Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
29.054 tác phẩm
2.767 tác giả
522
125.494.257
 
Ba tôi làm lữ bố
Thanh Phương

 

 

Ăn cơm chiều xong cở chạng vạng, sau đó má chuẩn bị tem trầu bỏ bịch nhựa cầm theo (có kẹo ú cho tôi nữa), bắt đầu từ nhà (chợ Chiều) đi bộ chừng 10 cây số tới ngã ba Bà Giếc coi hát bộ. Tới nơi, rạp hát nằm bên đường chỗ đất trống, che kín bốn bên, ánh sáng rạp chiếu lên không trung bụi bặm la đà, tiếng hát bội (trong máy) vang lên inh ỏi từ cái loa treo trên cột điện “ừ ứ ừ” miết thôi. Đứng trước rạp tự nhiên tôi thấy mình đang bước vào thế giới thần tiên “ừ ứ ừ” nào đó, thế giới đó luôn có hậu và lương thiện, tôi nghĩ thế. Phía trước rạp treo bảng đề “Gánh Hát Bội Quảng Nam”, dưới là Gánh Hát Bội “CHUÔNG VÀNG”. Tiếp theo là bảng giới thiệu tuồng hát tối nay: LÝ PHỤNG ĐÌNH, thiệt tình tôi không hiểu gì tuồng tích cả, nhưng tôi cảm thấy sự hấp dẫn cứ chạy rần rần khắp người tôi, mê lắm. Mặt trước gánh hát treo các hình diễn viên mặt xanh mặt đỏ, râu tóc dữ dằn, sợ nhưng thiêng. Bên trái rạp là cửa soát vé. Ngoài sân bãi đám trẻ con đùa giỡn chạy nhảy trốn tìm, chơi trò u mọi bụi cát tung lên mù mịt, có đứa áp sát vô kẻ hở sân khấu coi diễn viên thoa phấn, kẻ mắt, kẻ mày, gắn râu… đến độ mê mẩn không rời.

1.

Trước hết xin kể về ông bảy Thị, chủ gánh hát CHUÔNG VÀNG. Ông bảy Thị gốc Cẩm Phô, Cẩm Nam, Hội An. Nhà ổng là tiệm thuốc Bắc lâu đời, dạng cha truyền con nối, tiệm có tiếng từ lâu, dân làng ai cũng biết, có điều sau đó ổng mê coi hát bội nên trốn nhà đi theo gánh hát lưu diễn khắp nơi, lúc đầu làm quân sĩ, sau làm kép phụ, dần dà lên kép chính, một thời gian dài gánh hát thay đổi tình thế, ổng mới thành lập gánh hát Chuông Vàng làm chủ gánh như hiện nay. Thật kỳ lạ, nghiệp cầm ca của ông bảy Thị đi lên như diều gặp gió.

Còn ba tôi ở làng Thanh Nhì, Cẩm Thanh, Hội An, ba là thầy giáo dạy học nổi tiếng khắp làng, học trò các nơi khác đều đến học với ông rất đông. Tuy khác xã nhưng hai người quen thân với nhau như tri kỷ. Mỗi lần gánh hát về làng, ba tôi thường tới chơi với ông bảy Thị, đặt biệt tới giờ hát ba tôi làm người nhắc tuồng (núp sau tấm màn sân khấu nhắc lời cho diễn viên), ngoài ra ban ngày ba tôi và ông bảy Thị thường trao đổi, chỉnh lý, biên soạn các tuồng tích cho phù hợp trước khi diễn. Thuận lợi ở chỗ, ông bảy Thị là chủ gánh cũng là kép chính của đoàn, rất hiếm. Nói tóm lại, mỗi lần gánh hát về làng thì ba tôi liền tới rạp giao lưu với ông bảy Thị, chẳng qua vì đam mê hát bội mà thôi.

2.

Hôm nay gánh Chuông Vàng về lưu diễn tại ngã ba Bà Giếc (thuộc quận Sơn Chà, Đà Nẵng), lâu lắm rồi ba tôi với ông bảy Thị mới gặp nhau như vầy, hiếm lắm, như cá gặp nước. Trước tiên ba tôi lấy xe đạp dàn ngang chở ba người cùng đi về nhà ở chợ Chiều chơi cho biết (gồm ông bảy Thị và người bạn hát trong đoàn), người ngồi dàn ngang, người ngồi sau gạc-ba-ga, ba tôi đạp xe thủng thỉnh hơn 10 cây số mới tới nhà, má và các anh chị tôi chộn rộn xuống bếp nấu nước sôi, nhổ lông cặp vịt, làm mắm gừng, thái rau kèm chuối chát chiêu đãi khách.

3.

Trở lại phần đầu, khi vô rạp tìm chỗ ngồi xong xuôi má mở bịch trầu ra nhai thong thả, còn tôi thì mút kẹo ú đã đời, tối nay hát tuồng Phụng Nghi Đình. Chờ mở màn khá lâu, càng về khuya khán giả vào rạp càng đông nghịt. Bỗng tự nhiên có sáu hồi chuông “reng, reng” vang lên, chiếc màn nhung bắt đầu rung rinh rồi dừng lại, chờ một lát sau mới chính thức kéo màn. Mừng quá, màn một, cảnh một, bắt đầu:

 

ĐIÊU THUYỀN:

Ứ ư ừ ư….

Phận thuyền quyên ước mơ se tình.

Kết duyên trao với trang hùng anh.

Nào ngờ đâu trái ngang đời hoa.

Ứ ư ừ ư….

Phụng Tiên ơi, thiếp cam phụ chàng.

Bởi non sông ngữa nghiêng điêu tàn.

Ứ ư ừ ư….

Nên vâng theo lời cha già.

Đời Thuyền như cánh hoa loạn ly.

Để hôm nay, một thân hai chồng...

Ứ ư ừ ư…

Đời thuyền quyên ví như dòng sông.

Bờ đục bờ trong đành cam riêng mình

Ứ ư ừ ư…

ĐỔNG TRÁC:

Xin nương tử, quên u sầu

Xin nương tử không giận hờn

Vì ta tước phận triều cao.

Mà loa toàn từ trong ra ngoài

Ứ ư ừ ư…
ĐIÊU THUYỀN:

Ứ ư ừ ư…

Thiếp chỉ buồn thở than mà thôi.

Mới lấy chồng tuổi đang còn xuân.

Mà phòng loan vắng quạnh buồn hiu.

Có chồng làm chi khổ hơn không chồng

Ứ ư ừ ư…
ĐỔNG TRÁC:

Hãy nín buồn bỏ qua làm vui.

Trác sẽ đền gấm lụa ngọc trâm

Nàng vì ta chỉ một lần thôi.

Rồi ta thương, ta cưng, ta chiều

Ứ ư ừ ư…

4.

Sân khấu kéo màn giải lao, khán giả bắt đầu cầm quạt phe phẩy liên hồi cho đã, còn tôi tự nhiên bỗng ngủ gật trượt lần xuống đất, đầu kê lên đùi má gáy khò khò. Tới màn hai, má hất người tôi liên tục:“Dậy coi ba mi tề, ba mi đó, ông Lữ Bố đó, thấy chưa, ổng đó, dậy coi đi con”. Giật mình dụi mắt ngơ ngác nhìn lên sân khấu, lạ quá, tự nhiên ba tôi là ông Lữ Bố?

LỮ BỐ:

Ư ư ứ ư…

Phương thiên hỏa kích chư hầu kiếp oan

Tính danh Lữ Bố anh hùng. Phò an Đổng Thái Sư

Ta căm tức bớ Điêu Thuyền. Nàng rẻ khinh

Đã hứa hôn duyền thề sắt son mặn nồng

Tan rồi bao ước mơ xây mộng vun tròn

Ư ư ứ ư…

Thuyền ơi cớ sao nàng phụ vong

Gặp nàng ta hỏi phận trắng đen

Lệ rơi ta khóc, nghẹn lời không sao nói ra

Ư ư ứ ư…

Người nỡ phụ tình, đồ xa bến mơ

Kết bao duyên đời, xây mộng ái ân

ĐIÊU TUYỀN:

Ứ ư ừ ư….

Ai hay lòng thương đau

Yêu nhau mà xa nhau

Ư ư ứ ư…

Như con thuyền chơi vơi

Theo gió tàn cách hoa

Hương nhạt phai

Ư ư ứ ư…

LỮ BỐ:

Ừ ư ứ ư ừ….!

Nàng dối trá.

Trách cho ta tiếng ngu ngơ si tình

Đời dũng tướng.

Giữa ba quân nước sông nơi muôn trùng

Ư ư ứ ư…

Hôm nay ta sao cuối mặt.

Đành xa nhau trong tấc gang

Nhìn người yêu hạnh phúc.

Mà tim nghe nhói đau

Ư ư ứ ư…

ĐIÊU THUYỀN:

Ứ ư ừ ư….

Dù có tiếc có thương hãy ghi sâu trong lòng

Ư ư ứ ư…

Phận số đã rẽ chia bướm hoa tan tành

Ư ư ứ ư…

Xin giữ lời thề xưa

Kiếp sau ta gặp nhau.

LỮ BỐ:

Ư ứ ư ừ ư…

Bởi quá yêu nên ta dại khờ

Nay mới biết nàng tham sang phụ khó

Để Phụng Tiên đành ôm nhục đắng cay…

Ừ ư ừ ứ ư ư… !

5.

Tôi rướn mắt nhìn chăm hẳm coi ba tôi làm Lữ Bố đến ngây người. Lúc này tiếng trống chầu vang lên dồn dập, đập phình phịch trong ngực tôi. Hèn chi người ta nói coi hát bội trống chầu là uy lực nhất, nó làm cho khán giả chú ý đến tình tiết cao trào. Ngoài công dụng báo hiệu mở tuồng (6 tiếng), kết tuồng (9 tiếng), trống chầu còn để khen thưởng, chê trách kép/đào ngay lúc diễn. Nếu kép/đào hát trung bình thì nghe tiếng “két tùng”, diễn khá hơn là hai tiếng “tùng tùng”, diễn xuất sắc thì ba tiếng “tùng, tùng, tùng”.

Kể vậy để mọi người biết rằng hôm nay ba tôi làm Lữ Bố chỉ là bất đắc dĩ, tuy nhiên ổng diễn xuất lại rất tài tình, y chang kép chính, ổng đưa tay chỉ chỏ, múa chân theo nhịp phi ngựa “hồi mã thương” đường xa, ngồi coi ổng hát mà tôi hồi hộp đến không ngờ. Lúc này dưới rạp khán giả quăng thẻ bài lên sân khấu ào ào (khen thưởng ba tôi) đến khi kéo màn mới dứt. Đây là đoạn diễm tình Lữ Bố - Điêu Thuyền đối đáp, điệu nghệ văn chương.

6.

Hồi sau này tôi mới biết, ba tôi thế vai làm Lữ Bố bởi ông bảy Thị đang hát nửa chừng thì bị đau bụng dữ dội (có thể hồi chiều ổng ăn tiết canh heo?) Ráng chờ kéo màn ổng liền chạy vô sân khấu đi cầu, xứt dầu liên tục, nhưng tình hình đau bụng lại kéo dài rất lâu, trong khi đó khán giả chờ đợi đã lâu rồi, thôi chỉ còn cách ông bảy Thị nhờ ba tôi đóng thế Lữ Bố một đoạn ra sao. Rất may, ba tôi có năng khiếu hát bộ sẳn rồi, ổng lại thuộc lời tuồng tích nữa nên dễ dàng thế vai, sự cố thật hy hữu.

7.

Người ta thường nói về hai chữ “nhân duyên” trong đời sống, thời gian sau này dần dà tôi không còn thấy gánh bộ nào về lưu diễn ở Sơn Chà này cả, chẳng hiểu vì sao, có thể do thời thế thay đổi, xã hội cấp tiến đang cao trào hay chăng? Có thể đúng một phần, bởi vì  thời kỳ này lính Mỹ qua miền Nam hổ trợ lính Cộng hòa đánh nhau với Cộng sản miền Bắc dữ lắm, nhất là vùng nông thôn. Còn ở thành thị thì có phong trào Hippy mặc quần ống loa, áo lai bầu lạ mắt. Các rạp hát Sơn Chà, Ngã Năm thường có các đoàn ca múa nhạc về biểu diễn rùm beng, chiều nào cũng thấy chiếc xe quảng cáo ném tờ program xuống hai bên đường để mọi người đọc trước. Cũng từ đó gánh hát bội Chuông Vàng ông bảy Thị cũng tan rã lần lần, đào kép bỏ về quê tìm nghề khác sinh sống. Ôi, sự chia ly giữa cũ và mới đang diễn ra có phần ray rứt.

8.

Từ khi ông bảy Thị bỏ nghề hát bội thì ổng về quê đưa cả gia đình ra chợ Mai, Sơn Chà (Đà Nẵng) định cư lập sự nghiệp luôn, trước mắt mở tiệm thuốc Bắc như ngày xưa, tiệm to đùng, trong khi nhà tôi vẫn ở chợ Chiều như trước. Từ chợ Mai đến chợ Chiều cở 3 cây số chớ mấy, vô tình ông bảy Thị và ba tôi lại gần nhau giống như định mệnh an bày. (Tôi đoán là do ba tôi chỉ dẫn ông bảy Thị ra lập nghiệp Sơn Chà trước đó rồi, hình như vậy). Tiếp đến là phần ba tôi. Từ khi ông bảy Thị mở tiệm thuốc Bắc ở chợ Mai, Sơn Chà, ba tôi bèn học nghề bắt mạch do ông bảy Thị hướng dẫn, được cái ba tôi tiếp thu rất nhanh, nghề thuốc phải có tâm vị tha nữa mới dành phước, ba tôi tánh thương người nên rất hợp với nghề này. Hằng ngày ba tôi đạp xe dạo đi khắp nơi từ Sơn Chà, An Hải, Thanh Khê, Đông Giang xem mạch bệnh nhân, sau đó về tiệm thuốc Bắc ông bảy Thị bốc thuốc, ghi toa sắc thuốc cho bệnh nhân, ghi chi tiết từng thang đến khi hết bệnh mới thôi.

9.

Lạ, nghe nói ba tôi đạp dạo xem mạch lại đắt khách hơn ông bảy Thị tiệm thuốc gấp nhiều lần. Những lúc rảnh rỗi, ba tôi và ông bảy Thị thường ngồi xuống nhấp trà, hút thuốc, chơi cờ tướng khuây khỏa như hàng tri kỷ, chắc chắn ký ức của hai người về gánh hát bội Chuông Vàng không thể nào quên.

 

 

 

 

Thanh Phương
Số lần đọc: 42
Ngày đăng: 17.02.2025
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tản mạn về Mường Bi xem hội - Phan Anh
Nỗi lòng bà tôi - Thanh Phương
Là “Giọt Sương” Rong Chơi, và “Mùa thứ Ba” Của Miền Thượng - Nguyễn Hàng Tình
Bến phà sông Hàn - Thanh Phương
Ngược dòng Lô Giang - Nhiều Tác Giả
Cuộc hẹn cuối tuần với các nàng “Kiến” - Hoàng Thị Bích Hà
Vĩ Thanh nửa đời cầm bút - Nguyễn Chính
Lung linh đêm khiêu vũ Noel đầu tiên trong đời… - Phạm Nga
Rue Cler - để nhớ một thời - Nguyễn Vĩnh Long
Ca sĩ Tân Nhân - còn mãi với giai điệu “Xa khơi” - Minh Tứ