Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.147
123.226.068
 
Mái đình quê tôi
Lê Vũ Tuấn

Sáu năm trước, ở quê tôi đột nhiên xuất hiện quán... bia ôm đầu tiên, lôi kéo được không ít người trẻ. Bên cạnh đó xảy ra sự kiện khác, thu hút được rất đông người già: khôi phục lễ cúng đình và tu sửa lại đình. Bây giờ, khi đình được tu sửa xong, quán bia ôm tự nhiên...biến mất. Già, trẻ cùng nhau đi cúng đình.

 

NỖI NHỚ...“THẦN HOÀNG” 

 

Năm 1992, tự dưng lão Bảy Ng. nhảy ra mở quán bia ôm đầu tiên, làm náo động cả xóm Rạch Chùa. Cứ mỗi buổi chiều là tiếng nhạc xập xình, được mở hết công suất và truyền qua loa...phóng thanh, bay từ đầu vàm vô tới cuối ngọn - nơi có nhà của ông Mười Triệu đang giữ “sắc thần” - nhằm lôi kéo kỳ hết đám trai tơ chân chất, thật thà lao vào vòng tay mấy “con HIV mắt xanh, mỏ đỏ” . Ông Mười Triệu nổi...sùng, chạy xe đạp ra ghé nhà tôi, tay dằn mạnh ly trà: “Thằng Tư mầy coi, cái đám “bị dịch”  bây giờ nó lộng hành quá thể, không biết sợ “thần hoàng”  là gì. Hồi trước giải phóng, “ổng”  từng vật hộc máu con “kỳ nữ”  Thu Ba vì tội múa...sexy giữa đình, mầy còn nhớ không?” . Về chuyện này thì “thằng Tư”  - tức là ba tôi, nay đã 61 tuổi - còn nhớ. Năm 1957, đoàn cải lương Tân Kim Chưởng về lưu diễn xã nhà - xã Tân An Trung, quận Đức Thịnh, tỉnh Sa Đéc cũ,  nay là xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Diễn hai đêm đầu thấy quá ế khách nên tới đêm thứ ba, ông bầu giở “độc chiêu” . Giữa lúc các hương thân, phụ lão đang nhăn mặt, nhíu mày thì bất ngờ “kỳ nữ” té lăn trên sân khấu, máu tứa ra mồm và chết ngay trên đường đi cấp cứu. Sáng hôm sau, đoàn cải lương lập tức “sóng giang”  (tức là... sáng dông), rồi nghe đâu rã gánh.

Sự kiện đó in sâu vào ký ức của làng như lời răn nghiêm khắc nhất của “thần hoàng”  nhằm bảo vệ thuần phong, mỹ tục. Bà nội tôi - nay 86 tuổi - kể thêm: “ Vào thời bao cấp, có lần bà lỡ tay sạ giống lúa mùa nên bị tập đoàn buộc phải đổi qua giống cao sản. Bà mướn ông Hai Xía trong xóm đi vô đồng phát bỏ lúa non. Dè đâu chỉ 15 phút sau đã thấy ổng vác phảng chạy về: “Cô Năm ơi, con có nghèo thì ráng chịu, chớ nỡ lòng nào mà chém lúa cho đành. Ông “thần hoàng”  dưới đình sẽ bẻ cổ con!”  Lúc đó đình đang được huyện ủy mượn làm trường Đảng, nhưng xem ra trong ý thức người dân vẫn còn nguyên hình ảnh “thần hoàng” .

 

Ông Mười Triệu vỗ bàn nói mạnh: “Gánh hội đồng tụi bây phải bàn với Ủy ban xã “dẹp loạn” cho mau. Chớ để vậy riết có ngày tụi nó bứng cả mồ mả ông bà đem bán” . Ngẫm nghĩ một hồi, rồi ông lại nói thêm: “Gánh già tụi tao sẽ tiếp sức”. Nhưng quán bia ôm vẫn mọc “đều trời”. Dọc các xã “ven Tiền”  (ven sông Tiền), từ Cái Tàu Thượng xuống tới Tân Quy Đông, chỗ nào cũng có. “Gánh già”  của ông Mười Triệu - tức là Ban tế tự - lập tức viết đơn gởi về trên xin nhận lại ngôi đình và tổ chức cúng đình...

 

GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG

 

Ba năm qua, cứ đến ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch, bà con quê tôi lại chăm chút theo dõi qua truyền hình, coi giỗ Tổ vua Hùng được tổ chức ra sao. Riêng các vị trong Ban tế tự còn quan sát thật kỹ, từ kiểu dáng trang phục, màu sắc cờ phướn,... cho đến các nghi thức hành lễ để áp dụng cho...đình của mình. Vâng, từ năm 1996 đình làng Tân An Trung quê tôi (gọi theo tên gốc của xã) cũng tổ chức “đại lễ giỗ Tổ Hùng Vương”  đúng vào dịp kỳ yên hạ điền. Ban đầu chỉ là do “trùng ngày” , theo gợi ý của một số cán bộ Sở văn hóa - thông tin tỉnh, nhưng dần dà cái ý tưởng “hướng về nguồn cội” ẩn sau sự kiện đặc biệt đó, càng trở nên thâm hậu.

 

Ông Hai Vầy, nguyên Trưởng ban tế tự, từng tâm sự với tôi: “ Chưa cúng Quốc Tổ thì không nói làm gì. Chớ đã cúng rồi, tự nhiên trong lòng mình bật lên câu hỏi: Biết lấy gì để báo cáo với Hùng Vương, khi lớp trẻ ngày nay không ai rõ: Ông bà mình hồi trước đã khai hoang mở đất ra sao ? Lọc lựa đặt tên ấp, tên thôn như thế nào ? Bởi vậy, Ban tế tự mới mời cán bộ ở Ban tuyên giáo Tỉnh ủy giúp soạn ra một quyển sử về đình làng”.

 

Bây giờ tôi đang cầm quyển sử ấy trên tay, thầm biết ơn những “lão nông tri điền”  đã nghĩ ra một cách thức“ tri ân” độc đáo, để tôi - gần 40 tuổi trên đầu - còn may mắn được hiểu về nơi mình “chôn nhau, cắt rốn” .           

Năm Đinh Sửu 1757 (cách nay 241 năm), vua Thủy Chân Lạp là Nặc - ông Tôn hiến đất Tầm - phong - long cho Việt Nam. Đó là dãy đất “ nằm giưịa và hai bên bờ sông Tiền, sông Hậu, chạy dài từ biên giới Cao Miên ra đến miền duyên hải Trà Vinh” .

Hơn 30 năm sau đó (1789), chúa Nguyễn đặt chức “quan điền toán” , lệnh cho các ông: Trịnh Hoài Đức, Ngô Tùng Châu,... đi các nơi đốc suất khai hoang. Trong khoảng thời gian này, có đoàn lưu dân đông hơn 800 người do 2 ông Nguyễn Hữu Thoại (chưởng cơ) và Hồ văn Lân (phụ tá) chiêu mộ từ Quảng Bình tới Thừa Thiên, đi ghe bầu vô Nam lập nghiệp. Trong đó, có đội của ông Nguyễn văn Phấn gồm 50 người, thuộc 6 dòng họ - Nguyễn, Trần, Hồ, Huỳnh, Tống, Ngô - quyết định dừng chân tại một địa điểm nằm bên bờ hữu ngạn sông Tiền.

Ông Phấn chia đội ra làm 4 tổ, nương theo 4 ngọn rạch mà khai phá lần vô. Về sau, tổ ông Trần văn Quận lập ra xóm Rạch Chùa; tổ ông Hồ văn Sum: xóm Rạch Xưởng; tổ ông Tống văn Thanh: xóm Thủ cũ và tổ ông Ngô văn Được: xóm Mương Điều.

Đến năm Nhâm Tý 1825 (cách nay 146 năm), vua Tự Đức chính thức ban “sắc thần”  cho thôn Tân An Trung, gồm 4 ấp: Tân Hòa, Tân Thuận, Tân Hưng và Tân Bình.

Tên ấp, tên thôn được đặt ra hoàn toàn không phải do ngẫu nhiên. Đúng 210 năm về trước (1788), vua Gia Long “tẩu quốc”  về Nước Xoáy (thuộc xã Long Hưng, huyện Lai Vung), cho xây một cái “thủ” -  qui mô nhỏ hơn “ đồn”  - ở nơi sau đó mang tên là “Thủ Cũ” . Qua năm sau, quân Tây Sơn chiếm cứ vùng này, lập ra một cái xưởng rèn đúc binh khí tại ngọn rạch được mang tên “Rạch Xưởng” . Rồi một trận thủy chiến lớn nổ ra giữa 2 thế lực quân sự mạnh nhất đương thời tại khu vực Bãi Hổ, nằm đối ngạn với thôn Tân An Trung (thuộc 2 xã: Tân Tịch và Tịnh Thới, thị xã Cao Lãnh). Bởi vậy, có ghép tên của 4 ấp - Hòa, Thuận, Hưng, Bình - thì mới hiểu cái “ưu thời, mẫn thế”  của ông cha. Chỉ mong sao đất nước thống nhất để cháu con được hưởng cảnh hưng vượng, thanh bình.

Bà tôi bảo: “Chuyện hay như vậy sao không đem vô trường dạy cho sấp nhỏ học, để tụi nó hiểu cai công ơn trời biển của ông bà, sau này lớn lên trở thành người hiếu nghĩa?” . Ba tôi - vốn là một thầy giáo - trả lời: “Ban tế tự có bàn ý này với Uy ban, nhưng ai cũng nói nó còn mới quá” . Sau đó, bà con quê tôi còn làm thêm một chuyện “mới”  hơn: Tổ chức đưa di cốt Tiền hiền (ông Nguyễn văn Phấn), Hậu hiền (ông Trần văn Quận) vào trong đình an táng, để cháu con kính ngưỡng đời đời, tức để “dạy hiếu nghĩa cho sấp nhỏ”  như ý nguyện của bà nội.           

 

HÀNH TRÌNH “ ĐÓI VÀ YÊU”

 

Lễ kỳ yên năm nay, mái đình quê tôi đẹp chưa từng thấy, có thể nói là đẹp nhất trong 144 năm, kể từ khi có nó tới giờ. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Ngọc Thi nhận xét: “Hồi trước, đình còn sập sệ, ai đi ngang tưởng trong xã đang bị mất mùa hay dịch bệnh. Bây giờ, đình sửa lại khang trang, lại thấy “nông thôn mới”  sinh khí tràn trề. Phải nói rằng, kể từ ngày Nhà nước cho khôi phục cúng đình, mối quan hệ giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân càng gắn bó nhau hơn. Khi mình cùng thắp nhang, cùng xá trước bàn thờ, sau đó bàn bạc với bà con chuyện gì cũng dễ” .

 

Thật ra ở quê tôi có rất nhiều kỷ niệm của kháng chiến gắn liền với mái đình. Bà tôi kể: “Hồi “cách mạng mùa thu” , hưởng ứng lời kêu gọi khởi nghĩa của Việt Minh, bà con Tân An Trung đã vô đình khấn vái “thần hoàng” , mượn cờ,  phướn, đao, kiếm, phủ việt (búa), lỗ bộ (chùy),...đem theo trợ oai, rồi kéo nhau xuống tỉnh lỵ biểu tình cướp chính quyền. Tới 2 giờ chiều hôm đó (25.8.1945), dự mít-tinh mừng chiến thắng tại sân banh Sa Đéc, rồi mới về. Nhưng chỉ hơn nửa năm sau (tháng 2.1946), giặc Pháp tái chiếm Vĩnh Long, tấn công lên Sa Đéc. Việt Minh kêu gọi toàn dân  “tiêu thổ kháng chiến” . Các vị hương thân, phụ lão lại thắp nhang khấn vái “thần hoàng” , xin được thiêu hủy đình, “khi nào độc lập sẽ dựng lại như xưa” .

 

Rồi kết thúc “kháng chiến 9 năm” , bà con Tân An Trung tiễn đưa Vệ quốc đoàn đi  “tập kết” . Ước mơ thống nhất đất nước xem ra đã gần kề. Ba tôi - lúc đó là y tá của Quân dân y Tỉnh đội Long Châu Sa, mới 16 tuổi - còn giữ riêng một kỷ niệm nhớ đời: “Tay tiểu đoàn phó cho căng tấm băng – đơ - rôn thật lớn, ghi dòng chữ: “Đời chỉ đói và yêu làm rúng động hoàn cầu”  tại một đám cưới. Khi đơn vị lên Bắc Cao Lãnh xuống tàu, bà con trong làng còn nhắc mãi: Đó, sĩ quan thời 9 năm người ta hiểu học thuyết Mác – Lê... điệu nghệ như vậy đó” .

Tới ngày 30.4.1975 lịch sử, theo yêu cầu của ông Năm Bình - Huyện ủy viên, được phân công giải phóng xã nhà - nửa đêm ba tôi chạy Honda xuống đình mời trung úy Chữ - Chỉ huy trưởng Phân chi khu ngụy - lên Rạch Chùa tính chuyện bàn giao. Kết quả: Cuộc chạm súng nhanh chóng được xóa bỏ. Thật đúng câu “Hoà thuận hưng bình”!

 

Giờ đây, tại lễ hội cúng đình, tôi gặp lại đủ mặt các “chứng nhân lịch sử” . Tất cả đều là con cháu của làng, cùng chịu ơn 6 dòng họ “khai sơn, phá thạch” , cùng được chở che bởi một ông thần. Từng đoàn thôn dân khăn áo chỉnh tề, kẻ đội mâm xôi, người bưng ngũ quả, lũ lượt kéo nhau vào cúng “thần hoàng”  và tưởng vọng Quốc Tổ Hùng Vương. Trong đó, có rất đông người trẻ. Trai thanh, gái lịch diện toàn những bộ cánh “chiến”  nhất y như đi chơi Tết, rõ ràng đã coi đây là ngày hội của mình. Trong chánh điện, tôi bất ngờ bắt gặp lão Bảy Ng. đang thắp nhang, sực nhớ “quán bia ôm” ở xã đã biến mất tự hồi nào. Ông Mười Triệu - vừa được bầu làm Trưởng ban tế tự - nói: “ Chỉ tiếc Hai Vầy không còn sống để chứng kiến cảnh này” .   

 

Ông Hai Vầy là Trưởng ban tế tự đầu tiên ở quê tôi, kể từ ngày khôi phục lễ cúng đình. Trong 6 năm tu sửa lại đình, ông luôn là người hăng hái nhất. Đến nỗi ông Sáu Phước, Phó ban, nói vui: “Sáng nào ổng không đạp xe xuống… ngó đình một cái là ngày đó ăn cơm hổng được” . Thật đáng khâm phục, khi biết: Trong ngần ấy năm, các thành viên của Ban tế tự đều bỏ ra mỗi năm 3 tháng để làm “công quả” cho đình thần. Năm nào lúa bị thất mùa hay rớt giá, bà con đóng góp hơi ít, Ban tế tự lại...“móc tiền túi”  bỏ vô nhằm đảm bảo tiến độ thi công. Vị nào có con cháu làm việc cơ quan hay ra đời làm ăn phát đạt, dù là ở xa, đều viết thơ nhắc nhở “việc làng”. Bởi vậy, đã có thêm một “ lớp trẻ...sồn sồn”  cùng góp sức cho cuộc trùng tu. Và bao giờ cũng vậy, ông Hai Vầy luôn tặng lại cho “các cháu Mạnh Thường Quân”  một quyển sử đình làng. (Để rồi trong lòng họ cũng diễn ra một “cuộc trùng tu” ). Năm 1997, ông Hai Vầy bệnh nặng, phải điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Ban tế tự tạm gác công việc, bao một chiếc Toyota 24 chỗ ngồi lên TP.Hồ Chí Minh thăm ông. Ba tôi kể: “Ổng nằm mê mệt mà hỏi toàn là chuyện sửa đình. Khi mệt quá, ổng sờ tay vô vách nói... sảng: Tường đình mình trắng quá, bây ơi. Phải sơn như vầy, nó mới đẹp! Thấy vậy, cả Ban tế tự đều khóc ròng” . Giáp Tết Mậu Dần 1988, ông Hai Vầy từ trần, thọ 69 tuổi, kết thúc cuộc hành trình của “đói và yêu” trong hành trình lớn của văn hóa.                                       

 

“Qua đình giở nón kỉnh đình - Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu”  (ca dao). Nhưng không hiểu sao trong sự hình dung của tôi, mái đình quê hương giống như cái... nón lá : che “sắc thần”  thôi dãi nắng, dầm mưa; che nước mắt tiễn đưa trai làng đi tập kết, che nụ cười mừng tủi đón người thân ngày chiến thắng trở về...

Cái “ nón lá”  ấy ấp ủ bao điều sâu kín của hồn quê...

 

( Báo Lao Động tháng 8.1998 )

Lê Vũ Tuấn
Số lần đọc: 2641
Ngày đăng: 11.03.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Không biết bây giờ lão nông Ba Dễ có còn sống hay không ? - Lê Vũ Tuấn
Mang mật chỉ đi cởi trói nông dân - Hà văn Thùy
Đồng bằng SÔNG CỬU LONG:Có thể sống chung với lũ mà không cần cứu trợ ? - Trần Đổ Liêm
Nước mắt Chị dâu - Lê Vũ Tuấn
Ký ức Giồng Găng - Lê Vũ Tuấn
Mồ hồng nhan : Con sông Tiền Đường Trung Quốc - Lê Vũ Tuấn
Nhớ về một cái tết - Ngọc Thủy
Kể chuyện nhà văn Sơn Nam - Huỳnh Kim
Những thiên thần trong bão lửa - Ngọc Thủy
Nhạc sĩ TÔN THẤT LẬP Lãng mạn,hào hoa và dũng khí - Võ Quê