Lục bát. Dòng sông thơ mộng ấy có thể nói không một nhà thơ Việt Nam nào không ghé thăm, tắm mát, vẫy vùng. Đến thì nhiều, ở lại rất ít, ngày càng hiếm so với nhịp sống hối hả cơ khí hiện nay.
Nhắc đến lục bát người ta nhớ đến Kiều của Nguyễn Du - người đưa thể loại thơ nầy đến đỉnh cao tuyệt hảo. Điều nầy dễ làm chùng tay các nhà thơ muốn dùng thể loại nầy để làm thơ.
Lục bát có phải là một thể thơ hoàn toàn Việt Nam không ? Nhiều học giả, nhà biên khảo tìm cách trả lời vấn đề nầy. Cụ Bùi Kỷ trong Quốc văn cụ thể viết : "Theo cách gieo vần mà xét các loại văn vần, có thể phân biệt được ngay lối nào nguyên của ta, lối nào nguyên của Trung Quốc mà ta bắt chước. Lối gieo vần của Trung Quốc bao giờ cũng để ở chữ cuối cùng. Lối riêng của ta gieo vần khác hẳn lối Trung Quốc, câu trên vần ở chữ cuối cùng, còn câu dưới thì không vần ở chữ cuối cùng.".
Theo Phạm Đình Toái, tác giả Đại nam quốc sử diễn ca do ông Hoàng Xuân Hãn dẫn, thì chíng người Tàu đã ngạc nhiên khi đọc Nhật trình Bắc sứ của Nguyễn Huy Oánh - viết bằng Hán văn và bằng thể lục bát.
Lục bát thấm vào máu, vào ca dao, lời ru, câu hò tình tứ của nền văn học Việt Nam. Thế mà tôi có người bạn trẻ làm thơ bảo : "Không thể cách tân lục bát, không thể làm gì mới thêm cho lục bát sau Nguyễn Du". Tôi rất boăn khoăn, nghi vấn, cố gắng đọc lại một số bài lục bát có trong tay, bài viết nầy xem như một ghi chép, gợi ý cho việc tìm lời đáp.
Lật quyển Thi văn bình chú của Ngô Tất Tố - NXB Tân Dân Hà Nội có chép bài Sông lấp Nam Định của Trần Tế Xương :
Sông kia rầy đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Đêm nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò
Ông Ngô Tất Tố phê bình : "Hoài cổ đến như bài nầy có thể cho là kỳ diệu. Cả bài chỉ có hai đoạn mười bốn mà hàm súc biết bao là ý cảm khái, gói ghém hết một cuộc tang thương. Đọc những câu nầy mà không thấy một sự bồi hồi lai láng, tức là chưa biết xem thơ".
Tôi ở thành phố, nhiều khi bứt rứt, nhớ cảnh tang thương ngẫu lục, lại nhớ đến bài thơ này khôn nguôi.
Nguyễn Bính, Bàng Bá Lân, Trần Trung Phương với những bài thơ lục bát gần gủi với ca dao. Lục bát lúc này vẫn thong dong, hiền từ, ngủ ngoan trong nhịp điệu bồng bế. Năm 1950 Vũ Hoàng Chương tạo thêm chất kiêu bạc cho lục bát :
Ta còn để lại gì không
Kia non đá lở, nọ sông cát bồi
Ra đi từ độ luân hồi
U minh nẻo bước xa xôi dặm về
Trông xa bến hoặc bờ mê
Nghìn thu lửa chớp bốn bề một phương
Ta van cát bụi bên đường
Dù nhơ dù sạch đừng vương gót này
Cho ta tròn một kiếp say
Cao xanh liền với một tay níu trời
Đêm nào ta trở về ngôi
Hồn thơ sẽ hết luân hồi thế gian...
Huy Cận tạo nên một giọng điệu riêng trong lục bát, làm mới ý tưởng, cảm xúc cá nhân bên cạnh Trần Huyền Trân, Hồ Dếnh giàu nhạc điệu và một Cung Trầm Tưởng tạo bức phá :
Chiều đông tuyết lũng âm u
Bâng khuâng chiều tối tiếp thu trời buồn
Nhớ ngày tàu cũng đi luôn
Ga thôn trơ nỗi băng nguồn héo hon
Phương xa nhịp sắt bon bon
Tàu như dưới tỉnh, núi còn vọng âm
Sân ga mái dột âm thầm
Máu đi có nhớ hồi tâm đêm nào
Mình tôi với tuyết non cao
Với cồn phố tịnh buốt vào xương da
Với mây trên nhợt ánh tà
Với đèn xóm hạ cũng là tịch liêu
Tôi về bước bước đăm chiêu
Tâm tư khoác kín sợ chiều lạnh căm
Phạm Thiên Thư, Trúc Thiên mang hình ảnh, triết lý của Phật, mở ra một hướng khác làm giàu có thêm lục bát :
Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ quên
Hoài Khanh với dòng thơ buốt giá tâm linh :
Qua sông là một nhịp cầu
Qua tôi là một mối sầu vô chung
Con sông nào đã xa nguồn
Thì con sông ấy sẽ buồn với tôi
Có người lại đi tìm sự cách tân về hình thức, Du Tử Lê là một thí dụ :
Mai/tôi lìa bỏ/chốn này
Em ngoan ghế cũ/Lá đầy nhớ quên
Mai/tôi mối mọt/ưu phiền
Thương em phố chợ/Tay biền biệt xa
Hay "cắt" lục bát thành nhiều đoạn :
Vào non soi nguyệt
Tìm rùa
Đọc trên mai nhỏ
Xanh tờ lạc thư
Thả rùa
Lại đứng ưu tư
Muốn qua hang động
Sống như nguyệt rùa
Phạm Thiên Thư
Nhịp cũ 2/2 quen thuộc bị phá vỡ. Có người khen, thích thú cách làm này, có người lớn tiếng bài bác cho rằng như thế đưa lục bát vào tuyệt lộ. Bùi Giáng vẫn giữ nhịp cũ:
Dạ thưa/phố Huế/bây giờ
Vẫn còn núi Ngự/bên bờ sông Hương
Hỏi tên/rằng biển xanh dâu
Hỏi quê/rằng mộng ban đầu/đã xa
Paul Valery viết : "Thi sĩ là một người bình thường, nhưng mỗi ngày, vào buổi chiều, ông lại đem ngôn ngữ ra khủng bố". Dù các nhà thơ cố gắng khủng bố, hay bồng bế nâng niu lục bát để cách tân, làm mới theo nhịp thời đại, lục bát vẫn là con ngựa bất kham, rất nhiều người làm thơ vỡ trán, thất bại ở thể loại này.
Một lần ở Hà Nội, người bạn đọc hai câu thơ Phạm Công Trứ :
Trên chùa sư cụ tụng kinh
Chúng mình trẻ quá chúng mình tụng nhau
Thật ra chỉ có cách nói hơi khác đi, chớ không có gì mới. Nguyễn Đức Sơn, người mà "đời cha mạnh giỏi cũng nhờ rong chơi", từng viết hóm hỉnh bạo hơn nhiều :
Sáng nay ra phố mua gương
Về soi bản mặt dễ thương của mình
Trần gian nhiều chỗ thúi ình
Thiết tha ta đứng cười tình với ta
Trần Xuân Kiêm làm thơ ít nhưng bài Về thăm nhà cũ ở Blao rất nhiều người còn nhớ :
Đêm qua mưa lũ ta về
Đứng im như tượng bên hè nhà xưa
Một hồn rũ rượi trong mưa
Nhớ ơi ngọc trắng ngày xưa cát lầm
Cỏ cây vườn cũ lạnh căm
Quỳ hôn còn thấy xa xăm dáng người
Còn nhiều nữa, Hoàng Trúc Ly một thứ rượu lục bát chua nhất Sài Gòn :
Soi gương lạ mặt bao giờ
Nửa đêm lãng đãng tôi mờ bóng tôi
Ở đây vụng dại với người
Nghiến răng nhai mãi nửa lời vô duyên
Những nỗ lực làm mới lục bát còn nhiều nhà thơ đang tìm kiếm, đóng góp, khai phá. Con đường dài luôn mời gọi đầy hứng thú.
Dòng lục bát tuôn chảy tràn trề trong tâm hồn người Việt xưa và nay. Dù thi hào Nguyễn Du tóc trắng ngồi ở am mây hay nhà thơ thanh xuân lấm lem bụi trần lang thang dưới phố.
14/3/1996