29 truyện rất ngắn NXB HÀ NỘI-2006 vừa xuất bản,SCL xin giới thiệu một số truyện tiêu biểu của Nhà văn Nguyễn Thị Thu Hiền,một tác giả quen thuộc của SCL.
Ngửa mặt lên trời
Nhà một tầng, muôn đời, nhà không thể hai tầng, dẫu vẫn để khoảng trống nhất định cho việc làm cầu thang từ tầng một lên tầng hai. Năm nào cha cũng bảo: “Quyết tâm phải lên tầng!”. Hết hạ rồi sang đông, khoảng trống vẫn bỏ ngỏ cho gió lùa, nắng rọi.
Nhà một tầng. Chật. Hẹp. Đông đúc và ngột ngạt. Nhà ba thế hệ. Nhà nhiều nhân khẩu. Ngày ngày, ông ngả người trên tràng kỷ tróc sơn hướng lên khoảng trống cái nhìn vô định. Bà nằm nơi phản nhỏ ghép bằng cỗ hậu sự sẵn sàng, đếm những giọt nắng hiếm hoi buổi xế chiều từ khoảng trống trên cao lọt xuống. Bà nuối tiếc:
- Ngày ấy làm nhà, giá cứ dấn lên vay tiền xây thêm tầng nữa.
Ông thở hắt:
- Vay!... Bà đừng thiển cận. Vay rồi lấy gì trả?
- Ông bà yên tâm! Rồi chúng con và các cháu sẽ cố…
- Dào! Anh nói thì dễ. Có cố gắng mấy đời…
Mẹ ngắt lời cha. Cha nhìn mẹ. Bà nhìn ông. Những mẩu đối thoại về chuyện lên tầng luôn bỏ dở.
Ngày hai lần, đại gia đình sum họp. Con gái đi học, con trai đi làm ầm ào về, dựng xe, quẳng đồ:
- Ông! Bà! Bố! Mẹ! Cơm thôi ạ!
Sau mọi đề tài, hầu như bữa cơm nào cũng xoay quanh đề tài muôn thủa.
- Giá có thêm tầng…
- Nhà bạn con mới thêm tầng…
- Vật liệu bây giờ cũng hạ…
- Thôi, ăn đi! Mỗi bữa ăn tốn kém thế này, hỏi bao giờ lên tầng nữa?
Mẹ kết luận. Bữa ăn kết thúc. Bà ăn chậm, là người cuối cùng đứng dậy, bước ra sau nhổ miếng cơm đã bã. Ông pha nước chè nuốt cục nghẹn. Con gái, con trai dọn dẹp, nghỉ, lại dắt xe ầm ào đi.
a
Nhà một tầng. Nhà chỉ có ba gian. Không phải nhà ngói ba gian thênh thang như dưới quê ông bà đã bán. Ba gian hình hộp của thập kỷ 80. Nhà đã cổ khi thập kỷ 90 sắp kết thúc, khi cuộc sống hướng nhu cầu con người ngày một tiến bộ: ăn ở tách bạch. Góc tiếp khách gần nơi cha và ông nghỉ. Ông húng hắng ho. Con gái có khách, cha ngồi ghế kế bên đọc báo rồi ngủ gật, vô tình thả tiếng ngáy pho pho. Con gái đỏ bừng mặt, tiễn khách ra về, lần sau không thấy mời lại chơi, chỉ thấy dắt xe ra khỏi nhà. Đi chơi nhà bạn về, con gái ao ước thêm một tầng, một khoảng cách… Khắc phục hoàn cảnh, con gái tạo dựng bằng cách mua vải về quây một góc. Như góc nhỏ bất đắc dĩ của những đứa bạn trong ký túc xá. Trong cái kèn tò vò, con gái ghi vào nhật ký: “Ngày… Giá nhà có thêm tầng. Lúc ấy sẽ ra ban công trang trí, sẽ treo giò phong lan, đặt chậu hoa bên cửa sổ rồi bật nhạc ngồi ngắm…
Ngày… Giá nhà có thêm tầng. Anh ấy hay tụi bạn đến sẽ không phải ngồi hầu chuyện ông bà hay chịu sự kiểm soát của bố mẹ".
Con trai đi chơi về, cũng hỉ hả khoe với em:
- Tao cưa một nàng con một. Nhà nàng ba tầng, công trình phụ bằng cả nhà mình, toa lét tự hoại…
Con gái nhăn mặt, cười. Rồi cãi nhau tiền điện thoại, truy xem ai gọi số nào cứ nhìn hóa đơn, tự động thanh toán với mẹ.
Cha mẹ bảo:
- Hay là cắt điện thoại? Tiện thật nhưng tốn tiền. Lại cứ inh tai suốt ngày.
Nhưng điện thoại vẫn để. Ông bà thành chân gác điện thoại.
a
Ba gian nhà gió lùa, nắng rọi. Nhà nhỏ ba gian mà gió lùa trống hoác, cơ hồ gió từ đầu nọ đến đầu kia là cuốn theo tất cả, sạch sành sanh, không còn gì. Chuyện lên tầng chấm dứt. Bà ốm nặng. Cha đi làm, mẹ lo hàng họ tối mai ngoài chợ. Con gái, con trai ầm ào về, ầm ào đi. Ai nấy ngắn gọn những câu ngắn gọn. Ai về cũng vấp phải bà. Bà nằm đấy. Ông khạc đờm lủi thủi dọn dẹp. Mèo+ già cuộn tròn trong chân, bên bà. Grừ… grừ… Bà nhấc cánh tay già nua, vuốt nhẹ. Grừ… grừ… Mèo cào bà, nhỏm chạy. Bà nằm đấy, chẳng ai nhớ cho mèo ăn. Chẳng ai nhớ hỏi bà ăn được gì. Ông lập cập rang bát cơm nguội. Bà vẫn nằm trên cỗ hậu sự, hướng cái nhìn lên khoảng trống bỏ ngỏ. Trên ấy là Thiên Đường.
8-1996
Mộng dục (I)
Liên ly thân với chồng đã cả năm trời. Tình dục với nàng không phải là vấn đề. Không phải nàng lên gân hay đạo đức rỏm. Liên cũng có vài người tình – những người tình đúng moden thời hiện đại – cũng hẹn hò nhà hàng, nhà nghỉ. Có người trong số họ lúc đầu ấp má kề còn tính cuộc vuông tròn với Liên. Liên gật. Nhưng nàng sợ cuộc hôn nhân sẽ tới. Không cần nhắm mắt, Liên cũng có thể hình dung được. Không khá hơn gì cả! Những người đàn ông rã rượi đổ xuống bên nàng: “Em tỉnh quá! Sao em không nhắm mắt?”.
Liên chỉ nhắm mắt vào đêm. Giấc ngủ buộc nàng phải vậy. Cả năm trời, giấc mơ nàng trống trơn, không có bóng dáng một người đàn ông nào – cả chồng, cả những người tình. Để sáng ra thêm rỗng.
Gần tháng nay, đặt lưng xuống là Liên mộng mị. Mà không, nàng đang được hưởng hạnh phúc thực – thứ hạnh phúc chưa từng. Ái ân đằm thắm với người đàn ông trong mộng khiến Liên thấy lạ chính mình. Nàng chưa bao giờ cuồng nhiệt, hết mình đến thế. Và lạ nữa: nàng chịu nhắm mắt. Lên tới “đỉnh thiên đường”, choàng mắt nhìn sang, Liên không thấy người đàn ông nào. Liên đã thức. Nàng tiếc sao giấc mơ không kéo dài, để nàng được thấy rõ người đàn ông vừa dắt nàng lên “đỉnh thiên đường”.
Chưa lần nào giấc mơ Liên trọn vẹn. Khuôn mặt người đàn ông kia vẫn bí ẩn với nàng. Hàng ngày, Liên xăm xoi từng khuôn mặt: chồng, những tình nhân. Nàng quả quyết lắc đầu: Không phải!
Gần tháng nay, Liên tươi tắn hẳn. Sắc hồng trở lại trên gò má chớm nám tuổi 35. Đôi mắt nàng long lanh, lúc mở to hết cỡ, lúc mơ màng. Chồng Liên yên chí nàng đã có bồ, chắc chắn sẽ ký vào đơn ly dị, “giải phóng” cho anh hoàn toàn. Những người tình của Liên quanh quẩn dò nhau rồi nhất loạt: nàng đã yêu chồng trở lại (!)
Mộng dục (II)
Lâm có thú chơi cây cảnh. Thú chơi này chẳng lạ, thiên hạ biết bao người đeo đuổi: chơi cây cảnh làm sang, làm giàu, làm trò tiêu khiển… Lâm mê cây cảnh – mê như “điếu đổ”, coi đám cây vô tri, khẳng khiu hơn cô vợ trẻ sinh động, “phồn thực”.
“Quả đắng” Lâm nhận lại: bị cô vợ trẻ bỏ lửng. Cô né tránh gần gụi với anh chồng “cua ốc mùi bùn”, sán lăn cậu trai con nhà giàu mới tấp tểnh thầu cây cảnh. Hôm cậu trai đến nghiêng ngó vườn cây của Lâm, cô vợ trẻ có dịp “đối chiếu xác thực”: một bên mày râu nhẵn nhụi, áo quần là lượt công tử – một bên luộm thuộm, tẩn mẩn đích thị nông dân. Cô ngán ngẩm. Cô không do dự trước ý định có dịp bùng nổ bởi đã ngấm ngầm ủ lửa bao năm bên Lâm.
Lâm mặc. Anh không lấy đấy làm vì dẫu bà mẹ vợ cám cảnh suốt ngày than thở hộ con rể: “Cứ cây cây cối cối, bùn bùn đất đất lắm vào!”… Lâm rời những chậu cây, những giò phong lan lên quả đồi mượn của người bạn. Lâm trốn. Anh nguyện sống cùng cỏ cây.
Nhưng rồi đêm đêm nàng đến… Lâm không thể chối từ. Anh cùng nàng, bất tận… Ăm ắp hương phong lan trên cơ thể nàng, ngào ngạt. Lâm đưa tay với, chỉ thấy tà áo trắng muốt như cánh lan nàng phất nhẹ. Đêm – Lâm bỗng mong mãi là đêm… Nhưng tiếng chim sâu lích chích trên gốc duối già đang gọi ngày. Lâm choàng tỉnh, cầm chiếc bình phun nước ra phía “vườn treo Babilon”. Ở đó, chắc chắn có nàng - phong – lan hằng đêm của anh.
Hàng Đường không có ô mai
Hàng Đường không có ô mai, chị ơi! Cơn cớ gì bà chị họ của em đã qua rất lâu cái tuổi ô mai, mãi tận trong xứ café Buôn Mê lại mê thứ quà con nít? Em lại nghiền café xứ Buôn Mê của bà chị. Sáng sáng, đánh võng con @ sang Hàng Mành làm một cữ, tối đi học về phải làm cữ nữa mới đã được cơn nghiền. Ngồi ở Hàng Mành buồn ngắm hàng xích lô Sans Souci, đành ném ngời ngời hy vọng sang mấy con Mẹc của đám quýx tộc tóc nâu đỏ, tóc vàng. Biết bao giờ ba mẹ sắm nổi cho em một con Mẹc như thế kia? Mà điều ấy thì… Mẹ ơi! Dẹp quách dãy lọ đựng ô mai. Chị ơi! Dập tắt thói đam mê con nít đi cho tôi nhờ.
Hàng Đường không có ô mai. Ô mai không thương hiệu Hàng Đường. Phố phố trương lên những thương hiệu hợp thời: Bảo Tín, Tín Nghĩa, Thời trang và hơn thế nữa… Cả những thương hiệu ngầm: đồ hỗ trợ, đĩa sex, thuốc lắc bên Hàng Chiếu kia.
Hàng Đường không có ô mai. Em và tụi bạn em không nghiền.