Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.168
123.223.406
 
Đọc TRĂNG SUÔNG – nói gì với Đinh Quang Tốn ?
Dương Kiều Minh

Chợt xuất hiện một cảm giác hơi lạ, đọc thơ Đinh Quang Tốn tôi không chăm chú ở thơ ca nữa. Câu chuyện nghệ thuật thơ ca nhường chỗ cho sự bày tỏ tâm tình, bộc bạch những cảm nghĩ về cuộc đời, về con người và về quê hương thân thuộc.

 

Đối nghịch lại một số nhà thơ từng không ngừng lạm dụng ý nghĩa của từ ngữ tới khi làm mất hết nghĩa ban đầu của từ ngữ ấy mới thôi – thơ Đinh Quang Tốn chân thật, ngôn ngữ, hình ảnh anh dùng gần với đời sống thường nhật. Khá nhiều người quá nhấn mạnh một Đinh Quang Tốn làm lý luận phê bình hơn Đinh Quang Tốn nhà thơ, nhưng tôi thấy hiện rõ ngôi chính điện dựng lên trước những toà ngang dãy dọc của tâm hồn Đinh Quang Tốn – đó là thơ. Tôi cứ giả thiết có một đạo luật chỉ cho phép chọn một trong hai khuynh hướng: thơ và lý luận phê bình, tin chắc Đinh Quang Tốn sẽ chọn thơ.

 

Trong lời giới thiệu của nhà thơ Trần Đăng Khoa, người tuyển chọn tập thơ Trăng suông của Đinh Quang Tốn, đã khẳng định “ Tập thơ này là chắt lọc cả một đời sang tác của anh”. Theo như thời gian tác giả ghi ở cuối bài thơ thì bài thơ có thời gian sớm nhất là tháng 1 năm 1972, và bài thơ có thời gian muộn nhất là ngày 22 tháng 9 năm 2005. Như vậy Trăng suông tập hợp một thời kỳ sáng tác của Đinh Quang Tốn với quãng thời gian 33 năm - một phần ba thế kỷ, nó được bắt đầu từ nửa cuối thế kỷ XX và vắt sang thế kỷ XXI. Trong số 51 bài thơ, có một số bài thơ viết về chiến trường của một người lính. Đội  ngũ những nhà thơ mặc áo lính và những nhà thơ viết về chiến tranh là một đội ngũ vô cùng hùng hậu, và cho đến giờ cảm  hứng về cuộc kháng chiến vĩ đại vẫn chưa dừng lại, vẫn xuất hiện nhiều tác phẩm thơ ca lấy cảm hứng chủ đạo từ cuộc kháng chiến này. Việc nghiên cứu bình luận lý giải nền thơ kháng chiến là việc của những người chuyên nghiệp làm công tác lý luận phê bình văn học và văn học sử. Bởi tôi chưa đủ tư cách và thẩm quyền để nói rằng nhà thơ mặc áo lính Đinh Quang Tốn đứng ở chỗ nào trong đội ngũ trùng điệp các nhà thơ mặc áo lính của nước ta.

 

Đến giờ tôi vẫn rất lưu ý về ý kiến của nhà thơ Mai Văn Phấn trong một cuộc trò chuyện ở Hải Phòng. Mai Văn Phấn nói rằng Trăng suông của Đinh Quang Tốn có mùi vị Thiền, do đó mà trong nhìn nhận và cảm xúc của Đinh Quang Tốn luôn có sự bình thản, bình tĩnh. Nhận xét này có căn cứ và  thuyết phục. Sự bình thản, bình tĩnh không hẳn chỉ người làm phê bình mới có; mà nó là những thuộc tính của thể chất tâm hồn con người. Sự chân thành đến mộc mạc làm nên Trăng suông và quả là sự mộc mạc này có gợi sự liên tưởng đến mùi vị của Thiền. Đó là những cảm xúc ấn tượng mạnh hằn dấu vết lên vách đứng của tâm hồn nhà thơ: cảnh sắc của quê hương, đồng ruộng, hình ảnh người thân, nổi bật ở đây là hình ảnh người mẹ, người chị. Đó là những hình ảnh gắn với kỷ niệm thời thơ ấu không phai mờ trong tâm khảm của nhà thơ. Theo S.Freud “ Sự thực chỉ trong lĩnh vực nghệ thuật và tinh thần thì mới có khả năng trạng thái ban đầu và trạng thái cuối cùng song song tồn tại. Chúng ta không thể nhìn thấy hiện tượng này bằng mắt”. Tưởng nhớ người chị đã mất, Đinh Quang Tốn đã dành ba bài thơ bày tỏ khối tình cảm sâu  nặng này:

 

“ Từ nay mọi người không thấy chị nói cười

   Em vẫn thấy ngày mưa chị dắt em đi học

   Âu yếm dỗ dành mỗi khi em khóc

   Mắng yêu em đi nắng để đầu trần…”

(Chị ơi!)

“ Trăng đi rồi trăng lại

   Chị đi, chị chẳng về

  

   Đất trời mờ mờ trắng

   Như là choàng áo xô

   Trăng như vành khăn trắng

   Bóng ai qua mơ hồ…”

( Trăng)

Theo quan niệm của tín ngưỡng thì bản thân cái chết không mất đi cũng không trở về trạng thái không có sinh mệnh, mà là bắt đầu một dạng tồn tại mới. Qua hình ảnh thơ người chị vẫn hiện hữu trong không gian và thời gian thực đời sống sinh hoạt và phất qua đêm trăng. Mặc dù đó là thời gian và không gian hắt bóng lên tâm tưởng. Sự mất mát người thân là sự nếm trải của tình cảm cực kỳ sâu sắc tạo nên hình tượng thơ khá đặc biệt của bài thơ Trăng. Hình ảnh về người mẹ và hình ảnh về quê hương luôn luôn hiện lên song trùng. Cảm xúc về mùa xuân ở đây là hình ảnh người mẹ và hình ảnh xóm thôn hoà quện:

 

“ Tôi đi công tác đã lâu

   Nhớ cành mận trắng bên cầu ao xuân

   Mẹ ngồi rửa mớ lá dong

   Chiều ba mươi Tết chờ mong con về…”

(Nghĩ tới mùa xuân)

 

Cảnh sắc thôn quê luôn luôn là một cơ hội để nhà thơ trở về với bản thể, với cội gốc. Đó cũng là cơ hội đặc biệt để nhà thơ thực hiện việc bảo tồn quá khứ của đời sống tinh thần – theo định nghĩa mở thì đó cũng là một cách thức của Thiền:

 

“ Cũng nhiều đêm thao thức

  Với niềm đau nỗi buồn

  Cứ nhớ về mảnh vườn

 Là lòng thanh tĩnh lại”

( Mảnh vườn)

 

Người mẹ luôn luôn là người đầu tiên bảo vệ con cái khỏi bị thế giới bên ngoài làm tổn thương và để chúng tránh mọi sự lo sợ. Do vậy, khi người ta trưởng thành đến mấy, thì người mẹ vẫn luôn luôn hiện lên là một thế lực trở che bao dung đối với đứa con. Khi nhập vào thế giới bên ngoài, đứa con phải đối đầu với trăm ngàn những tình huống phải vượt qua. Sự khôn sự dại chính là sự rời xa cái bản lai, cái cội gốc mỗi con người. Người mẹ sẽ là tác nhân có hiệu lực nhất trong việc bồi bổ hoàn nguyên phần nguyên khí trong đời sống tinh thần của mỗi người con:

 

“ Bốn hai tuổi bao điều dại điều khôn

  Cho tôi hiểu: kẻ quá khôn thành dại

  Vẫn trẻ con khi về với mẹ

  Mẹ trong tôi mãi không trẻ không già”

(Mẹ tôi)

 

Với Đinh Quang Tốn, hình ảnh người mẹ hoà quện vào mọi sắc thái của cảnh sắc thôn quê và hiện lên là một hình tượng hoá thân vào bông lúa. Những nước như Việt Nam, khởi thuỷ nền văn minh lúa nước thì bông lúa nhiều khi được hiện lên một cách phóng đại là hình ảnh của Phật bà Quan thế âm:

 

“ Trụi trần như hạt thóc vàng

   Không thêm lá, cũng chẳng mang nhiều màu”

(Lúa quê tôi)

“ Bông lúa uốn cong hạt mẩy

  Vẫn dáng lưng còng mẹ tôi”

( Bông lúa)

 

Đọc Trăng suông của Đinh Quang Tốn, tôi cho rằng cảm xúc chủ đạo và đậm đặc nhất của anh là về mẹ và về quê hương, một quê hương không phải trên khái  niệm mà là một đời sống hiện thực và chính nhà thơ đã sống đã nếm trải đời sống thôn quê ấy. Tình cảm này là một yếu tố căn bản và có tính quyết định đối với đời sống tinh thần của nhà thơ. Người ta chỉ xưng tội trước một đối tượng có quyền uy về mặt tinh thần đối với họ. Đoạn thơ sau đây là một bằng chứng cho những điều tôi vừa lý giải:

 

“ Mùa về quê thấy mẹ

  Tất bật suốt cả ngày

   Sớm đi từ mờ đất

   Sẩm tối chửa dừng tay

 

   Tôi thấy mình nặng lỗi

   Với những bông lúa vàng

   Thấy lòng mình mắc nợ

   Với bà con xóm làng.

   Bao vần thơ tôi viết

   Nói về niềm riêng tôi

   Giờ thẹn thùng xấu hổ

   Giữa mênh mông cõi đời”

(Cánh đồng)

 

Trong Trăng suông của Đinh Quang Tốn có một khoảng thơ với số lượng những câu chiếm rất ít trong tập, nhưng lại làm tôi quan tâm và chú mục. Chính đây mới là điều tôi muốn nói với nhà thơ Đinh Quang Tốn. Thơ Đinh Quang Tốn chủ yếu lấy quan sát làm cơ sở, tất nhiên cũng dựa trên cơ sở suy luận và suy tưởng. Việc lấy quan sát làm cơ sở cho cảm xúc và sang tạo thi ca, nếu là chủ yếu thì giới hạn những chân trời của sự tưởng tượng và sự bùng khởi bất ngờ và đột xuất của cảm xúc sáng tạo. Sự bình đạm mộc mạc của thơ ca sẽ tạo được sự tin tưởng ở tâm tính của người viết, đấy là điểm mạnh. Nhưng hình thế của cảm xúc của thi hứng nhiều khi cũng vì vậy mà tự cố định lại, và ở xa những sự hiểm trở của thi hứng và ý tưởng. Khuynh hướng thơ trong Trăng suông của Đinh Quang Tốn, có lẽ phát triển theo dạng thể của bài thơ tôi dẫn sau đây, lấy suy tưởng chiêm nghiệm làm cơ sở chủ đạo sẽ đẩy thơ Đinh Quang Tốn tới những chiều khích của những ý tưởng khoáng đạt, sâu xa, gợi mở:

 

“ Sắc thắm dần sẽ nhạt

   Hương thơm rồi cũng hao

   Quy luật mọi người hiểu

   Vô tư có ai nào?

 

“ Ngũ thập tri thiên mệnh”

   Mọi người cứ nói hoài

   Sao dòng đời mải miết

   Thanh thản nhìn mấy ai?”

(Không đề II)

***

Hai câu thơ sau từ một bài thơ có cái tên rất thật và cũng là lạ Câu kết hai bài thơ bị thất lạc. Hai câu thơ này, có lẽ ít người để ý tới, nhưng nó lại làm tôi bận long:

 

“ Chết rồi mọi sự là xong

   Mà sao chuyện hão bận long mãi thôi?”

 

Dù trí tuệ cổ kim đông tây có dành nhiều thời gian và giấy  mực cho việc luận về cái chết, nhưng nói gì thì nói về chủ thể thì người chết là xong, việc còn lại là của những người đang sống. Biết vậy mà sao khi còn hiện hữu trên thế gian mãi vẫn bận lòng với những “chuyện hão”?

 

Thực ra “ chuyện hão” nhà thơ nói ở đây thuộc về những ước vọng, những kỳ vọng, khát vọng của đời người. Những Galilê, Côpécníc, Niutơn, Anhxtanh, những Magenlăng, Côlômbô, những Gôganh, Vangốc…Dưới con mắt của người đương thời, thì họ chỉ là những kẻ hão huyền, vùi đầu vào những chuyện hão. Những hành động và tư duy của họ không gần gũi với đời sống thường nhật. Mặc dù “vấn đề mục đích sống của loài người đã được đặt ra nhiều lần, nhưng vẫn chưa có được giải đáp hài lòng, có lẽ sẽ không có được đáp án ấy” (S.Freud).

 

Để kết thúc bài viết này, tôi cầu chúc nhà thơ Đinh Quang Tốn, quan tâm nhiều hơn, dành nhiều tâm sức hơn cho những “chuyện hão”. Thực ra những “chuyện hão” rất nhiều khi cứu vớt loài người, rất nhiều khi đẩy nhanh nền văn minh của nhân loại tới những kỷ nguyên mới.

 

Hà Đông, 7/3/2006

Báo Văn Nghệ Trẻ, ngày 7/4/2006

Dương Kiều Minh
Số lần đọc: 3182
Ngày đăng: 11.04.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
“Anh dắt em qua cánh đồng ...” - Nguyễn Văn Ninh
Cần tôn vinh những người có công với nền văn hóa dân tộc như Ông VŨ ĐÌNH LONG - Triệu Xuân
Thơ Tùng Bách sau cười là … Đọc tập thơ ĐI VÀ NHẶT của TÙNG BÁCH - NXB Hội Nhà Văn- 2005 - Nguyễn Đức Thiện
VŨ BẰNG – Người lữ hành đơn côi : Tựa VŨ BẰNG tòan tập - Triệu Xuân
Bóng của cây sồi - Nguyễn Thị Thu Hiền
Chúng ta đã có một nền văn nghệ dân tộc thiểu số - Nguyễn Thị Thu Hiền
Thơ & thơ tiếng dân tộc thiểu số đi về đâu ? - Inrasara
Phan Trung Thành dọc đường thơ sang kí ức sông - Inrasara
Cánh đồng bất tận cuộc đời bất tận - Hà văn Thùy
Thơ đồng bằng sông cửu long - Hà văn Thùy
Cùng một tác giả
Thu ẩm (thơ)