Hẹn lần hẹn lữa mãi thấy cũng kỳ, cuối cùng tôi quyết định sắp xếp thời gian đi thăm chú Bảy Giảng cho biết nhà.
Tôi biết chú Bảy nhờ chuyến đi thăm Côn Đảo. Đó là lần tôi được cử đi theo đoàn cựu tù Côn Đảo để viết về họ. Ngay từ khi lên tàu ở Bãi Dứa, tôi đã để mắt tới chú Bảy, và cứ thắc mắc mãi rằng, sao cái ông này nhỏ xíu vậy không biết, tạng ấy làm sao mà sống nổi cảnh tù tội ở Côn Đảo quá mười ngày.
Con tàu chở chúng tôi có tên là tàu Côn Đảo 2, nó chở nguyên đoàn chúng tôi gần một trăm năm chục người, với khoảng gần năm chục hành khách mua vé tự do. Anh chị em trong đoàn ai cũng tỏ ra háo hức, lớp thì ra đứng dọc theo hai dãy lan can tàu, lớp thì ra đứng trước mũi tàu, lớp thì leo lên nóc tàu, ai nấy đều chuyện trò rôm rả lắm. Tôi cũng vậy, tôi theo anh phóng viên nhiếp ảnh ra đứng ở đuôi tàu ngắm hoàng hôn. Anh bạn phóng viên của tôi có vẻ đắc chí, khoe: "Nãy giờ tranh thủ chớp được hơn mười kiểu hoàng hôn trên biển. Chưa tới biển đã thấy lời rồi ông à. Chỉ sợ đem theo có hai chục cuộn phim không đủ xài". Nói xong, anh hỏi xin tôi điếu thuốc. Sờ lên túi áo ngực tôi mới nhớ mình bỏ quên gói thuốc trong túi áo gió để trong khoang tàu. Vốn là dân thức đêm như vạc, nghe nhắc tới thuốc là tôi xốn cả người.
Trở vào khoang tàu, tôi thấy chú Bảy ngồi túm húm trên chiếc giường hai tầng. Dù đã quấn quanh người tấm chăn chiên, tôi vẫn cứ thấy chú nhỏ thó thế nào. Nhất là cái đầu của chú thò ra ngoài đống chăn, coi nhỏ như đầu chim thò ra từ trong tổ của nó.
- Chú bảy không ra ngoài ngắm hoàng hôn à?
Tôi hỏi nhưng hình như chú Bảy không nghe. Tôi hỏi lại lần nữa. Hình như chú vẫn không nghe. Hỏi tới lần thứ ba chú mơi giật mình ngoảnh sang nhìn tôi ngơ ngác. Chừng nghe thủng câu hỏi của tôi, chú lắc đầu nói thủng thẳng:
- Qua muốn ra ngoài lắm, nhưng sợ say sóng. Sợ từ hồi ra Côn Đảo lần đầu tới giờ. Lần đó qua ói ra mật xanh mật vàng. Lên bờ còn say lảo đảo, thấy đất cứ chung chiêng chúng chiếng dưới chân. Tụi nó đá bên trái mà mình té qua bên phải. Lăn cù dưới đất thấy đất vẫn chung chiêng.
Tôi chìa gói thuốc mời chú một điếu, chú cười lắc đầu từ chối. "Tụi nó giúp qua kiêng thuốc hăm mấy năm nay. Hai lá phổi bấy bá cả, giờ dồn lại, chắc chưa đầy một lá".
&
Con đường vào nhà chú Bảy quả là trời thần đất lở. Đường cặp theo mé sông, không ra đường đá cũngkhông ra đường đất; cứ một khúc gạch đá lổn nhổn lại một khúc đất sình tèm nhẹp; đã vậy, lâu lâu lại bị mương rạch từ trong vườn xỉa ra sông cắt ngang đứt khúc như người ta khứa cá. Chỗ có mương rạch băng ngang, dân tình tốt lắm mới vắt ngang qua bằng miếng ván, còn không thì chỉ vắt ngang bằng cây tre, cây gòn. Chiều rộng con đường ước chừng thước rưỡi, vậy mà nhiều đoạn bị sóng ngoạm lở chỉ còn lại phân nữa. May cho tôi lúc vào là nước lũ còn chưa ngập, nó chỉ mới lé đé mặt đường.
Lối ba giờ chiều tôi vào tới nhà chú Bảy. Ngôi nhà tường xây gạch, mái tôn, nằm lọt giữa một vườn xoài mát rượi. Đón tôi là hai con chó mực đen ngòm ngòm. Chúng xông ra gầm gừ tới mức tôi muốn són ra quần. Phước đức cho tôi là chúng không nhảy xổ vào mà chỉ dừng lại cách tôi vài bước chân. Tôi đứng như trời trồng, đợi mãi mới thấy một bà lão tóc bạc từ lút trong vườn lẹp xẹp bước ra.
- Bà ạ! Đây phải nhà chú Bảy Giảng không?
Bà lão bự con, quệt quệt hai bàn tay ướt rượt vào hai ống quần, nói với tôi:
- Ừa! Nhà chú Bảy Giảng đây. Chú với ổng quen sao mà tới tìm cực khổ vậy?
Hai con chó thấy bà lão đứng nói chuyện với tôi, liền trờ tới dúi mõm hít hít bàn chân tôi, hít hít vào chỗ ấy của tôi, khiến tôi sợ cứng cả người. Chừng nghe bà lão mời tôi vào nhà chúng mới buông ra không hít nữa; mỗi con lui vào nằm khoanh một góc trước hiên nhà, lim dim mắt nhìn tôi như dò hỏi.
Vừa chăm bình trà rót nước mời tôi, bà lão vừa nói:
- Ổng đi họp khuyến nông, sắp về tới. Tui là vợ ổng, chú gọi thím, đừng gọi bà coi kỳ lắm.
Mắc dịch cái thằng tôi. Mới giáo đầu đã trớt nguớt. Hôm ngoài đảo, đứng trên cầu Ma Thiên Lãnh, tôi nhớ chú Bảy đã nói, gia đình chú hiện giờ chỉ còn hai vợ chồng già sống với nhau. Té ra bà thím ú nu, tóc bạc trắng này là vợ chú đây. Hèn chi chú đã kể với tôi, nhiều người mới tới chơi hay lầm thím Bảy là má của chú.
Thím Bảy bề ngoài coi lớn tuổi nhưng tánh khí và cách đi đứng coi còn trẻ trung, lanh lẹ lắm. Thím nói:
- Ổng hồi nhỏ nhát hít hà. Đi đâu cũng hay bị trẻ lối xóm ăn hiếp. Tui với ổng học cùng lớp, tui đứng ra binh ổng riết mà dính luôn với nhau tới giờ.
Bấy giờ nước lũ đã lên ngập sân. Nghe có tiếng lỏm bỏm, tôi ngoái nhìn theo hướng hai con chó sủa mừng rối rít, thấy một người đàn ông xồn xồn vận quần xà lỏn bước vào. Tới giữa sân, ông ta cúi xuống, vừa chạy lom khom rượt đuổi, vừa chụp búa xua làm nước văng tung toé. Hai con chó cũng chạy theo, nhảy lỏm chỏm. Được một lúc, tôi thấy người đàn ông vung tay quơ quơ một con rắn to như cổ tay người lớn, xanh vàng anh ánh. Ông ta toét miệng cười, gọi với vào trong:
- Bắc nước chị Bảy ơi! Mần lông con ri voi nấu cháo nè!
Thím Bảy cũng cười toét.
- Ừa, sẵn có khách của ổng, chiều nay cho chú nhậu quắt luôn.
Người đàn ông đó là em ruột chú Bảy, tên là Tám Tích. Tám Tích tướng tá gân guốc, coi ngược hẳn ông anh. Thấy tôi, ông ta cười hì hì, chìa bàn tay phải chỉ còn ba ngón ra bắt tay tôi. Chỉ ba ngón mà ông bóp tay tôi đau tới thốn ruột.
Tám Tích lôi bịch thuốc rê trảng giắt cạp quần ra, vấn một điếu ế cum, châm lửa hút phì phà, nói với tôi:
- Ổng đẹt nhứt nhà, nhưng là thứ đẹt trời đánh không chết. Hồi đó tía tui đang nằm hầm bí mật, má tui lỡ mang bầu, sợ lộ, bả mua ký ninh uống mỗi ngày, tính trục ông anh tôi ra. Nhưng ổng lì trời đất, trục hoài không được, bởi vậy khi ra đời ổng vàng khè, nhỏ thó như con chuột. Má tui bị Tây đồn triệu lên triệu xuống hạch hỏi, đánh bầm dập không biết bao lần.
Chú Bảy đúng là trời đánh không chết. Tám Tích kể với tôi. Hồi năm 63, cảnh sát Chà dẫn lính đột vô nhà, bắt quả tang chú Bảy với mớ truyền đơn kêu gọi đòi quyền dân sinh dân chủ. Không cần tra hỏi ất giáp đầu đuôi xuôi ngược, Chà sai trói thúc ké chú Bảy, treo ngược trên cây còng sát mí sông, dùng dùi cui nện chú Bảy tới ói máu. Nện mỏi tay, hắn sai đem chú Bảy trấn nước. Trấn đã đời dưới sông mới lôi lên, cho lính dậm chân trên bụng cho ọc nước ra.
- Ổng lì lắm- chú Tám Tích nói- Bữa đó ổng lừa tụi nó, dẫn chúng ra đồng kiếm khẩu súng ngắn. Ổng bày trò dẫn tụi nó lòng vòng hết ruộng sâu ruộng cạn tới tận lúc trời nhập nhoạng tối. Biết bị lừa, tụi nó hè nhau bay lên song phi, đá ổng một trận ra trò. Ổng lăn cù cù dưới đất, mồm miệng nhoe nhoét máu. Vậy mà chưa xong, trở vô làng, tại cái sân này đây, thằng Chà sai lính chế axít trong bình ắc quy ra cái ca mủ, pha thêm chút nước sông, dằn ngửa ổng ra đổ vô mồm. Sau này ổng đi cầu cả tháng vẫn con ra máu bờn bợt.
Ngồi nhâm nhi với Tám Tích đợi chú Bảy, ngó mung ra con sông ồn ào ghe tàu tới lui tấp nập, tôi thốt nhớ chuyện chú Bảy nhảy từ trên tàu xuống sông lớn. Đó là lần chúng dẫn độ chú bằng tàu sắt từ xã lên đề lao tỉnh. Khi tàu chạy ngang qua vàm sông có xoáy lớn, nghĩ bụng đằng nào cũng chết, thà chết chìm còn hơn chết bởi đòn roi bầm dập mỗi ngày, chú Bảy nãy ra ý định nhảy tàu. Một sống một chết, quyết không để chúng cho đi "tàu bay", "tàu lặn", cho uống axit tới ói máu. Vậy là chú bày đặt xin được đi tè. Thấy chú bị trói hai cổ tay, thằng lính ngồi canh trỏ tay chỉ chú tới đuôi tàu. Tới nơi, chú đạp mạnh hai giò, uồm luôn xuống nước. Tụi lính trên tàu nháo nhào chạy tới. Sóng nước do chân vịt tạo ra cuồn cuộn. Chú Bảy mất tăm mất tích. Tụi lính nói với nhau, nó bị trói tay trước bụng, chết chìm là chắc, thây kệ nó. Không ngờ chú Bảy bị cuốn vào xoáy nước. Xoáy nước hút chú vào miệng, nhận sâu xuống, sau đó thổi tống lên một chỗ gần bờ. Chú Bảy nhờ bình tỉnh chòi đạp bơi đứng mà nổi lên được. Một chiếc ghe chài ngang qua nhìn thấy, hai vợ chồng người hạ bạc vớt chú lên, cởi trói đưa chú Bảy vào bờ. Nhờ vậy mà chú thoát chết.
Một lần chú Bảy đem tài liệu tuyên truyền từ huyện về xã mở lớp, ngang qua con rạch giữa đồng đưng, chú bị tụi biệt kích phát hiện bắn gãy giò. Người cán bộ cùng đi không bị thương nên trốn được, còn chú Bảy bị chúng nhào tới bắt tại chỗ. Nhìn thấy cặp tài liệu chưa kịp thủ tiêu, cả bọn hí hửng giải ngay chú Bảy về tỉnh để lãnh thưởng. Sau khi lập hồ sơ tội phạm, chú Bảy được đưa vào nhà thương trị bệnh.
Người bác sĩ trưởng ca mổ, nhìn thấy chú Bảy nhỏ con, ốm yếu nên động lòng thương. Sau khi mổ xong, ông ta gởi gắm chú Bảy cho Bác sĩ phụ trách điều dưỡng, nói cần phải đối xử theo đúng luật quốc tế về tù binh. Nhờ vậy, chú Bảy được săn sóc thuốc men tương đối chu đáo. Tuy nhiên, đề phòng đàng mình móc nối tổ chức cho chú Bảy chạy trốn, hàng ngày chúng vẫn cử một tên lính ôm súng ngồi canh chừng. Nhìn thấy bệnh nhân bị lính canh ráo riết, nhiều thân nhân đi nuôi bệnh, đoán biết chú Bảy là Việt cộng, họ xin phép vào thăm, đem biếu chú Bảy rất nhiều đường sữa và tiền bạc.
Thời gian nằm điều trị trong viện, khi được thả ra sân tập đi, chú Bảy lân la sao đó, kết thân được với ông quản nhà xác. Rình lúc thằng lính canh chừng chú đi mua thuốc hút, chú Bảy lủi luôn vô nhà xác, trốn ở trỏng cả tháng trời. Bọn lính nháo nhào tìm kiếm khắp nơi, nhưng chúng không thể nào ngờ là chú Bảy lại đang trốn trong nhà xác.
Ông quản nhà xác có cảm tình với chú Bảy nên săn sóc chú rất kỹ. Mỗi lần có người đến nhận xác, ông ta dùng vải liệm, cuộn chú Bảy lại, để nằm ở góc phòng. Nhờ vậy mà không một ai hay biết trong nhà xác có một người sống đang hiện hữu. Có lẽ sống với hồn ma bóng qủy, âm dương hòa hợp sao đó mà chú Bảy đi lại được một cách vững vàng. Bấy giờ ông quản nhà xác mới móc nối với đàng mình, tổ chức cho chú Bảy trốn trở vô vùng vào một đêm mịt mùng mưa gió.
Trong vùng, chú Bảy nhỏ con, lại thêm hai chân còn yếu, tổ chức giao cho đi góp đảm phụ. Một lần chú Bảy cùng người bạn ngồi ghe gắn máy cole 12 đi gom lúa về, chẳng may ghe chết máy đúng lúc nước đang ròng xiết. Con nước cuồn cuộn cuốn phăng chiếc ghe ra sông lớn, đụng nhằm tàu tuần tiểu của tụi giang đoàn 17. Chúng trói cả hai người đem về tỉnh lỵ.
Ở đề lao tỉnh, chú Bảy cùng mấy anh bị nhốt chung phòng, bí mật tổ chức giết thằng Bính giám thị, vì ghét thằng này đối xử với tù rất hà khắc. Chẳng may chuyện bại lộ, chú Bảy bị kêu án tù chung thân, đày ra Côn Đảo.
Chuyện ở Côn Đảo kể dài dài cũng không hết. Nhưng có một chuyện khá đặc biệt, liên quan đến cái số trời đánh không chết của chú.
Chú Bảy vốn nhỏ con như con nít mới lớn, nên tụi giám thị tỏ ra rất coi thường, việc giám sát chú chúng thường lơ là hơn việc đề phòng người khác. Nhờ vậy chú với một bạn tù, lừa lúc lên rừng kiếm củi, đã trốn luôn vô rừng, leo tuốt lên tận trên núi Cấm. Hai người chặt mỗi người một cây chuối, bơi thoát ra Hòn Cau. Trốn chui trốn nhủi được năm ngày, họ móc được với chiếc ghe đánh cá, xin nhờ chở vô đất liền. Ghe vô gần tới cửa Đại An thì bị tàu Mỹ chặn lại xét giấy tờ. Chú Bảy với người bạn tù chun xuống nằm trốn dưới đống lưới. Không biết tại sao tụi Mỹ lại cắc cớ buộc giằng luôn chiếc ghe cá vô tàu của chúng, kéo tuốt về cảng Cần Thơ, giam lại ở đó hơn một ngày trời mới thả. Chừng người chủ ghe lôi được hai người ra, thì người bạn tù cùng trốn đã chết ngạt do bị đuối sức. Còn chú Bảy, bịnh ngắc ngoải gần cả tháng, mấy lần tưởng đã đi đứt, nhưng cuối cùng vẫn sống nhăn.
Theo sự giới thiệu của ông chủ ghe tốt bụng, chú Bảy lận lưng tấm căn cước giả, tìm tới nhà ông Năm Ích, xin được một chân ủ cá, đun lò. Chú làm công nhân hãng nước mắm được hơn nửa năm thì tìm cách thoát được vô vùng trở lại.
Lần này chú dứt khoát xin bằng được vô quân chủ lực. Tiểu đoàn trưởng thấy chú nhỏ con nên giao cho giữ chức trợ lý hậu cần.
Một lần đi công tác từ tiểu đoàn lên E bộ, chú bị dính pháo chụp giữa đồng nước nổi. Khi tỉnh dậy thì chiếc xuồng ba lá đã tanh bành cùng với anh trinh sát bị vỡ toác hộp sọ. Gót chân phải của chú Bảy bị mảnh bom cắt đứt gần phân nửa gân Asin. Trồi hụp suốt gần hai ngày giữa đồng nước linh lang, gần vô tới rừng tràm thì chú bị máy bay OV10 phát hiện, gọi trực thăng chụp xuống bắt chở về căn cứ Đồng Tâm. Soát hồ sơ thấy chú là tù chính trị vượt ngục, chúng kêu án chung thân lần hai, đày chú trở lại Côn Đảo.
Phòng tối, chuồng bò, chuồng cọp giam giữ chú suốt từ đó tới ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Bữa đó tôi với chú Tám Tích nhâm nhi đợi chú Bảy tới gần chín giờ tối thì có anh thanh niên lội nước lỏm bỏm tìm tới. Anh này thấy mồi ngon thì xáp vô luôn. Chừng gần hết con rắn, anh ta mới nhe răng cười hề hề, báo rằng chú Bảy tối nay không về.
Té ra sau khi tan buổi họp khuyến nông, khuyến cáo về giống lúa thơm Jăcmin của Mỹ, chú Bảy tạt vô thăm vợ chồng Hai Chà, rồi kẹt luôn ở đó. Hai Chà bị xơ gan, bụng phình căng như trống cái, nằm quằn quại chịu trận từng cơn đau dội xé. Sẵn chiếc vỏ lải, chú Bảy chở tốc luôn Hai Chà lên viện đa khoa của tỉnh.
Nghe nhắc tới Hai Chà, tôi tò mò hỏi anh thanh niên Hai Chà là ai. Anh thanh niên trố mắt nhìn tôi.
- Bộ anh với chú Bảy quen nhau mà không biết Hai Chà thiệt sao?! Hai Chà hồi nhỏ học chung với ổng, thường ỷ lớn con ăn hiếp ổng. Có bữa y bị thím Bảy đây nắm đầu kẹp vô háng, dùng thước quất cho muốn lủng đít quần. Bởi vậy khi làm cảnh sát y mới bắt ổng, trói đổ axít vô mồm ổng, làm muốn bấy bộ đồ lòng của ổng. Hắn chỉ mới thượng sĩ nên không đươc tụi Mỹ rước qua bển.
Trời đất! Tôi không ngờ lại có chuyện đó. Tánh cách chú Bảy thiệt ngộ. Giải phóng về làng, thấy Hai Chà không trốn ra nước ngoài, mà ở lại chịu đi học tập cải tạo, rồi trở về chí thú làm ăn nuôi vợ nuôi con, Bảy Giảng không những không thù ghét mà còn kiếm cớ tới thăm hỏi, giúp ông ta xua đi mặc cảm. Giờ Hai Chà thọ nạn, Bảy Giảng còn tận tâm đưa ông ta đi chữa trị.
Anh thanh niên mời tôi uống chung với anh ta thêm ly rượu, rồi nói:
- Ổng dặn tui sớm mơi đem lên cho ổng mớ tiền giúp Hai Chà đóng tiền viện phí, thuốc men, vì Hai Chà con đàn, nhà nghèo rớt ra. Tui tới đây là để hỏi thím Bảy lấy tiền. Mơi anh có về tui cho quá giang.
Tôi bị sặc ly rượu, ho muốn trối chết.
Hết cơn ho, nhìn ra sông thấy con nước đã dật xuống, nhưng vẫn còn ngập con lộ trước cửa nhà, tôi thoáng buồn.
Thím Bảy thấy tôi nhìn phóng ra sân cũng nhìn theo, rồi nói thủng thẳng:
- Nghe nói nhà nước tính trợ vốn cho xã làm lại con lộ mới lót đan, chớ con lộ cũ này hết xài nổi rồi chú ơi!