Tình hữu nghị và mối tương đồng văn hóa trong lịch sử quan hệ nhiều mặt giữa hai dân tộc Việt - Hàn, có lẽ bắt đầu từ thế kỷ XIII, khi hậu duệ của Lý Long Cán (tức Lý Cao Tông) là Lý Long Tường trôi dạt vào đất Cao Ly trong thời gian vượt biên tìm đường lánh nạn. Lý Long Tường đã sớm gia nhập vào cộng đồng Cao Ly và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng Tổ quốc thứ hai của mình, nên được triều đình Cao Ly ban tặng tước hiệu “Bạch mã tướng quân”. Đài vọng quốc hiện còn trụ lại trên đỉnh núi Hoa Sơn ở Hàn Quốc, mà vua Cao Ly cho xây dựng để dòng họ Lý ở đây vọng tưởng về cội nguồn tổ tiên, mãi mãi là một biểu tượng cao cả về sự cảm thông, chia sẻ nỗi niềm cố quốc của những người ly hương vì loạn lạc. Qua đó, còn thể hiện một kiểu dáng tương đồng văn hóa của những dân tộc sống chung nhau trong khu vực Đông á vốn chịu ảnh hưởng một nền văn hóa khổng lồ có xuất xứ từ Trung Hoa cổ đại. Cũng từ mối tương đồng ấy, văn hóa trong thời cận đại Việt Nam cũng xuất hiện một hiện tượng tương tự. Đó là trường hợp Mạc Cửu, một chính khách Trung Hoa, không cắt tóc phục nhà Thanh, đã vượt biển tìm đường đến miền Tây Nam Bộ của đất nước ta, được chúa Nguyễn tin dùng và giao cho trọng trách Tổng trấn vùng đất Hà Tiên vừa khai phá. Tao đàn Chiên Anh Các ra đời từ đây, tập họp sĩ phu và danh sĩ trong vùng xướng họa thi ca, là do Mạc Thiên Tích - con trai ông - sáng lập.
Mối tương đồng văn hóa là một yếu tố thúc đẩy tạo nên sự gần gũi và hiểu biết, cùng hợp tác và phát triển giữa các dân tộc vốn có quan hệ trong thời đoạn lịch sử nhất định, nhưng lại ảnh hưởng lâu dài khi điều kiện thuận lợi. Cả Hàn Quốc và Việt Nam xưa kia đều bị đế chế Hán chia cắt đất nước thành các quận huyện để cai trị, cùng chịu cảnh áp bức và cưỡng chế văn hóa… tuy mức độ, tính chất và thời gian có khác nhau. Và cũng như Việt Nam, Hàn Quốc chẳng những không bị đồng hóa bởi sức mạnh văn hóa ngoại bang, trái lại giương cao tinh thần tự chủ và bản địa hóa những gì thu nhận được từ cái ưu việt của văn hóa bên ngoài. Sự gặp gỡ và kính phục lẫn nhau giữa sứ thần triều Lê là Phùng Khắc Khoan và sứ thần Cao Ly là nhà chiêm tinh học Lý Toái Quang, khi cả hai cùng triều cống nhà Minh (1579), là một minh chứng cho ý thức văn hóa dân tộc của mỗi nước. Tính chất “đồng văn” giữa Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam, tuy cách hiểu giữa các nhà nghiên cứu còn nhiều điểm khác nhau, song cốt lõi đồng văn đó đọng lại trong tư tưởng nhân nghĩa mang tính xuyên thời gian từ truyền thống đến hiện đại, với sự nhấn mạnh ở những khía cạnh phù hợp với hoàn cảnh và địa điểm của mỗi nước.
Tư tưởng nhân nghĩa đó đã bị chao đảo dữ dội theo diễn biến của hệ ý thức quốc gia từ hơn nửa thế kỷ qua, nhưng chân lý vốn vòng vèo, rốt cuộc cái gì phù hợp với quy luật tiến hóa thì vẫn tồn tại trong sắc thái mới. Nhân nghĩa ở đây là một sức mạnh của đạo lý phương Đông trên một vùng thường gắn kết Nho, Phật, Lão. Một trong những mặt nổi trong văn hóa Hàn Quốc hiện nay là tinh thần phát huy tư tưởng nhân nghĩa. Đó là một cơ sở của mối tương đồng trong quan hệ văn hóa Hàn – Việt thời hiện đại. Mối tương đồng thể hiện qua dáng điệu tâm hồn, tư duy, phong thái sống, mực thước hành động và phương thức ứng xử, phù hợp với đặc trưng cảnh quan và môi trường mang đặc điểm Đông á, đã làm xích lại những con người có chung đặc điểm, dù có những khác biệt về mặt nào đó.
2. Hiểu biết về một đối tượng vốn là đồng văn của nhau để thấm sâu thêm mối tương đồng văn hóa trong giai đoạn hiện nay, là một yêu cầu trước mắt.
Khi Hàn Quốc được thế giới biết đến như một con rồng đang trỗi dậy mạnh mẽ trên bầu trời Đông Bắc Á, các nhà nghiên cứu khoa học ở phương Tây càng đua nhau đến với phương Đông ngày một nhiều hơn. Họ đến không ngoài mục đích tìm hiểu các giá trị tinh hoa trong truyền thống văn hóa phương Đông được thích nghi với thế giới hiện đại như thế nào. Hàn Quốc trong mắt họ là một mẫu hình kết hợp giữa hai nền văn minh Đông Tây, giữa tăng trưởng kinh tế và đời sống vật chất nâng cao với các yếu tố văn hóa truyền thống theo đặc điểm của dân tộc.
So với các nước cùng điểm xuất phát trước đây thì Hàn Quốc đã đi trước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trên cơ sở kinh nghiệm khoa học, công nghệ phương Tây mà họ tiếp thu, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn hoàn cảnh của một nước vốn có bề dày văn minh nông nghiệp. Đời sống vật chất của Hàn Quốc hiện tại không khác mấy so với nhiều nước phương Tây, song đời sống tinh thần của người Hàn Quốc không bị hẫng hụt trước cái xô bồ của văn minh vật chất như phương Tây. Chúng ta biết rằng, nếu không được điều tiết bởi sức mạnh nào đó thì lẽ tự nhiên kinh tế thị trường sẽ dẫn đến tình trạng “mạnh được yếu thua”, từ thị trường kinh tế tác động trực tiếp đến các lĩnh vực của đời sống, tạo ra nhiều mặt hỗn độn, khủng hoảng, bất an. Hàn Quốc không rơi vào những hậu quả tiêu cực nặng nề đó, nhờ biết cách nắm chắc và sử dụng có hiệu quả tinh hoa phương Đông gắn với lịch sử của mình để điều tiết và vô hình chung trở thành sự chỉ đạo xuyên suốt các hoạt động phát triển đất nước. Tinh hoa đó không gì khác hơn là vận dụng đạo đức Nho giáo trong tăng trưởng kinh tế và khoa học, công nghệ, đặc biệt là sự kết hợp giữa Phú và Nhân, giữa Lợi và Nghĩa, giữa Kinh doanh và Đạo đức, được phát triển từ tư tưởng nhân nghĩa của Khổng Mạnh. Sự vận dụng đó đã góp phần quan trọng vào sự khắc phục tình trạng trì trệ trong tư tưởng Nhân – Nghĩa của Nho giáo cổ xưa, do đắm chìm trong tinh thần nhân bản mà xem nhẹ tinh thần duy lý nên văn minh phương Đông phải chịu lép vế trước văn minh khoa học phương Tây. Nhưng giờ đây khi văn minh phương Tây tạo ra một sức mạnh to lớn về thành tựu khoa học và đời sống vật chất, thì chính văn minh phương Tây lại đang khủng hoảng nặng nề. Phương Đông tiếp thu kinh nghiệm từ xây dựng nền văn minh vật chất phương Tây thì phương Tây cũng cần tiếp thu những tinh tuý từ văn minh nhân bản phương Đông. Nhiều nhà khoa học trên thế giới đã nhận định có sức thuyết phục rằng, nền văn minh đích thực của loài người trong giai đoạn hiện nay chỉ có thể là sự chắt lọc và tổng hòa của hai nền văn minh Đông Tây, Hàn Quốc là một trong số ít các quốc gia đã khẳng định điều đó.
Nếu bảo rằng Hàn Quốc qua non 5000 năm lịch sử của mình, trải qua bao phen thăng trầm dữ dội, bao nhiêu kinh nghiệm được đúc rút, nên hoàn cảnh đã tạo nên một kiểu dáng văn hóa, một lối đối xử nhân thế trong thời hiện đại như trên, thì dĩ nhiên là đúng, song chưa đủ. Tư tưởng Nhân – Nghĩa hiện đại của Hàn Quốc không hẳn chỉ là phương cách hay giải pháp cho vấn đề phát triển mà có nguồn gốc sâu xa từ tư tưởng triết lý cân bằng, luôn điều chỉnh mọi biến thiên về vị trí trung hòa của mọi dao động. Đó là đặc điểm của thuyết Chu Dịch mà Hàn Quốc đã ảnh hưởng sâu rộng từ xa xưa. Nhìn lá Quốc kỳ của Hàn Quốc ai cũng thấy rõ tính biểu trưng được cách điệu về quy luật âm dương. Chỉ một nét liền, một nét chấm gạch và chồng lên nhau thành nội quái và ngoại quái. Xoay vần dịch đổi nó thành 64 quẻ dịch, 364 hào. Chỉ ngần ấy thôi mà Chu Dịch luận giải ra mọi lẽ sinh hóa của vũ trụ, mọi đạo lý ở đời và vận số con người trong vòng tuần hoàn vũ trụ.
Trong khi nền văn minh phương Tây căn bản dựa trên thuyết nhị nguyên luận, tách rời chủ thể và khách thể, và chủ thể luôn ý thức chinh phục khách thể, thì văn minh phương Đông căn bản dựa trên thuyết nhất nguyên luận: âm dương tuy đối lập nhưng hài hòa trong thái cực. Nói cách khác, trong âm có dương, trong dương có âm, trong thịnh có suy, trong suy có thịnh, bĩ cực thì đến thái lai. Và với thời đại hiện nay, tư tưởng phương Đông có khả năng hạn chế mọi xu hướng thái quá của tư tưởng phương Tây do văn minh vật chất đem lại.
Nhiều nhà khoa học còn cho rằng,một trong các bí quyết của công nghệ tin học hiện nay là bắt nguồn từ phương pháp tính nhị phân. Vậy mà cách đây mấy ngàn năm, toán học nhị phân đã có mặt trong Chu Dịch. Nét chấm gạch và nét liền trong mỗi hào chẳng phải là nhị phân thì là gì? Hàn Quốc hiện đang là một trong những quốc gia có nền công nghệ tin học phát triển nhất ở châu á không biết có suy nghĩ gì trước nhận định trên? Chỉ biết rằng, Hàn Quốc cũng giống như mọi quốc gia khác, không ai phủ nhận văn minh khoa học công nghệ phương Tây, nhưng khác với nhiều nước khác, Hàn Quốc luôn phát huy truyền thống triết lý nhân bản dân tộc, hạn chế trước các biến đổi thời cuộc.
UNESCO đã từng cảnh báo: hễ nước nào chỉ chú trọng tăng trưởng kinh tế mà xem nhẹ phát triển văn hóa thì tiềm năng sáng tạo văn hóa của quốc gia đó sẽ mất đi hoặc sa sút nghiêm trọng. Sự mất cân đối giữa kinh tế và văn hóa đang diễn ra ở nhiều nước phát triển và đang phát triển, đã mang lại những khủng hoảng to lớn trong đời sống tinh thần con người. Hàn Quốc đã tránh xa sự khủng hoảng đó và trở thành một trong số những quốc gia đã thực sự đưa yếu tố văn hóa vào kinh tế và luôn gắn bó hài hòa giữa tinh tuý phương Đông, đặc điểm phong cách dân tộc với những phương tiện, công nghệ mới do văn minh khoa học mang đến.
Do vị thế địa lý, từ xưa, người Hàn Quốc đã ví mình như: “Những con cá giữa đàn cá voi” khi bị vây quanh giữa các quốc gia hùng mạnh: nước Nga được mệnh danh là “con gấu trắng phương Bắc”, nước Nhật ở phía Đông được mệnh danh là “xứ sở mặt trời mọc” và Trung Quốc phía nam được mệnh danh là “nước trung tâm”. Qua suốt chiều lịch sử của mình, những con cá ấy đã vượt qua bao sóng gió đại dương, dần dần tạo nên thanh thế với những ưu trội riêng, đang nhịp nhàng với “đàn cá voi” trong thời hậu hiện đại.
3. Nếu tư tưởng nhân nghĩa của Hàn Quốc nặng điều chỉnh mọi biến thiên về vị trí trung hoà, thì tư tưởng nhân nghĩa của Việt Nam theo hoàn cảnh lịch sử của dân tộc đã luôn gắn chặt với chủ nghĩa yêu nước. Sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam bao giờ cũng xuất phát từ tình cảm cố kết cộng đồng, tình yêu thương con người và hướng con người đến cuộc sống đạo lý. Đó là tất cả ý nghĩa của giá trị nhân văn, trong đó thể hiện mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người và những ràng buộc, khăng khít với Tổ quốc, quê hương. Đến khi ta xây dựng học thuyết giải phóng dân tộc đi đôi với giải phóng con người và xã hội, thì tư tưởng nhân nghĩa gắn với chủ nghĩa yêu nước đã tăng lên nhiều lần theo nhân sinh quan mới gắn với nhãn quan thời đại.
Nếu tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi tiêu biểu cho chủ nghĩa yêu nước thời Đại Việt, thì chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh mang tầm vóc mới, tiêu biểu cho một chỉnh thể giải phóng - cách mạng và phẩm giá con người. Và cả hai vĩ nhân đã được UNESCO liệt vào danh sách những danh nhân văn hóa thế giới; riêng Hồ Chí Minh có thêm danh hiệu: Anh hùng giải phóng dân tộc. Chiều sâu giá trị trong các vĩ nhân đó, không gì hơn lý tưởng nhân nghĩa - nhân văn theo đặc điểm dân tộc và thời đoạn lịch sử. Điểm cao nào trong các giá trị văn hóa cũng mang tầm phổ quát nhân loại. Sự gặp gỡ giữa tư tưởng nhân văn Việt Nam với tư tưởng nhân nghĩa của Hàn Quốc, lại thêm một nhân chứng cho tính phổ quát đó. Nói cách khác, đó là sự gặp gỡ của đạo lý con người trong sự gần gũi và mối tương quan giữa đặc tính dân tộc với hoàn cảnh lịch sử và cảnh quan, môi trường xã hội.
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều du khách Hàn Quốc thường đến với các đền chùa, lăng tẩm ở Huế, hòa mình vào nhiều hội lễ, đình đám ở miền Bắc nước ta, tỏ lòng thành kính sâu xa khi vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Hà Nội v.v… Đặc biệt sự cảm thông, chia sẻ với số phận con người được phản ánh trong một số tác phẩm của nhiều loại hình nghệ thuật Việt Nam được giới thiệu ở Xơun và nhiều thành phố ở Hàn Quốc. Cũng không phải ngẫu nhiên mà đông đảo người xem truyền hình ở ta, cả miền Bắc và miền Nam đều hết sức nồng nhiệt khi xem các bộ phim nhiều tập của Hàn Quốc liên tục được phát trên Đài truyền hình Việt Nam và các Đài truyền hình Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Trong một số hội thảo khoa học ở Hà Nội về truyện thơ Xuân Hương của Hàn Quốc, đạo lý nhân nghĩa trong tình yêu và phong thái về lẽ đời, lối sống… của con người Hàn Quốc xưa kia, có cái gì đó hao hao, đồng điệu với con người Việt Nam trong những cảnh ngộ éo le khi đối nhân xử thế.
Sinh viên, Nghiên cứu sinh Việt Nam và Hàn Quốc đang học tập và nghiên cứu trong nhiều trường đại học xã hội và nhân văn của đôi bên, là những người có dịp hiểu sâu sắc về sự đồng điệu đó giữa hai nền văn hóa Việt - Hàn. Tập thơ Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh được xuất bản ở Hàn Quốc gần đây, một lần nữa cho ta thấy tư tưởng nhân nghĩa của Hàn Quốc đã bắt gặp đạo lý yêu nước trong con người Việt Nam tiêu biểu.
Nhìn nhận và tham khảo lẫn nhau các vấn đề văn hóa tiêu biểu, là yêu cầu khách quan của giai đoạn hôm nay. Truyền thống luôn có mặt trong văn hóa nghệ thuật hiện đại, và loại hình văn hóa nghệ thuật hiện đại nào có nguồn gốc từ bên ngoài, cũng thông qua lăng kính dân tộc khi tiếp xúc và tiếp thu các yếu tố tinh hoa của nó. Việt Nam cũng như Hàn Quốc đều có quan niệm như thế. Đó lại là một nét tương đồng mới trong giao lưu văn hóa Việt - Hàn.
Tháng 11 - 2003
www.vanhoanghethuat.org.vn