Nhân rà soát lại hồ sơ thi ca lưu trữ, tôi thấy có hai bài lục bát với cách viết vận hành thi ngữ và ý tưởng lọt ra ngoài quỹ đạo truyền thống của thi ca là " thơ phải trong sáng và dễ hiểu ". Đây là một vấn nạn lớn của thi ca vẫn chưa ngã ngũ. Cho đến hôm nay phần thắng nghiêng về phía bảo thủ : thơ là phải trong sáng, có tính truyện, đọc là hiểu ngay. Ví dụ, đã có nhiều bình luận về những sáng tác của kẻ này đăng tải lâu nay tập trung vào ý chính : Thơ gì kỳ cục, chẳng đâu vào đâu, đọc không hiểu gì hết trơn, nhất là thể loại sáu tám (lục bát) mang nặng truyền thống quê hương, tính dân tộc.
Rồi cũng tình cờ đọc được trên mạng xã hội một nhận định khá thú vị ( tuy chưa hẳn hoàn toàn đồng ý) về ngôn từ được sử dụng trong phạm trù văn học nghệ thuật nói chung, xin ghi lại nguyên văn như sau :
"Ca từ âm nhạc cũng như ngôn ngữ văn chương mà cứ thẳng toẹt ra, nói gì hiểu nấy thì hỏng. Nghe, đọc xong - quên luôn. Ko ngẫu nhiên, tự bao giờ đã có câu ông bà ta xưa truyền lại - người khôn ăn nói nửa chừng. Cái mơ hồ của ngôn ngữ trong ca từ âm nhạc, trong văn chương thơ phú luôn làm nên sự hấp dẫn, quyến rũ, khiến lòng người say đắm. Đành rằng, khi sáng tác, ko ai thả hồn mình tràn lan trên mặt giấy, mà dù muốn hay ko, mặc định ấp ủ sẵn một ý tưởng nào đó rồi. Chỉ có điều, ý tưởng ấy lấp lánh lung linh trong các hình tượng ngôn ngữ đa tầng đa nghĩa. Làm cho ý tưởng phần nào bị mờ nhòe ít nhiều, khiến tác phẩm trở nên ko hoàn toàn dễ hiểu, thậm chí - khó. Nhưng, cái hay, cái hấp dẫn là chỗ đó (Nếu hình tượng đáp ứng tối đa nghĩa đen lẫn nghĩa bóng). Có bao nhiêu người thưởng thức thì có bấy nhiêu bức tranh ko tiền khoáng hậu. Đưa tầm mắt họ vươn tới các chân trời. Riêng về thơ, "nếu đọc xong thấy hiện ra chỉ một bức tranh, như bài toán chỉ một đáp số, thì đó nên coi là vè.
Phải thấy từ hai bức tranh trở lên thì mới gọi là thơ" (Nguyễn Vũ Tiềm).
Và sau đây là hai bài thơ trích , đã nhắc ở trên :
L Ụ C B Á T S Ớ M
)(-:
1. [đ ê m x u â n]
Bàu xanh
quày nước theo đêm
muối sương ăn lạnh
ngoài thềm xuân du
áo ai
nhín một chút mù
cho hơi ẩm thúy
gợn ngu ngơ
tình
phơi buồn
nghe tạng phiêu linh
con mắt khép mở
nheo
hình bóng tan
nghe nhau một dặm hoang đàng
yêu người cứ rủ
chân hàng phục theo
biết đâu nắng
vẫn trên đèo
còn mây hôn thuỵ
về treo vực hồng
nhạc thiều. búi. cỏ rưng rưng
ngàn năm tơ mệnh
neo thừng bến không.
2. [ n g ồ i t ư ở n g ]
Hò lơ
trên những máng chồng
khoan đi
rồi nhặt
câu bồng ngũ âm
mùa về một vệt lâm thâm
không mưa
mà cũng vang ầm ghế xuân
buộc quanh dải áo thất thần
người ngồi tưởng một trần thân bụi bờ
khi nào
hạt giống nên thơ
níu hồn không chữ
lặng
tờ
giấy yên
có khi chép nốt ưu phiền
và rồi thanh tịnh gỡ miền an du
)(
29 mars 20
Họa sĩ, nhà thơ Đinh Cường sinh thời có viết : Đại dương bao la, nghệ thuật như từng đợt sóng theo nhau xô vào bờ ; không có đợt nào giống đợt nào.
Bạn nghĩ sao?

Almada Negreiros