Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.213
123.206.770
 
Thơ & thơ tiếng dân tộc thiểu số đi về đâu ?
Inrasara

Không có thơ không chết ai cả, dòng đời cứ trôi, nhân loại cứ sống. Có khi sống tốt lành nữa! Nhưng con người thì cần thơ. Kẻ tưởng không hề cần đến thơ, bất chợt trong giây phút chểnh mảng của khúc đời, trên môi bật lên vài câu thơ khuất lấp đâu đó nơi vũng mơ hồ của kí ức; hay thèm thể hiện cái gì đó như thơ, qua phát ngôn có vần điệu. Họ không ngờ mình đang cần sự giúp đỡ của thơ. Nơi đám đông hay trong cô đơn, góc tối xà lim hay giữa ánh sáng quảng trường, phố xá tấp nập hay ruộng nương yên ắng… thơ cứ có mặt. Như một nhu cầu.

 

Như cái plây dân tộc thiểu số đói rách kia, tưởng không thể có đất cho thơ sống sót, thế mà họ vẫn đốt lửa, văn nghệ. Mỗi năm, mỗi mùa vụ, mỗi lễ hội … Có nhảy múa, ca hát và có cả … thơ. Cứ thế người ta làm thơ, như một thói quen. Năm này sang năm khác, vụ này qua vụ khác, lễ hội này nối lễ hội khác. Vẫn bổn cũ lặp lại. Rồi bất ngờ làng có kẻ đi xa đâu 10-20 năm trở về, nhận thấy lạ, chợt la lên: sao cứ giống vụ trước. Chán quá đi thôi! Họ giật mình nhìn lại: ờ, giống thật. Phải làm khác đi chứ!

Thế là vài kẻ máu phiêu lưu trong cộng đồng kia xăn tay áo vào cuộc. Từ đó thơ làm lang thang, một lang thang không biết đâu là cùng tận. Nhu cầu tự làm mới lạ của thơ có mặt, như một thách thức.

 

Máu phiêu lưu đẩy thi sĩ đi tìm vùng đất mới, lạ cho thơ. Mải mê đi tìm và khai phá, quay lại nhìn: không ai sau lưng cả. Ngôn ngữ quần chúng mất hút! Tiếng nói của thi sĩ không được cộng đồng đón nhận, rơi vào khoảng trống, thi sĩ chỉ còn biết nói với nhau. Trong một không gian chật chội, bằng thứ ngôn ngữ đặc dị. Chính là chỗ mà phần đông nhà thơ xu hướng cách tân hôm nay đang đứng, có lẽ.

 

Thơ sẽ đi về đâu?

Thơ không đi đến đâu cả, nhưng nó cứ đi, đi về nơi nó tưởng nó sẽ đến. Nhưng dẫu có đi tới đâu, nó cũng phải trở về, trở về nơi nó xuất phát: con người, trong ngôi nhà của nó: ngôn ngữ. Lang thang đi tìm hình dạng ngôi nhà thích hợp cho con người cư trú là bổn phận của thơ. Mọi nơi, mọi thời, Đông hay Tây, kim hay cổ. Khác điều, tốc độ cuộc sống hôm nay đi nhanh hơn, nên hình dạng thơ thay đổi nhanh hơn. Cứ mỗi 5-7 năm làm ta giật mình cái. Nhưng mặc ta nhăn mày hay hãi sợ, thơ cứ phải thay đổi, nếu nó không muốn… bệnh! Cùng thế giới, xã hội Việt Nam đang đổi thay. Cùng với thơ thế giới, thơ Việt cũng đang chuyển động. Nó dõng mãnh (hay ẻo lả) đi về hướng nó cần đến: sự dịch chuyển không ngưng, không nghỉ.

 

*

Việt Nam là đất nước đa văn hóa, văn chương Việt Nam là nền văn chương đa ngôn ngữ. Nhưng hôm nay văn chương tiếng Thái, Tày, Mông, Êđê, Chăm…đang rất lép so với người anh em Việt. Bởi dẫu sao, thơ tiếng Việt còn được sáng tác bởi lực lượng hùng hậu (trong đó có cả anh em dân tộc thiểu số), hùng hậu đến nỗi đã không ít vị kêu làng nó lạm phát! Còn Chăm, Êđê… thì hầu như vắng hoe! Không người đọc, nhà thơ dân tộc thiểu số mất đi đáng kể chất kích thích sáng tạo. Như kẻ đứng trước cử tọa đây đang đọc phát biểu bằng tiếng Việt hai lần nhận giải thưởng thơ của Hội Nhà văn cũng bằng các sáng tác tiếng Việt, từ 10 năm nay, đã không còn hứng thú trong làm thơ bằng tiếng mẹ đẻ nữa. Vậy mà kẻ đó lâu nay từng được cho là “người lưu giữ văn hóa dân tộc”!

 

*

UNESCO cho biết, mỗi tháng nhân loại mất đi hai ngôn ngữ. 400 năm qua, hơn 1000 ngôn ngữ loài người bốc khói. Với một cụm di tích, một nền văn chương cổ …, chúng ta có thể phục chế, sưu tầm, dịch thuật để người đời sau thưởng lãm, nghiên cứu. Nhưng hỏi nếu ngôn ngữ sống của một dân tộc mất đi, chúng ta hành xử như thế nào? Bất khả. Ngôn ngữ dân tộc tồn tại và phát triển chủ yếu qua sáng tác văn chương, nhưng hôm nay có mấy ai/còn ai làm thơ, viết văn bằng tiếng Chăm? tiếng Tày, Thái, Dao,…?

 

Thử nêu sơ bộ 10 khuôn mặt văn nghệ dân tộc thiểu số hôm nay, xem họ đã và đang làm gì cho thơ tiếng dân tộc và ngôn ngữ dân tộc? Tiêu chí chọn:

– Những người sáng tác thơ và, thành danh bằng thơ.

– Nhiều dân tộc khác nhau càng tốt, riêng Tày được chọn ba do lực lượng người viết đông hơn cả. Ba người thuộc ba thế hệ khác nhau(1).

 

1. Nông Quốc Chấn (sinh1923, dân tộc Tày)

– Thơ tiếng Việt (4 tập): Tiếng ca người Việt Bắc, Dòng Thác, Bài thơ Pác Bó, Suối và biển.

– Thơ tiếng Tày (6 tập): Việt Bắc đánh giặc, Dọn về làng, Đi Berlin về, Tiếng lượn cần Việt Bắc, Cần Phja Bjoóc, Dám kha Pác Bó.

– Tác phẩm tiếng Việt dich ra tiếng Tày (1 tập): Mười điều kháng chiến.

– Tiểu luận-phê bình: 3 tập.

2. Y Phương (sinh 1948, dân tộc Tày)

– 4 tập thơ và một trường ca đều bằng tiếng Việt: Tiếng hát tháng giêng, Lửa hồng một góc, Lời chúc, Đàn then, Chín tháng.

3. Dương Thuấn (sinh 1958, dân tộc Tày)

– Thơ tiếng Việt (8 tập): Cưỡi ngựa đi săn, Đi tìm bóng núi, Đi ngược mặt trời, Bà lão và chích chòe, Mười bảy khúc đảo ca (trường ca), Hát với sông Năng, Trăng Mã Pí Lèng, Đêm bên sông yên lặng.

– Thơ song ngữ (1 tập): Con côi làm dâu.

– Thơ tiếng Tày (1 tập): Slíp nhỉ tua khoăn.

– Truyện ngắn (1 tập): Bài học mùa hè.

4. Pờ Sảo Mìn (sinh 1946, dân tộc Padí)

– 4 tập toàn thơ sáng tác bằng tiếng Việt: Cây hai ngàn lá, Bài ca hoang dã, Con trai người Padí, Cung đàn biên giới.

5. Lò Ngân Sủn (sinh 1945, dân tộc Dáy)

– Thơ tiếng Việt (9 tập): Chiều biên giới, Những người con của núi, Đám cưới, Đường dốc, Dòng sông Mây, Chợ tình, Lều nương, Tôi là một ngọn gió, Người trên đá.

– Thơ song ngữ (1 tập): Đầu nguồn cuối nước.

– Tập truyện tiếng việt (2 tập): Chiếc vòng bạc, Hưu tập thể.

– Sưu tầm, dịch (2 tập): Tục ngữ Dáy, Bước đầu tìm hiểu về dân ca người Dáy.

– Tiểu luận (3 tập).

6. Lò Cao Nhum (sinh 1954, dân tộc Thái)

– Thơ tiếng Việt (5 tập): Giọt sao trở về, Rượu núi, Sàn trăng, Theo lời hát về nguồn, Mùa hoa chuông.

– Dịch dân ca Thái (1 tập): Lời hát trong lễ hội Chá chiêng.

7. Hơ Vê (sinh 1947, dân tộc H’rê)

– Thơ tiếng Việt (5 tập): Đóa hoa rừng, Tất cả cho anh, Plây em mùa xuân, Khát vọng, Con chim Ta lố.

8. Triệu Kim Văn (sinh 1945, dân tộc Dao)

– Thơ tiếng Việt (5 tập): Hoa núi, Mùa sa nhân, Lá tìm nhau, Con của núi, Lửa của mồ côi.

– Bút kí tiếng Việt (1 tập): Tân sơn cựu Sơn.

– Nghiên cứu (1 tập - in chung): Bước đầu tìm hiểu vốn văn nghệ Việt Bắc.

9. Chu Thùy Liên (sinh 1966, dân tộc Hà Nhì)

– Thơ tiếng Việt (1tập): Lửa sàn hoa.

– Trường ca Hà Nhì: Xa nhà ca, 1 tập Truyện cổ Hà Nhì.

10. Inrasara (sinh 1957, dân tộc Chăm)

– Thơ tiếng Việt (3 tập): Tháp nắng, Hành hương em, Lễ tẩy trần tháng Tư.

– Thơ song ngữ: Sinh nhật cây xương rồng.

– Tiểu luận: Văn hóa-xã hội Chăm, nghiên cứu & đối thoại.

– Nghiên cứu - sưu tầm - dịch thuật: Văn học Chăm (3 tập).

– Nghiên cứu ngôn ngữ: Tự học tiếng Chăm, Từ điển Chăm-Việt dùng trong nhà trường.

 

Phân tích:

– Có 3 nhà thơ chỉ thuần sáng tác bằng tiếng Việt: Y Phương, Hơ Vê, Pờ Sảo Mìn.

– Hai người có tham gia nghiên cứu-dịch thuật vốn cổ văn học dân tộc, dù thành tích còn khá khiêm tốn: Triệu Kim Văn, Lò Cao Nhum.

– Dương Thuấn, dẫu thuộc thế hệ trẻ nhưng đã in một thi phẩm sáng tác bằng ngữ Tày, một bằng song ngữ Việt - Tày, là điều rất đáng khích lệ.

– Có 3 nhà thơ vừa sáng tác bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc bên cạnh nghiên cứu văn học và ngôn ngữ dân tộc, dù mỗi người đặt nặng từng khía cạnh mỗi khác: Nông Quốc Chân, Lò Ngân Sủn, Inrasara. Trong đó, đặc biệt nhà thơ quá cố Nông Quốc Chấn là người đã dịch ngược thơ Việt sang tiếng dân tộc.

– Ngoài ra, tôi muốn nêu thêm một tên tuổi quen thuộc: nhà thơ Triệu Lam Châu (sinh 1952, dân tộc Tày), anh còn dịch truyện Nga sang ngữ Tày nữa!

 

Qua phân tích, ta thấy đa phần nhà thơ người dân tộc thiểu số chú ý đến sáng tác bằng tiếng dân tộc, vẫn còn quan tâm đến đào sâu vào văn chương-ngôn ngữ dân tộc để làm giàu sang tiếng dân tộc đồng thời khai thác khía cạnh độc đáo trong ngôn ngữ dân tộc, từ đó vận dụng vào sáng tác thơ bằng tiếng phổ thông. Đây là điều rất cần thiết, có tác động qua lại mang tính biện chứng trong phát triển thơ song ngữ. Chính nhờ vận dụng lối nói, lối nghĩ dân tộc vào thơ mà các nhà thơ dân tộc thiểu số đã tạo được vài giọng riêng đóng góp vào nền thơ Việt thời gian qua. 

Thế nhưng, như vậy vẫn còn là quá yếu so với yêu cầu thực tiễn từ phía ngôn ngữ dân tộc và người đọc là bà con dân tộc thiểu số. Nông Quốc Chấn: 6 tập, Dương Thuấn: 2 tập, Inrasara chỉ mới nửa tập! Đấy là chúng ta chỉ làm cái kê biên đếm đầu sách mà chưa bàn đến chất lượng. Việc nghiên cứu mang tính chiều sâu về ngôn ngữ-văn chương dân tộc càng yếu hơn nữa.

 

Bản thân nhà thơ đã vậy. Các cơ quan báo chí giữ vai trò và hỗ trợ gì trong phát triển thơ dân tộc thiểu số? Tạp chí Văn hóa các dân tộc ra định kì hàng tháng đăng đủ loại từ sáng tác thơ văn, nhạc họa cho đến sưu tầm-nghiên cứu thuộc mọi dân tộc, vùng miền. Cần thiết, nhưng không đủ. Phụ san của tờ Văn nghệ Văn nghệ dân tộc, mỗi kì đăng vài bài thơ song ngữ, dù rất cố gắng nhưng cũng chưa thấm vào đâu. Chúng ta chưa thử xem các bài thơ ấy có tác động gì đến suy nghĩ của đồng bào về tiếng và văn chương dân tộc? Hay chúng chỉ mãi dậm chân ở phong trào?

Một tạp chí hay đặc san dành riêng cho các dân tộc có phong trào sáng tác mạnh, chúng ta vẫn chưa đặt vấn đề đó. Hay đồng bào chưa thực sự có nhu cầu? Không nói đến dân tộc Hoa hay Khmer, họ có cả bề dày truyền thống văn chương ở phía sau với một lượng rất đông người đọc phía trước; và thực tế họ cũng đã có các tập san,.. bằng ngữ dân tộc của/cho họ. Ngay tộc Tày, với số dân khá đông bên cạnh hơn chục nhà thơ (tôi chỉ kể những người viết là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam), cũng không có đặc san cho riêng mình. Tại sao? Hay Tày không thích đọc thơ bằng tiếng mẹ đẻ?

Đây là xu hướng chung của phát triển: con người luôn hướng về phía mạnh, phía đông. Chúng ta biết, không ít nhà văn Đông Âu, khi lưu vong sang phương Tây, đã viết thẳng bằng tiếng Anh hay Pháp. Nửa thế kỉ nay, tác giả Việt sáng tác bằng tiếng Pháp không phải là chuyện hiếm. Rồi hơn hai thập niên qua, ít nhất cũng có năm nhà thơ Việt kiều thành danh trên đất Mĩ bằng chính ngôn ngữ bản địa: Đinh Linh, Mộng Lan, Nguyễn Hoa,(2)….Ở Việt Nam, không chỉ các nhà thơ dân tộc thiểu số xu hướng sáng tác thuần tiếng Việt, mà ngay cả người đọc dân tộc thiểu số cũng không hào hứng lắm trong đọc văn bản bằng tiếng mẹ đẻ nữa. Không có tác phẩm hay để đọc hay chưa đủ lưng vốn tiếng dân tộc để đọc? Theo tôi: cả hai, có lẽ.

 

Tày thì như vậy, thế Chăm có nhu cầu thì thế nào?

Tagalau mỗi năm ra được một số, nhưng đó chỉ là Tuyển tập sáng tác-sưu tầm-nghiên cứu, chứ chưa là tạp chí hay đặc san(3). Mà nó là thành quả từ nỗ lực của một vài anh em trí thức Chăm bên cạnh hỗ trợ của bà con dân tộc. Mỗi kì Tagalau đi được 5-7 bài thơ bằng tiếng Chăm của các tác giả khác nhau, bên cạnh đăng nguyên tác thi phẩm cổ điển kèm theo bản dịch tiếng Việt; số mới nhất còn trích in cả một chương cuốn tiểu thuyết hiện đại bằng tiếng mẹ đẻ nữa! Nhưng, như thế đã đủ chưa?

Trường hợp Chăm cũng đủ cho ta một cái nhìn khái quát: qua 6 số Tagalau, chỉ mới thấy xuất hiện 10 tay viết bằng tiếng mẹ đẻ; trong đó hết 6 người đã ở ngưỡng cổ lai hy, 3 trong độ tuổi từ 50 trở lên, chỉ có một Jaya Hamu Tanran có năm sinh là 1958! Chăm có cả một Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm trực thuộc Sở Văn hóa Thông tin – Ninh Thuận với 5 cán bộ chuyên môn, khá mạnh về lãnh vực sưu tầm – nghiên cứu; có cả Ban biên soạn sách chữ Chăm thuộc Sở Giáo dục Ninh Thuận với 7 biên chế hoạt động hiệu quả; Trung tâm nghiên cứu Việt Nam-Đông Nam Á của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh cũng đã kịp thời biên soạn và xuất bản bộ Từ điển Chăm – Việt, Từ điển Việt – Chăm(4) dày dặn và bổ ích. Nhưng đó là thứ ngôn ngữ dừng lại ở cửa “hàn lâm” và trường học chứ chưa thực sự đi vào quần chúng. Ngôn ngữ đó sẽ sống và phát triển ra sao, nếu chưa có tiếp tay của những người làm sáng tác văn học? Và, nếu các sáng tác phẩm ấy không được tạo điều kiện phổ biến?(5)

Vẫn chưa có lối thoát cho vấn nạn này.

 

Còn việc dạy và học tiếng dân tộc, nó có giúp ích được gì cho sáng tác và tiếp nhận thơ tiếng dân tộc? Ngoài Hoa, theo tôi được biết, có 4 dân tộc được Bộ Giáo dục dành cho chương trình dạy tiếng-chữ trong trường tiểu học là: Khmer, Mông, Bana, và Chăm; trong đó Chăm được Trung tâm giáo dục dân tộc thuộc Bộ Giáo dục đánh giá tốt hơn cả trong việc biên soạn sách bằng ngữ dân tộc, dạy và học tiếng-chữ dân tộc. Số liệu mới nhất của Ban biên soạn sách chữ Chăm về công tác này:

Sau ba lần chỉnh lí, đến hôm nay (niên khóa 2001-02), trên 25.000 cuốn được in phục vụ cho các trường ở địa phương. Cụ thể đã có 10.102 học sinh ở 345 lớp của 22 trường tiểu học được cấp miễn phí tài liệu(6). Ngoài ra, từ lớp bốn trở lên các em học sinh trong cộng đồng người Chăm còn nắm bắt thêm tri thức cơ bản của nền văn học dân tộc bằng vài trích đoạn thơ-văn, thông qua chữ viết.

Đó là thành tựu không thể chối cãi, tác động tích cực trong duy trì và phát triển tiếng-chữ dân tộc Chăm thời gian qua. Nhưng, sau cấp tiểu học, các em không được học tiếp, sách đọc thêm cho các em cũng không. Không có tạp chí cho các em đọc, không cả việc tạo điều kiện cho tài năng văn chương cơ hội thi thố nữa. Lực lượng độc giả và tác giả tương lai Chăm sẽ ra sao trong tình trạng ấy? Và ngôn ngữ dân tộc? Nó có nối thêm tên vào bảng danh mục ngôn ngữ nhân loại bốc khói của UNESCO, thời gian tới?

 

*

Tình hình tiếng và thơ dân tộc thiểu số như thế, thi sĩ đứng ở đâu?

Thi sĩ cư trú đồng thời canh giữ ngôn ngữ dân tộc như ngôi nhà của tính thể con người. Hôm nay ngôi nhà ngôn ngữ Chăm [Tày, Mông,…] đang dột nát, dột nát đến vô phương cứu vãn. Tôi, với tư cách là kẻ sáng tác, vừa hối hả lượm nhặt thứ gì còn lượm được ở ngôi nhà cũ, đồng lúc lo chạy qua ngôi nhà mới trú thân, trong cơn bão của nỗi cô đơn vừa siêu hình vừa xã hội. Đó là nói hình tượng thế.

­

Vì dẫu sao tôi cũng cám ơn tiếng Việt nơi tôi đang tạm trú, và cám ơn Hội Nhà văn Việt Nam lần nữa công nhận các đóng góp chưa có gì là to tát của tôi cho ngôi nhà tiếng phổ thông của gia đình các dân tộc Việt Nam. Để từ ánh sáng của một diễn đàn, được nói đôi lời có lẽ là vô ích này.

________________________

 

Chú thích:

(1) Tư liệu về các nhà thơ được rút ra từ các tác phẩm sau:

– Lâm Tiến, Văn học các Dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại, Nxb. VHDT, H., 1995.

– Lâm Tiến, Văn họcvà Miền núi, Nxb. VHDT, H., 2002.

Núi mọc trong mặt gương, Nxb. VHDT, H., 1998.

Tuyển tập văn học Dân tộc & Miền núi I, II, III, Nxb. GD, H., 1999.

– Hoàng Quảng Uyên, Một mình trong cõi thơ, Nxb. VHDT, H., 2000.

– Lò Ngân Sủn, Thơ của các nhà thơ Dân tộc thiểu số, Nxb. VHDT, H., 2001.

– Lò Ngân Sủn, Vấn đề đặt ra với các nhà thơ Dân tộc thiểu số, Nxb. VHDT, H., 2002.

Nhà văn Dân tộc thiểu số Việt Nam, Đời và văn, Nxb. VHDT, H., 2003.

(2) Xem: eVan.vnexpress.net, 2004. Hay: The best American Poetry 2003, Scribner Poetry, USA, 2003; David Lehman, Great American Prose Poems, Scribner Poetry, USA, 2003.

(3) Tagalau 1-4, xuất bản từ năm 2000-2004.

(4) Bùi Khánh Thế (chủ biên, với sự cộng tác của các tác giả Chăm: Inrasara, Thành Phần, Phú Văn Hẳn, Lương Đắc Thắng, Quang Cẩn), Từ điển Chăm - Việt, Nxb. KHXH, H., 1995; Từ điển Việt Chăm, Nxb. KHXH, H., 1996.

(5) Xem thêm: Inrasara, Sáng tác văn chương chăm hôm nay, Tagalau1, Hội VHNT các DTTS Việt Nam, Katê-2000.

(6) Số liệu được Ban biên soạn sách chữ Chăm - Ninh Thuận cung cấp.

 

Inrasara
Số lần đọc: 5703
Ngày đăng: 21.02.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cánh đồng bất tận cuộc đời bất tận - Hà văn Thùy
Thơ đồng bằng sông cửu long - Hà văn Thùy
Con nhền nhện bị vướng trong tấm lưới của mình - Hà văn Thùy
Trần Hữu Dũng: Gã Nam Bộ làm thơ - Từ Nguyên Thạch
Giang hồ muôn nẻo đều linh : Đọc thơ Linh Phương. - Phạm Lưu Vũ
Trang Văn hóa Văn nghệ của các báo Chính trị Xã hội : CẦN DÀNH VỊ TRÍ TRANG TRỌNG CHO VĂN HỌC - Triệu Xuân
“Chân dung ảo ” khi thơ nhìn nghiêng - Hoàng Công Tâm
Nhân đọc seri tiểu thuyết của Nguyễn Huy Thiêp :Thưa chuyện đàn anh (1) - Lê Anh Thu
Thưa chuyện đàn anh (2) - Lê Anh Thu
TẾ HANH: Từ QUÊ HƯƠNG đến... Nhớ Con Sông Quê Hương... - Lê Xuân Quang
Cùng một tác giả
Hành trình Katê (dân tộc học)
Muộn (thơ)
Tạ ơn (thơ)
La cà tết kinh (tạp văn)