Đây là lần đầu tiên tôi đọc và review một cuốn sách châu Á. Trước hết, tôi có lời khen dịch giả, biên tập viên Fiori Picco – người rất tài năng. Chị đã thay mặt nhà xuất bản Fiori d'Asia làm xuất sắc nhiệm vụ dịch thuật, chuyển thể một tác phẩm hay cho khán giả phương Tây, cùng những chú thích rõ ràng trong phần giới thiệu bằng tiếng Ý để độc giả Ý hiểu rõ hơn về tiểu thuyết Hoàng cung Thăng Long của nhà văn Võ Chí Nhất.
“Hoàng cung Thăng Long” là một tiểu thuyết viết về những bí ẩn thời phong kiến. Tác phẩm được viết ở ngôi thứ ba và lấy bối cảnh ở nhiều thành phố khác nhau ở Việt Nam, tiểu thuyết kể về câu chuyện của công chúa Băng Châu, người vào ngày sinh nhật đã xin cha mình, nhà vua, đi du ngoạn. Sau đó người đã đồng ý đi cùng Băng Châu và vì vậy, công chúa đã cải trang thành đàn ông, cô rời đi cùng với bảo mẫu và hai người hộ vệ. Trong một lần dừng chân tại một quán trọ, khi đang chơi đàn, Băng Châu gặp hoàng tử Triệu Khải và ngay lập tức tiếng sét ái tình bùng lên giữa hai người; từ đoạn này trở đi sẽ là một chuỗi cảm xúc hỗn loạn mà tôi sẽ để bạn khám phá chi tiết bằng cách đọc cuốn sách tuyệt vời này.
Lịch sử, chính trị đầy mưu mô, âm mưu và phản bội, đây cũng là một cuốn tiểu thuyết đầy cảm xúc, ngọt ngào và hài hước chắc chắn sẽ làm say đắm trái tim bạn bởi vì, theo cách riêng của nó, nó nói về hai con người và một câu chuyện tình yêu trong một thời đại mà mọi thứ đều được quyết định và địa vị chính trị quan trọng hơn tình cảm, đến mức phải hy sinh.
Một cuốn sách lấy lịch sử làm khung, đồng thời đặt nghệ thuật vào trung tâm của bức tranh. Trên thực tế, xuyên suốt tác phẩm có rất nhiều thứ được tác giả miêu tả kỹ lưỡng như chơi nhạc cụ, nhảy múa, vẽ và còn có những bài thơ, dù ngắn. Có những cảnh hành động không đẫm máu nhưng được miêu tả rõ ràng, đến mức nếu nhắm mắt lại bạn sẽ có cảm giác như mình đang nhìn thấy những cảnh đó như trong phim chứ không phải đọc từ sách.
Các tình tiết trong tác phẩm được cài đặt rất chặt chẽ và cung cấp cho chúng ta những chi tiết về thời đại huy hoàng nơi triều Lý xưa (chẳng hạn như khảm đá quý) giúp tô điểm cho các cung điện hoàng gia. Ngay cả những địa điểm ngoài trời cũng được mô tả rõ ràng, đến mức hít thở trọn vẹn bầu không khí của miền quê Việt. Thêm vào đó, có những khoảnh khắc thực sự lãng mạn, mặc dù rất bi thảm. Cuốn tiểu thuyết sẽ khiến bạn phải thốt lên: “Không! Tại sao!” và các nhân vật chính sẽ khiến bạn phải khóc rất nhiều. Cốt tủy của tác phẩm cuối cùng nói lên thiên tính chinh phục của người đàn ông, cũng như sự hy sinh tình yêu vì dân tộc của Băng Châu. Tác giả Võ Chí Nhất đã làm nên một cái kết khiến bạn không nói nên lời.
Lời cuối cùng: tôi cho rằng đây là một cuốn sách hay, ngọt ngào, lãng mạn, đẫm nước mắt, nhưng cũng đầy mạnh mẽ và táo bạo, mà tôi chỉ giới thiệu cho những ai đủ yêu thương để đọc một câu chuyện tình lãng mạn mà không phải phán xét các quyết định của nhân vật. Chúng ta phải biết cách đặt những quyết định đó vào một bối cảnh lịch sử cụ thể.
Marco Cazzella (Võ Chí Nhất dịch)