1.
Làng Gao có một người đàn ông bị điên từng sống, rất đẹp trai.
Anh ta từ xứ nào dạt tới, không ai biết. Chỉ biết anh ta có đem theo một đứa con trai hơn một năm tuổi. Đứa bé có gương mặt của Phật. Nhiều người thích lắm. Nhiều người muốn xin nó, mua nó về nuôi. Nhưng có ai năn nỉ gãy lưỡi, hay bỏ ra cả đống tiền, cũng đều bị người đàn ông lắc đầu từ chối. Đến muốn bồng đứa bé lên hun một miếng, anh ta cũng không cho. Có người thử liều hun đại, liền bị anh ta xỉ vả hết lời.
Trưởng ấp nói:
- Nó điên. Khỏi cần khai sổ bộ.
2.
Người đàn ông điên sống lần hồi theo mùa. Nghĩa là anh ta làm đủ thứ công chuyện lặt vặt ở làng. Làng Gao thiếu gì nghề. Giã bàng cũng là một nghề. Gánh nước mướn cũng là một nghề. Làm cỏ mía, làm cỏ đọt dừa, bẻ dừa cũng là nghề tuốt luốt. Công xá như bèo, nhưng biết tùng tiệm thì cũng sống được qua ngày.
Mỗi lần đi làm mướn ở nhà ai đó, người đàn ông đặt đứa bé nằm trên chiếc võng bện bằng dây chuối, buộc túm phần trên lại, treo tòn ten dưới hai gốc cây. Đứa bé lúc ngủ thì ngủ khìn khịt, lúc thức thì bú ngón tay chùn chụt, không bao giờ thấy nó khóc. Những người phụ nữ nhân hậu, thường những lúc người đàn ông xa con, tranh thủ cầm bình sữa mớm cho đứa bé bú. Đứa bé bú ừng ực, bao nhiêu cũng hết. Dường như nó biết rõ thân phận của nó; từ nước sữa tới nước cơm, nước đường, nó đều bú ngon lành. Tới củ lang luộc trẻ con đút cho, nó cũng nhai ngốn ngấu.
Ông từ đình làng Gao nói với mọi người:
- Đứa bé này, rồi sau cao số phải biết.
3.
Tới mùa nước rong, người đàn ông đã sống ở làng Gao hơn ba tháng; đứa con chừng gần tuổi rưỡi, vẫn chưa biết đi, chưa biết nói.bấy giờ, người đàn ông điên thường đi đãi hến và cào cá chạch dưới sông. Anh ta đem đứa bé theo, khoét một lỗ bùn, đặt đứa bé xuống đó, rồi lấp kín, chỉ chừa ló cái đầu lên trên. Đứa bé ngoẹo đầu trên sình non, ngủ ngon lành. Nước lên, người đàn ông lại móc con vùi xuống cái lỗ khác cao hơn. Dân làng ai cũng chảy nước mắt, nhưng không làm sao dứt nó ra được khỏi người cha điên của nó.
Vậy mà riết rồi thằng bé cũng bị người ta ăn cắp giữa ban ngày.
Người đàn ông điên thấy mất con, nhoi từ dưới sông lên bờ, chạy hớt hơ hớt hãi, gào thét khắp làng. Mắt anh ta long sòng sọc, đỏ lừ như hai hòn máu. Người anh ta nhem nhuốc bùn sình. Tóc tai anh ta tưa tướp. Anh ta chạy lồng lên tới kiệt sức, ngã xoài dưới gốc cây ô môi.
Lần đầu tiên dân làng Gao nghe người đàn ông điên rên đứt ruột.
- Con ơ… ơi!…
4.
Vài năm sau, khi người đàn ông điên bỏ làng Gao ra đi biệt xứ, dân làng Gao lại thấy một người đàn bà ẵm đứa con trai đến xin tá túc.
Bấy giờ đang thời Mỹ - Ngụy bình định cấp tốc khắp Miền Nam. Súng đạn và lưỡi lê ruồng bố khắp nơi. Người đàn bà nhờ có đứa con gương mặt như Phật, nên được ông từ đình làng Gao cưu mang, cho ở tạm trong đình. Rồi nhờ ông từ, người đàn bà được trưởng ấp cấp cho tấm giấy chứng thực vô gia cư chạy loạn, cho đứng tên trong sổ bộ của làng.
Chị ta ăn vận lôi thôi, tóc xõa bù xù, đi chân đất, mắt lúc nào cũng nhìn xuống, ủ dột. Nhưng mỗi lần chị ngước lên, vẫn thấy thoang thoảng một vẻ đẹp nhân hậu.
Vẻ đẹp như mũi kim, nó cứ tự nhiên đâm xốn mắt những kẻ khát thèm. Thằng đồn trưởng bị đâm muốn nổ tròng hai con ngươi. Hắn tím đến nhà trưởng ấp.
- Đình chùa là chốn linh thiêng, là nơi thờ phượng, phải đưa mẹ con nó ra chỗ khác.
Trưởng ấp đành thu xếp cho mẹ con người đàn bà xa xứ ra ở trong cái chòi canh vó bè của ông; vừa tiện cho chị ta có việc làm nuôi con, vừa dễ cho ông canh chừng tụi lính hám sắc như quạ hám gà con.
5.
Một hôm trưởng đồn cắp hai ve rượu Anit với hai con hổ hành tới nhà trưởng ấp.
- Hôm nay nhậu với ông già bữa tới chỉ nghen!
Tiệc nhậu cườm cườm, trưởng đồn rỉ vào tai trưởng ấp:
- Ngó bộ con mẻ dám Việt cộng lắm à nghen! Tụi CIA mà biết… chúng cắt…
Rồi từ đó, lâu lâu trưởng đồn lại tới nhậu với trưởng ấp. Và lần nào cũng chỉ nói có chừng đó.
Cho tới một bữa nọ.
Đang nữa đêm, người đàn bà ướt lướt thướt, cõng đứa con chạy bổ vào nhà trưởng ấp, ngã sóng soài ngay trước bàn thờ. Vợ trưởng ấp hớt hãi chạy ra vực dậy. Quần áo người đàn bà rách te tua, phơi ra những vết cào cấu rướm máu. Trưởng ấp xỏ đôi guốc vông lật dật chạy ra, đứng chết trân cạnh bàn thờ, mắt nhìn chạm đồn trưởng với hai thằng lính cắp AR15 đứng chạng hạng ngay ngạch cửa.
- Trung úy, chị ta có tên trong sổ bộ của làng, giấy tờ đã nhận mộc.
- Hừm! Sổ bộ của làng! Ông ấp, tui khuyên ông đừng nói câu đó nữa, lỡ bị khép liên lụy với cộng sản, tui hổng đỡ nỗi à nghen!
Súng chỉa lăm lăm, hai thằng lính dẫn độ người đàn bà lên đồn, trong tiếng khóc xé của đứa con mặt Phật, trong tiếng tức tưởi của vợ chồng ông trưởng ấp.
6.
Hơn tháng sau người đàn bà trở về.
Chị ta đã hóa điên. Điên ngơ ngẩn. Điên câm lặng. Điên tới mức thần ra, ngồi đâu cũng câm như cục đất. Những lúc về đêm, thấy chị ngồi xõa xượi bên ngọn đèn dầu hôi, hệt như thấy người cõi âm. Kẻ yếu bóng vía, chỉ nhìn cũng lạnh xương sống.
Chị hoàn toàn xa lạ với mọi người. Chỉ có đứa con là còn được vài giây phút gần gụi với người mẹ, dụi cái mặt Phật vào ngực mẹ nó, mắt mẹ nó thoáng có thần sắc, rồi lập tức vụt tắt . mẹ nó đẩy nó ra, nhìn nó trừng trừng. Nhìn cảnh ấy, dân làng Gao ai cũng đưa ống tay áo lên chặm nước mắt, ngó mung ra ngoài sông lớn.
Nước mắt dân làng Gao chảy ra nhiều hơn, ngày chị ta chuyển bụng trong cơn vượt cạn. Chín tháng mười ngày câm lặng, giờ bùng lên cơn bão thét gào chói lói. Tiếng la thét dội lên, đâm bổ xuống, bựng bựng như sóng lớn ngoài sông cái. Tiếng la thét cắt cứa tâm can dân làng Gao tới rướm máu. Không ai là không nguyền rủa thằng trưởng đồn. May là hắn đã chết trong một trận cànvào đồng đưng tháng trước.
Mấy bà má xúm xít. Mấy cánh tay già nua, không đủ sức kìm giữ người đàn bà điên trong cơn quẫy đạp, đau xé hạ sanh. Phải thêm hai người đàn ông vào giúp, mới giữ được chị nằm yên trên giường trong cơn sinh nở.
Đứa bé thoát thai trong cơn đau của mẹ. Đôi mắt nó không hiểu sao, khi vừa cắt rún đã hé nhìn ngơ ngác, rồi lập tức khép lại, nhường cho tiếng khóc oa oa to không tưởng nổi.
Thằng bé mặt Phật đứng ngơ ngác nhìn người ta gột rửa em gái trong cái chậu thau bằng nhựa. Hai mắt nó mở to, vẻ như ngạc nhiên trước sự xuất hiện của một sinh linh nhỏ bé.
7.
May mắm cho tôi trong đợt đi thực tế sáng tác là được gặp ông trưởng ấp. Vợ ông vừa mất năm ngoái.
Căn nhà lợp tôn, vách ván còng, có vẻ lạc lõng giữa những ngôi nhà tường gạch, mái ngói, mái bằng của dân xóm. Nhưng bù lại, nó chỉnh chu trong mọi sự bày biện. Nó sạch sẽ trong sự giản dị thôn quê. Nó đơn sơ trong sự đủ dùng cho cuộc sống tỏ ra không đòi hỏi. Nó chìm trong hương xoài, hương nhãn. Nó như con thuyền neo bồng bềnh trong tiếng sóng rầm rì ngoài sông lớn.
Dòng sông ấy đưa tôi ngược về thời gian trong giọng kể khào khào của ông trưởng ấp.
8.
Toàn và Đức là người cùng làng, cùng học với nhau suốt bảy năm. Tới năm thứ tám thì Đức nghỉ học vì nhà không đủ tiền nuôi.toàn con nhà khá, chẳng việc gì phải nghỉ, cứ việc học hết tú tài nhất, rồi tú tài đôi. Đáng lẽ Tòan sẽ lên Sài Gòn học luật, rồi sang Mỹ lấybằng tiến sĩ như mơ ước của song thân. Ngặt một nỗi, khi Toàn còn đang dang dở tú tài đôi thì Thanh Lê( ái nữ của ông thầy thuốc rắn) nhổ giò, trổ mã thành thiếu nữ.
Thanh Lê không thuộc loại sắc nước hương trời, cô như bông mận trong vườn. Vậy mới khổ. Những tua sắc túa ra như trăng dịu. Hương tỏa thơm ngòn ngọt. Trai làng nhìn thấy chỉ muốn bẻ mà ăn. Toàn cũng vậy. Tưởng mình đẹp trai, có học thì có thể cưới được, ai dè mới ngõ lời Toàn đã nếm mùi thất bại. Trái tim Thanh Lê đã thuộc về Đức tự lúc nào.
Như con Tim trúng đạn, trái tim Toàn đã bao lần rướm máu, khi bắtgặp Đức cùng Thanh Lê bơi chung chiếc xuồng ba lá đi bẻ bông súng trong đồng nước nổi. (Đồng nước mênh mông, có trời mới biết họ làm gì trong đó).
9.
Đám cưới của Đức không rình rang, nhưng cũng đủ trà thuốc, bánh kẹo vàmấy mâm rượu đế.
Lần đầu tiên trong đời Toàn uống rượu như điên. Hết ly này tới ly nữa. Ly nữa. Rồi thì Toàn rót rượu và ly cối, tu ừng ừng ực. Toàn cười hát oang oang, cố che giấu nỗi đau rướm máu đang khóc gào trong từng thớ thịt. Toàn say quắt cần cầu, gục đầu, chìm xuồng tại bến.
Đêm hợp cẩn của bạn, Toàn tỉnh giấc vào lối bốn giờ sáng. Nằm ở nhà ngoài, nghe tiếng rúc rích, tiếng cọt kẹt của đôi lứa trong buồng, Toàn như bị thiêu, bị đốt tới quằn quại nỗi khát thèm không cưỡng được. Ngã nghiêng trong cơn chuếnh choáng, Toàn lần ra góc vườn, ôm chằm lấy cây gòn mà ghì xiết, mà cào cấu, nhay cắn tới rách cả da thịt cây xanh. Không chịu nỗi cơn thèm khát, Toàn nhảy ùm xuống sông; ngụp lặn và ngụp lặn. Rồi Toàn ngoi lên, cắm cổ chạy thục mạng về nhà như bị tà ma ám ảnh.
10.
Cưới vợ được ba tháng, Đức bị ốp lính. Rồi Đức trốn trại, móc nối với người quản nhà xác, trốn chui trốn nhủi giữa những oan hồn chết trận. Được gần một tháng, Đức tìm đường vô đồng, trở thành quân giải phóng.
Bấy giờ Thanh Lê đã có một đứa con trai vừa qua đầy tháng. Hai mẹ con sống nhờ bên nội.
Một hôm, khi Thanh Lê bồng con về đám giỗ bên ngoại, thốt nghe tiếng súng dội lên phía quê chồng. Đó là tiếng u bích nổ chát chúa, tiếng bom rền chát chúa. Rồi thì trực thăng vần vũ, thổi rốc két và xối trọng liên ằng ặc. Tiếng súng bắn trả quyết liệt. Nhìn rõ mấy chiếc trực thăng xịt khói bựng bựng. Nhìn rõ xóm làng bùng bùng cuộn cháy.
Ngôi nhà của mẹ Đức chỉ còn là một hốm bom sâu hoắm. Cả làng là một đống tro tàn. Tiếng khóc ơ hờ cả tháng chưa nguôi.
Thanh Lê cất túp chòi bên miệng hố bom, sớm hôm nhang đèn thờ mẹ.
11.
Đêm rằm tháng giêng.
Ánh trăng xanh rười rượi, rưới vàng rưới bạc xuống dòng sông. Dòng sông như cồn lên thổn thức. Thanh Lê ngồi chằm lá, không hiểu vì sao đã mấy lần bị cây lẹm đâm nhằm ngón tay, chảy máu giọt giọt.
Thanh Lê rùng mình ngó mung ra sông. Một chiếc ho bo trờ tới. Toàn từ dưới sông xệch xạc bước lên, quỳ sụp trước mặt Thanh Lê. Đôi mắt Toàn không còn thần sắc, thân hình như đang sắp tan rữa.
- Huỳnh Đức chết rồi.
Sự im lặng tới rợn người.
- Chính tôi bắn chết ảnh.
Sự im lặng bò lan xuống dòng sông, làm tắt biến trăng xanh.
- Hãy phán xử tôi!
Tiếng khóc của đứa bé trai nghe ngàn ngạt. Thanh Lê từ từ đổ xuống bờ sông dội ánh trăng ngần.
12.
Toàn không hề có đạo, nhưng Toàn quắt quay dằn vặt biết bao ngày trong cơn sám hối.
Đại đội biệt kích của Toàn đụng tao ngộ chiến với một tiểu đội trinh sát quân giải phóng. Đạn nhọn rít veo véo. Da láng nổ như điên. Cả tiểu đội trinh sát còn mình Đức nguyên vẹn. Đức đứng vụt lên khi tiếng súng vừa tắt lịm, tay lăm lăm cầm trái lựu lốc mích. Khi thấy Toàn, Đức từ từ nâng trái lựu lên ngang ngực, buông mỏ vịt. Trái lựu đạn không nổ.
Trước mắt Toàn bấy giờ, Đức là thần tượng chiến thắng. (Sao nó còn nguyên vẹn như vậy không biết! Mình mạnh hơn nó về quân lực, mà mình còn dính thương phần mềm tơi tả. Sao nó còn nguyên vẹn như vậy không biết! Hay nhờ con Thanh Lê ăn chay niệm Phật cho nó!). Đức vụt thành tình địch trước mắt Toàn. (Mày cướp Thanh Lê của tao, mày phải quỳ xuống).
- Đức! Mày lạy tao, tao tha.
Đôi mắt Đức như dội lửa.
- Tao với mày từng là bạn. Chỉ cần mày quỳ xuống cũng được.
Đôi mắt đức chói ngời lên ánh thép. Gan góc. Lì lợm.
Toàn bước sấn tới, chụp cổ áo Đức kéo ghị xuống. Một cái tát tóe đom đóm. Một tiếng nổ đanh khô.
14.
Tỉnh dậy, Thanh Lê chạy nhào tới đứa con đang khóc gào khát sữa. Tụi lính đã kè Toan đi mất dạng. Thanh Lê ấp con vào ngực. Không còn một giọt sữa trong tấm thân cùng kiệt nỗi đau. Chị một tay dắt con, một tay ẵm con, vùng chạy băng băng trong đầm đẫm trăng vàng. Chị leo lên chiếc cầu khỉ vắt ngang con rạch, trợt chân rơi ùm xuống nước. Một gia đình thuyền chài vớt được chị cùng đứa con gái, nhưng đứa con trai thì không sao tìm thấy.
Thanh Lê hờ khóc bên bờ sông mấy tuần liền, rồi bỏ xứ ra đi, và lạc tới làng Gao. Ở đó, chị gặp lại Toàn, đã hóa điên hóa dại từ ngày đưa xác Đức về làng. Đó cũng chính là ngày mà Toàn hay tin cả nhà anh chết chùm vi bom A37, không một người sống sót, trừ giọt máu đỏ hon hỏn của anh, không hiểu vì sao lại văng bắn ra sát mép ao cá. Ở đó, Thanh Lê đã moi đứa con non nớt của Toàn từ sinh non lên, ấp vào lòng mình chạy trốn.
15.
Khi tôi gặp Thanh Lê trong ngôi nhà trưởng ấp, thì đứa con của Toàn đã lớn. Anh ta tên là Huỳnh Đức Lê Toàn. Chị gái tên là Huỳnh Đức Thanh Lê. Hai chị em đều đã trưởng thành. Chị là giáo viên trường làng. Em là kỹ sư kiến trúc. Hai chị em vẫn ở vậy nuôi mẹ và nuôi ông trưởng ấp.
Tôi không muốn kể ra đây những ngày hai chị em phải vất vả vừa kiếm tiền nuôi người mẹ điên và người ông già nua bệnh hoạn, vừa lo kiếm tiền ăn học. Tôi không muốn kể ra đây thịnh tình cưu mang của bà con làng Gao với một gia đình chất chứa bao uẩn khúc đầy kịch tính của cuộc chiến. Tôi chỉ thấy lòng mình cứ nao lên như sóng cồn ngoài sông lớn.
Mà quê tôi…
Ai cũng có một dòng sông.
Trại viết TW Hội LHVHNT Việt Nam.
Tiền Giang, tháng vào năm Đinh Sửu 1996-Vĩnh Long, tháng lũ năm 2004