Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.202
123.205.273
 
Tìm về tư tưởng HỒ CHÍ MINH
Hà văn Thùy

Việc lãnh tụ nước này mượn ý tưởng , lời nói của hiền triết nước khác để dạy dân mình là chuyện bình thường. Nhưng khi coi những điều được nhắc lại đó là tư tưởng của vĩ nhân nước mình thì chuyện đã khác ! Chính vì thế, những trí thức tự trọng không khỏi phân vân: Việc gọi những điều Hồ Chí Minh nhắc lại từ Thi, Thư, Khổng, Mạnh...là tư tưởng Hồ Chí Minh liệu có thỏa đáng ? Một bài báo với cái tên to tát " Triết học phương Ðông và tư tưởng Hồ Chí Minh" có một dòng như thế này " Các sách của Khổng tử và Mạnh tử có những luận điểm tương đồng (HVT nhấn mạnh) với tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân cách của người làm quan và người cán bộ cách mạng và về lấy dân làm gốc v.v..." (VNCA số 14.2005) Lạ nhỉ, sao lại là sự tương đồng giữa hai người cách nhau 2500 năm ? Trong luật bản quyền mà chúng ta bắt đầu học thì tác quyền phải là của người làm ra trước ! Ở đây, cách nhau 25 thế kỷ mà những tư tưởng của cổ nhân thì đã lưu truyền cùng khắp nhân gian ! Chữ tương đồng không danh chính ngôn thuận ! Có một hiện tượng khá phổ biến là, vô ý hay cố tình, một số người  thích chuyển những câu nói trong kinh sách thánh hiền Trung Quốc sang cho Hồ Chí Minh, rồi gọi là tư tưởng Hồ Chí Minh ! Việc làm này không thuyết phục được nhiều trí thức người Việt cũng như học giả thế giới, thậm chí làm cho không ít người nghĩ sai về Hồ Chí Minh.

  

Sinh thời Hồ Chí Minh chưa bao giờ nói đến tư tưởng của mình. Người từng nói đại ý: nhiều bậc tiền bối đã lập thuyết rồi nên Người không viết lý luận nữa. Có thể, khi khiêm nhường nói như vậy là Hồ Chí Minh đã học từ Khổng tử ngô thuật nhi bất tác. Nhưng sự thuật của Khổng tử và Hồ Chí Minh không giống nhau. Khổng tử là người đầu tiên thuật lại những tư tưởng của cổ nhân khi nó mới chỉ là tượng tản mát mông lung trong Tam phần, Ngũ điển thời tiền sử. Nhờ công việc san định như vậy mà tư tưởng của cổ nhân mới thành hình, mới thành những Kinh, những Thư mà còn đến ngày nay. Nếu không được Khổng tử nhắc lại ( thuật ) thì rất có thể tư tưởng của cổ nhân đã biến mất như sách Ðiển, Phần. Vì vậy, tuy Khổng chỉ khiêm tốn nói mình kể lại chứ không sáng tạo thì hậu thế cũng công bằng chính trực gọi đó là tư tưởng của Ngài. Công san định ở đây sánh ngang công sáng tạo.

 

Chính vì hiểu lẽ đó nên Hồ Chí Minh không lập thuyết. Việc nhắc lại những điều trong sách của Khổng Mạnh ấy, Người chưa bao giờ gọi là tư tưởng của mình ! Chắc rằng, trong thâm tâm, Người không muốn và không cần thứ vinh quang vay mượn đó !

    

Hồ Chí Minh không cần chúng ta xưng tụng. Nhiệm vụ của chúng ta là suy ngẫm, giải mã việc Người dùng những tư tưởng Khổng Mạnh đem giáo dục nhân dân đó có ý nghĩa gì?

   

Ðể giải mã điều này, phải tìm về thực chất của Nho giáo.

 

Ðáng tiếc là đến nay, nhiều bậc khoa bảng người Việt trong khi tìm nguyên nhân sự lạc hậu của đất nước vẫn đổ mọi tội lỗi cho Nho giáo, Khổng giáo! Việc làm đó không những không thuyết phục mà nguy hại hơn, không giúp tìm ra con đường canh tân đất nước!

   

Một câu hỏi đặt ra: văn hóa Nho giáo hư hỏng đến vậy thì phải chăng là nên thay văn hóa?Nếu thay thì thay bằng gì đây? Không ai trả lời được!...

   

Ðể giải quyết căn cơ việc này thiết tưởng phải có cái nhìn căn cơ khác. Ðó là đánh giá thực chất cái mà lâu nay ta quen gọi là Nho giáo.

   

Trước hết, cách gọi như trên là không thỏa đáng,  không khoa học. Không hề có cái gọi là Nho giáo chung chung bởi lẽ Nho giáo như ta thấy hiện nay không thuần nhất mà là hậu quả của sự trộn lẫn giữa Việt nho, Hán nho và Tống nho. Thuật ngữ Việt nho được học giả Kim Ðịnh đề xuất 30 năm trước trong bộ Triết lý An vi của ông. Ðáng tiếc là ít người nhận ra ý nghĩa phát hiện này.

  

Nay, nhờ những thành tựu mới nhất của khoa Di truyền học, chúng ta tìm ra tổ tiên  người Việt* và từ đó tìm được lịch sử xa xưa cùng văn hóa tận nguồn mà tổ tiên ta để lại trên đất Trung Hoa cũng như ở nước ta thời Hùng vương chính là VIỆT NHO. Việt nho là văn hóa mở đầu cho đất nước Trung Hoa rồi theo dòng lịch sử nó chuyển hóa thành Hán nho, Tống nho. Nho giáo khi đến Việt Nam là thứ văn hóa hỗn tạp gồm cả 3 yếu tố trên: cái tốt lẫn cái xấu, cái tích cực lộn trong cái tiêu cực. Trải nhiều thế hệ, trí thức Việt đã học lấy rồi lầm lẫn gọi chung là Nho giáo.

   

Nay muốn phục hưng dân tộc, trước hết phải phục hưng văn hóa, mà công việc đầu tiên là tìm lại văn hóa cội nguồn của dân tộc. Ðấy là việc tách Việt nho ra khỏi cái mớ hỗn tạp Hán nho và Tống nho để trả lại cho dân tộc ta văn hóa gốc của mình.

   

Khi kiến nghị điều này, tôi đã nghĩ tới việc phải trả lời hai câu hỏi sau:

 

 1- Văn hóa gốc của người Việt là gì?

 2- Nó giúp gì cho phục hưng dân tộc?

 

Ðây là một chương trình quá lớn đòi hỏi sự đóng góp trí tuệ của nhiều bậc thức giả. Với kiến văn hạn hẹp của mình, tôi chỉ xin nêu một vài gợi ý từ những điều học được trong sách vở cổ kim cũng như chiêm nghiệm của bản thân:

      

Trong cốt lõi, văn hóa Lạc Việt là sự tổng hòa của ba yếu tố nhân chủ, thái hòa và tâm linh. Trong quan hệ Thiên - Ðịa - Nhân thì con người là trung tâm, là chủ. Kinh Thư nói: Thiên thông minh tự ngã dân thông minh, Thiên minh úy tự ngã dân minh úy (Trời thông minh là do dân ta thông minh. Trời ban phúc, gieo họa theo sự yêu ghét của dân ta. Kinh Thư, Cao Dao mô, câu 7). Vị trí con người đứng trước cả trời. Với đất, con người là chủ địa chủ. Các bậc vua vừa là chủ đất vừa là chủ các vị thần. Như vậy là trong mối quan hệ hữu cơ thiên-địa-nhân thì con người phải được tôn trọng phải được đề cao. Ðó chính là tiền đề cho nền dân chủ mà tiêu biểu là câu nói của Mạnh tử: dân vi qúy hay lời nói của Lục sinh vương giả dĩ dân vi thiên! (vua lấy dân làm trời). Nhân chủ dân chủ là nguyên lý là lẽ sống còn của người Việt. Khi có nhân chủ, dân chủ thì trị. Khi mất nhân chủ dân chủ thì suy loạn.

  

Thái hòa  là đặc trưng quan trọng thứ hai trong văn hóa Việt. Ðó là mối quan hệ giữa các nguyên lý khác nhau của cuộc sống. Trong quan niệm của người Việt, không có yếu tố nào độc tôn lấn át hay phủ định các yếu tố khác. Dương là tích cực nhưng cuộc sống không chỉ có dương mà là sự hài hòa: trong dương có âm, trong âm có dương. Ngũ hành có tương sinh lại có tương khắc, không yếu tố nào thống trị tuyệt đối không yếu tố nào không cần cho vũ trụ, nhân sinh. Chỉ có tổng hòa các nhân tố đó làm nên trị. Trái lại là loạn. Con người sống trong mối thái hòa với nhau và với vũ trụ, thiên nhiên. Thiên nhiên nuôi sống con người nên con người phải bảo vệ thiên nhiên để cùng tồn tại. Trong đạo làm người thì trung dung là cách ứng xử được coi trọng, quán xuyến trong mọi quan hệ. Ta thấy, như phát hiện của nhà xã hội học danh tiếng Levi Strauss : yếu tố nhân chủ cũng như thái hòa của người Việt cổ được lưu giữ trong các cộng đồng người bản địa châu Mỹ. ( Levi Strauss -Tristes tropicques tr 196. Dẫn theo Kim Ðịnh - Cơ cấu Việt Nho SG 1972 tr. 22),

 

Tâm linh là nhân tố quan trọng thứ ba trong văn hóa của người việt. Người Việt xưa tin rằng trong tự nhiên có quỷ có thần còn con người có linh hồn. Con người sống trong sự trông coi giữ gìn của thần cũng như của quỷ. Cả quỷ cả thần đều ủng hộ những người nhân nghĩa chính trực và trừng phạt những kẻ làm điều ác. Dù thần dù quỷ thì cũng không thể làm phương hại đến những người nhân đức chân thành. Ðức chân thành cảm động được quỷ thần. Ðời sống tâm linh khiến con người biết sợ làm điều ác, không chỉ vì cuộc đời hiện tại mà còn cả khi sang thế gới bên kia. Do thiên về tâm linh nên người Việt ưa thi ca, nhạc vũ. Do thiên về tâm linh nên người Việt chú ý tránh làm điều ác để gìn giữ tâm hồn mình.

 

Ba đặc điểm trên liên hệ hữu cơ với nhau tạo nên bản sắc văn hóa của người Việt, đó là tinh thần dân chủ, ưa sự hài hòa, trung dung, mềm dẻo, dễ thích ứng. Chính vì thế mà người Việt chấp nhận cả Nho, Phật và Lão. Sở dĩ Nho, Phật, Lão tam giáo đồng nguyên được chính là nhờ vào khả năngung hợp của văn hóa Việt.

  

Với câu hỏi thứ hai, có lẽ bây giờ đã có đáp án thuyết phục.

  

Từ giữa thế kỷ XIX văn hóa phương Ðông bị đè bẹp trước văn minh phương Tây. Suy ngẫm về sự lạc hậu của mình, trí thức phương Ðông đổ tội cho Nho giáo. Người Trung Hoa đổ tội cho chữ Hán nên muốn La tinh hóa chữ Hán. Trí thức phương Ðông cũng đua nhau học tập những triết thuyết hiện đại phương Tây... Hơn thế kỷ qua đi, phương Ðông học được nhiều ở phương Tây không chỉ khoa học kỹ nghệ mà cả triết học tư tưởng. Nhờ vậy mà phương Ðông tiến bộ. Ðến nay, khi làm quen với tất cả những triết thuyết phương Tây, những bậc thức giả phương Ðông nhận chân ra rằng, các triết thuyết duy lý phương Tây phần nhiều chỉ mang tính cấp thời, ít có triết thuyết bền vững theo thời gian. Triết thuyết duy lý có thể đem đến sức mạnh vật chất nhất định nhưng lại làm nghèo nàn con người về tâm hồn và góp phần tàn phá thế giới. Trước sự phát triển công nghiệp một cách mù quáng, sự tàn phá thiên nhiên đến cạn kiệt, môi sinh ô nhiễm, sự sống trên hành tinh bị đe dọa... mọi triết thuyết hiện đại phương Tây đều bất lực. Xu hướng của nhân loại hiện nay là tìm về phương Ðông mà những quan niệm nhân chủ, thái hòa, tâm linh có thể là phương cách tốt nhất cứu thế giới!

 

Việt Nam chúng ta lạc hậu, chậm phát triển nhưng nếu biết phát huy văn hóa triết học phương Ðông tìm ra con đường độc đáo của mình, nhiều khả năng chúng ta tiến nhanh vượt bậc. Nếu cứ lẽo đẽo theo chân các nước phương Tây có lẽ chẳng bao giờ chúng ta đuổi kịp họ. Nhưng nếu phát huy được nhân chủ, dân chủ, nhận được năng lượng từ văn hóa cội nguồn rất có thể chúng ta đưa đất nước đi lên một cách nhàn nhã mà kết quả lớn!

  

Chính vì thế việc tìm về văn hóa cội nguồn là điều vô cùng cần kíp hiện nay.

  

Người sớm làm được điều này chính là Hồ Chí Minh.

 

Hồ Chí Minh không chỉ bằng cuộc đời thực của mình sống cần kiệm, khiêm cung, thân dân, nhân ái như vua Nghiêu vua Thuấn mà những lời nói của Người đều thấm nhuần văn hóa Việt nho.  Hồ Chí Minh chính là người đưa văn hóa cội nguồn của dân tộc trở về với cuộc sống hiện đại.  

  

Khi phát hiện ra văn hóa cội nguồn của dân tộc, chúng ta nhận ra rằng, sinh thời, tuy chưa có những thông tin như chúng ta hôm nay nhưng bằng linh cảm thiên tài của mình, Hồ Chí Minh đã nhìn thấu 4-5000 năm lịch sử để tìm lại tư tưởng của tổ tiên đem về giáo dưỡng tinh thần dân tộc. Ðấy là việc làm sáng suốt và dũng cảm, bởi giữa cao trào chống phong kiến cực thịnh, ngay bên Trung Quốc Khổng tử cũng bị đả phá, việc nhắc đến những lời thánh nhân trong kinh điển rất dễ bị quy kết về lập trường, quan điểm. Chính nhờ Hồ Chí Minh thường nhắc lại lời của các thánh nhân mà văn hóa Việt, linh hồn tổ tiên Việt được trở về sống tự do, công khai trong cộng đồng. Nếu không có việc làm này, thì cùng với lớp nhà nho mỗi ngày một thưa vắng, nhiều khả năng văn hóa xưa của dân tộc bị cuốn đi trong những bão tố mấy chục năm qua!

  

Tuy nhiên, có sự thật là, mấy chục năm qua cũng như hàng trăm năm trước, nhắc tới kinh điển Nho giáo, chúng ta thường mang nặng mặc cảm của kẻ đọc nhờ học mướn từ văn hóa phương Bắc. Người trí thức có lập trường dân tộc thường bối rối : liệu mình hiểu thế này, nghĩ thế này, làm thế này có Tầu qúa không? Và bâng khuâng giữa hai ngả: đâu là ngoại lai? Ðâu là dân tộc? Do không có được sự minh triết nên lắm khi chính của mình thì lại cho là Tàu rồi chối bỏ còn của Tàu lại nâng niu nhận là của mình để rơi vào bi kịch mồ cha không khóc lại khóc đống mối!

  

Hôm nay, nhờ tìm lại được cội nguồn văn hóa dân tộc, chúng ta có thể và phải tính lại nhiều điều.

   

Về nhận thức, chúng ta thấy vua Nghiêu vua Thuấn là ông vua Việt. Không theo chủ nghĩa chủng tộc nhưng chúng ta biết rằng, trong genome - trong bộ giens các vị có một phần máu Việt còn về linh hồn, tư tưởng các vị thì Việt đến 90%. Tương tự thế, Khổng tử cũng là bậc thánh nhân mang dòng máu cùng tâm hồn tư tưởng Việt. Và vì vậy, Tứ thư, Ngũ kinh cũng là hồn Việt là văn hóa Việt. Ðã là của ta thì ta tự do thấm mình trong đó không sợ ai gọi là vay mượn, và vì là của ta nên ta mặc lòng sử dụng mà không sợ mang tiếng vọng ngoại.

    

Văn hóa cội nguồn của Bách Việt đã được Khổng tử đúc kết trong Kinh, Thư. Vì vậy, trước hết chúng ta phải Loại bỏ khỏi đầu óc quan niệm sai lầm cũ cho Kinh, Thư  là văn hóa Tầu. Khẳng định rằng đó là tài sản văn hóa, tinh thần của tổ tiên mà ta có quyền thừa kế, ít ra là bình đẳng với người Trung Quốc.

 

Tiếp đó chúng ta phải đọc lại, học lại bằng chính con mắt và trí tuệ chúng ta các kinh điển để không bị nhiễu vì những chú sớ của Hán nho, Tống nho, để tinh lọc từ đó những yếu tố tiêu biểu nhất của văn hóa Việt.

 

Phải cho lớp trẻ cùng những tiếng Anh tiếng Pháp và điện toán được học chữ Nho. Chữ Nho không phải là sản phẩm thuần túy của Hán tộc. Khoảng 2500 năm TCN, ngôn ngữ Hán-Tạng (Sino-Tibe’tan) chỉ là tiếng nói của nhóm nhỏ dân sống ở vùng Thiểm Tây, Cam Túc trong khi đó tiếng Việt là ngôn ngữ chủ soái ở Ðông và Ðông Nam Á. Khi chiếm lãnh thổ của Bách Việt, ngôn ngữ Hán-Tạng tiếp thu nhiều yếu tố Việt để trở thành ngôn ngữ của lớp người Hán mới thuộc dòng Mông Cổ phương Nam. Vì vậy trong chữ Hán có nhiều yếu tố Việt. Chỉ biết chữ Nho mới hiểu được ngôn ngữ Việt và văn hóa Việt. Riêng những nhà văn nhà báo phải là người thông thạo chữ nho và cũng phải học thông kinh sử.

 

Thiết nghĩ, cũng tới lúc phải dạy kinh Dịch cho học sinh. Dạy kinh Dịch là dạy cách tư duy, điều rất cần cho con người trong thời buổi kinh tế tri thức. Dịch chỗ cao siêu thì tìm hiểu suy ngẫm về vũ trụ nhưng chỗ gần gũi thì lại rất gắn bó với con người. Tám 0chữ Hà Lạc do nhà văn Xuân Cang quảng bá là một thí dụ. Ðó là môn khoa học dự báo. Từ tám chữ Hà Lạc ông tìm ra quỹ đạo đời người giúp con người thấy một cách chung nhất quỹ đạo mình sẽ đi trong cuộc đời để rồi có cách sống hợp tự nhiên. Khoa học này người nông nổi võ đoán sẽ gọi là mê tín dị đoan nhưng thử hỏi thế nào đây mới không là dị đoan mê tín?

 

Nhưng trùm lên trên tất cả, cần thiết hơn tất cả, theo tinh thần văn hóa Việt là phải xây dựng một xã hội nhân chủ trong đó con người được coi trọng hơn tất cả, dù đó là xã tắc hay quân vương chứ chưa kể đến những chủ thuyết. Mọi chủ thuyết chỉ là phương tiện. Con người mới là cứu cánh. Một xã hội như thế phải là xã hội dân chủ cao. Người ta thường lo rằng, nước ta nghèo nàn lạc hậu, dân trí thấp nên chưa thể sử dụng được quyền dân chủ! Lầm to. Thời thượng cổ người Bách Việt đã từng sống dân chủ vào bậc nhất nhân loại. Chính vì thế chúng ta góp cho nhân loại văn minh lúa nước rồi văn minh đồng rực rỡ. Sử gia người Việt Lê Thành Khôi, một nhà thông thái từ sử liệu thế giới cho hay: cho đến thế kỷ XX, người đàn bà Việt có địa vị cao hơn người đàn bà Pháp trong xã hội!(LTK phê bình Cơ sở Văn hóa Việt Nam.) Thời chống Mỹ có câu: Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong! Dân chủ chính là chìa khóa vạn năng, là cuốn sách thần giải được mọi khó khăn trên đường đi của dân tộc. Nếu dân tộc này mở mày mở mặt lên được cũng chỉ có con đường duy nhất là dân chủ!

 

* Ðây là chuyên đề lớn, trong phạm vi của bài viết, tôi xin nêu mấy dòng ngắn gọn:  Ngày 29/9/1998 nhóm nghiên cứu trong " Chương trình đa dạng di truyền người Hán" gồm các nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc thông báo kết quả nghiên cứu sau: Khoảng 100.000 năm trước, con người tiền sử Homo Sapiens từ Ðông Phi di chuyển tới Trung Ðông. Từ đây một nhánh theo đường bờ biển Nam Á đặt chân tới miền Trung và miền Bắc Việt Nam khoảng 60-70.000 năm trước. Họ đến châu Úc 50.000, Tân Ghi nê 40.000 năm trước. 40.000 năm trước tiến lên khai phá Trung Quốc rồi qua Sibêri, vuợt eo Bêring sang chiếm lĩnh châu Mỹ, sau này thành người da đỏ thổ dân."

(Los Angeles Times  29.9.1998).

 

Kết hợp với tư liệu khảo cổ và lịch sử, được biết, trong thời gian 3-4 vạn năm, người Bách Việt đã có mặt khắp lưu vực Hoàng Hà và Dương Tử xây dựng nền văn hóa nông nghiệp lúa nước phát triển. Khoảng 2500 năm trước Công lịch, người Hán từ phía Tây Bắc vượt Hoàng Hà chiếm đất và xua đuổi một bộ phận Bách Việt xuống phía Nam. Người Hán hòa huyết với số người Việt còn ở lại, tiếp thu văn hóa của người Việt bản địa, dựng nên nhà nước mà người đứng đầu là Hoàng đế rồi Nghiêu, Thuấn. Giai đoạn này mang đậm bản sắc của văn hóa Việt, gọi là Việt nho. Khi nhà Tần rồi nhà Hán nắm quyền, Nho giáo bị biến thành Hán nho rồi Tống nho phục vụ thể chế thống trị của vương triều nên xa dân, thượng tôn vua chúa, pháp luật hà khắc...

Hà văn Thùy
Số lần đọc: 6749
Ngày đăng: 21.02.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bàn về nguồn gốc người Việt - Hà văn Thùy
Bài học khó thuộc - Hà văn Thùy
Một cách tiếp cận những vấn đề cổ sử Việt Nam ( Phần 1 ) - Trương Thái Du
Một cách tiếp cận những vấn đề cổ sử Việt Nam ( Phần 2 .) - Trương Thái Du
Một cách tiếp cận những vấn đề cổ sử Việt Nam ( Phần 3.) - Trương Thái Du
Một cách tiếp cận những vấn đề cổ sử Việt Nam ( Phần 4 tiếp theo và hết.) - Trương Thái Du
Bàn lại Về một cách tiếp cận những vấn đề cổ sử - Hà văn Thùy
Quang Trung trong tâm trí kẻ sĩ Bắc Hà - Đặng Việt Bích
Phế đô của vương quốc Phù Nam - Nguyễn Trọng Tín
Sài Gòn năm xưa - Phần ba - Vương hồng Sển
Cùng một tác giả
Xứ ra ghe (truyện ngắn)
Nước Mắt Bỏng (truyện ngắn)