Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.189
123.213.672
 
Người thóat mộng
Đinh Thị Như Thuý

Quán café ấy tên là Thiên Thai ; nghe cứ muốn hình dung hoa đào chấp chới,  sương mây lửng lơ và lối mòn cỏ xanh ẩn hiện. Thật ra ngoài mấy bộ bàn ghế xếp đặt tùy tiện trong khu vườn nhiều cây xanh của một ngôi nhà xây theo kiểu cổ ; quán chẳng có gì đáng chú ý, trừ một bức phù điêu bằng đá xám trước hiên nhà. Bức phù điêu tạc một thiếu phụ với hai bàn tay chới với đưa cao như khẩn cầu. Mái tóc rối tung vướng víu trên bờ vai, trên những ngón tay gầy guộc. Đặc biệt là đôi mắt: sống động, dữ dội. Có gì như van xin, lại như căm giận ; vừa buồn bã lại vừa đau thương. Lần đầu tiên tôi đưa Nhẫn đến đây, anh đã thì thào kinh ngạc: “ My, giống My như tạc!” Tôi dỗ dành: “ Vậy anh phải thường xuyên cùng em đến đây nha. Như là đến thăm My.” Nhẫn gật đầu, có vẻ như đã bớt ngơ ngơ.

 

Tôi không dám tin mình sẽ giúp được Nhẫn. Nhưng tôi thương Nhẫn thật sự. Vả lại Thi cứ nằn nì: “Mình nghĩ Quyên làm được mà, mong Quyên nhận lời...”

Hôm đó là sinh nhật Thi. Trời mưa dầm. Thứ mưa dai dẳng của Ban Mê mùa hè. Đất đỏ đẫm nước nhão ra. Trời xám ngoét. Cỏ cây lướt thướt. Ướt át lạnh lẽo làm con người thấm đẫm nỗi đơn côi. Thi kể cho tôi nghe về Nhẫn, về cái chết của My, người yêu Nhẫn. Bản tính Nhẫn vốn yếu đuối hay mộng mị, sầu não. Chẳng ai làm anh nguôi ngoai được. Sau cơn bệnh nặng Nhẫn càng lặng lẽ, cứ luẩn quẩn mãi trong nhà. Thi khóc: “Anh ấy sợ xe, sợ người, sợ tiếng ồn, sợ nước. Cứ nhớ nhớ, quên quên. Mẹ mình buồn lắm, đã gần hai năm rồi, mình rồi sẽ phải lấy chồng, làm sao bây giờ hở Quyên?”

 

Mẹ tôi bảo: “Con đã gieo hạt lành, hãy tưới cho nó bằng tình thương và sự kiên nhẫn.”

Tôi đã mất nhiều thời gian để Nhẫn quen với sự có mặt của tôi trong gia đình, bên cạnh anh. Rồi Nhẫn chịu trò chuyện, chơi đùa. Tôi vui mừng thấy Nhẫn dần bớt sợ xe, sợ người, sợ âm nhạc. Cũng có lúc tôi tưởng phát điên vì mỏi mệt, bực bõ và bị tổn thương.

Mẹ kể rằng : Xưa có người cha mang về cho đứa con gái nhỏ bị bệnh nặng đang chờ chết một củ thủy tiên ; và bảo một ngày nào đó từ củ hoa này sẽ nở ra một bông hoa với vẻ đẹp kỳ diệu không gì sánh bằng. Cô bé đã mong mỏi, chờ đợi. Ngày lại ngày, trái với dự đoán của mọi người, cô vẫn sống. Cô bé đã sống với ý nghĩ mình không thể chết nếu chưa được nhìn thấy vẻ kỳ diệu của bông hoa kia.

Tôi cũng chờ, và tin rằng hoa thủy tiên rồi sẽ nở.

 

Nhẫn đã chịu để cắt mái tóc dài, mềm mượt. Trông anh vẫn ngơ ngác, là lạ nhưng ít nhiều đã tươi tỉnh hơn. Tôi đưa Nhẫn đi chơi, đến Thiên Thai, Nhẫn rất thích. Anh ngồi hàng giờ nghe nhạc, ngắm nhìn người thiếu phụ bằng đá xám trong bức phù điêu. Đôi lúc Nhẫn chấm ngón tay vào nước đọng ở thành ly, rồi nguệch ngoạc những hình vẽ rối rắm trên mặt bàn.

 

Một tối cúp điện, Thiên Thai chợt lãng đãng, ảo huyền bởi ánh sáng dịu dàng của những ngọn nến cắm trên vách. Đêm khuya, phố sá như lùi xa, hun hút. Tiếng xe vẳng vào ầm ì như tiếng biển. Quán vắng. Nhẫn chợt lẩm nhẩm hát : “Một đàn chim tóc trắng bay về qua trần gian, báo tin rằng có nàng Giáng Hương…”  Rồi anh quay sang hỏi tôi : “Đố Quyên biết chim tóc trắng là chim gì? ”  Dĩ nhiên tôi không trả lời được câu hỏi này, cũng như đã không trả lời được những câu hỏi gần đây của Nhẫn. Tôi biết Nhẫn đã từng đọc nhiều, biết nhiều và lâu nay vẫn sống trong một thế giới tự anh tạo dựng. Có lúc tôi hoài nghi ; tôi đang cố dẫn dắt Nhẫn thoát khỏi mộng, hay chính tôi đang bị cuốn vào cõi mộng của anh. Nhẫn cười hiền lành : “Chim bạch hạc, xưa kia bạch hạc bay thành đàn, theo mùa báo tin…Quyên biết không, My thích bài hát này lắm, cô ấy bảo đó là thưở loài chim còn chưa biết sợ người.”

 

Đột nhiên giọng Nhẫn đau đớn, lần đầu tiên từ ngày chịu làm bạn với tôi Nhẫn kể về cái chết của My : “Hôm ấy, anh đã quỳ trước ngọn thác suốt đêm. Quanh anh trải dài theo suối là mọi người với những ánh đuốc chập chờn, ma quái. My  chìm khuất dưới vực sâu kia. Cô ấy đang bắt đầu đi vào cõi chết mà không có anh. My đã trượt chân khi quay lại cười vì nghe anh nói đùa. Vực sâu, nước ngầm rút mạnh. Hình ảnh cuối cùng anh còn nhìn thấy là khuôn mặt My, bàn tay My, hoảng hốt, chới với…”

Nhẫn quay nhìn bức phù điêu rồi gục đầu xuống bàn, lặng lẽ khóc.

 

Thi đã bắt đầu gọi đùa tôi là chị: “ chị Quyên”, “chị Quyên” nghe cứ như hát. Tôi hiểu ý Thi nhưng thoắt mừng, thoắt lo. Sau tối mất điện ở Thiên Thai, Nhẫn dường như khác hẳn. Như thể nỗi đau thành ung nhọt trong anh đã vỡ ra, trôi chảy theo nước mắt. Nhẫn đã có vẻ bình an, thư thái. Thi đang thu xếp cho anh một công việc nhẹ nhàng : “ …để anh còn dành tiền cưới vợ.”  Thi nói mà cười, nhìn tôi đầy vẻ biết ơn. Mẹ tôi và mẹ Thi thì xếp đặt một lễ cúng tạ ơn trời đất. Chỉ có tôi là bồn chồn không yên. Nhẫn với tôi thân thiết, nhưng theo một cách hoàn toàn khác. Nhẫn không yêu tôi. Tôi hiểu vẫn còn cõi mộng đó. Nơi mà Nhẫn luôn thích đắm mình vào, nơi hoang sơ quyến rũ, ở đó loài chim còn chưa biết sợ người.

 

Mẹ trầm ngâm :  “ Không phải cái gì cố cũng được. Dây đàn lên quá căng sẽ đứt. Chuyện trong đời đôi khi như mặt trăng dưới nước.  Có mà như không.  Cần phải biết dừng con ạ! ”

 

Tôi không muốn dừng. Tôi muốn đi đến tận cùng. Tôi muốn có Nhẫn, có một cách trọn vẹn.

 

Ngày mãn tang My, tôi thuyết phục Thi và Nhẫn về lại thác Trinh Nữ. Nhẫn có vẻ sợ, Thi thì ngại ngần nhưng rốt cuộc vẫn chìu theo ý tôi. Cuối đông, trời lạnh khô. Đường vào thác ngập tràn hoa cúc dại. Màu vàng của hoa luôn làm tôi bất an. Đến nơi, Thi nói như rên : “ Ba năm rồi sao chẳng có gì thay đổi. Vẫn đá này, nước này, đẹp mà sao cứ thấy ghê ghê.”

 

Thi tung bó hồng trắng xuống vực sâu. My vẫn còn nằm dưới làn nước thẳm đen ấy. Tôi chao đảo thấy mình buồn nôn, nhưng vẫn chăm chú nhìn Nhẫn. Anh đứng đó, dáng vẻ chịu đựng. Mái tóc cắt ngắn rủ những sợi mềm ngang trán. Đôi mắt yếu đuối loáng ướt. Lòng tôi tràn ngập cảm giác lo lắng. Tôi thấy mình tàn nhẫn. Nhưng tôi muốn buộc Nhẫn nhìn thẳng vào sự thật. Như người đã đi hết con đường, anh chỉ có thể hoặc vượt qua, hoặc quay lại. Anh phải thoát mộng.

 

Trong chuyện thần thoại, người ta hay nói đến việc quay ngược thời gian để có thể sửa chữa những sai lầm trong quá khứ. Dĩ nhiên thật khó mà tin điều ấy. Nhưng việc không thể ngờ đã xảy ra. Chính trên rìa đá đó ; đúng vào khoảnh khắc ngày xưa My rơi xuống vực ; đã có người bị trượt chân. Và Nhẫn đã làm được điều kỳ diệu. Rất nhanh anh  vươn tay níu giữ được cô gái mặt tái xanh, run rẩy, dừng ngay sát mép vực. Giữa tiếng la hốt hoảng của mọi người chung quanh, cô gái sợ hãi và tin cậy ngả đầu vào bờ vai yếu đuối của Nhẫn. My đã tái sinh! Nhẫn tin điều đó. Chưa bao giờ tôi thấy anh rạng rỡ, hân hoan đến vậy. Nhẫn đã hoàn toàn bình phục.

 

Đám cưới diễn ra vào một ngày đẹp trời, không mưa, không nắng. Tôi không dự, một mình đến Thiên Thai. Giữa tiếng nhạc, tôi ngồi đơn độc. Giờ này chắc Nhẫn đang rất vui, bao nhiêu là hoa, là rượu, là lời chúc tụng. Nhẫn cùng cô dâu nâng ly ; mặt Nhẫn tràn đầy hạnh phúc ; anh bước vững vàng bên My của anh, váy áo cô dâu bồng bềnh tưởng như trong mộng.

 

Thốt nhiên tôi thấy mình như vừa ngoi lên từ làn nước thẳm sâu, lạnh buốt ; tỉnh táo một cách lạ kỳ. Người thiếu phụ trong bức phù điêu nhìn tôi. Cái nhìn trống rỗng.

Đinh Thị Như Thuý
Số lần đọc: 3173
Ngày đăng: 03.04.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nghĩa tử - Vinh Huỳnh
4 Truyện cực ngắn - Nguyễn Thị Thu Hiền
Dấu ấn cuộc đời - Hồ Tĩnh Tâm
Ba người đàn bà - Bích Ngân
Dáng em như cỏ non - Nguyễn Văn Ninh
Đêm kỷ niệm - Nguyễn Hồ
Khúc phụng cầu hoàng - Mặc Tuyền
Rối nước - Nguyễn Văn Ninh
Về đâu hoa phượng - Bùi Công Thuấn
Ổ Chuột và ngai vàng - Hồ Tĩnh Tâm
Cùng một tác giả
Người thóat mộng (truyện ngắn)
Đất (thơ)
Chị và em (truyện ngắn)
Mười năm (tuyển thơ)