Sáng dậy, gỡ tờ lịch, tiện măt xem ngày âm, tôi biết bữa nay ngày mồng năm tháng năm, Tết Đoan Ngọ, ngày tôi nhớ đời : dưới quê tới mùa còng lột, mùa mắm còng.
Mọi năm, vào dịp này, sau ngày mồng năm chừng vài tuần, tôi thường được món quà : keo chao đựng mắm còng nhỏ xíu kèm theo vài trái chuối chát của cậu năm gửi từ quê lên.
Mắm làm bằng con còng lột chỉ là món ăn đồng nội đạm bạc của quê nghèo, vậy mà ngót mười lăm năm sau ngày giải phóng, năm nào, muà còng nào cậu cũng gửi lên cho tôi. Vì một lý do riêng đối với cậu cháu tôi, mắm còng trở thành món ăn để hoài niệm.
Trong chiến tranh, cậu làm du kích, tôi làm phóng viên mặt trận. Nămđó, quê tôi là chiến trường, lại vào chiến dịch nên tôi thường về sống với đội du kích của cậu. Sông Ba Lai hạ nguồn mùa khô nước mặn đắng, dân lại tản cư, du kích mất nguồn tiếp tế nước ngọt và thức ăn.
Để có nước ngọt cầm hơi, du kích phải ngược dòng sông, bơi miết về trên nguồn nơi giáp nước, nhận xuồng cho nước ngọt tràn vào đầy óc ách rồi bơi về, tiện tặn chi xài cho qua muà, qua chiến dịch.
Có một lần, địch phục kích, mấy đội viên lấy nước ngọt không trở về nữa.
Còn thức ăn, du kích ăn toàn chữ C : thịt cò, cua, còng, cá chốt, đọt chà là, dây cóc kèn ... được coi là món ăn "chiến lược". Căn cứ núp trong rừng cò, ăn tỉa cò mới ra ràng lột da, xẻo đùi hầm với cũ hủ chà là hoặc rô ti đường chảy, ăn ngày này qua tháng nọ.Tỉnh ủy sợ lộ căn cứ, sợ cò bỏ đi nên buộc phải ngưng, thế là tắt nguồn, chúng tôi phải quay sang cua, cá chốt. Những thứ này phải câu và cũng hiếm nên cứ phải luân phên từ cá cua, tới còng. Mùa còng lột vỏ, mỗi năm một lần vào mồng năm tháng năm ta. Lớp áo giáp đủ màu được trút bỏ, những chú còng mềm như lụa, thân ngậm đầy sữa, chỉ cần nấu qua loa cũng thành món ăn "cao cấp" liền. Nhưng còng lột nhiều vô kể, ăn đâu hết một lần, nên phải làm mắm để dành ăn dài hạn cả năm. Lại cũng có mùa, mắm đầy hủ nhưng không nhá được vì nhớ tới máu của một đội viên du kích thấm vào đó ...
Như thế, mùa mắm còng đâu chỉ là mùa mắm còng, nó đã trở thành mùa để nhớ quê nghèo, nhơ đồng đội, nhớ Cậu Năm. Cậu biết vậy nên cứ tới mùa còng làm mắm gửi lên thành phố cho tôi. Lần duy nhất đích thân cậu mang lên khi cậu về hưu cách đây ba năm nhưng cũng là lần buồn nhất : thằng con trai nhỏ bảy tuổi của tôi phản đối quyết liệt, không ăn mắm. Bảo nó mắm ngon, của ông Năm cực khổ mang từ quê lên, nó rán nhắm mắt nhắm mũi gắp một đũa tí tẹo.Chưa kịp nuôt nó đã nôn ra mật xanh mật vàng. Ban ăn lặng đi. Cậu tôi buông đũa, làm bộ cười khà khà nhưng mặt tái đi như bị hớp hồn.Lần đó cậu về, buồn,giận, thôi không gởi mắm còng, cũng không lên nữa.
Tôi tưởng cậu sống để vậy chết mang theo, người du kích già sẽ không tha thứ đưá cháu trai kêu bằng ông sanh ra tại chốn thị thành không biết giá trị mắm còng. Nào ngờ, chỉ mươi hôm sau tờ lịch mách bảo cho tôi muà mắm còng tới, vợ tôi tới cơ quan làm việc thì nhận được cái giỏ đệm con con. Vừa mở ra đã nghe cái mùi khăng khẳng quen thuộc của mắm còng. Thật thần kỳ, cậu đã hết giận. Tháo bọc nylon xếp cạnh keo mắm còng ra còn thấy một gói chuối khô, loại chuối hồng phơi nắnt tại nhà ! Trong bóc chuối hồng, có lá thư, nét chữ quen thuộc của cậutôi xấu như gà bươi :
"Măm còng tao gửi cho vợ chồng mày. Còn gói chuối hồng khô tao gửi cho thằng Dân, nó không ăn được măm thì ăn chuối cũng không sao. Hôm hổm tao coi truyền hình thấy nó đờn tranh được giải thưởng tao mừng, hết giận. Không ăn mắm còng nhưng đờn được bài Khổng minh tọa lầu nhịp ngoại là tốt lắm, được cả xóm mình khen. Tao nay già rồi, vợ chồng mày có dịp dắt nó về cho tao thăm. Cậu".
Vợ tôi vừa đọc thư vừa khóc. Còn tôi thì chỉ biết xếp bức thư lại để tối về nhà đọc riêng một mình.
24.5.1993