Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.157
123.203.299
 
Những chữ trôi trên cỏi tâm linh
Triệu Từ Truyền

1-Hành vi  sáng tạo

 

Khách lữ hành quẩn quanh trong sa mạc,đi tìm ốc đảo của tình yêu.

 

Chiếc phi thuyền bay tìm quỹ đạo của hành tinh nhân văn; hinh tượng ấy,phản ánh nhà thơ khám phá ra thơ của chính mình.Hiểm nghèo hơn khách lữ hành,xác xuất thấp hơn  phi thuyền vào đúng quỹ đạo.Nhà thơ cam chịu gấp bội lần hơn bất trắc.

 

Sáng tạo thơ,trước hết nên biết sáng tạo trong hành vi xã hội của mình.không sáng tạo ra một thân phận,một cuộc sống có ý nghĩa tự do chọn lựa  mối quan hệ  với những thực thể;đừng mơ tưởng việc làm thơ,vì không sáng tạo được.

 

Lý Bạch sáng tạo được hành vi đam mê cái đẹp không bị cuốn hút theo dòng thác thăng quan tiến chức.Dỗ Phủ sáng tạo ra hành vi nhân văn,sống liêm chính không a dua theo thế lực hiếu chiến phi nhân.

 

Cao Bá Quát tự lập chí lớn không cúi lòn trong bộ máy quan liêu.Nguyễn Du chọn lựa theo nghịch cảnh từng phiêu dạt trong dân gian…

 

Những nhà thơ Châu Âu : Apollinair,Valéry,Holderlin…đều sáng tạo ít nhất một hành vi dữ dội của chính đời mình.

 

Mơ ước từ nguyên sơ của loài người vẫn còn nguyên;nhưng cách thực thi mơ ước  ấy sinh ra nhiều học thuyết,nhiều đạo,nhiều phe phái, nhà thơ không dễ dàng chấp nhận những cái có sẳn đó.Cái có sẳn đó còn khoảng cách với ước mơ loài người,có thể đo độ dài bằng năm ánh sáng.

 

Sáng tạo hành vi có thuộc tính của tìm cách thực thi ước mơ loài người lá gì ? Không nên hiểu đơn giản là thơ chọn lựa cách sống,nếp sống theo tiêu chuẩn cũ vốn có hay do thời cuộc đưa đẩy.Hành vi của nhà thơ được nhận định là hành vi sáng tạo với điều kiện vừa cưu mang ước mơ nguyên sơ ,vừa có cách ứng xử độc đáo.

 

Người làm thơ biết dùng lời chữ để phản ánh hành vi sáng tạo của chính mình,hành vi sáng tạo ấy đã trở thành nỗi ám.Nỗi ám khoét sâu vào tận đáy tâm linh.

 

Viết hay,không phải chỉ quan sát để mô tả,không là khoa học thực nghiệm.Viết hay,là phản ánh nỗi ám chạm cực độ khủng hỏang tận tâm linh. Phải chăng chỉ có tâm linh mới bắc cầu  vào những thực thể  và thế sự ? Mọi người hiểu đời bằng sờ, mó, thấy, nghe…chưa thể trở thành nhà thơ được. Xây dưng chiếc cầu từ tâm linh đến môi trường sống,thám hiểm hữu thể và chân không,vật và người,dữ kiện và lịch sử…,phiêu lưu vào mọi chốn mọi nơi để chờ khoảnh khắc tương tác xuất hiện lời chữ.

 

Tâm linh nhà thơ không thể bắc chiếc cầu một lần rồi thôi.Có lúc chiếc cầu móc vào tĩnh vật,với lá ,hoa, sỏi đá.Lúc khác lại bắc vào cõi người ta. Đôi khi còn bắc lên tận đỉnh ảo ảnh của một ngôi sao đã chết từ trước ngàn năm ánh sáng. Chiếc cầu ấy vừa bền vững vừa mong manh. Chiếc cầu ấy giữa hai bờ hư thực.

 

Bi kịch của nhà thơ là tự mình không thể đi qua chiếc cầu thân phận kia để hòa nhập vào khách thể.Nhà thơ phải có sức hút lời chữ,tập họp ngôn ngữ quanh mình;những chữ được cử động băng qua chiếc cầu tâm linh,khó khăn và nguy hiểm,có chữ dừng lại trên cầu,cóchữ rơi vỡ giữa mông lung.Biết khi nào những chữ dũng cảm chiếm lĩnh được khách thể,đi hết qua chiếc cầu định mệnh kia ?

 

Nhà thơ hồi hộp,lo âu,hy vọng,cầu nguyện,tự tin…để theo dõi từng cử động của ngôn ngữ.Nếu ngôn ngữ không qua được bên kia cầu,người làm thơ đành bất lực . Song ngôn ngữ của người làm thơ tài năng bền bĩ , dẻo dai đi qua hết chiếc cầu giữa tâm linh và khách thể . Lời chữ đến nơi nên thơ sinh thành . Nói cách khác thơ kết hơp giữa tâm linh , thế sự và thiên nhiên trong cùng bản thể.

 

Đối với nhà thơ , thơ là dấu hiệu tồn tại của chính mình. Muốn tồn tại phải có ý thức nổi dậy sáng tạo. Nổi dậy sáng tạo dẫn đến chiếc cầu tâm linh và những chữ cử động băng qua.

 

2-chiếc cầu tâm linh

 

Chiếc cầu tâm linh được xây dựng bằng hợp chất, trộn lẫn giữa chủ thể và khách thể.

Hợp chất này có cơ cấu gồm những nguyên tố cuả tâm hồn nhà thơ kết chặt với những nguyên tố của đối vật hiện sinh.

 

Nhờ vậy, chiếc cầu tâm linh mới đủ sức chịu đựng những âm binh chữ vừa đi vừa quậy phá trước khi chịu thuần phục là một sinh thể thơ.

 

Trở lại thời nguyên thủy, khác hẳn với những động vật chỉ phát triển hình thể, có chân dài để chạy nhanh, có cổ để ăn đọt cây già,có cánh bay lên… Con người tập trung phát triển hệ thần kinh ứng phó thích nghi với thiên nhiên khắc nghiệt. Chính vì vậy con người có nội giới. Hệ thần kinh phát triển thuở bình minh loài người là những dây treo chủ chốt để bắc chiếc cầu tâm linh.

 

Không nên hiểu, dùng những phạm trù, ý niệm được chỉ chỉ dạy trong thời đại mới để làm dây treo chiếc cầu tâm linh sẽ dẫn đến không thơ. Vì âm binh chữ vốn dị ứng những hệ thống xơ cứng ấy hoặc ngược lại sẽ quậy phá làm đứt tung những dây treo, chiếc cầu tâm linh gãy đổ.

 

Trong cõi thơ, hợp kim chưa phải là chất liệu bền vững, nên chất liệu của chiếc cầu tâm linh không đồng nghĩa với sắt thép, sợi thủy tinh... hay một sản phẩm công nghệ nào do trí thức khoa học tiên tiến sinh ra. chiếc cầu tâm linh là một thể hòa nhập, ( Có một khái niệm tương đương là từ das Umgreifende và l'Englobant ).

 

Nếu diễn đạt bằng nghĩa đen, chiếc cầu tâm linh là bằng cây tươi, có gốc rễ cả hai bên bờ, hai bờ đều hút chất dinh dưỡng để nuôi chiếc cầu kỳ diệu kia biết hóa thân những âm binh chữ trở thành tế bào của mỗi dòng thơ.

 

Chiếc cầu tâm linh không đặt ra bờ bên này có được hay quyết định bờ bên kia, cả hai bờ đều cần thiết ngang nhau. Sự giải phóng tính chất từ chủ thể và khách thể đều quyết định tạo ra hòa nhập thể. Cảm xúc là cảm xúc về một cái gì, và cái gì ấy đến mời gọi cảm xúc.

Hòn đá đã mời gọi mặt hồ tạo ra hòa nhập thể - sóng nước.

 

Chiếc cầu tâm linh ở trong nội gới của nhà thơ - nhà thơ dù ở thời đại nào, cũng hồn-nhiên-ngây-dại như trẻ thơ, đúng hơn như con người trong sớm mai nguyên thủy.

 

Môi trường trong thơ rất cần hệ thần kinh thuở sơ khai của con người hơn là cần tư duy già dặn về sau. Thơ là một cách tiếp cận khác với yếu tính vũ trụ, với tuyệt đối khác hẳn công cụ khoa học và các lĩnh vực khác. Bởi vì nhà thơ biết hơn ai hết cần có môi trường thơ vì sự bất lực của nhiều môi trường trong cuộc hiện sinh.

 

Chiếc cầu tâm linh là công cụ của nội giới nhà thơ. Chiếc cầu tâm linh chưng cất nếp hèm - lời chữ để thăng hoa lên rượu - thơ. Chiếc cầu là thiết bị nấu quặng - chữ cho ra tinh thể - thơ. Hơn nữa, chiếc cầu tâm linh là hai cực trong hồ quang để bùng nổ ánh sáng thơ, chiếc cầu còn là phi thuyền có tốc độ ánh sáng đưa lời chữ thám hiểm biên cương vũ trụ...

 

Nếu không khát vọng vươn lên cái đẹp tuyệt đối, thiếu tố chất đa cảm - đa tình, không phiêu linh trong vô thức chi phối và hơn nữa thiếu sáng tạo hành vi xã hội, nội giới của một người nào ấy chưa thể trở thành nội giới của nhà thơ - nội giới của môi trường thơ, nghĩa là không thể xây dựng chiếc cầu tâm linh.

 

Chiếc cầu tâm linh - phương thức sáng tạo thơ, nó không đồng dạng với phương thức khoa học thực nghiệm hay lý luận thuần lý. Một nguyên lý được khám phá bằng lý trí ít khi đứng vững mãi, có lúc bị phủ định và trở thành trường hợp riêng của nguyên lý bao quát hơn, chính xác hơn. Ngược lại, chân lý trong văn học; đúng hơn, yếu tính tuyệt đối trong thơ được sáng tạo một lần và tự tồn tại phát sáng. Đôi khi càng về sau yếu tính tuyệt đối ấy càng rực rỡ hơn, cao đẹp hơn, nó chẳng bao giờ bị đẩy vào góc hẹp, khó mà bị bao phủ. Nên sáng tạo thơ - đồng dạng với "vụ nổ lớn của vũ trụ", nên người xưa mường tượng nhà thơ là "một tiểu tạo hóa".

 

3-Lời chữ giao điểm của tâm thức và tri thức.

 

Tinh thần lẫn vật chất cũng là bản chất của ngôn ngữ ?!

Ấy là kết luận của nhiều nhà ngôn ngữ học thế giới; triết luận biện chứng vào giữa thế kỷ trước. Nếu chỉ nói đến vậy, chưa đủ để khám phá về chữ, nhất là lời chữ của thơ, lời chữ đi qua chiếc cầu tâm linh, chứ không phải lời chữ giao tiếp hàng ngày. Không thể biết đầy đủ về thơ nếu không suy đến cùng về lời chữ.

           

Giới hạn trong phạm vi một cộng đồng cùng một ngôn ngữ, thì phần vỏ vật chất của chữ quyết định được lời chữ. Người Việt khi đọc từ " Nhà " đều hiểu được ý niệm của nó, cũng như người Anh đều cùng một ý niệm về chữ " House ". Khác biệt giữa vỏ của ngôn ngữ và ý niệm của nó tùy theo môi trường tồn tại của lời chữ mà chứng minh mối liên hệ khác nhau. Lời chữ trong thông tin, trong giao tiếp thì ý niệm và vỏ ngôn từ là một. Thơ là lời chữ đã qua vực thẳm, vượt qua được chiếc cầu tâm linh, nên nó không chỉ là ý niệm ( notion ) mà còn là khái niệm (conception).

           

Ở đây không nên hoàn toàn phân biệt theo định nghĩa của triết gia Kant, tạm hiểu ý niệm là sự nhận thức trước, thừa nhận tiên thiên và phổ quát, còn khái niệm  được công nhận từ một người

hoặc nhóm người có cùng ký ức và kinh ngiệm.

           

Lời chữ của thơ được cấu tạo bằng khái niệm nhiều hơn là ý niệm, thậm chí không còn chút ý niệm nào như lời chữ: "Lá Diêu Bông" (Thơ Hoàng Cầm) ; "Nghĩa Trang Biển" (Paul Valery), v.v …  Yves Bonnefoy nói rất hay về lời chữ thơ: "Những từ tỏ rõ hư vô của ta, mở ra một vực thẳm dưới bước chân ta, nhưng cũng đề xuất cho ta một chốn ở". Chốn ở ấy chính là tài năng của thi sĩ, là một thực thể của tâm linh được sáng tạo từ chủ thể (thi sĩ) đến đối vật. Những người làm thơ nặng về hình thức thường bế tắc và chỉ gặp vực thẳm không chạm được bờ bên kia, không tìm thây chốn ở, bởi vì họ chỉ bấu víu vào vô thức.

           

Thi sĩ phải hướng dẫn lời chữ đi qua chiếc cầu tâm linh như phù thủy điều khiển âm binh. Muốn điều khiển thành công phải nắm rõ yếu tính của chiếc cầu tâm linh ấy. Chiếc cầu chỉ  xuất hiện rồi tan biến, lại có thể xuất hiện nhanh như những tia chớp, chính xác hơn tan và hợp như những hạt hạ nguyên tử trong vũ trụ … chiếc cầu tâm linh là một thực thể hòa nhập, giữa vật chất và phản vật chất, giữa thô mộc và tinh anh, giữa tự nó ( l'en soi ) và cho ta ( pour moi ) …

           

Thi sĩ là một con người, mỗi thân xác đều có một phản thân xác ( phản vật chất ), chúng tương tác lẫn nhau để kích thích  xuất hiện ra vương quốc tâm linh. Thi sĩ cách biệt với người có nghề nghiêp khác, ở chỗ phản thân xác thi sĩ có cường độ tương tác lớn hơn gấp bội.

           

 

Ý thức của thi sĩ lúc tập trung hoạt động sẽ được phản ý thức hỗ trợ tối đa, do đó sự sáng tạo của thi sĩ không chỉ thuộc lĩnh vực thức ( ý thức, tiềm thức, vô thức ) mà còn thuộc lĩnh vực đối tác của thức, sinh ra từ thế giới phản vật chất. Vì thế có những câu thơ làm rung động lòng người, dù không hiểu trọn được bằng lý trí ( như thơ của Đoàn Phú Từ  ;ca từ của Trinh Công  Sơn; thơ Thanh Tâm Tuyền; Jacque -Prévert; và rất nhiều bài thơ khác …)

           

Lời chữ trong thơ luôn là bước nhảy vọt trong tiến trình ngôn ngữ, là những đột biến độc đáo của một loài hoa, của sinh vật làm phong phú hành tinh, cao hơn nữa là một vụ va chạm hạt giữa hư không để khơi nguồn vũ trụ…

           

Có ngộ nhận đáng trách, cho rằng thơ cũng phản ánh như mọi lĩnh vực của hình thái ý thức, có thể tạm chấp nhận phản ánh, nhưng không thể chữ phản ánh mặt dễ thấy, mặt thô sơ của tri kiến. Ngay trong khoa học thực nghiệm, không thể chỉ phản ánh ánh sáng đi theo đường thẳng vì nó còn là hạt, là sóng, … hoặc vật chất không chỉ là phạm trù khái quát  những vật thể như là một hạt, cô đặc, bất biến,…  theo quan niệm của thế kỷ 19 trở về trước. Thơ còn nhìn thấy phía trong của dòng năng lượng nhảy múa không ngừng, dòng tâm linh trôi qua lại bất tận như dòng máu của sinh linh.

           

Thi sĩ là người tiêm thẳng vào tủy sống của mình những chữ để được sản sinh ra hồng cầu thơ.

           

Những người làm thơ không có tố chất thi sĩ, không có tố chất sáng tạo sẽ đưa ra lời chữ sao chép, lắp ghép bất thành, chỉ là những dòng mô tả, trình báo, minh họa, … không hơn một chiếc thùng rỗng . Mỗi từ thơ dù đơn âm, nó chuyên chở trọn bài thơ và mỗi bài thơ đều có thuộc tính của từng chữ. Bất kỳ một từ, chữ thơ nào trong một bài thơ hay đều cưu mang vĩnh hằng, ngược lại chính bài thơ hay ấy lại hư không như thuở lập địa khai thiên.

           

Như vậy, lời chữ thơ có thuộc tính tâm linh,được nhận biết trong trạng thái xuất thần, trạng thái thiền, vì mỗi từ thơ vừa vĩnh hằng, vừa hư không, mỗi từ là một lượng tử. Thiền ở đây, được hiểu như phương pháp tiêp cận, cách chiêm nghiệm đối vật bằng tâm linh vừa thấy, vừa biết bằng trực cảm, không phải hiểu biết bằng khoa học thực nghiệm, dứt khoát không phải dự tính và suy luận theo chủ nghĩa duy lý . Những học thuyết duy lý thường gây sóng gió vào cuộc đời. Thi sĩ không sợ phong ba vì đời là một dòng chảy mà thi sĩ tan trong đó./.

Triệu Từ Truyền
Số lần đọc: 3277
Ngày đăng: 17.03.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vũ Văn Kính : Ngưòi đã xuất bản nhiều đầu sách về Nôm nhất tại Việt nam - Nguyễn Văn Hoa
Cơ sở của mối tương đồng văn hóa Việt - Hàn - Trường Lưu
Về với " Ngã ba sông" - Lê Giang
I love you – dịch và đọc ngang là Tôi cảm Du. - Lê Anh Thu
Trang Thế Hy : Bài thơ cuộc đời và “ chuyễn đi chỗ khác chơi “. - Trần Hữu Dũng
Đọc : Thức đến sáng và mơ. - Vũ Quần Phương
Nhân kỉ niêm 200 năm sinh Andersen: - Trần Quốc Toàn
Nghệ sĩ BẢO CƯỜNG trên quê người hồn ở tận CỐ ĐÔ - Võ Quê
Đôi câu triết luận giữa đời - Nguyễn Thị Thu Hiền
Ghi nhận về Hồ Biểu Chánh - Huỳnh Phan Anh