Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.169
123.223.375
 
Người tù binh đêm giao thừa
Việt Linh

Chiều 29 tết năm ấy, một đơn vị bộ đội về đóng quân nơi xóm vùng ven thị trấn. Trước khi vào nhà ông Bảy, đồng chí tiểu đội trưởng  nhắc nhở anh em trong tiểu đội:

- Nơi đây xưa nay nằm trong sự kiểm soát của địch. Đồn bót ta mới vừa nhổ. Trong xóm có nhiều thành phần: gia đình cách mạng, gia đình binh sĩ, đạo giáo cũng có... Bộ đội chủ lực ta về đây lần đầu tiên, các đồng chí ăn ở nói năng phải cẩn thận, không khéo làm mất quan điểm quần chúng.

 

Nhà ông Bảy là gian nhà ngói xưa, rộng thênh thang nhưng chỉ có hai vợ chồng già ở. Bình thường, nhà lớn đóng cửa kín mít suốt ngày. Mọi sinh hoạt ăn ngủ, kể cả tiếp khách đều diễn ra nơi nhà nhỏ nằm kè bên cạnh. Tuy nhiên, hôm nay gần đến ngày tết ông cũng mở cửa nhà lớn ra để chuẩn bị đón xuân.

 

Ông Bảy nổi tiếng là “ông già khó tính”. Lũ trẻ hàng xóm chẳng hề dám bén mảng đến nhà ông chơi giỡn. Khách thì ông cũng coi theo mặt. Ông thường nói: “Ôi, hơi đâu bỏ phí thời gian tiếp những người nói chuyện toàn bá láp”. Ai nhậu lè nhè thì khỏi phải nói, đừng hòng uống được nơi nhà ông một tách nước. Đối với ông “phải thì moi hết ruột gan, không phải thì trái cà cũng không thí”. Lúc trước, có lần tụi lính bót ngang bướng hái của ông mấy trái dừa uống nước, ông xách dao rượt chúng chạy thục mạng.

 

Buổi chiều đó, lúc mấy chú bộ đội bước vào nhà xin nghỉ nhờ, ông Bảy chỉ ừ nhẹ nhẹ. Chẳng biết ông buồn phiền việc riêng, hoặc không hài lòng về sự có mặt của người lạ trong nhà ba ngày tết. Cũng có thể do ông không ưa lính giải phóng. Thấy gương mặt chủ nhà không được vui, tốp bộ đội không vào nhà lớn. Anh em chỉ mắc mùng ngủ ngoài hành lang, một số giăng võng ngoài vườn. Nói cho đúng, ông Bảy cũng    mời anh em vào ngủ trong nhà nhưng tốp bộ đội từ chối, viện cớ ngủ ngoài cho mát.

 

Qua một đêm, sáng hôm sau anh em dậy sớm. Vài người lấy chổi quét nhà, quét sân. Số khác bửa củi gánh nước. Anh em nào “khéo tay” thì giúp bà Bảy gói bánh tét, bánh chưng. Nhìn tốp “đực rựa” ngồi chồm hổm dưới đất thắt mấy nuột dây bánh bà Bảy luôn nhoẻn miệng cười, bởi việc ấy trước giờ chỉ dành cho phái nữ. Nhà ông Bảy có hai công vườn, gia đình ông đơn chiếc nên tết đến nơi rồi mà cỏ vẫn còn tùm lum. Chỉ qua một giờ đồng hồ, tốp bộ đội đã nhổ sạch bóng. Ông Bảy vui bụng lắm. Không phải chỉ riêng nhà ông, mấy tiểu đội ở các nhà lân cận cũng nhộn nhịp giúp gia đình chuẩn bị đón Xuân như thế. Trưa hôm đó, 30 tết, bên Hội phụ nữ đến ủy lạo quà Tết cho bộ đội. Tiểu đội nhà ông Bảy cũng được nhận một phần quà. Mọi người bàn thống nhất nhau: chỉ dùng bánh phồng, bánh tráng. Còn trà, mứt và cặp dưa hấu anh em xin phép ông Bảy cho tạm cúng trên bàn thờ. Ông Bảy từ chối. Đồng chí tiểu đội trưởng lễ phép:

- Thưa ông Bảy, tụi con là bộ đội. Tụi con sống để đánh giặc là nhờ hạt cơm và sự đùm bọc của nhân dân. Tụi con xem nhà của nhân dân như nhà của mình, xin ông bà chấp thuận cho chúng con tỏ chút lòng.

 

Ông Bảy ngồi ở ghế giữa trầm ngâm một hồi rồi nghỉnh mặt lên vuốt râu cười:

- Mấy chú em nầy còn nhỏ tuổi mà nói chuyện nghe được quá chớ.

Tối lại nhà nào cũng đốt đèn măng-xông sáng rực. Lần đầu tiên tết nơi đây không còn đồn bót nên ngoài đường người đi chơi dập dìu. Xóm nầy dân cư vốn đông đúc, nay lại có bộ đội về đóng quân nên lượng người càng thêm chật chội. Trước đây, lúc tụi sư đoàn 7 chủ lực Sài Gòn cũng có về đây tru đóng vài lần vào lúc tết. Chúng ăn nhậu, phá phách, cờ bạc, tranh giành gái, đánh lộn, bắn nhau “tưng bừng khói lửa”. Vì vậy, lúc bộ đội mới về, dân họ ngỡ lính nào cũng ỷ vào cây súng. Không ngờ nếp sống của quân giải phóng hoàn toàn khác khiến ai cũng vui dạ.

 

Trong Tiểu đội ở nhà ông Bảy có một cây đàn ghi-ta. Một ngày qua, anh em thấy ông Bảy khó tính nên cứ treo mãi ngoài vườn. Bây giờ, thấy ông có mòi “cởi mở” nên vài chú đem vào bộ vạc nhỏ ngoài mé hiên gảy lằng tăng lẳng cho đỡ ghiền. Vừa đờn hai chú vừa liếc dò xét tình ý ông chủ nhà. Ông Bảy cũng ngồi ở ghế giữa. Đầu ông niễng một bên, mặt hướng xéo lên nóc nhà. Chẳng biết ông đang gởi hồn về chốn xa xăm hay đang chú ý lắng nghe tiếng đàn của chú bộ đội. Chợt bản vọng cổ tới đoạn nhịp song lan, ông nhấc bàn chân lên nhịp xuống sàn gạch nghe cái “cụp”. Hai chú bộ đội liếc nhau cười mím mím.

Dứt câu đầu của bản vọng cổ, ông Bảy vừa đằng hắng vừa gọi:

- E… hè, chú em nào vừa đờn đó, vô đây đờn lớn lớn cho qua nghe với coi.

 

Được chủ nhà “bật đèn xanh”, hai chú bộ đội mừng rơn trong bụng. Chú  cầm đờn vừa dứt một lớp Xuân tình, ông Bảy vào buồng lôi ra một cây đàn kìm. Hai chú reo lên:

- Ủa, ông Bảy cũng biết chơi đàn nữa sao?

Đưa tay gỡ mấy ổ tò vò bám ở thùng đờn, ông Bảy chậm rãi:

- Qua cũng biết được ít bản.       Nhưng thấy thời cuộc chiến tranh, thiên hạ chết chóc nhiều quá, qua buồn tình nên ít rờ tới cây đàn. Nay nghe mấy chú em đờn, qua cũng hơi hưng hứng…

 

Phủi bụi, sửa dây, ông Bảy cũng dạo thử một câu vọng cổ. Rồi thì hai ngón đàn một già một trẻ đua nhau lướt trên phím. Hòa tới đoạn nào ưng ý ông Bảy gật lia gật lịa cái đầu. Dường như đã hứng máu văn nghệ, ông Bảy ngưng đàn hỏi lớn:

- Chú em nào  biết ca đâu?

Nãy giờ cả tiểu đội ngồi bên ngoài ngứa họng lắm nhưng chưa có cơ hội xen vô. Nghe ông Bảy hỏi, một chú đáp liền:

- Dạ, tụi con đứa nào cũng biết ca hết ông Bảy à?

- Tốt, chơi luôn!

Tốp bộ đội còn đang suy nghĩ để chọn bản mở đầu, chợt bà Bảy bước lên thông báo:

- Chín rồi nè ông ơi.

Ông Bảy quay lại:

- Chín rồi hả, chín rồi thì dọn lên.

Cuộc đờn ca tạm ngưng, nhường chỗ cho mâm nhậu. Ông Bảy bước tới bàn thờ, xách xuống một chai rượu thuốc khoe:

- Đây là rượu đặc biệt, qua ngâm chỉ để dành uống một mình, thích mấy chú em lắm mới đem ra đãi.

 

Chai rượu được cái “hậu” hơi ngọt ngọt, nhưng hình như có phảng phất mùi gì tanh tanh rất khó uống. Tuy vậy, mọi người đưa qua đưa lại một hồi cũng “đứt trất” hai lít. Ông Bảy  vội vào buồng bê ra nguyên một cái bồn. Vừa khệ nệ, ông vừa nói.

- Còn chừng nửa lít nước cốt, mình vét hết luôn.

Tốp bộ đội trố mắt nhìn vào bồn, anh nào cũng dựng tóc gáy. Một con rắn hổ đất tổ bố nằm khoanh dọc theo lòng cái bồn thủy tinh.

 

Tiệc  nhậu vẫn còn hào hứng, ông Bảy nâng cây đàn kìm lên, chúm năm đầu ngón tay gõ vào thùng nghe cụp cụp báo hiệu tới màn văn nghệ. Tốp bộ đội lúc nầy đã “bừng bừng khí thế”. Chẳng cần giới thiệu, một chú cất giọng:

 

-  “Kể từ khi…

Quân dân ta nổi dậy tiến công

Hồi  kèn thúc quân vang khắp núi sông

Mỗi độ xuân sang mai vàng nở rộ

Rộn bước quân hành tô đậm vần thơ...”.

 

Có rượu vô cả tiếng đàn lẫn tiếng ca đều chắc lỏi. Bản Tây Thi vừa dứt, tiềng vỗ tay nổi lên đôm đốp. Rồi thì “ba Nam sáu Bắc, bản vắn bản dài” gì cũng tuôn ra ào ạt. Đêm đờn ca không chỉ gói gọn trong phạm vi nhà ông Bảy mà còn quy tụ người cả xóm.Già trẻ gái trai đều kéo đến chật sân. Điều mà ai cũng ngạc nhiên là bấy lâu nay nhà ông Bảy luôn vắng tanh như ngôi chùa hoang, nay lại là tụ điểm vui nhứt xóm.

Cuộc văn nghệ còn đang sôi động bỗng phía sau có tiếng hỏi lớn:

- Xin hỏi bà con cô bác ở đây có ai biết người nầy không?

Mọi người giật mình quay lại. Trong quầng sáng của bóng đèn pin, một thanh niên ướt ngoi ngót trong bộ đồ “nửa dân nửa lính”. Mặt mày anh xanh lét, hai tay bị trói quặt ra sau. Phía sau anh là đồng chí cán bộ quân Giải phóng và hai anh bộ đội. Cả đám  đông đều ngạc nhiên. Một người lên tiếng:

- Ý mèn ơi! Thằng Thiện con ông Bảy đi lính mấy năm nay không léo về nhà, sao bây giờ bị mấy anh giải phóng bắt đây?

Đồng chí chỉ huy gạn hỏi lại lần nữa:

- Phải con ông Bảy thật không bà con?

Mọi người đồng thanh đáp:

- Phải

Nghe nói đến tên con mình ông bà Bảy vội bước ra cửa, ông bà sững sốt đến ngây người ngơ ngác chẳng hiểu việc gì cả. Người cán bộ thuật sơ lại đầu đuôi sự việc và cuộc đờn ca phút chốc biến thành cuộc họp xóm.

 

Người thanh niên ấy đúng là Thiện con ông Bảy. Thiện đi lính bảo an ở tiểu khu. Anh ta đinh ninh rằng đêm giao thừa chắc không ai để ý, bèn cải trang dân thường, mạo hiểm lẻn về quê. Thiện không ngờ nơi xóm mình có quân “Việt cộng” đang trú đóng. Anh vừa lần mò tới mí vườn đã đụng đầu với tốp bộ đội đang tuần tra. Thiện hoảng hồn bỏ chạy nhưng không thoát. Tốp tuần tra ngỡ kẻ gian đột nhập vào xóm để trộm cắp. Ai ngờ xét hỏi một hồi lòi ra là một chú lính Sài Gòn. Thiện khai rằng tết này do quá nhớ nhà nên lén về thăm chớ không có ý định do thám. Khám xét trong người Thiện không có súng đạn nên tốp bộ đội tạm tin, tuy nhiên mấy chú Giải phóng cũng đưa Thiện về nhà để làm rõ.

 

Biết được sự việc, ông bà Bảy không cách nào hơn là van xin cho con mình. Một ông già trong xóm nêu ý kiến:

- Thưa chú chỉ huy, tôi là người cùng xóm với ông Bảy chớ không có bà con dòng họ gì nên có sao nói vậy. Tôi biết thằng Thiện tánh tình không gian xảo. Việc nó đi lính cũng là hoàn cảnh chứ chẳng ham muốn gì. Nó đã từng đào ngũ lên đào ngũ xuống bị tụi nó bắt cạo trọc đầu. Ông  Bảy phải bán gần hết gia tài để lo lót mới vứt được cái áo “lao công đào binh”. Nó đã cầm súng Mỹ thì ít nhiều gì nó cũng có tội, nhưng tôi tin nó có thể cải tà quy chánh.

Người cán bộ quân giải phóng giải thích:

- Tết năm nào cách mạng ta cũng có chủ trương cho lính Sài Gòn về quê ăn tết với điều kiện không được mang theo vũ khí, việc gì anh phải núp ló ban đêm. Rất may, mấy chú tuần tra chỉ đuổi bắt chớ không nổ súng, nếu không anh đã mất mạng rồi.

Theo sự bảo lãnh của ông bà Bảy và đề nghị của bà con, Thiện được trả tự do. Sợi dây trói vừa rơi xuống đất, một tràng pháo tay vang lên vang dội.

 

Cùng lúc ấy, trên tường nhà ông Bảy, hai kim đồng hồ cũng vừa chập lại số 12.

 

Đêm giao thừa năm ấy, gia đình ông Bảy vui hơn các năm. Và niềm vui ấy được nhân lên gấp bội, bởi vì sau đó, Thiện đã trút bỏ hẳn bộ quân phục lính bảo an.

Việt Linh
Số lần đọc: 2114
Ngày đăng: 07.03.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hạnh - Bùi Công Thuấn
Chú Bảy - Hồ Tĩnh Tâm
Giọt đắng - Bích Ngân
Thăng trầm - Vinh Huỳnh
Khi người ta đói - Trọng Huân
Quy họach …Chợ - Đoàn Hữu Hậu
Về hưu non - Nguyễn Hồ
Mùa đông hoa trắng - Trần Lệ Thường
Chuyện ở Làng Gao - Hồ Tĩnh Tâm
Cõi riêng - Bích Ngân
Cùng một tác giả