Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.089
123.232.570
 
Cần tôn vinh những người có công với nền văn hóa dân tộc như Ông VŨ ĐÌNH LONG
Triệu Xuân

Đầu những năm Ba mươi Thế kỷ XX, tại Hà Nội, nổi lên một người làm văn hóa rất độc đáo. Đó là ông Vũ Đình Long, nhà ở phố Hàng Bông. Thoạt đầu, ông Long chỉ mở một hiệu sách mang tên Tân Dân tại nhà mình. Công việc kinh doanh phát đạt, ông dần dần khép kín chu trình xuất bản bằng việc mở nhà in, nhà xuất bản. Từ việc in sách giáo khoa, truyện chưởng (kiếm hiệp) dịch của Tàu… đến việc tập hợp các nhà báo, nhà văn xung quanh Tân Dân, đặt hàng rồi tài trợ cho họ sáng tác để ra báo, xuất bản tiểu thuyết. Nhóm Tân Dân ra đời từ đó, thỏa mãn nhu cầu đọc tiểu thuyết của tầng lớp trí thức và thị dân đang phát triển khá nhanh. 

 

Phần lớn những nhà văn tài ba, danh tiếng của Việt Nam thời kỳ 1930-1945 đều quan hệ mật thiết với Tân Dân (trừ nhóm Tự Lực Văn đoàn), đều xuất bản tác phẩm của mình tại Tân Dân, trước hết là in trên các tờ báo Tiểu thuyết Thứ bẩy, Phổ thông bán nguyệt san và Hữu ích. Trong tác phẩm Bốn mươi năm nói láo, cuốn hồi ký tuyệt vời, tái hiện chân thực toàn cảnh văn học và báo chí Việt Nam thời kỳ sôi động nhất, nhà văn Vũ Bằng cho rằng Tân Dân chính là cái nôi để cho những tài năng văn chương định hình, phát triển. Khi nói về tài làm báo của ông Vũ Đình Long, Vũ Bằng viết: "… Tôi có thể nói rằng số anh em văn nghệ sĩ góp công vào việc xây dựng ba tờ báo đó thật đông và thật kỳ lạ, y như một cánh vườn có trăm hoa, không hoa nào giống hoa nào, mà cả trăm hoa đều đua nở. Ngoài những vị đã được biết từ trước như Nguyễn Đỗ Mục (dịch Tam Quốc Chí, Liêu Trai), Dương Phượng Dực (dịch Les Mystères de Paris), Nghiêm Xuân Lãm, Ngô Văn Triện (tôi được biết từ khi ông làm "Thực Nghiệp", thỉnh thoảng lại đến bán sách cho nhà tôi xuất bản) và những bạn quen sau này như Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Công Mỹ (tức Anh Mỹ), Lê Văn Trương, Thanh Châu, Nguyễn Trẩm Giự, Ngọc Giao, Thâm Tâm, Hiên Chy, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư, Kinh Kha, Từ Thạch, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Vũ Lang, Lan Khai, Nguyễn Dân Giám, Vũ Ngọc Phan… trong lúc làm ba tờ báo nói trên, tôi còn có cái may là tìm được nhiều bạn mới, trong số có nhiều anh hiện giờ nổi tiếng như Tô Hoài, Nam Cao, Nguyễn Tất Thứ, Nguyễn Văn Nhàn, Lý Văn Sâm, Phan Du, Bùi Hiển, Kim Lân, Nguyễn Văn Xuân, Lê Công Thành, Lâm Mỹ Hoàng Ba, Nguyễn Duy Diễn, Văn Thu, nữ sĩ Ngân Giang, Trần Thanh Địch… (Bốn mươi năm nói láo. Trích từ Vũ Bằng Toàn tập, Tập I. NXB Văn học, 2006). Thời ấy, thị trường chữ nghĩa cạnh tranh vô cùng gay gắt. Nhiều nhóm đối lập với Tân Dân dèm pha ông Vũ Đình Long, coi ông chẳng qua chỉ là anh lái sách! Trong khi đó, Vũ Bằng cũng như nhiều nhà văn nổi tiếng khác rất trân trọng ông Long: " Thực ra, ông là một người cần mẫn, có tài, có học và có nhiều kinh nghiệm về nghề làm báo. Tôi học được ông rất nhiều trong tám, chín năm hợp tác.( Bốn mươi năm nói láo. Trích theo Vũ Bằng Toàn tập, (Tập I), Triệu Xuân sưu tầm, biên soạn, giới thiệu. NXB Văn học, 2006).

 

Nhà văn, nhà viết kịch, Vũ Đình Long, mà nay tôi xin kiến nghị Nhà nước tôn vinh ông là một Nhà văn hóa có công với văn hóa dân tộc, sinh ngày 19-12-1896 tại Hà Nội, mất ngày 14-8-1960 cũng tại Hà Nội. Ông quê làng mục Xá, xã Cao Dương, huyện Thanh Oai tỉnh Hà Đông, nay là Hà Tây. Vũ Đình Long ra đời trong một gia đình có truyền thống ham học, rất mê ca kịch dân tộc. Ông học xong Trung học rồi học làm thuốc, từng đi dạy học, và sáng tác kịch nói khi còn trẻ. Năm 1925, mới 29 tuổi, mở hiệu sách và sau là Nhà xuất bản Tân Dân. Trong vòng hai chục năm trời từ 1925 đến 1945, Vũ Đình Long đã thực sự làm bà đỡ vô cùng mát tay cho hàng chục nhà văn với khối lượng tác phẩm (chủ yếu là tiểu thuyết) đồ sộ, xứng đáng là niềm tự hào của nền văn học dân tộc. Chín năm kháng chiến chống Pháp, ông Vũ Đình Long ở trong lòng Hà Nội, nhưng gia đình ông vẫn là chỗ đi về đầy tin cậy cho các nhà văn đi kháng chiến. Hòa bình lập lại, ông Long ở lại miền Bắc, được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam. 

Trước khi mở nhà sách và Nhà xuất bản, ông Vũ Đình Long là một nhà viết kịch. Vở kịch nổi tiếng của ông mang tên Chén thuốc độc, 3 hồi,  được diễn trên sân khấu Hà Nội ngày 22-10-1921. Chén thuốc độc đi vào văn học sử Việt Nam như là tác phẩm tiên phong của nền kịch nói dân tộc. Sau Chén thuốc độc, Vũ Đình Long còn hàng chục vở kịch khác như Tây Sương tân kịch (1922), Tòa án lương tâm (1923), Đàn bà mới (1944), Tổ quốc trên hết (1949), Tình trong khói lửa (1953)… Ông còn viết sách giáo khoa, nhiều tác phẩm khảo luận văn học như Phê bình Truyện Kiều, Luận về nghề nghiệp… đã in trên các báo. Ông qua đời năm 1960, để lại nhiều vở kịch chưa công diễn. 

 

Từ các tác phẩm văn học, nhất là kịch nói của Vũ Đình Long toát lên lòng yêu nước, tha thiết với dân tộc, căm thù giặc ngoại xâm, phê phán, lên án gay gắt sự tha hóa của con người, coi là giặc nội xâm: " phong hóa suy đồi, luân thường đảo ngược".

 

Từ năm 1921, viết vở Chén thuốc độc cho đến khi qua đời năm 1960, Vũ Đình Long đã chứng tỏ ông là một nhà văn có nhân cách, giàu lòng nhân ái, trọng danh dự, hết lòng vì bạn hữu, vì nền văn học, văn hóa dân tộc. Năm tháng qua đi, cứ mỗi lần giở lại trang sử văn học, báo chí nước nhà tôi càng xúc động và tự hào bởi có những người như ông Vũ Đình Long. Tôi viết bài này khẩn thiết đề nghị các cơ quan chức năng của Nhà nước, trước hết là Hội Nhà văn Việt Nam nên có động thái để Nhà nước sớm công nhận ông Vũ Đình Long như một Nhà Văn hóa của dân tộc!

Đã đến lúc chúng ta phải tôn vinh những người dành trọn đời cho sự nghiệp văn hóa. Trước năm 1975, tại miền Nam cũng có một vài người, như  ông Nguyễn Hiến Lê, hay ông Nguyễn Hùng Trương, chủ nhà sách Khai Trí chẳng hạn. (Ông Nguyễn Hùng Trương sau mấy năm định cư tại Hoa Kỳ, xin được về sống tại quê hương, đã qua đời hồi đầu năm 2005). Những người dành cả đời cho sự nghiệp văn hóa không nhiều lắm đâu, Trời ạ!    

 

Thành phố Hồ Chí Minh, 03-4-2006

Triệu Xuân
Số lần đọc: 4582
Ngày đăng: 05.04.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
VŨ BẰNG – Người lữ hành đơn côi : Tựa VŨ BẰNG tòan tập - Triệu Xuân
Bóng của cây sồi - Nguyễn Thị Thu Hiền
Chúng ta đã có một nền văn nghệ dân tộc thiểu số - Nguyễn Thị Thu Hiền
Thơ & thơ tiếng dân tộc thiểu số đi về đâu ? - Inrasara
Phan Trung Thành dọc đường thơ sang kí ức sông - Inrasara
Cánh đồng bất tận cuộc đời bất tận - Hà văn Thùy
Thơ đồng bằng sông cửu long - Hà văn Thùy
Con nhền nhện bị vướng trong tấm lưới của mình - Hà văn Thùy
Trần Hữu Dũng: Gã Nam Bộ làm thơ - Từ Nguyên Thạch
Giang hồ muôn nẻo đều linh : Đọc thơ Linh Phương. - Phạm Lưu Vũ
Cùng một tác giả
Cõi Mê (truyện dài)
Nỗi đau (truyện ngắn)
Trả giá (truyện dài)
Bụi đời (truyện dài)
Sóng lừng (truyện dài)
Tôi không mất em (truyện ngắn)
Khát vọng (truyện ngắn)
Giấy trắng (truyện dài)