Tôi thấy mặt mình hồng lên trong gương mặt nhỏ. Đây là lần thứ hai. Hai bài tập làm văn của một trò nhỏ lớp tôi: Hùng Vũ. Lần trước, ôi, lần trước... Đề bài là: "Hãy tả lại hình ảnh cô giáo em đến trường trong cơn mưa rào". Vũ vốn kém văn, chữ nghĩa ngô nghê, bỗng vọt lên, tôi cho điểm cao nhất, bởi vì tôi biết rằng nếu chính tôi phải viết một bài mẫu cho các em, chính tả mình dưới mưa, thì cũng không thể hơn bài của Vũ, văn và hồn của Vũ.
..."Trời bỗng nháng lên ánh chớp và trong đầu tôi cũng thế. Tôi chợt nhớ ra chỗ vòng trên cầu thang trên chưa có lan can, lại hay đọng nước và đôi giày màu da cam hồng mới mua của cô gót cao lắm. "Nhỡ cô giáo ngã!?". Tôi lao xuống. Kịp. Tôi sẽ buồn biết bao nhiêu nếu cô không đưa tay ra vịn lấy đầu ngón tay bé nhỏ của tôi, lựa bước trên gờ tường chênh vênh. Tôi đã không phải buồn. Vào lớp rồi, về nhà rồi, tối rồi, nằm một mình trong tấm dù hoa đắp thay màn rồi, tôi vẫn thấy mấy ngón tay mình ấm. Những ngón tay cô giáo tôi đã vịn vào yêu thương và tin cậy..."
Tôi đưa bài của Vũ khoe chị hiệu trưởng. Chị gọi cả tổ xã hội đến đọc, ai cũng vui mừng. Chị lại gửi đăng báo. Sau một tuần báo đăng luôn.
Vậy mà bây giờ, lần này, đề bài "tả một buổi mít tinh ở trường em", Vũ trở lại ngô nghê, lống chống, rối bời. Lạ một điều, có một đoạn văn ngắn tả tôi, cô giáo chủ nhiệm trên khán đài, thì văn chương lại đẹp. Tôi hạ điểm hai vào bài của Vũ, rồi thay quần áo, tìm đến nhà em.
Một phản thịt lợn ôi chềnh ềnh giữa cửa vào. Tường nhà cóc cáy, sàn nhớp nháp. Góc tường trong lơ lửng mấy mặt người bì nhẫy. Và tôi, một cô giáo hai mươi ba tuổi, hoa khôi trường, tóc ngang vai bồng bềnh như mây, áo dài trắng, quần trắng, giày hồng, đến, lúng búng hỏi thăm. Một ngón tay nhờn nhụa chỉ lên một cái lỗ vung đục trên trần, mé trên cái phản thịt ôi. Tôi nín thở, khẽ khàng bám vào một cái thang tre, kẽo kẹt leo lên. Mặt tôi vừa nhô lên thoát ngấm sàn gác, thì một mặt người quay ra trong ánh sáng như trăng suông se lạnh:
- Ai đấy? À, cô giáo Kim Cúc phải không ạ?
- Thưa bác, vâng. Nhưng sao bác...
- Thưa cô giáo, tôi là anh ruột Vũ, mới hai mươi tám tuổi. Nhờ cô lấy hộ cái ghế chỗ góc đó. Mời cô ngồi.
Tôi đã đến gần hơn để thấy khuôn mặt anh đẹp và buồn, đôi tay anh đang ngưng lại việc đục những hòn đá thành những cái đầu người. Những ngón tay anh ánh lấm tấm bụi sa thạch đỏ. Và đôi chân anh không có. Khoảng không gian lẽ ra là chân anh đầy ắp những khuôn đầu đá, mắt lim dim, nửa thức nửa ngủ. Tôi nhìn những mặt người đã và nghe:
"...Tôi thấy thằng Vũ có gì khang khác từ ngày nhận cái đề văn "Cô đến trong mưa" về chuẩn bị trước một tuần đó. Ba ngày đầu, nó ngồi lụi cụi suốt chiều, suốt tối, viết lại xé, viết lại xé. Đêm ấy, nó thức tôi dậy, khóc tức tưởi một lúc mới nói được: "Em kém, em không biết làm văn, em có thể nhận điểm một bất kỳ bài tập làm văn nào. Nhưng, nhưng không thể là bài này. Anh ơi, em yêu cô giáo em lắm". Tôi hiểu em tôi, nó tối dạ nhưng lại có cái không tối. Tôi nhận giúp nó và dỗ nó ngủ yên. Tinh khôi sáng hôm sau, tôi hỏi nó từng tí một để có thể hình dung ra cô. Và đây, cô thấy không, bức tượng đá nhỏ cả người kia và cô đấy (tôi nhìn theo tay anh, thấy mình y như lúc nãy dưới nhà, khi chưa biết anh, thoắt nhỏ xíu lại và hoá đá trước những mặt người lơ lưởng và một ngón tay nhờn nhụa). Bài văn ấy là của tôi và thằng Vũ đã học thuộc rất nhanh, đến từng dấu phẩy (tôi bất giác nhìn xuống những ngón tay anh: "Thì ra những ngón tay nhỏ bé đã để mình vịn vào trong mưa và đã ấm áp mãi đến tận tối… là những ngón tay này đây". Tôi nhìn những ngón tay tôi, thấy nó hồng lên, như đã anh ánh lấm tấm bụi sa thạch đỏ tự lúc nào). Tôi nhận lỗi, thưa cô Cúc. Bây giờ cô về đi. Cả bức tượng cô kia cũng sẽ theo về với cô. Tôi xin một điều: cô đừng bao giờ… đừng bao giờ… đến đây. Cô về đi, lò mổ dưới nhà sắp đến giờ nhập lợn. Nhiều lợn lắm, nêm kín cửa luôn đó, cô không ra được đâu. Mà có ra được cũng bẩn hết quần áo. Mà quần áo cô lại trắng đến thế kia”.
Mé ô cửa lên gác, thằng Vũ hiện ra từ những tượng đá, lặng lẽ xé nhỏ, từng tí một, bài văn mẫu của anh nó, thả như những bụi mưa xuống nhà dưới.
Cô giáo bước xuống thang, thấy một toàn cảnh lạ: những bụi giấy bay như sóng mây. Phản thịt hồng thơm. Tường nhà sáng bóng. Và những mặt người, những ngón tay người rõ nét, thật màu thịt da bình dị, trong có ánh máu hồng./.