TẦM CAO CỦA CÁNH ĐỒNG
Không biết bây giờ lão nông Ba Dễ có còn sống hay không, nhưng câu nói của ông già Đồng Tháp Mười (ĐTM) 74 tuổi bên sông Sở Hạ với riêng tôi 4 năm về trước thì vẫn luôn đeo đẳng trong lòng: "Chờ vốn của Thủ tướng, tui mới chịu nhắm mắt". Chỉ mấy tháng sau đó, hầu hết các cụm, tuyến dân cư (CTDC) được xây theo "cốt nước" 1996 mà ông chỉ tôi xem trong căn nhà xiêu vẹo ở xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) đều bị đỉnh lũ 2000 nhấn chìm, trừ một nơi...
"PHÁO ĐÀI NỔI" GIỒNG GĂNG
Hơn 800.000 ngôi nhà bị ngập, gần 50.000 hộ dân buột phải di dời, 500.000 miệng ăn cần cứu trợ khẩn cấp - đó là những con số mà đội ngũ cán bộ, phóng viên Văn phòng ĐBSCL Báo Lao Động luôn ghi nhớ nằm lòng khi triển khai hoạt động cứu trợ trên khắp vùng châu thổ trong "cơn đại hồng thủy cuối cùng của thế kỷ 20". Chúng tôi đã cùng LĐLĐ các tỉnh trao tận tay bà con lượng tiền, hàng lên tới 6 tỉ đồng và không ít lần cùng Quỹ Tấm lòng vàng (TLV) lên biên giới Tây Nam, thán phục ngắm nhìn "pháo đài nổi" Giồng Găng oai hùng trên biển lũ...
Dù làm Giám đốc Nông trường (NT) quân đội Giồng Găng ngày ấy hay Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KTQP) 959 bây giờ, thượng tá Phạm Ngọc Trọng luôn dành cho Quỹ TLV tình cảm hết sức đặc biệt, chưa hề từ chối bất kỳ lời đề nghị cứu trợ nào. Anh nói thật giản dị: "Bởi vì Báo Lao Động và quân đội giống nhau ở chỗ là cùng lo cho dân".
"Lo cho dân" - chính từ 3 chữ này mà cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tìm thấy ở đây nhà tổ chức duy nhất thực hiện thắng lợi 3 quyết định (QĐ) "để đời": Phát lệnh tiến công vào ĐTM - "Nếu mất, chỉ mất một phần của 3 tỉnh; nếu được thì được cho cả nước" (1980); QĐ 99 - kết hợp giao thông, thuỷ lợi, xây dựng và QĐ 256 - cho vay vốn tôn cao nền nhà (1996). Từng làm giám đốc "NT quốc doanh cuối cùng còn tồn tại sau cuộc tiến công", năm 1984, anh Ba Trọng được lệnh bàn giao NT Động Cát cho sở nông nghiệp quản lý, dẫn quân lên biên giới tây nam thành lập NT Giồng Găng. Bằng trực giác của một người lính, anh đã triển khai một "tiểu QĐ 99" ngay từ năm 1988, khi tuyến kênh chiến lược Hồng Ngự - Long An đi ngang qua địa phận NT: Cho bộ đội kết hợp với công nhân xáng thổi nâng được tuyến giao thông kết hợp dân cư dài 8km, cao hơn đỉnh lũ 1976 tới 0,5m mà không phải tốn đồng nào. Còn QĐ 256 thì anh "đi sau", nhưng "tới trước" nhờ cách làm sáng tạo: Không lấy "cốt nước" 1996 làm chuẩn (như hướng dẫn của Bộ XD), cũng không xây theo kiểu "lòng chảo" (như CDC Sa Rài tốn gần 18 tỉ đồng) mà lấy mực nước biển làm chuẩn, lại dựa thế giồng, gò, tránh xa bưng, trấp để nâng toàn cụm lên cao hơn đỉnh lũ 2000 tới 0,5m, ngân sách cũng không tốn đồng nào. Hèn nào Chủ tịch Nước Trần Đức Lương, vốn là Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất, đặc biệt tán thưởng cái "triết lý" giồng, gò - bưng, trấp của người sĩ quan 52 tuổi, quê gốc xã Liên Sơn, huyện Gia Viễn (Ninh Bình), tự nhận "ĐTM là quê hương thứ hai".
"ĐÔ THỊ VƯỢT LŨ"
Bắt gặp cụm từ này trong Dự án (DA) xây dựng khu KTQP Tân Hồng - Đồng Tháp, tôi không khỏi nổi gai ốc cùng mình. Đẹp đẽ làm sao cái giấc mơ ĐTM của 2.180 hộ nghèo tứ xứ đã theo chân bộ đội lên đây "khai phá đồng hoang, cải tạo địa hình, xây dựng phòng tuyến để sẵn sàng bảo vệ biên cương". Chỉ mới hai mươi năm chớ mấy mà đã có 95% thoát khỏi đói nghèo, giờ đứng trên "pháo đài nổi" mơ ngày xây "đô thị vượt lũ". Có lãng mạn quá không, những người khẩn hoang của thời hiện đại?
Thượng tá Phạm Ngọc Trọng từ tốn trả lời tôi: "Anh còn nhớ ngày 16 tháng giêng âm lịch hay không. Lễ cúng chợ năm nay, bà con đãi ông Thần gáo lồng đèn tới 6 con heo quay. Ổng cũng đã chuỵển qua nhà mới là tượng đài Chiến thắng giồng Thị Đam - gò Quản Cung, bởi cây gáo hơn trăm năm tuổi, nơi chúng tôi đổ quân năm xưa, giờ trốc gốc rồi". Tôi hiểu ngay, năm nay bà con làm ăn được và hình ảnh ông thần cho cơm no áo ấm giờ đã hiện nguyên hình anh bộ đội Cụ Hồ.
Chợ Giồng Găng bây giờ đã được qui hoạch phát triển thành thị trấn và phạm vi quản lý của Đoàn 959 cũng mở rộng từ 3 xã lên 9 xã, 1 thị trấn với hơn 18.000 hộ dân. Chính cái chợ nằm giữa CDC này là nguyên mẫu của khái niệm "đô thị vượt lũ", được xây nên bằng phương thức hết sức đặc biệt: Quân đội tự đầu tư từ A tới Z, rồi bán nền cực rẻ cho dân. Lại đề nghị UBND tỉnh miễn thuế 3 năm và bảo lãnh cho tiểu thương vay vốn. Mùa lũ 2000, cả chợ chỉ có 300 hộ đăng ký kinh doanh, giờ tăng lên hơn 700 hộ.
Tôi đặt vấn đề: "Thủ tướng đương nhiệm phải tạm gác các CTDC "256" thấp hơn đỉnh lũ 2000 để xây thêm 1.043 CT theo cao trình mới dành cho 200.000 hộ bằng vốn "105" (QĐ 105/TTg ký ngày 2.8.2002). Nhiều CT đã xây dựng xong, lại sẵn nhà lắp ghép, nhưng dân không muốn vào, tại sao?". Đoàn trưởng Đoàn KTQP 959 nói: "Ăn nhiều, chớ ở có bao nhiêu. Thà ở nhà lá mà không sợ lũ, có đủ gạo ăn. Chúng tôi đang xây TDC Phú Hiệp - K.12, nhưng chủ trương không xây nhà lắp ghép mà tập trung bảo đảm việc làm cho 159 hộ bằng các cơ sở gạch ngói, bơm điện, đại lý xăng dầu.... trực thuộc Cty TNHH Giồng Găng của quân đội". Lại hỏi: "Chắc là dân biên giới không có ai... buôn lậu?". Anh Ba Trọng trả lời: "Có chớ! Chỉ có thể chấm dứt buôn lậu khi nào xóa được cái tỉ lệ hơn 15% hộ nghèo trong vùng DA và đó là nhiệm vụ của chúng tôi".
Lão nông Ba Dễ ơi, tôi đã mường tượng thấy tầm cao của cánh đồng...
(Báo Lao Động tháng 8.2004)