Má gánh bộ hai thùng dầu (diesel) từ làng Mân Quang đến làng Nại Hiên Đông bán cho các ghe thuyền đi biển, đoạn cuối lội sông. Đường xa má đổi vai thường xuyên bằng cách cuối đầu để chiếc đòn gánh trượt qua đi luôn, nhiều lần như vậy má mới ngồi xuống nghỉ ngơi lấy sức. Sở dĩ hôm nay tôi đi chơi là vì dịp nghỉ hè, má sẽ dẫn tôi vào chợ Nại Hiên Đông ăn hàng thoải mái như bánh đúc, bánh xèo, chè đậu đen, đậu đỏ tùm lum.
Bước lên đồi cát, má cầm dép chớ lún cát khó đi. Hơi nóng trảng cát tỏa ra hừng hực, hạt cát ùa vào kẻ chân nóng ran, má nhón chân xít xoa. May quá, giữa đồi cát có một lùm cây, má tới ngắt chùm lá trải dưới đất nghỉ tạm, khi đi má lại mang chùm lá đó đi theo, hồi sau lại đứng trên chùm lá đó nữa, nhiều lần như thế má mới ra khỏi đồi cát nóng bỏng này. Tôi đi phía sau bóng che của má nên đở hơn rất nhiều.
Bước xuống đồi cát, tôi liền thấy con sông bao la ở phía trước, gió thổi ù ù sát bên tai làm con sông hoang vắng lạ thường. Từ phía sau, nhìn bàn chân má lún vào trong cát, khi dở lên bàn chân in dấu rõ ràng, hồi sau nước sông rỉ vào cát, xóa hết dấu chân của má, thiệt ngộ.
Tới đợt thủy triều rút xuống, bờ sông hiện lên các sinh vật bé nhỏ khắp nơi như con sam, con ốc, con còng hoặc rong biển dạt vào bờ lủ khủ, nhiều nhất là con ốc hút, thậm chí lấy bàn chân khèo lên cũng dính vài con (Ốc hút có hình xoắn ốc, dài cở một phân, đầu tà đuôi nhọn, khi luộc chín đưa vào miệng hút ra nên gọi là ốc hút, chấm mắm gừng mê luôn). Nhưng lạ thật, có vài con ốc trồi lên bò đi khắp nơi, trong khi đa số nằm lẩn trong cát im lìm, sau này tôi mới biết đó là ốc ma, nghĩa là có con dã tràng nào đó chui vào vỏ ốc (trống không) hiện hữu, thiệt là thế giới kỳ ảo quá chừng. Sau đó tôi bước gần mé nước, thấy một đàn còng đỏ lần lượt chui ra khỏi hang đông nghịt, chúng gặm nhấm từng hạt cát mê say, giống như nó vê thành ngôi nhà của mình. Vậy mà không hiểu sao người ta lại nói: “Dã tràng xe cát biển đông/Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì”. Là sao nhỉ ? Thực ra hành vi xe cát của dã tràng là hàng triệu hàng triệu năm rồi, đó là sự sinh tồn cõi phù du này mà. May mà còn có nhà thơ Chế Lan Viên trong bài thơ Dã Tràng là hữu ích, mới giải tỏa thắc mắc trong tôi lúc này:
Con dã tràng nghe tôn giáo bể
Nghe sấm truyền của sóng giảng hư không
Dã tràng vẫn làm thơ, mặc kệ
Vê hạt cát thời gian chọi lại với Vô Cùng
Sao lại bảo “dã tràng nhọc sức vô công”?
Chính bề ngoài kia mới là vô tích sự !
Là sóng đó rồi tan thành bọt đó
Đổ qua có sắc màu mà đổ lại hóa hư không
Mãi mê bắt cua bắt ốc, nhìn phía trước thấy má gánh dầu tít đàng xa, lúc này má đổi hướng lội xuống sông bì bỏm, thấy vậy tôi vội vàng chạy tới kịp gần má. Ùm ! Nước sông bắn lên tung tóe, chân cẳng đều ngập nước hết trơn, mát rượi. Càng lội ra xa thì thấy các đám rong trên mặt sông càng nhiều, đến độ tôi phải lấy tay gạt ra mới tiến lên được. A đúng rồi, mùa này là mùa sinh sản của loài rong, nó rất cần sự quang hợp ánh sáng để phát triển sinh sôi, từng chùm rong lơ lửng dưới ánh mặt trời, hèn chi nước sông có màu xanh lục, trong veo.
Lại nghe người ta nói, cá lòng tong rất ưa những chùm rong trên sông ni lắm, làm chỗ trú ẩn thì rất an toàn. Thực vậy, trước mặt tôi một đàn cá lòng tong chạy qua chạy lại chùm rong, một số vào trong, một số ở ngoài, một số gặm tỉa từng sợi rong phất phơ, mọi thứ đều diễn ra thật hiền hòa và thư thái, làm tôi có cảm giác bình yên đến chao lòng. Nhưng một lát tôi liền có ý định sẽ bắt những con cá lòng tong này về nuôi mới được, ở nhà có cái thạp tròn chứa cá hết ý, tôi bèn khum người giơ tay cao lên chụp xuống cái “ào”. Nước sông văng lên tung tóe, một lần, hai lần, nhiều lần... Lần nào tôi cũng chúi nhủi vì chụp hụt, trong khi đàn cá lòng tong cứ bơi lội tỉnh bơ trước mặt tôi, tức quá đi !
Mê chụp cá, giật mình thấy má gánh dầu qua sông xa tít đàng kia, tôi bắt đầu đâm lo. Càng lội tới nước sông càng sâu hơn so với người tôi, gần tới cổ tôi lận, lúc này tôi đứng yên một chỗ không dám cọ cựa. Bỗng tôi nghe có tiếng gió hú tràn ngập cả dòng sông, gió thổi ù ù sát bên tai tôi ríu rít, thì ra cô liêu đang hiện hữu. “Má ơi má, má tới dẫn con qua sông ni với má, nước ngập gần tới miệng con rồi”. Tôi la thật to cầu cứu má, hy vọng đàng xa má sẽ nghe thấy. Thật diệu kỳ, từ xa tiếng má vọng tới trấn an tôi: “Không sợ chi hết con hỉ, nước đang rút đó con, ráng lội xí nữa là hết nghe con, ráng xí nữa đi con”. Nghe tiếng má tôi cảm thấy yên tâm, còn lo, tôi lội tới lần mò từng bước, bàn chân đạp lởm chởm nào là vỏ ốc, vỏ cua, các loài giáp xác vùi lẩn trong bùn nghe xào xạo đến ê người.
Tới gần, thấy má nghỉ ngơi thong thả với dòng sông, má lấy hai tay chụm lại múc nước hất lên mặt má rửa ráy, trong khi quang gánh để y trên vai, hai thùng dầu nổi lình bình mặt sông. Thấy lạ, tôi bèn hỏi:
“Răng hai thùng dầu ni nổi lên rứa má ?”.
Má mỉm cười nói như ri:
“Ừ, ông Thần sông ổng đang phù hộ cho mình đó con, ổng làm cho hai thùng dầu ni xuống sông nhẹ hửng, do đó má gánh dầu nhẹ hiều đó con à”.
Thật vậy, khi má tôi gánh dầu qua sông tự nhiên có một phép màu đẩy hai thùng dầu nổi lên mặt nước, cho nên má tôi gánh dầu nhẹ nhàng hơn trước gấp mấy lần. Hèn chi ông Archimede đã nói về lực đẩy thần thánh mà đến giờ này tôi mới chứng kiến. Thật là dòng sông kỳ vĩ trong tôi!