rao ồm ồm như cái mỏ làng bơi xuồng đi ta bà thế giới mà mua ve chai lông vịt và đủ thứ vật dụng hư cũ trên đời.
Điểm đến cuối cùng của tôi là cái vựa có cái bảng nguệch ngoạc: ‘’Mua ve chai, sắt vụn’’ nằm bên chân cầu đúc Cai Lậy. Tôi thở một hơi dài nhẹ nhõm khi anh chủ cơ sở có cái bụng phệ chỉ cho tôi cái kho hàng linh tinh:
- May thì nó còn ở trỏng, ông hên lắm đó, mấy bữa nay ‘’lái’’ ở Sài Gòn chưa xuống thu gom.
Cái ra-dô nhỏ xíu có cái áo bằng vải bông cũ kỹ nằm chỏng chơ bên mấy cái ổn áp hư bám đầy bụi trên cái kệ trong góc nhà.
Tôi cầm cái kỷ vật bé nhỏ ấy mà thấy lòng mình rưng rưng xúc động. Tôi lại nhớ đến cái bóng dáng cao to vạm vỡ trong bộ quân phục giải phóng mang cái ra-dô bên hông khuất dần sau lũy tre làng, tôi lại chạnh lòng nhớ lại cái đêm mà má vặn to chiếc đèn đầu, lục đục dưới bếp, tỉ mỉ may cho anh tôi cái áo bao ngoài chiếc ra-dô.
Thời gian đã nhẹ nhàng trôi qua, cuộc chiến tranh vệ quốc đã kết thúc trong chiến thắng, tất cả lùi về quá khứ... Nhưng không biết vì sao, tôi vẫn thấy hình như những người thân đã nằm xuống vĩnh viễn trên quê hương này vẫn còn loáng thoáng quanh ta, họ vẫn thân thương mỉm cười hiện diện với đôi mắt long lanh như ánh sao trên lá quốc kỳ.