... Rồi mai này chợ Giồng Găng sẽ lớn rộng thêm, rồi hình bóng ông Thần gáo lồng đèn sẽ lui vào dĩ vãng, nhưng cái miếng thịt chia đều thấm nghĩa quân - dân ở lễ cúng chợ này không ai có thể quên. Bởi chính nó là thứ phép mầu biến Giồng Găng từ “không” thành “có”, từ đồng đất hoang vu trở thành nơi ấm áp tình người.
Đã là lần thứ sáu, bà con Ðồng Tháp Mười tổ chức ngày hội lớn nhất trong năm ăn mừng ngày có chợ, đánh dấu sự định hình của một vùng quê. Và lần nào cũng vậy, rất đông cựu binh nông trường lại tụ họp về đây, đứng lẫn giữa những người trước đây là dân nghèo tứ xứ, nhìn các vị lão nông thành kính dâng hương lên ông Thần gáo lồng đèn mà bồi hồi nhớ lại một thời trai trẻ, từng gắn bó với cánh đồng phèn đầy thách thức, khó khăn.
Anh Bảy Hiệp, một cựu binh nông trường, hiện là đội trưởng Đội sản xuất số 2 ở ấp An Tài, xã An Phước, tâm sự: “Mười hai năm trước, chúng tôi theo anh Ba Trọng đi ghe chài vô đây, cặp bến đổ quân ngay cây gáo lồng đèn. Xung quanh chỉ có đất và trời, mút tầm nhìn không bóng nhà, bóng khói, đâu dè sau này cây gáo đó, đối với dân nông trường, lại có một thần linh”.
Ở mảnh đất Tân Hồng giáp biên, mỗi khi nhắc lại cảnh xưa, ai ai cũng nhớ tới cây gáo lồng đèn với nhiều sự tích. Bà Bảy “cúm núm”, năm nay đã 64 tuổi (sở dĩ có biệt danh như vậy là do lúc sinh thời chồng bà chuyên sống bằng nghề bẩy chim cúm cúm), giải thích với tôi: “Hồi xưa chỗ này hoang vu dữ lắm. Cao nhất ở đây là cây gáo lồng đèn. Nghe tía tui kể, cây gáo này đã hơn trăm tuổi. Thời chiến tranh, mỗi khi giặc càn, người ta treo cái lồng đèn ở đó để làm ám hiệu. Giải phóng rồi, người ta đi lưới, câu, lờ, lợp, lại treo cái đèn để tụ họp bán cá. Cá hồi trước bự dữ lắm, có con bằng bắp đùi. Còn sậy, đế thì mịt mù, có cây bằng ngón chân cái. Bộ đội vô trước khai phá rồi giao lại cho dân. Dân ở đây nhớ ơn bộ đội nhiều lắm”.
Tôi nhìn con heo quay vàng rượm, béo mỡ nằm phủ phục trên bàn thờ đặt ngay trước cửa nhà lồng chợ mà liên tưởng đến lễ cúng đình ở các huyện phía Nam - là vùng “đất thuộc”. Ở đó, người ta cúng Thành hoàng bổn cảnh là những người có công khai phá đất hoang, gom dân lập ấp, ngăn chặn ngoại xâm. Còn ở đây là vùng “đất lâm”, chỉ cách biên giới Việt Nam - Campuchia có 10 cây số, hơn 1.300 hộ dân tứ xứ đã tự sáng tạo ra ông Thần gáo lồng đèn và chọn ngày cúng kiến ngay ngày thành lập chợ.
Mười hai năm trước, “bộ đội ông Ba Trọng” vô đây vỏn vẹn có 50 người, với nhiệm vụ biến gần 2.400 hécta đất hoang trở thành biển lúa, lập ấp an dân, cải tạo địa hình, xây dựng phòng tuyến để sẳn sàng bảo vệ biên cương. Phải chăng ông Thần gáo lồng đèn hôm nay là hình bóng của cái nghĩa quân - dân đã trở thành ký ức của bao dòng họ từng chọn đất này làm chốn an cư?
Do hoàn toàn không có vốn đầu tư mà hỏi vay ngân hàng thì lại không có gì thế chấp (ngoại trừ một cánh đồng hoang) nên trong những năm đầu, việc khai hoang ở nông trường hoàn toàn dựa vào sức bộ đội. Khi mới vô, mỗi người lính được mang theo chỉ một cây tràm - để che tạm “giàn bầu” mà ở - và những can nước ngọt hiếm hoi - để giải quyết cái ăn, bởi quanh đây toàn một thứ nước phèn, chua đến tê cả lưỡi và cay cả mắt. Ngày phát cỏ, đốt đồng lửa táp cháy da. Ðêm trực gác, tuần tra mưa tuôn ướt áo. Lúc đào kênh phồng rộp cả tay, sình bùn đầy mặt mà mỗi tuần được tắm nước ngọt có 2 lần. Khi lũ cuốn bể đê, thức trắng đêm cứu lúa, đói rạc cả người mà thức ăn chỉ toàn là rau muống, cá khô. Nhưng nhiệm vụ quyết phải hoàn thành, dù xây dựng nông trường không chỉ tốn mồ hôi, có những trường hợp còn hy sinh cả máu. Trong vô số tuyến kênh mà bộ đội đã đào, có một nơi dân nông trường vẫn gọi là kênh Sét Đánh. Bởi có người lính trẻ quê ở xã Tân Phú Đông, thị xã Sa Đéc, chiều nọ đi đồng về gặp lúc trời mưa, mà những cơn mưa ở Đồng Tháp Mýời thì bao giờ cũng chứa đầy sấm sét...
Trung tá Ba Trọng, Giám đốc Nông trường quân đội Giồng Găng, cho biết: “Không vốn, không dân, không cán bộ khoa học kỹ thuật - đó là 3 cái “không” của nông trường chúng tôi trong buổi đầu khởi nghiệp. Chúng tôi xác định ngay từ đầu, không có dân là khó khăn lớn nhất. Phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để đón dân vào, kết hợp sức dân với sức bộ đội thì mới hoàn thành được nhiệm vụ trên giao. Thế là chúng tôi đi… vay nợ bên ngoài”.
Ðúng vậy, lịch sử nông trường này đã được viết trang đầu bằng những chữ ký nợ. “Ứng trước xăng dầu đổi lúa” - đó là lời đề nghị duy nhất được các công ty quốc doanh bên ngoài chấp nhận và cũng là cơ may cuối cùng để nông trường tích tụ vốn riêng. Từ đó, việc hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi nội đồng và khép kín đê bao chống lũ mới có các phương tiện cơ giới tham gia. Đặc biệt, năm 1988 khi trung ương thi công tuyến kênh chiến lược xuyên Ðồng Tháp Mười, nối từ Hồng Ngự tới Long An, đi ngang qua địa phận nông trường, bộ đội đã kết hợp cùng công nhân xáng thổi nâng được một tuyến đê dài 8 cây số lên cao ho8n đỉnh lũ năm 1978 tới 5 tấc. Ðây chính là cái trục chủ yếu để nông trường qui hoạch tương lai: Bố trí nhà ở cho dân, xây dựng trường học, trạm xá, kho tàng cùng các cơ sở hạ tầng quan trọng khác.
Ở Nông trường quân đội Giồng Găng, dù phải bắt đầu sự nghiệp từ những khoản nợ, nhưng những người lính đã thực hiện đúng với lời nói của mình: Dân giàu thì nông trường giàu; nông trường giàu là để tạo điều kiện cho dân giàu thêm. Lễ cúng chợ hàng năm cũng là dịp để Ban giám đốc biểu dương, khen thưởng “nông dân sản xuất giỏi”. Một trong những người được nhận danh hiệu này 5 năm liền là anh Ba Liễm, thuộc Đội sản xuất số 2. Tám năm về trước, anh rời quê ở xã Long Khánh, huyện Hồng Ngự vô đây lập nghiệp với hai bàn tay trắng và một quyết tâm phải thoát khỏi kiếp nghèo. Bây giờ, anh đã là chủ của gần 20 hécta đất, trị giá hàng trăm cây vàng. Trước còn phải hỏi vay vốn liếng nông trường, giờ tự lực cả khâu dịch vụ. Máy bơm, máy xới, máy suốt lúa chẳng những sắm đủ mà còn có cả máy nghiền thức ăn gia súc để mở rộng chăn nuôi. Anh cho biết: Hồi bà con mới vô chỉ ở dưới ghe vì còn sợ lũ, sợ phèn. Làm ruộng mà bị xì phèn thì coi như mất trắng. Còn cất nhà mà gặp lũ thì coi như gia sản tiêu tan. Nhưng nông trường hết lòng giúp đỡ nên bà con có được lòng tin. Ai cất nhà thì nông trường giao đất, cho cây. Ai làm ruộng thì nông trường ứng trước vật tư, giống má. Tất nhiên là phải tính lãi rồi, vì bản thân nông trường còn phải đi vay, nhưng so với bên ngoài, mức lãi này rất thấp. Anh Ba Liễm nói: “Hồi đó ngân hàng đâu có cho tụi tui vay. Vay bên ngoài lãi suất 15%/tháng. Còn nông trường ứng trước vật tư giao cho tụi tui, tính ra chỉ có 4-5% là cùng. Nói thiệt tình, tui đâu có ao ước làm cái nghề ruộng này, không ngờ vô đây đất rộng, người thưa, lại thêm sự giúp sức của nông trường nên thành quả đạt được hết sức lớn”.
Hiện giờ đã có 40% số hộ nông trường viên đạt mức sống khá và giàu cỡ như anh Ba Liễm. Trong hơn 10 năm, bà con đã góp sức cùng bộ đội biến vùng phèn trũng thành một mảnh đất vàng, mỗi năm trồng được hai vụ lúa. Ngay cả khu vực đất xấu nhất cũng đã biến thành rừng: Hơn 400 hécta tràm và bạch đàn đang vào độ tuổi khai thác là tài sản trị giá hàng chục tỉ đồng của quân đội và cũng là nguồn lợi lớn cho dân. Cựu binh Bảy Hiệp kể: “Ban đầu anh Ba Trọng cho trồng tràm chỉ là để cải tạo địa hình. Đến khi tràm lớn, ảnh lại biểu: Cứ mở cửa rừng cho dân vô lấy củi, dĩ nhiên là phải theo kế hoạch đàng hoàng. Còn tôm cá dưới kênh, lúc bà con thiếu ăn, cứ cho đánh bắt. Đâu ai giữ rừng tốt bằng dân”. Quả vậy, suốt 12 năm, rừng ở Giồng Găng chỉ cháy có hai lần, với mức thiệt hại 0,2% diện tích.
Ngẫm ra, ngay cả lửa chiến tranh nhân dân còn giúp được mình dập tắt thì nói chi tới ngọn lửa cháy rừng. Nhưng muốn có được lòng dân thì phải lo cho dân trước đã. Là người ngoài cuộc, tôi vẫn chưa hiểu được vì sao dân Giồng Găng cúng chợ hàng năm, nhưng anh Bảy Hiệp thì nói chắc: Vì cái chợ này là kỷ niệm lớn của mối tình quân - dân thắm thiết, là trường hợp độc đáo so với tất cả chợ nông thôn ở Đồng Tháp hiện giờ.
Chợ Giồng Gãng được xây dựng vào năm 1989, sau khi nông trường hoàn thành cơ bản việc đón dân. Nông trường đã tự đi vay vốn, qui hoạch và thi công chợ trước, nhưng lại bán nền rất rẻ cho dân bởi biết rõ bà con ai nấy đều nghèo, mà muốn cho dân Đồng Tháp Mười giàu lên thì dứt khoát phải phá thế độc canh cây lúa, mở rộng giao thương, phát triển ngành nghề. Chị Mười Đức, quê ở thị trấn Hồng Ngự, là một trong hơn 300 tiểu thương mua bán ở chợ này, hồi đó tốn có một chỉ vàng đã được chỗ làm ăn. Còn lại 200 ngàn đồng tiền mặt, chị chọn nghề bán rau để kiếm sống qua ngày. Không ngờ nông trường kiến nghị lên tới tỉnh, xin cho bà con được miễn thuế ba năm. Chị Mười Đức tiến lên bán gạo. Biết bà con thiếu vốn lưu động, nông trường đứng ra bảo lãnh để tiểu thương vay vốn ngân hàng. Chị Mười Đức tiến lên bán vải, mỗi tháng kiếm lời bạc triệu nhờ lấy hàng tận gốc ở Sài Gòn. Chỉ sau 6 năm, chị đã cất được nhà kiên cố và sắm luôn 2 hécta đất cho chồng canh tác. Coi như lịch sử gia đình đã được lật sang trang. Quả mảnh đất này đã đãi người rất hậu!
Rồi mai này chợ Giồng Găng sẽ lớn rộng thêm, rồi hình bóng ông Thần gáo lồng đèn sẽ lui vào dĩ vãng, nhưng cái miếng thịt chia đều thắm nghĩa quân - dân ở lễ cúng chợ này không ai có thể quên. Bởi chính nó là thứ phép mầu biến Giồng Găng từ “không” thành “có”, từ đồng đất hoang vu trở thành nơi ấm áp tình người. Lễ cúng chợ chưa tan thì đám cưới nông trường lại tới. Chú rể là bộ đội mới ra quân, cô dâu là con của dân nghèo tứ xứ. Kể từ hồi anh Bảy Hiệp được nông trường đứng ra tổ chức đám cưới tập thể đầu tiên, cái căng-tin khang trang ở gần chợ đã đón tiếp biết bao đôi lứa. Lại thêm một dòng họ nữa sắp ra đời và lớp con cháu sau này sẽ nghe kể thật nhiều về ký ức Giồng Găng…
(Báo Lao Động ngày 24.12.1996)