Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.150
123.226.265
 
Đồng bằng SÔNG CỬU LONG:Có thể sống chung với lũ mà không cần cứu trợ ?
Trần Đổ Liêm

Thêm một cơn "hồng thủy" sắp đi qua đồng bằng sông Cửu Long mà chủ yếu là Đồng Tháp Mười. Người ta tổng kết đó là cơn lũ lớn nhất gần nửa thế kỷ qua -  thiệt hại tạm tính 3.270 tỷ VNĐ, đó là ước tính sơ sơ chứ còn thiệt hại về hạ tầng cơ sở sau khi lũ nước rút đi thì chưa thể kể. Có thể nói 80% đường sá của vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên bị ngập, 10% mấp mé chỉ còn khoảng 10% là chưa ngập, sau vài tháng ngâm trong nước đến khi lũ rút, chắc chắn hệ thống cầu đường này không thể lưu thông được nếu không đổ vào đó vài trăm tỷ. Chỉ riêng 3 huyện đầu nguồn của tỉnh Tiền Giang sau trận lũ này đã có 129 km đường tỉnh, 241 km đường huyện, 2078 km đường nông thôn và 120 cầu lớn, 43 cầu vừa và hơn 9000 cầu nhỏ bị ngập, bị hư, bị đổ, với thiệt hại trên 108 tỷ VNĐ.

 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiệt hại: lũ về sớm, dâng nhanh kết hợp gió lốc… Chẳng có gì phải bàn cãi, nhưng có những điều ai cũng biết đó là: Đồng Tháp Mười là vùng đất trũng, là nơi chứa nước về mùa mưa của sông Cửu Long, mà lượng nước đó thì cứ từ 3 đến 6 năm, nước lại có một lần cực đại, hai năm một lần trung bình và một lần cực tiểu và hai ba chục năm lại có một trận "Đại hồng thủy". Từ đó cho thấy lũ ở đồng bằng sông Cửu Long, ở Đồng Tháp Mười do sông Cửu Long tạo nên là không thể không có và không có cách nào làm nó không có. Chính vì vậy từ xa xưa ông cha ta đã không khai thác vùng đất trù phú này làm nơi sinh kế lâu năm mà chỉ khai thác những vùng đất không bị ảnh hưởng, hoặc ít ảnh hưởng của lũ để định cư và sinh sống. Bởi vì nếu "đem nạng chống trời" thì hoặc là bị ngập nặng hoặc là công toi phí sức, kết quả không đáng là bao. Tuy nhiên một nguyên nhân quan trọng mà ông cha ta không khai phá ồ ạt Đồng Tháp Mười, còn có nguyên nhân thiếu vốn, thiếu phương tiện kỹ thuật và điều hơn cả là nhu cầu chưa bức bách đến mức cần phải phát triển vào những vùng khó khăn trong khi còn nhiều vùng đất dễ khai thác hơn.

 

Từ ngày giải phóng Miền Nam (1975) đến nay, do yêu cầu lương thực và lao động dôi dư cộng với tư duy còn hạn hẹp, chỉ biết tập trung vào sản xuất quảng canh lúa nước để đảm bảo đời sống nông dân, chưa thấy tiềm năng nông nghiệp cho một quốc gia phát triển phải là đất đai được thâm canh có năng suất cao, có thể trồng cây công nghiệp, chăn nuôi được gia súc, gia cầm và cho du lịch… vì vậy mà chúng ta tập trung hầu như mọi tinh thần, vật lực cho việc mở rộng diện tích trồng lúa nước ở mọi hướng của đồng bằng sông Cửu Long như đắp đê ngăn mặn lấn biển ở phía đông và phía nam, khai hoang Đồng Tháp Mười ở phía tây… Công việc khai phá ở Đồng Tháp Mười được làm một cách kiên trì với quy mô lớn mà chủ yếu là Nhà nước đầu tư từ xây dựng cầu cống, đường giao thông, kênh mương thủy lợi, thành lập nông trường tới xây dựng một số cơ sở phúc lợi xã hội từ ngân sách.

Riêng đầu tư cho giao thông ở khu vực Đồng Tháp Mười trong 25 năm qua đã lên đến gần ngàn tỷ đồng, hàng triệu ngày công với 3 đường Quốc lộ tổng chiều dài hơn 300 km, hàng chục đường tỉnh, đường huyện và trên 10.000 km. Giao thông nông thôn được đầu tư gần 100 cây cầu bê-tông lớn, hàng trăm cầu gỗ giầm I, hàng chục ngàn cầu nông thôn… Còn nông dân chủ yếu đầu tư sức lao động và chúng ta đã có được một số kết quả bước đầu. Do việc đầu tư vào vùng Đồng Tháp Mười không ăn chắc, không lâu dài cho nên đến nay, những người có vốn liếng chưa ai bỏ ra đầu tư những số tiền lớn vào vùng này (ngoài một vài trường hợp cá biệt) mặc dù Nhà nước đã đầu tư vào hạ tầng cơ sở rất lớn. Ngược lại, mấy năm gần đây khi biết được tiềm năng của vùng đất đồi có khả năng sinh lợi lâu dài và chắc chắn nên mặc dù Nhà nước chưa đầu tư hạ tầng cơ sở, chưa có chế độ khuyến khích nhưng rất nhiều người đã tìm mọi nguồn vốn để đầu tư cho trang trại, vườn đồi và kết quả là một cuộc khai phá rầm rộ, từ Bắc vào Nam mà Nhà nước đang phải đặt ra các chính sách phù hợp để khuyến khích phát triển và quản lý. Điều đó chứng tỏ rằng người nông dân mặc dù chưa quen với kinh tế thị trường nhưng bao giờ cũng rất khôn ngoan khi họ bỏ tiền vào việc kinh doanh.

 

Trở lại vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên của đồng bằng sông Cửu Long trong mùa lũ này, chúng ta thấy: lũ năm nay về sớm, tần suất lũ cao, tốc độ ngập nhanh. Vậy tại sao? Bởi vì đường lũ vào thì không thay đổi, vùng đất để lũ tạm "dừng chân" bị thu hẹp, đường thoát lũ ra biển có nhiều khoảng thu hẹp bởi rất nhiều bãi bồi từ nhiều năm hình thành, cửa sông ngày càng cạn (cửa Định An có lúc, có chỗ chỉ có 2 mét độ sâu) do tốc độ phù sa bồi nhanh vì rừng đầu nguồn bị phá, nước mưa đem theo nhiều đất cát, nồng độ phù sa trong nước sông cao gần 1,5 lần những năm trước đây, rất nhiều đập mới được xây đắp vùng cửa sông đổ ra Biển Đông và vịnh Thái Lan và tương lai sông Cửu Long sẽ trở thành sông "Bát Long" khi công trình thủy lợi Ba Lai hoàn thành. Mùa lũ vừa qua nếu phá đập ngăn mặn ở An Giang sớm trước 1 tháng thì có thể độ ngập của lũ sẽ ít hơn chăng? Như vậy nguồn nước lũ không giảm, diện tích "dừng chân" của lũ bị thu hẹp, cửa thoát bị hạn chế đi thì diện tích ngập lụt rộng hơn, độ sâu ngập lụt cao và thời gian ngập lụt dài là lẽ đương nhiên. Chính phủ và chính quyền địa phương đã làm khá nhiều việc, chi khá nhiều tiền với những ý đồ "nghiêng sông lấp bể" để xây dựng kinh tế mạnh nhưng xem ra giặc "Thủy Tinh" ngày càng hung dữ hơn và kết quả việc đầu tư của dân, của nước chỉ có tính chất "thời vụ", "bước đầu" hay ngăn? Còn về lâu dài thì có vẻ còn khá xa vời không ai dám khẳng định.

 

Vậy làm thế nào để sống chung với lũ một cách hiệu quả nhất, đời sống nhân dân không chỉ ổn định mà còn giàu có, loại bỏ cái cảnh cứ vài năm lại tập trung nhân tài vật lực chống chọi khắc phục lũ lụt?

 

Để trả lời câu hỏi trên, xin đóng góp một số ý kiến sau:

- Cần nghiên cứu tổng thể lượng nước mùa lũ thoát ra các cửa sông, từ đó có kế hoạch đầu tư nạo vét làm thông thoáng chín cửa sông Cửu Long và các cửa kênh đổ ra vịnh Thái Lan để tăng khả năng thoát nước khi mùa lũ đến, vì cửa sông Cửu Long đã mấy chục năm nay không được nạo vét do đó khối lượng nước tiêu ra biển trong 1 thời gian giảm nhiều so với cùng kỳ cách đây mười năm, khối lượng này ước chừng không dưới hàng chục triệu m3 mỗi năm.

 

- Việc khai hoang Đồng Tháp Mười không nên làm "quảng canh", "đại trà" mà làm dần, làm đến đâu được đến đó với tinh thần sống chung với lũ, không làm giảm diện tích "dừng chân" của nước lũ bằng cách:

+ Lấy đất tại chỗ vượt cao để ở, để làm khu dân cư, vùng đất bị đào sẽ làm hồ chứa; cụ thể từ các vùng ven Đồng Tháp Mười nên đắp những con đường thật cao, cao hơn mức "lũ cực đại" rộng rãi… ở dưới dải đất bị đào thành con kênh thẳng song song với đường tạo thành hệ thống giao thông thủy lợi liên hoàn, lấn sâu vài ba cây số sau đó đào đất đắp lên một cụm khoảng 1km2 đảm bảo độ cao "không lũ nào ngập được".

Nơi bị lấy đất sẽ thành các hồ rộng lớn với hình thù kỳ thú theo tính toán trước để sau này có thể thả cá, trồng sen, súng, làm hồ du lịch. Khu đất cao sẽ quy hoạch đường ngang dọc như khu phố để xây dựng cụm dân cư vài trăm hộ. Người dân làm nhà kiên cố để ở thường xuyên đặc biệt là trẻ em, người già và là nơi nghỉ ngơi ăn học của các cháu, cất trữ lương thực, sản phẩm, công cụ sản xuất… Đồng thời người lớn vẫn đi làm ở các vùng đất khai hoang của mình cách đó vài ba cây số. Họ có thể làm các lều trại đơn sơ tại đồng để ngủ đêm khi mùa thu hoạch cần trông coi… mùa nước lên thì rút tất cả về "căn cứ" chẳng thiệt hại gì về nhà cửa, tính mạng. Hoa màu trồng vào thời vụ né lũ. Cây lâu năm thì trồng loại cây nếu có ngập nước cũng không chết. Làm như vậy rõ ràng chúng ta có đất trồng trọt trong mùa khô, đất ở quanh năm không cần đắp đê kê nền nhà lại không làm giảm diện tích "dừng chân" của lũ (vì đã có hồ chứa), lũ sẽ không dâng cao ở vùng khác.

Số lượng, khoảng cách các cụm dân cư sẽ được tính toán quy hoạch chi tiết cho phù hợp khả năng đầu tư của từng địa phương trong từng thời gian nhất định. Như vậy vừa tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng hạ tầng cơ sở cho người dân như đường sá, trường học, bệnh viện, nơi vui chơi giải trí và là cơ sở cho du lịch sinh thái mùa lũ…

 

Trong lúc bên trong Đồng Tháp Mười được ngăn bao, đào, đắp xẻ kênh rất nhiều thì các dòng thoát chính ra sông Tiền, sông Hậu là các kênh rạch ở ven Đồng Tháp như kênh 12, rạch Ba Rài, kênh Nguyễn Văn Tiếp, Long Định, sông Cổ Cò, sông Cái Thia, Cái Cối… nhiều năm nay bị bồi lắng chưa được nạo vét đúng mức cho nên không những nó không tăng được khả năng thoát nước mà còn giảm khối lượng lũ thoát. Việc mở lối cho lũ ở hạ nguồn cần phải được đầu tư tương xứng để các dòng thoát đảm nhận được vai trò ngăn chặn nước lũ dâng cao nhanh ở đầu nguồn và vùng giữa Đồng Tháp Mười.

 

Đối với những vùng ven Đồng Tháp, dân cư đã sinh sống từ lâu đặc biệt những vùng trồng cây ăn trái đặc sản thì phải đắp đê bao kiên cố theo bản vẽ, mặt đê làm đường đi cho xe hai ba bánh, tính toán kỹ thuật có thể chống được áp lực nước từ 3 đến 5 mét, việc này phải làm trong mùa khô, những năm không có lũ mới vững chắc.  Lũ sông Cửu Long có quy luật "đến hẹn lại lên" do đó ta không sợ lãng phí trong việc đắp đê, tránh tình trạng mấy năm nay cứ thấy lũ sắp lên là đem máy đào móc bùn lên đắp sơ sơ sau đó nước lên lại nhão thành sình bùn chảy xuống như cũ vừa tốn tiền, tốn sức mà kết quả rất thấp.

 

Đây chỉ là một phần những công việc (nhưng tôi cho đó là những việc rất quan trọng) trong rất nhiều việc lớn phải làm để giảm thiệt hại của giặc lũ ở Đồng Tháp Mười và một số tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, để thực hiện chủ chương sống chung với lũ nhưng vẫn đảm bảo cuộc sống của người dân ở cuối nguồn ngày càng giàu có hơn.

Trần Đổ Liêm
Số lần đọc: 4374
Ngày đăng: 23.02.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nước mắt Chị dâu - Lê Vũ Tuấn
Ký ức Giồng Găng - Lê Vũ Tuấn
Mồ hồng nhan : Con sông Tiền Đường Trung Quốc - Lê Vũ Tuấn
Nhớ về một cái tết - Ngọc Thủy
Kể chuyện nhà văn Sơn Nam - Huỳnh Kim
Những thiên thần trong bão lửa - Ngọc Thủy
Nhạc sĩ TÔN THẤT LẬP Lãng mạn,hào hoa và dũng khí - Võ Quê
Mùa sau - Huỳnh Kim
Hành cung "TÂY CỐNG" - Dương Ðình Hùng
Chợ nhóm bên đường - Nguyễn Ngọc Tư