Sau đợt rét đậm, sẽ có ngày thời tiết ấm ấp. Vào những hôm như vậy, buổi sáng trên sông, thường sương mù mờ mịt. Cảm giác đi men sông, ta như bồnh bênh trong mây và có rất nhiều vờ vờ, chúng chập chờn bay trong sương mù trên mặt nước.
Vờ vờ to bằng độ con châu chấu, nhưng trắng muốt, mỏng manh. Thấy bảo có người bắt vờ vờ về ăn, món vờ vờ rang. Chắc chẳng ngon nghẻ gì. Thế nên vùng quê tôi, cái thị trấn Ninh giang, tỉnh Hải Dương, bên bờ sông Luộc, có thành ngữ: Xác như vờ vờ.
Vào những hôm sương mù, bọn trẻ xóm tôi đi học, chúng cứ men theo mép nước đến trường. Đường xa hơn đấy, nhưng bọn trẻ vẫn chọn con đường đó. Bởi chúng còn nghịch ngợm và xem vờ vờ.
Trên sông, sáng sớm, vờ vờ khoẻ, rầp rờn bay. Sau bay lượn mệt, chúng sà thấp dần, chao đảo, có con rớt xuống nước, rồi vùng vẫy, cố cất mình lên. Dưới sông, đàn cá mương hau háu đớp bóng, quẫy đạp, chờ đợi… Mặt trời cao dần, ánh nắng chiếu rọi, cũng là lúc vờ vờ đuối sức, bắt đầu có con rớt xuống mặt nước, mà không cất mình lên nổi. Đám cá mương chầu chực, lúc này xúm lại. Quy luật của tự nhiên, “cá lớn” nuốt cá bé.
Nhìn những còn vờ vờ xấu số, bị lũ cá mương đớp rỉa, thân mình tả tơi, để cuối cùng mất dạng dưới làn nước mùa đông lạnh giá, nghĩ mà thương!
Mặt trời lên cao, không còn con vờ vờ nào nữa.
Trên mặt sông chỉ còn thấy những cánh vờ vờ mỏng mảnh trắng, rập rờn trôi.
Đàn cá mương cũng kết thúc cuộc săn, lặn mất tăm.
Dòng sông mùa đông ken lững lờ trôi.
Nếu không có những chiếc cánh vờ vờ mỏng manh, lơ vơ, ai mà biết được, trên sông vừa xảy ra cái quy luật khắc nghiệt của tạo hoá…
Con vờ vờ yếu đuối đã làm một mặt xích của tự nhiên.
Thương cho vờ vờ, nhưng có thương những kiếp phận như vờ vờ?