Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.094
123.231.357
 
Tuổi thơ và nước mắt người lớn
Phạm Lưu Vũ

Tục ngữ có câu: “Trời đánh tránh bữa ăn”.

Nghĩa là lúc ăn thì Trời buông tha rồi. Trời buông tha bởi vì Trời rộng. Song con người thì chưa chắc. Con người vẫn lởn vởn đâu đó...

 

Ai cũng có những kí ức lúc tuổi thơ. Kí ức của thế hệ chúng tôi có cái đẹp như một sự giả dối, có cái đau như những vết thương, suốt đời không bao giờ lành nổi.

 

Tôi từng chứng kiến những đứa trẻ khóc vì ăn vạ, khóc vì bị đòn, khóc vì đói...

Tôi cũng từng chứng kiến những người lớn khóc vì mất người thân, khóc vì uất ức, khóc vì đánh chửi nhau...

Đời người ai chẳng ít nhất một lần phải chứng kiến những nỗi đau...

Nhưng tôi không thể chịu được khi phải chứng kiến một người lớn khóc trong khi ăn.

Và nhất là đó lại là một người già.

 

Hồi nhỏ, chị em tôi có một người cô họ nhà ở xóm Đông, không biết tên tục của cô là gì, chỉ biết chồng cô tên Sướng, vì thế chúng tôi vẫn gọi cô là cô Sướng. Cô Sướng mặt rỗ hoa vì thuở nhỏ bị bệnh đậu mùa, chúng tôi nghe bà nội bảo thế. Chú Sướng chồng cô hai mắt lồi trô trố vì cận thị, người loắt choắt, đen đúa, nom rắn như cái đanh. Thời ấy, chú là người duy nhất trong làng dứt khoát không chịu vào hợp tác xã. Không biết có phải vì thế mà làng trên, xóm dưới xa lánh cả nhà chú, coi nhà chú như những kẻ lạc loài. Chú Sướng hay uống rượu, mỗi khi say lại đánh chửi cô tôi tàn tệ.

 

Một hôm chúng tôi chứng kiến cô tôi vừa kêu khóc, vừa chạy vào nhà tôi, đầu tóc, quần áo tả tơi, mặt tái mét. Phía sau là chú Sướng cầm một cây gậy uỳnh uỵch đuổi theo. Bà nội tôi ấn cô vào trong nhà rồi vớ lấy cái chổi, chạy ra đứng chắn ngay trước cổng. Bà trỏ mặt chú Sướng bảo có giỏi thì cứ xông vào đây. Chú Sướng khựng ngay lại, không dám bước thêm bước nào nữa, đứng chỉ trỏ thanh minh với bà tôi một hồi rồi quýnh quáng ra về. Chúng tôi được phen sợ xanh mắt.

 

Đến bữa ăn, cô Sướng ngồi nép vào một góc mâm, mặt cúi gằm. Tôi để ý thấy tay cô bưng bát cơm cứ rung bần bật, nước mắt chảy ròng ròng, hòa lẫn cả vào cơm.

 

Chú Sướng về sau hỏng mắt hẳn, gần như không trông thấy gì. Cô tôi từ đó không bị đánh nữa, lại quay sang hết lòng thương yêu, chăm sóc cho chú.

 

Cũng hồi bấy giờ, nhà hàng xóm phía trên nhà tôi có một bà cụ già ngoài bẩy mươi tuổi, chúng tôi vẫn gọi là cụ Tư. Cụ Tư ở với vợ chồng người cháu ngoại. Cụ mắc bệnh run tay, mắt mũi lại kèm nhèm thành ra động đến cái gì là làm đổ vỡ cái đấy. Gặp phải bác trai nhà ấy tính nết hung bạo, thỉnh thoảng có gì giận dữ là lại lôi cụ ra, vừa chửi vừa đánh (cụ Tư là bà ngoại của bác gái). Chúng tôi thường xuyên phải chứng kiến cảnh cụ già ngoài bẩy mươi tuổi kêu khóc, chạy trốn lẩy bẩy như con trẻ, cái lưng còng rạp xuống như thể vừa chạy vừa bò. Tôi nhớ có một hôm, thấy bác kia nổi cơn gầm gừ, bắt đầu đi tìm roi, cụ Tư sợ quá, cuống quýt chui qua hàng rào phía sau nhà, bò qua một mảnh vườn chuối rồi trốn sang nhà tôi. Bà nội tôi thương cụ bèn giấu cụ vào trong buồng.

 

Bác trai hàng xóm mặt tím như gà chọi, hùng hổ cầm roi chạy sang sân nhà tôi hạch hỏi, miệng quát tháo ầm ĩ, cứ một điều “con già...”, hai điều “con già...”. (bác ấy gọi cụ Tư là “con già”). Cụ Tư nấp trong buồng sợ không dám thở, tấm thân già nua run như cầy sấy. Chị em tôi lại bị một phen xanh mắt.

 

Đến bữa cơm, cụ Tư không dám thò ra ăn ở nhà ngoài, bà tôi phải bưng bát cơm vào trong buồng. Cụ Tư vừa lập cập và cơm vừa khóc không ra tiếng. Những nếp nhăn trên mặt cụ ngấn đầy nước mắt, chảy ngoằn ngoèo như những dòng suối bé tí tẹo. Lúc ấy, tôi chỉ muốn nhào vào lòng cụ mà òa khóc, mà làm nũng như thể an ủi, và cầu xin cho cụ có được một nụ cười...

Hôm sau, khi bác gái nhà hàng xóm ấy sang đón cụ về thì chị em tôi như bị hẫng mất cái gì, cứ quấn lấy bà nội, tranh nhau thắc mắc sao nhà mình không nuôi luôn cụ Tư đi?

 

Cụ Tư mất từ hồi tôi mới học lớp một, lớp hai gì đấy. Bác hàng xóm hung bạo kia nhờ có thành phần bần cố nông nên về sau được đi thoát ly, rồi cũng làm đến cán bộ huyện, nom bác sang trọng hẳn lên, quần ka ki, áo pô pơ luyn cổ cồn trắng muốt. Những chiều thứ bẩy bác đạp xe từ huyện về làng, một bên hông khoác chiếc đài Xiengmao to tướng, đi đến đâu mở oang oang đến đấy: “Đây là tiếng nói Việt nam, phát thanh từ Hà nội, Thủ đô...”. Lũ trẻ con chúng tôi thấy thế thì thích lắm, cứ rùng rùng bám theo sau bác, lòng đầy ngưỡng mộ.

 

Tôi còn nhớ bấy giờ tôi mới hơn ba tuổi, nhà nghèo. Đến bữa, những người lớn không bao giờ được ăn no. Vì tôi là bé nhất nên trước mỗi bữa cơm, mẹ tôi phải xới sẵn ra lưng bát để dành riêng cho tôi ăn vào lúc nửa buổi. Một hôm đang mải chơi, tôi đã bất ngờ lăn đùng ra ăn vạ khi phát hiện ông nội tôi vì đói quá, đã lấy bát cơm phần đó ra ăn. Bà nội tôi thấy cháu ăn vạ thì mắng ông té tát. Ông nội tôi giật nảy mình, hoảng hốt buông bát cơm đang ăn dở, vội vàng đi xúc một chén đường nhỏ đền cho tôi. Dỗ dành tôi đến đâu thì hai hốc mắt ông tôi ầng ậc nước đến đấy, bàn tay già nua cầm chén đường run bắn lên.

 

Từ đó, trong những bữa cơm, ông nội tôi luôn luôn vừa ăn vừa để ý nhìn tôi. Thỉnh thoảng ông tôi lại quay đi, đưa một ống tay áo nâu lên ngang mặt, hình như để quệt đi những giọt nước mắt. Ông vừa ân hận, vừa lo lại lỡ ăn mất phần của cháu. Ôi! những lúc ấy tôi đâu có biết rằng từ đó cho đến hết đời, ông nội tôi không bao giờ được ngồi ăn một cách bình thản nữa.

Tôi suốt đời không bao giờ tha thứ cho mình, mặc dù khi đó tôi chỉ là một đứa trẻ lên ba. Sau này, bất cứ lúc nào tôi cũng sẵn sàng đánh đổi tất cả, chỉ để được trở lại đúng cái giờ phút ấy, để được ôm lấy ông tôi, được dâng lên Người một bát cơm tử tế.

Song, từ lúc hiểu ra, thì mãi mãi, không bao giờ tôi có được cái cơ hội ấy.

Ông bà tôi mất hơn ba mươi năm nay. Suốt đời, ông bà tôi không một ngày sung sướng.

 

Hai đứa con tôi giờ đang ở đúng cái thuở lên ba như tôi ngày trước. Ông bà ngoại chúng ở xa, suốt ngày chúng quấn quýt bên bố mẹ tôi - tức là ông bà nội của chúng. Mấy lần chuyển nhà, tôi rất sợ phải ở bên cạnh những hàng xóm hung bạo. Từ khi có mấy đứa nhỏ đến nay, cả nhà không ai biết, rằng tôi luôn luôn bị giật mình mỗi khi thấy chúng nằm lăn ra ăn vạ.

 

Ăn cơm nhà... (45)  -11/2005

Phạm Lưu Vũ
Số lần đọc: 3536
Ngày đăng: 17.02.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đi chợ tết tại MỸ - Trần Kiêm Ðoàn
Lành lạnh của mùa đông cao nguyên - Phạm Minh Châu
Quê hương là chốn thần tiên - Phạm Lưu Vũ
Cuối năm kể chuyện về một gã đi cầu tài - Phạm Lưu Vũ
Đêm giao thừa nhớ Mẹ - Trần Mạnh Hảo
Bộ lư đồng ngày tết - Nguyễn Kim
Bạn bè rụng như lá - Dương Ðình Hùng
…..là phải tìm cách làm ra “nọc độc” của chính mình. Hiểu chưa?” - Phạm Lưu Vũ
Với con - Bích Ngân
Mối hận của Khổng Tử - Phạm Lưu Vũ
Cùng một tác giả
Tai ngược (truyện ngắn)
Tảng thịt tế (truyện ngắn)
Nhà hiền triết (truyện ngắn)
Chính danh (truyện ngắn)
Chuyện làng Kinh (truyện ngắn)
Sự tích núi mồ côi (truyện ngắn)
Ngón tay phật tổ (truyện ngắn)
Xuất xứ (truyện ngắn)
Chuyện vịt (truyện ngắn)
Kẻ vô thừa nhận (truyện ngắn)
Bài ca cuộc sống (truyện ngắn)
Hai anh em (truyện ngắn)
Linh vật (truyện ngắn)
Áo gấm đi đêm (truyện ngắn)
Tửu địa (truyện ngắn)
Vai diễn cuối cùng (truyện ngắn)
Thạch ngôn (tạp văn)
Liệt nữ (truyện ngắn)
Tần Doanh Chính (truyện ngắn)
Đám mổ bò (truyện ngắn)
Cái Kết Có Hậu (truyện ngắn)