Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.196
123.209.575
 
Tư duy thể nghiệm trong Tập thơ Hôm qua,hôm nay và hôm sau của Vũ Trọng Quang
Hoài Anh

Nếu trong các thứ tư duy, ngoài tư duy hình tượng, còn có tư duy thể nghiệm, tư duy lô-gic đa trị, mơ hồ (fuzzy logic) mang những yếu tố vô thức và trực giác, thì phải nói Vũ Trọng Quang là nhà thơ rất mạnh về tư duy thể nghiệm. Chỉ trong vòng mười năm, anh đã đi từ thơ tượng trưng, siêu thực, ấn tượng... đến thơ Hậu hiện đại (post-modern).

 

            Thơ Hậu hiện đại gợi ra một cách tiếp cận mang tính thử nghiệm đối với sáng tác, cũng như một thế giới quan tự đặt mình tách ra khỏi nền văn hóa chủ lưu và chủ nghĩa tự chiêm ngưỡng, tính duy tình, sự tự biểu hiện đời sống cá nhân trong sáng tác. Thơ Hậu hiện đại là thuật ngữ bao quát nhất cho các kiểu thử nghiệm đa dạng ở phương Tây từ Thế chiến II, đi từ thơ đọc miệng của nhóm Beat và các thứ thơ trình diễn (peformance poetry) đến tác phẩm mang tính của người viết nhiều hơn của Trường New York và thơ ngôn ngữ (language poetry).

 

            Ở nước ta, hiện nay rất khó xác định thơ của nền văn hóa chủ lưu là gì ? Nhưng căn cứ vào đại đa số tác phẩm của các nhà thơ trẻ hiện nay, thấy thơ của họ bề ngoài viết theo thể tự do không vần, nhưng cái cốt lõi của nó vẫn là thơ lãng mạn trá hình, nhiều bài viết theo phong cách thơ tự do tự thú (confessional free verse) đã được nhiều cây bút nữ trẻ khai thác đến cạn kiệt, đó cũng chính là chủ nghĩa tự chiêm ngưỡng, tính duy tình, sự tự biểu hiện đời sống cá nhân trong sáng tác mà thơ hậu hiện đại phản ứng lại.

 

            Một trong những biểu hiện của thơ Hậu hiện đại là thơ Tân hình thức (New Formalism). Đặc điểm của chủ nghĩa Tân hình thức là sự hồi sinh của thơ tính truyện  cho phép những nhà thơ trẻ nói lên được vài vấn đề chung của văn hóa rộng lớn hơn, dẫn dắt họ trở lại với thể luật thơ. Trước hết, nó cho họ một phong cách văn chương bao hàm, tuy không được những lý thuyết gia  hàn lâm ưa chuộng, nhưng lại hấp dẫn đến ngay lập tức lớp độc giả không chuyên nghiệp của tiểu thuyết và truyện ngắn. Thứ hai, truyện kể cung cấp cho các nhà thơ trẻ một thể loại tránh được chủ nghĩa tự yêu trong phong cách tự thú, và cho phép họ viết trực tiếp về những tình huống cảm xúc cao độ (Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam cũng nói : sau khi đọc những bài thơ rất những anh anh, em em. "Đọc thơ Trần Huyền Trân ông tự tìm thấy cái thú của người đi đổi gió" huống chi từ Thi nhân Việt Nam đến nay, thơ chỉ nói rặt về chuyện yêu đương đã nhiều có khi quá tải, ). Thứ ba, nó cho họ cơ hội cách tân vì thơ tính truyện lâu nay đã không được khai thác tích cực. Sau cùng và cũng là xảo diệu nhất - thơ tính truyện lấp đầy khoảng trống để lại bởi sự dần dần biến mất của bối cảnh văn hóa thông thường (đối với lớp trẻ hiện tất cả những bài "Thơ Mới" của Xuân Diệu cũng đầy điển tích, chữ cổ, phải là người có tu dưỡng về văn học cổ mới hiểu được). Theo định nghĩa, một câu truyện tạo nên bối cảnh riêng trong lúc diễn biến. Những bối cảnh tâm lý, xã hội và văn hóa kín đáo mà tiểu thuyết cấu tạo trong tâm trí độc giả cho phép truyện kể thắt lại ở những chổ nào đó mà đạt tới thời điểm luyến láy mạnh mẽ - epiphanies - tiêu biểu cho hiệu quả thi vị tinh túy. Sự nghèo nàn về văn hóa đại chúng khiến cho khó mà đạt được những nối kết liên tưởng trong thơ trữ tình mà không giới hạn trong nhóm ưu tú. Bằng cách cấu tạo bối cảnh ad hoc (một lần duy nhất) của riêng mình trong bài thơ tính truyện, nhóm Tân hình thức theo đuổi thứ epiphanies tưởng tượng như thế trong phương thức tiếp cận rộng rãi hơn.

 

            Vũ Trọng Quang đã thử nghiệm thơ tính truyện của chủ nghĩa Tân hình thức trong bài Hớt tóc :

 

Những người thợ hớt tóc ôi  những người thay đổi đầu tóc

khách hàng nhưng không đưa tông đơ tự hớt đầu mình được

Mỗi lần hớt tóc là mỗi lần tôi thay người khác

Như đọc một bài thơ khác

Có khi đẹp có khi không ra gì có khi lỡ tay trọc lóc tựa

nhà sư mù mờ kinh kệ

Hay mẹ bảo thấy hay hay đẹp vợ ca khen đèm đẹp

trẻ con vổ tay tung hô tre trẻ bạn bè cà phê bàn nhậu

ê có thể kiếm thêm bồ nhí

Xấu mẹ quở dở tệ hơn thời ba vá    vợ chê quê quê kỳ

kỳ   con i à a giống y phù thủy

Kẻ này khen kẻ kia nói khó coi   xấu đẹp tùy người

đối diện

Dầu gì thì dầu, giầu đâu mà giầu v.v...

 

Bài thơ trên đã tạo được rất nhiều luyến láy (epiphanies), đã dân chủ hóa đàm luận văn chương (mỗi lần hớt tóc là mỗi lần tôi thay người khác. Như đọc một bài thơ khác...), đã viết về những đặc ngữ đại chúng và như thế vừa làm sống động, vừa tiêu hủy huyền thoại phê bình (xấu mẹ quở dỡ tệ hơn thời ba và  vợ chê quê quê kỳ kỳ   con í à a giống y phù thủy...) và nhất là sự trở lại với thể thơ tính truyện làm thay đổi những khái niệm truyền thống dùng lại quá khứ bằng khái niệm "truyền thống tiện dụng" (chữ của Dane Gioia trong cuốn sau chủ nghĩa Tân hình thức) bằng cách hồi sinh những khả thể đang trong giấc ngủ đông trong thơ Việt Nam (như đã từng biểu hiện trong thơ Hàn Mạc Tử, Bích Khê, thơ Xuân Thu Nhả Tập...) trong việc sử dụng tư duy ảo bằng những yếu tố vô thức và trực giác.

 

Trong bài thơ, Vũ Trọng Quang đã sử dụng lối thơ sắp đặt (Installation) và Trình diễn (Performance).

 

Performance Art (Nghệ thuật trình diễn) có khả năng phản ánh thực tế, cảm xúc cao độ và đa dạng mang tính đại chúng, tính tiết kiệm nguyên vật liệu, tính cơ động trong di chuyển tác phẩm, tính không áp đặt và thực nghiệm cao, tính dân chủ luôn luôn mở ra khả năng giao tiếp và thực nghiệm giữa tác giả (nghệ sĩ) và người xem bằng cách ứng biến (improvisation) . Sắp đặt, trình diễn cho người xem cơ hội tham dự vào tác phẩm bằng tất cả các giác quan từ nhiều chiều, mà không chạy theo thị trường và thị hiếu phàm tục.

 

Qua việc "triển lãm" các kiểu đầu tóc, với đủ mọi kiểu bình luận khác nhau. Vũ Trọng Quang để thể hiện được tâm thế luôn biến động của thời đại với góc độ cảm nhận của đủ mọi loại người : Khi hớt tóc cao cấp máy lạnh, khi hớt tóc bên vệ đường, khi hớt tóc cho căng tin sinh viên sĩ tử, khi gọi người hớt tóc dạo... có được cảm thụ từ nhiều điểm xuất phát riêng tư nhất. Không riêng hình thức, ngay cả đề tài và nội dung thơ cũng nói về sự thể nghiệm.

 

Trong phần Hôm sau, Vũ Trọng Quang thể nghiệm lối thơ kiểu thư đồ (Calligranmes) như bài Giấc mơ hoa, Design, lối thơ cụ thể (concrete poetry) hay thơ nhìn (poetry-visiva) như bài Ký hiệu liên tưởng, Nhiễm virus, với sự biến tấu của các từ thông qua liên tưởng; thơ âm (audio-poems) như bài Đánh vần; thơ tranh ảnh (picture poems) như bài Phía bên dưới, Tự hủy; thơ ngôn ngữ (language poetry) những áp dụng kỹ thuật cắt dán (collage) ghép những câu thơ trích từ thơ của nhiều nhà thơ, giữa những câu thơ có khoảng trống mang ý nghĩa "vừa liên tục vừa đứt quãng" do hiệu ứng nghĩa rung (sens tremble) theo cách nói của Roland Barthes hay hiệu ứng "nhòe nghĩa" chữ kiểu vật lý, có thể đọc ở dạng liên tục như một mệnh đề mà cũng có thể đọc ở dạng gián đoạn trong đó từng từ có thể phát nghĩa riêng, như trong bài Đạo tr(ch)ích  đùa với cái gọi  là tân hình thức. Ở đây có sự hòa điệu cổ kim, làm cho những câu thơ cổ mặc một nghĩa mới mà câu thơ kim lại có một dư vị cổ điển...

Như Vũ Trọng Quang đã khép tập thơ bằng :

 

Chịu khó lên mạng không suy nghĩ lại tiếp tục hướng tới

phía trước xem như thêm nhiên liệu chơi game thì ngồi

xuống Hôm sau, thấy mỗi trang là màn hình không xem

được coi như nhiễm virus cứ delete đi

& xin nhắc lại

có thể xóa từng phần

tiếc thời gian là vàng... bạc thì [Off] hết thấy nếu cho

nó cà khịa cà chớn cà lăm cà lăm

không sao đâu

mong lắm... không thay

 

Trước thái độ "chịu chơi hết mình" của một người mở sự khởi đầu: "Tôi kiếm ăn bằng nhiều nghề khác, làm thơ để được nhẹ lòng mình". NC tôi xin tạm rút lui kính mời bạn đọc thanh ký  đồng điệu ở lại dự cuộc trình diễn (performance) mà tác giả đã sắp đặt chữ, từ, câu, nét, hình khối như trong một Vườn Đá Tảng Nhật Bản để vừa cảm nhận được tổng lực (total) vừa ngộ ra được cái Chân không (Vacuum) của nó. Lần này thì khác với tác giả tôi mong lắm mà có thay.

 

(1) Nhà xuất bản Đà Nẵng

                Phát hành tháng 3-2006

Bìa: Họa sĩ Lê Ký Thương trình bày theo phong cách sắp đặt với biểu tượng đồng hồ cát tượng trưng thời gian chờ đợi, tựa tập thơ từ bìa trước kéo tới bìa cuối.

Background là hàng hàng lớp lớp dãy số 01010101 biểu diễn cho thời kỳ phát triển kỹ thuật số.

Hoài Anh
Số lần đọc: 3949
Ngày đăng: 07.04.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nghệ Sĩ VÕ NGỌC LAN muôn thuở còn tương tư - Võ Quê
Một cuốn tiểu thuyết có quá nhiều lỗi ! - Ngô Thanh Hương
Vấn đề đã xác minh ( Ai là tác giả bài thơ “ Kỷ vật cho em “ ). - Nguyễn Hòa vcv
Phạm Văn Ký - một số phận văn chương “mất nơi ở” - Thu Hà
Nhạc sĩ NGUYỄN PHÚ YÊN từ tiếng ca giũ nước đến bước tiếp những mùa xuân - Võ Quê
Giao thoa của ẩm thực Nam Bộ ở Thủ đô - Nguyễn Văn Hoa
Đồi TỨC DỤP ( Thất Sơn ) : Điểm hẹn về nguồn và cảm hứng văn học nghệ thuật. - Trần Bắt Gặp
Lục bát-những giòng chảy - Trần Hữu Dũng
PHI VÂN – Nhà văn đồng quê rặt ròng Nam bộ. - Trần Hữu Dũng
Xuất bản VŨ BẰNG tòan tập - Ngô Thanh Hương