Làm giàu trên lũ
Một bản tin trên Internet khiến tôi sực nhớ đến hiện tượng lạ diễn ra ở xã An Phước, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) cách nay 1 năm. Bản tin viết rằng: Ngày 23.5.2005 tại TPHCM, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị bàn về thuỷ sản, thuỷ lợi và cụm tuyến dân cư (CTDC) vùng lũ ở ĐBSCL. Tại đây, Bộ Xây dựng (XD) báo cáo tiến độ xây nhà lắp ghép (NLG) chỉ đạt 35.570 căn so với kế hoạch 150.000 cãn và kiến nghị tăng định mức cho vay thêm nữa. Tức là chuyện 157 hộ nghèo đổ xô vào TDC Phú Hiệp - K.12 mà không cần tới NLG độ ấy, cho đến nay vẫn chưa ai coi là lạ.
An Phước, Tân Phước (huyện Tân Hồng), Tân Công Sính (huyện Tam Nông) là 3 xã khác thường trên biên giới Tây Nam thuộc địa phận của tỉnh Đồng Tháp. Khác thường ở chỗ nó được lập nên hoàn toàn trái ngược với quy luật hình thành làng xã ở Nam Bộ: Chỉ gồm toàn người nghèo "không cục đất chọi chim" đến từ 24 huyện thuộc 18 tỉnh trong cả nước, nhưng phải chống chọi với thiên tai và đói nghèo trên rốn lũ, rốn phèn của Đồng Tháp Mười (ÐTM). Bài toán đặt ra 20 năm trước cũng chẳng khác gì 1.043 ngôi làng "chỉ gồm toàn người nghèo" có tên gọi mới là CTDC vùng lũ hiện giờ. Điểm khác biệt duy nhất là thay vì vay vốn "256" tôn cao nền nhà, rồi vốn "105" mua nền và mua NLG, dân nghèo 3 xã có hẳng một "thế lực kinh tế" là Nông trường (NT) quân đội Giồng Gãng trước đây, Ðoàn kinh tế - quốc phòng (KTQP) 959 ngày nay làm hậu thuẫn cho mình. Chính sự khác biệt ấy đã làm nên chuyện lạ.
HỘI CHỨNG "THÈM ĐỘ CAO"
Cái lạ đầu tiên ở TDC Phú Hiệp - K.12 là đơn vị tổ chức thi công không theo cao trình "2000+5" (cao hơn 5 tấc so với đỉnh lũ nãm 2000) như hướng dẫn của Bộ XD mà xây cao hơn tới 10 tấc. Xây cao hơn, nhưng chi phí không hơn. Và đây không phải lần đầu những người lính khẩn hoang "xé rào". Vào năm 1997, khi được chọn làm 1 trong 5 CDC thí điểm ở ÐBSCL, thượng tá Phạm Ngọc Trọng - Giám đốc NT lúc đó, Ðoàn trưởng đoàn KTQP hiện giờ - quyết định chọn cao trình "5.2" so với mực nước biển, mà không lấy đỉnh lũ năm 1996 làm chuẩn như hướng dẫn của Bộ XD. Cơn "đại hồng thuỷ" năm 2000 làm cuộc "tổng kiểm tra": Tất cả các CTDC khác đều bị nhấn chìm, trừ 2 CDC: Sa Rài (do trung ương thi công, tốn gần 18 tỉ đồng) và Giồng Găng (do bộ đội thi công, không tốn... đồng nào). Kết quả ấy có được là nhờ những người lính biết "dựa thế giồng, gò; tránh xa bưng, trấp" nên tiết kiệm kinh phí san lấp và biết đặt chợ Giồng Găng vào giữa CDC nên tiền bán nền "đô thị hoá" đủ giúp nâng toàn bộ mặt bằng (84,89ha) vượt hơn đỉnh lũ năm 2000 tới 5 tấc mà vẫn không bội chi.
Mãi đến cuộc gặp hồi giữa năm 2005, tôi mới được nghe người sĩ quan hiểu rõ ÐTM như lòng bàn tay này "tiết lộ": "Hồi đó, chúng tôi nghĩ chỗ nào cũng làm đê bao, đỉnh lũ chắc chắn sẽ cao hơn. Hơn nữa, về mặt quân sự, nếu không chiếm lĩnh độ cao, khi cần phải chiến đấu, lấy đâu ra chỗ đắp công sự. Năm 2003, làm TDC Phú Hiệp - K.12 cũng vậy, cũng là tư tưởng kinh tế kết hợp với quốc phòng". Tôi bật cười: "Không, đây là hội chứng "thèm ðộ cao" của bộ đội "502" có từ hồi chiến tranh...". Vị thượng tá nguyên đại đội trưởng của tiểu đoàn lừng danh từng đánh trận gò Quản Cung - giồng Thị Đam tháng 9.1959 mở màn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cười theo.
"KINH TẾ ... BỒI DƯỠNG SỨC DÂN"
Cái lạ thứ hai ở TDC Phú Hiệp - K.12 dài 2,3km, rộng 40m là 157 hộ nghèo vào ở đều được giao từ 1-2ha đất canh tác giống như 2.180 hộ đã vào CDC Giồng Găng trước đây. Sử dụng đất này chỉ phải đóng 50 ký lúa/ha/năm cho quân đội khấu hao xây dựng cơ bản, chừng nào khấu hao xong, có thể được giao luôn. Chính đây mới là thứ dân nghèo thực sự cần. "Ăn nhiều, chớ ở có bao nhiêu" - câu nói giản dị ấy, ông Trọng từng thốt lên với tôi hồi TDC mới còn trên bản vẽ. Bây giờ quả nhiên chỉ có 20 hộ ký tên vay vốn mua NLG nhưng với tâm lý "rồi thế nào Nhà nước cũng... cho luôn" (!?).
"Chúng tôi không khuyến khích điều này" - Ðoàn trưởng Ðoàn KTQP 959 thẳng thắn. "Bởi NLG chỉ giúp được người ta trong mùa lũ, về lâu về dài, vẫn chưa là gì cả. Ngay chuyện cấp nền, có quan điểm cho rằng chỉ cần 10mx20m/hộ, đủ để ở thôi, họ nghèo cấp nhiều tiền đâu trả. Chúng tôi nghĩ khác: Mỗi gia đình có ít nhất 2 con, hai mươi năm nữa, tụi nó ra riêng sẽ ở đâu. Quân đội cấp tới 36mx150m/hộ, để bà con thực hiện mô hình VAC (vườn - ao - chuồng), giảm bớt tiền đi chợ, tận dụng thời giờ lao động nhàn rỗi. Còn R (ruộng) thì khỏi nói rồi: Ai cũng được giao từ 1-3 ha".
Vốn là con người của hành động thực tiễn, giữa chúng tôi đã có cuộc tranh luận thú vị. Tôi bảo: "Để chương trình CTDC vùng lũ thành công, nhất thiết trong 1.043 ngôi làng "gồm toàn người nghèo" phải có một "thế lực kinh tế" đỡ đầu". Ông gạt: "Cty nào có thể kham nổi. Hồi xưa chúng tôi đánh giặc bằng chiến tranh nhân dân. Bây giờ khai hoang ĐTM, bằng kinh tế... bồi dưỡng sức dân". Rồi ông đưa ra hàng loạt bằng chứng có thể "cân đong đo đếm" được: Trạm bơm điện tư nhân lấy giá 50 ký lúa/công/năm, quân đội chỉ lấy 38 ký, nay giảm xuống còn 30 ký. Quân đội mua lúa giống IR 64 nguyên chủng từ Đắc Lắc về bán lại giá vốn cho dân, mỗi công chỉ sạ 20 ký; mới đây mua giống mới của Viện Lúa ĐBSCL mỗi công chỉ sạ có... 8 ký. Hay quân đội làm 22km "đường cộ" nội đồng đi được xe 4 bánh, giúp nông dân hạ giá vận chuyển lúa từ 100 giạ ăn 3 giạ xuống còn 1 giạ rưỡi... Đặc sắc nhất là việc xây trường học, trạm xá, mở chợ được triển khai ngay từ những ngày đầu. Giáo viên vào dạy được cấp từ 1-3ha đất canh tác, bây giờ 3 xã đã có 2 trường TH, 2 trường THCS, 1 trường THPT. Y - bác sĩ vào phục vụ được trả thêm 1 đầu lương, ai có khả năng canh tác cũng được cấp đất, biến Phòng khám đa khoa quân dân y kết hợp khu vực Giồng Găng trở thành "điểm sáng" toàn quốc. Tiểu thương được bán nền cực rẻ, được bảo lãnh vay vốn lưu động, được kiến nghị miễn thuế 3 năm nên chợ Giồng Găng nhanh chóng vươn lên từ chợ bán lẻ thành chợ đầu mối với hơn 700 hộ đăng ký kinh doanh, hiện được quy hoạch phát triển thành thị trấn...
THÔNG ĐIỆP TỪ BỘ QUỐC PHÒNG
Chuyện đáng nói thứ ba ở TDC Phú Hiệp - K.12 là từ hiện tượng dân nghèo đổ xô vào định cư, Ðoàn KTQP 959 đã được Bộ Quốc phòng (QP) phê duyệt dự án "xoá đói giảm nghèo" trong CTDC trên biên giới Tây Nam. Theo đó, bất cứ hộ nào vào CTDC thuộc 3 xã biên giới: Tân Hộ Cơ, Bình Phú, Thông Bình đều được hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ; chưa vào, cũng được hỗ trợ từ 2-3 triệu đồng/hộ. Số tiền này sẽ được sử dụng để mua đất canh tác, mua con giống chăn nuôi, cho con cái học nghề, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Ðoàn KTQP 959. Thượng tá Phạm Ngọc Trọng cho biết: "Đến nay, đã cấp được 800 triệu đồng".
Sau 20 năm, NT quân đội Giồng Găng biến 2.180 hộ nghèo tứ xứ thành hộ khá (5%), hộ giàu (95%). Còn Ðoàn KTQP 959 thì đang đối diện với tỉ lệ hơn 10% hộ nghèo ở huyện lũ Tân Hồng. Tôi quyết định không trở lại cuộc tranh luận với ông thượng tá, nhưng trong bụng thầm nghĩ: Rõ ràng Bộ QP đã tự nguyện đứng ra làm "thế lực kinh tế" cho dân nghèo trong CTDC, tuy chỉ ở các xã biên giới, nhưng cũng đủ nói lên thông điệp: Từ tôn cao nền nhà đến xây NLG và các hạng mục hạ tầng cơ bản nhằm "đô thị hoá" CTDC vùng lũ - giấc mơ "xuyên thế kỷ" ấy chỉ có thể bắt đầu từ bài toán làm giàu trên lũ, mà Ðoàn KTQP 959, thừa lệnh Bộ QP đang làm đơn vị đi tiên phong...
(Báo Lao Động ngày 20.06.2005)