Trước năm 1975 ở đô thị Sài Gòn giới văn nghệ thường gõ muỗng vào thành ly bắt nhịp hát trong quán vắng, khi chiều cô đơn, mưa lất phất :
Tóc em chừa bánh bèo
Môi không hồng da mét
…..
Em cầm một củ khoai
Gọt vỏ bằng răng rồi chia hai
Thứ khoai sùng lượm mót
Mà sao nó ngọt ơi là ngọt !
……
Hỏi nhau buồn hay vui
Biết đâu, ta cùng hỏi cuộc đời
Mưa đọng vệt ngoằn ngoèo mặt bàn, giọng ca uất nghẹn, thương cảm cho kiếp nghèo, thấp cổ bé miệng. Buồn ơi là buồn, đứt cả ruột gan !
Đó là bài Quán ven đường do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc bài thơ của tác giả vô danh. Ba chữ Vô danh thị gây tôi tò mò, thắc mắc khôn tả. Lần theo câu chuyện kể của nhà văn Sơn Nam tôi mới biết, ban đầu bài thơ có tên "Đắng và ngọt", sau nhà văn Bình Nguyên Lộc đặt tựa là "Cuộc đời", có tham khảo tác giả, lúc đó ký là Minh Phẩm. Bài thơ nầy in trên tuần báo Vui Sống, năm 1959. Lúc đó ông vào chiến khu, tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ giành độc lập, tự do cho đất nước, nên phải biến đổi thành "Vô danh thị".
Thật ra ông có nhiều bút danh như Văn Phụng Mỹ, Triều Phong, Phạm Võ…và rất nhiều bạn đọc biết đến tên ông ký dưới nhiều tập truyện ngắn : Trang Thế Hy. Ông tên thật là Võ Trọng Cảnh, sinh năm 1924, quê quán tỉnh Bến Tre.
Thập niên 1950 ông viết báo Nhân Loại, một số truyện ngắn gom lại thành tập Nắng đẹp miền quê ngoại, in tại Sài Gòn năm 1964. Tiếp theo là truyện Anh thơm râu rồng (in chung với những nhà văn được giải Văn học Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn nghệ Giải Phóng miền Nam Việt Nam) năm 1965, TFS Đài Truyền Hình TP HCM chuyển thành phim nhiều tập, Mưa ấm in năm 1981, Người yêu và mùa thu in năm 1981, Vết thương thứ 13 in năm 1989, Tiếng khóc và tiếng hát in năm 1993 (tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, NXB Kim Đồng in lại trong Tủ sách vàng năm 2002), Nợ nước mắt (giải A của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, năm 2002). Các đầu sách kể trên đều là truyện ngắn, tập in sau có in lại ít nhiều truyện của tập trước. Tổng cộng ông viết chừng hơn 50 truyện ngắn, đáng tiếc là phần viết trước 1975 bị thất lạc, tứ tán khắp nơi vì nhà bị cháy rụi trong cuộc Tổng tấn công Mậu Thân năm 1968. Ông cho rằng : "Trong lời tâm sự của tôi in trong tập Nhà Văn Việt Nam hiện đại, Ban biên tập đã cắt mấy câu tự thẩm định về sự mến mộ của công chúng bạn đọc trong thời kỳ tôi hoạt động tại Sài Gòn bị tạm chiếm. Tôi nói sự mến mộ đó là mến mộ phẩm hạnh chính trị của một nhà văn trong tình hình đất nước bị chia cắt chứ không phải mến mộ tài năng văn chương. Tôi nghĩ có lẽ Ban biên tập cho rằng đó là sự khiêm nhường không cần thiết. Tôi thì cho là cần thiết để tự răn mình đừng nuôi ảo vọng về tài năng mình".
Sau năm 1975 ông về công tác ở Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh, có chân Ủy viên BCH trong hai nhiệm kỳ đầu. Thời kỳ nầy ông ở chung cư 190 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, lầu 4, trước nhà lỉnh kỉnh chậu cây kiểng trồng xen các loại rau dùng cải thiện bữa ăn đạm bạc của mình. Đây cũng là nơi ông gặp gỡ các nhà văn trẻ thành phố như Lý Lan, Ung Ngọc Trí, Trầm Hương, Bùi Chí Vinh, Thanh Nguyên…chuyện trò về nghề viết lách, về cuộc đời. Mỗi câu chuyện ông là bài học nho nhỏ, thấm thía cho ai quan tâm đến nghề cầm bút. Cứ thong thả kể, nụ cười hóm hỉnh, gương mặt buồn buồn, tất cả quyện vào nhau lôi cuốn vô kể. Tôi là người ham chơi thế mà bận cách mấy cũng thu xếp tạt qua, ngồi bệt xuống sàn gạch bông xem ông kho cá bằng chiếc nồi đất nhỏ, lôi từ trong tủ lỉnh kỉnh đường, tiêu, bột ngọt, đích thân nêm nếm. Nhiều người nói ông kỹ tánh trong từng chi tiết trong đời sống cũng như viết truyện ngắn, làm thơ. Tôi nhớ hoài câu ông viết trên tường sát với bàn để nước uống : "Khách đang ngồi nếu có tiếng gõ cửa xin để chủ nhà định liệu". Ông sống ở thành phố mà vẫn giữ phong cách dân dã miệt vườn. Đây là thời kỳ ông viết nhiều truyện ngắn hay, vang động, nức lòng bạn đọc, chỉ cần đọc qua cái tựa đề mà nghe được âm ba xao động cuộc sống : Mưa ấm, Vết thương thứ 13, Nợ nước mắt, Người bào chế thuốc giảm đau…Tết đâu khoảng năm 1988 báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh đăng truyện ngắn Vết thương thứ 13, nhà thơ Diệp Minh Tuyền đọc xong, khoái chí tử, bao anh em văn nghệ một chầu, tuyên bố một câu xanh dờn : "Đây là truyện ngắn hay…nhất thế kỷ 20".
Trang Thế Hy là người sống sâu đậm với kỷ niệm và có trí nhớ tuyệt vời, bước qua tuổi 80 ông có thể đọc lại bài thơ tiếng Pháp từ thời còn học ở Collège. Ngoài việc viết lách ông còn có tài nấu nướng, bắn ná giàn thung rất cừ, câu cá rô thiện nghệ. Còn nhớ lúc thiên hạ đang xôn xao quyển Nghệ thuật viết tiểu thuyết của Milan Kundera do nhà văn Nguyên Ngọc cổ xúy, ông tìm đọc L'art du roman của M. K. bằng tiếng Pháp. Theo tinh thần người phương Đông ông cho rằng câu : "Trí nhớ là một vũ khí của người yếu chống lại cường quyền" của M. K. phải chuyển thành "Trí nhớ là sức mạnh của người yếu chống lại cái Ác" mới đúng tính chất khoan dung và nhân ái con người.
Những lúc ngà ngà say ông đọc thơ bằng tiếng Pháp, xong dịch lại bằng tiếng Việt, cặp mắt ánh lên nỗi thống khoái, bàn tay vung ra chém vào khoảng không. Ông kêu tôi lục tìm chai rượu dang dở ở kẹt tủ hay góc chân bàn, rót cho đầy ly, rồi ngâm nga khe khẽ : "Ôi khi em xua đuổi tôi thật xa. Tôi mới được tự do nhìn ngắm nhan sắc em ….(thơ Tagore)".
Không biết dung ruổi sao tôi lại thích thơ Trang Thế Hy một cách kỳ lạ, ở đây trong thơ ông lòng nhân ái sâu đậm, tình yêu như có phép mầu làm người ta yêu cuộc sống hơn. Nhiều lúc tôi lại có cái cảm giác ông quá yêu cô nhân tình nhỏ bé là nàng thơ nên ông gượng nhẹ, nâng niu, bồng bế vào một cõi mộng riêng, có lẽ vì thế ông viết quá ít thơ chăng ? Lúc nhà thơ Triệu Tử Truyền làm tờ báo văn nghệ Bông Trang của tỉnh Bình Dương có ý định in cho Trang Thế Hy một tập thơ riêng. Bản thảo đã đem sắp chữ xong, không biết cơn cớ gì lại ngưng nửa chừng, không nghe chút tăm hơi. Thật đáng tiếc và đáng trách !
Thử đọc một vài bài thơ lẻ của Trang Thế Hy in trong tập Tuyển tập 15 nhà thơ đồng bằng sông Cửu Long, do NXB Mũi Cà Mau & Ban liên lạc Hội Nhà văn VN tại ĐBSCL in năm 2003.
"CHÀNG thấy NÀNG đẹp rồi chàng mới yêu,
Anh thì ngược lại,
anh yêu em trước rồi sau đó mới biết rằng em đẹp"
Lời nói dối ngược ngạo luật phản xạ của anh chồng
làm ửng hồng đôi má cô vợ trẻ.
(Lời nói dối nhân ái)
Ở bài thơ Tấm vé số và những thiên đường có sẵn, ông chỉ muốn tìm thấy một tình yêu khiêm nhường, nhỏ nhoi, thế mà cũng không có được :
Muốn xây tổ ấm khiêm nhường nơi mặt bằng
cuộc sống,
cho nên chàng không nhảy, chỉ bò thôi.
Nàng quen nhìn lên, không bao giờ nhìn xuống,
làm sao thấy được chàng
trong số những người bò ?
Và hãy nghe tiếp về một nỗi niềm có tên là HY VỌNG :
Pê-tô-phi nói : "Hy vọng là một con đĩ"
Lỗ Tấn viết : "Những suy nghĩ về hy vọng đột nhiên làm tôi hoảng sợ"
Từ tuổi mười lăm, chàng trai chưa biết hoài nghi;
đã bắt đầu si mê MI, kết nạp mi làm bạn đường
mặc dù chưa từng được nhìn rõ dung nhan MI,
người đẹp đa chân dung
………
Cô gái bưng cà phê - gặp mỗi tháng ba mươi lần
trong nhiều năm chưa quen - giải đáp giùm ông già
bằng câu hỏi đầu tiên để làm quen
"Chiều mưa buồn sao bố lại vui ? Bố đang nuôi một HY VỌNG
gì chăng?
(Người bạn đường có tên là hy vọng)
Trang Thế Hy tâm sự : "Tôi đang động tâm, động não để nhìn cho thấu bốn chữ 'văn chương vô mệnh' mà thi hào Nguyễn Du viết trong bài thơ chữ Hán Độc Tiểu Thanh Ký (Văn chương vô mệnh lụy phần). Trong cơn lốc toàn cầu hóa nầy, liệu văn chương, vốn không có mệnh đã tự tạo cho mình được một cái mệnh hay chưa ? Suy nghĩ đầu tiên là : nếu có, e rằng nó cũng mỏng chứ không dày".
Giờ thì ông lui về quê, thị xã Bến Tre, vui thú điền nhiên, một mái nhà ngói, quanh là vườn dừa xanh um, sông nước mát rượi.
Nhà phê bình Ngô Thảo trong kỳ Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VII tháng 4 năm 2005 có nhắc đến Trang Thế Hy xem ông như một nhà văn có nhân cách đáng quý trọng, biết xuất xử đúng thời, hợp lý, biết "đi chỗ khác chơi" khi biết mình ở tuổi cổ lai hi.
Mỗi lần ghé qua Bến Tre, trên chuyến phà Rạch Miễu, gió thổi lồng lộng, sóng ngầu bọt tôi lại lẩm nhẩm đọc thơ Trang Thế Hy : "Em thương sợi chỉ quá, nhưng đành phải bứt đứt nó trước bằng chính tay em".
5.20005.
Trích thơ Trang Thế Hy :
CUỘC ĐỜI
Ngày xưa hồi còn thơ
Một chiều nắng đẹp khoe màu tơ
Tôi cùng em, hai đứa
Thơ thẩn ngồi chơi bên ngạch cửa
Tóc em chừa bánh bèo,
Môi không hồng da mét
(con nhà nghèo !)
Đầu anh còn hớt trọc
Khét nắng, hôi trâu, thèm đi học
Em cầm một củ khoai
Gọt vỏ bằng răng rồi chia hai
Thứ khoai sùng lượm mót
Mà sao nó ngọt ơi là ngọt !
Bây giờ giữa đường đời
Kỷ niệm ngày xưa xa mù khơi
Gặp nhau chiều mưa lạnh
Hai đứa cùng sang trong bộ cánh
Dung nhan em còn tươi
Anh mừng tưởng đâu đời em vui
Nào hay đây là quán
Em bẹo hình hài ra bán
Đang thời đông khách mua
Chợ thịt còn sung được nhiều mùa
Nghe nói anh cầm viết
Nghệ thuật là gì em muốn biết
- Mùi tanh nói mùi thơm
Cây bút cầm tay : cần câu cơm
Đó em ơi ! Nghệ thuật :
Nhắm mắt quay lưng chào sự thật
Rồi đôi ta nhìn nhau
Không ai đánh mà nghe đau
Em mời anh bánh ngọt
Nhớ củ khoai sùng ngày xưa lượm mót
Đường bánh tươm vàng mơ
Như nắng chiều xưa khoe màu tơ
Mới cầm lên chưa cắn
Mà sao nó đắng, ơi là đắng
Xin anh một nụ cười
- Cười là sao nhỉ ? Anh quên rồi
Xin em chút nước mắt
- Mạch lệ em từ lâu đã tắt
Hỏi nhau buồn hay vui
-Biết đâu, ta cùng hỏi cuộc đời
1959.
MINH PHẨM