Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.142
123.227.178
 
Hão-2 và hết
Vinh Huỳnh

- Chuyện yêu đương mười em còn thiếu nhưng một em đã quá thừa. Với tư cách của một thằng giai phố kinh nghiệm thất tình đầy mình, tôi bảo thật bên cạnh bồ ruột ông phải sắm sẵn cho mình một em làm hậu vệ, phòng nhỡ khi cháy phỏm còn có ai bạn cùng... 

- Nhưng  tôi thấy cái trò đó lưu manh và vô liêm sỉ quá, tôi không thể chơi cái trò hậu vệ thòng ấy đơn giản vì tôi không thể gian dối như cuội được. Tình yêu là như nhất, thật là lươn lẹo khi đi bên  em này lại nhớ đến em kia thế chẳng hóa ra tôi cũng là một loại CAVE đực à.

- Hô hô Giời ạ ! Lên đến hàng phố rồi mà đầu óc vẫn giữ nguyên quê mùa. Tình yêu hiện đại mong manh mông lung & chấp chới lắm (Nói xong Tỉnh cất giọng nhạc vàng  rên ư ử )                            "Tình là tình nhiều khi không mà có

Tình là tình nhiều lúc có như không"

Gái kẻ chợ thời dân chủ lấy vui là chính mà ông lại đòi trước sau như nhất, có mà lạ ! Ông cứ tít mít với một em cuối cùng nó cho ra đứng đường, chào cờ lại vò đầu bứt tóc than hận thất tình thật thậm khổ. Không tin ông cứ  thử điều tra Thị Thành mà xem...

- Phải  làm thế nào bây giờ ?

- Thứ bẩy này cứ thử không hẹn trước bất thình lình qua thăm nàng mà coi, đố có nhà đấy…

Ngay đầu giờ tối thứ bẩy, Thành đã gọi điện di động cho Quê. Nàng nói cười giả lả thăm hỏi rất đỗi thân tình rồi nói rằng tối nay phải qua nhà dì Vỵ để hỏi thăm tình hình trong quê, giá như mọi khi Quê  cũng bỏ qua rồi chúi mũi vào đọc sách Thánh hiền nhưng lần này theo lời Tỉnh dặn, Quê lập tức cùng Tỉnh đeo kính cơn và đội nồi cơm điện lên đường.

Tỉnh và Quê đến rình trước nhà Thành. Khoảng 8 h tối, một chiếc xe GL phóng đến đỗ xịch trước cổng, một gã đàn ông đội chiếc mũ phớt dáng cao bồi, bấm còi bim bim bim ba tiếng. Thành õng ẹo bước ra trong bộ quần áo có thể nói là kinh dị đối với Quê. Quần soóc bò mài tướp xơ mướp, áo phông hở ngực tóc xoăn tít thò lò kiểu bánh ốc quế. Thành nhanh nhẹn leo lên chiếc xe một cách thuần thục. Quê không hiểu sao nàng lại có thể tươi hơn hớn quàng tay ôm lấy gã kia thân mật hồn nhiên đến  thế.   Đến Quê  là con trai  mỗi khi đèo  bạn gái cùng lớp  đi chơi còn thấy ngại cố ngồi ne né ra một chút huống hồ Thành  đã coi Quê là người yêu mà còn thế. Quê tâm sự với Tỉnh. Tỉnh  bảo:

 

- Ông đừng suy bụng ta ra bụng người thế, mỗi người mỗi tính mỗi nết, tôi không phủ nhận nó coi ông là người yêu nhưng thằng kia cũng là người yêu(Mà có khi còn là người nó yêu ấy chứ  không phải là người yêu nó như ông). Ông thấy chưa ? Sáng mắt ra chưa ? Ba keo con mèo đã mở mắt nhớ !  Tấn trò đời là vậy đấy

- Thật thô lỗ bỉ ! Quê chun mũi nhổ nứơc bọt đánh phèo, nhưng Quê không thấy ghen tức như ngày trước nếu thấy Thị Phi đi cùng với ai như vậy thì Quê đã sôi sùng sục lên, giả sử có xe máy trong tay như bây giờ  thì Quê đã lao ra đâm thẳng ngay vào cặp uyên ương, nhưng nay thì không, mọi sự đã trở nên bình bình lặng lặng. Trong Quê không dấy lên sự căm phẫn mãnh liệt nào đến mức  phát cuồng lên một cách rồ  dại đến thế.

Quê nhớ lại tình sử đã qua và  tưởng tượng đến tương lai sắp tới mà thất kinh. Tình yêu ra sao ? Hạnh phúc ra sao ? Quê không biết  ! Nhưng rõ ràng là phải từ  bỏ. Thật khó khăn và đau khổ  nhưng Quê  cảm thấy ghê sợ và mệt mỏi vô cùng. Nhằm đêm mưa Quê chủ động hẹn gặp, chia tay nàng.

 

Anh không còn là của em nữa, em hãy về đi, hãy về mà tự phụ với  sắc đẹp của mình  và hưởng thụ cái lối sống phóng khoáng của em. 

Thoạt đầu nàng chun mũi. Cười khẩy. Nàng coi thường cái ngữ người Quê. Có lẽ nàng nghĩ  rằng Quê làm mình làm mẩy giống như nàng đã từng hành Quê. Nhưng quân tử nhất ngôn, Quê đi thật . Thế là nàng ngẩn ngơ. Nàng sốc. Nàng tiếc. Nàng hối. Nên lúc Quê quay gót, nàng gọi lạI nhưng Quê chả buồn ngoái đầu, cứ trần trùi trụi lao vào màn mưa. Sự chối bỏ không hề giản đơn chút nào. Nó làm Quê đau đớn quằn quại phát sốt lên.Trong lòng Quê trĩu nặng nỗi buồn. Một mình đạp xe Quê đi lang thang vô định dưới mưa. Giá trời đừng mưa thì Quê không khóc, mấy khi người đàn  ông trong Quê bật khóc được. Nhưng trời lại mưa, mưa ngâu và thế là Quê buông thả mặc cho nước mắt  người và nước mắt trời tuôn chảy chan hoà. Lúc ấy, Quê không biết con người Quê có còn thuộc về Quê nữa hay không, nhưng Quê thấy thanh thản lạ kỳ. Quê vẫn nghĩ tình Yêu là sự say đắm lẫn nhau, quan tâm lẫn nhau, nghĩ về nhau từ hai phía chứ đâu phải là sự  mê muội  từ một  phía còn phía kia là sự buông thả, thiếu tôn trọng thậm chí hành hạ người tình.

 

Mải mốt suy tư Quê không để ý, bánh xe đâm phải hòn đá cuội, tay lái bỗng nhiên lạng sang một bên, ghi đông bềnh vổng lên. Cả người Quê vụt hẫng hụt, chung chiêng, mất thăng bằng ngã sóng xoài ra đường đè lên chiếc xe đạp. Liền lúc đó một chiếc xe tải sầm sầm lao tới. Quê kinh hoàng rú lên, phần chân vụt đau nhói, toàn thân rung lên dữ dội mặt mày sây sẩm, trước khi lịm đi Quê còn kịp nghe thấy tiếng ai đó thét lên:

- Trời ơi chết người rồi !

Quê lơ mơ tỉnh giấc khi một bàn tay mát dịu của ai đó đặt trên trán. Quê bàng hoàng trước màu trắng loá của y tá, của tường và của đôi chân mình. Quê lắc đầu ngán ngẩm: “Thôi thế là hết, hết thật rồi ! Từ nay vĩnh viễn đã trở thành một thằng què”

Quê nằm viện được một tháng, chân đã có thể đi bằng nạng. Quê khập khễnh nhúc nhắc ra dạo vườn viện thì bác bảo vệ trao cho một phong thư. Quê run run xé bì thư: Mảnh giấy hiện lên dòng chữ ngắn ngủi:

 

“Xin cám ơn ông đã gửi bài cho toà soạn chúng tôi. Truyện của ông viết hơi lan man, thiếu lô gíc, câu văn lủng củng, chữ rất khó nhìn, nên chúng tôi chưa thể dùng được . 

Mong tiếp tục nhận được sự cộng tác của ông” (Tòa soạn báo “Văn Vẻ”)

Quê tự hỏi: “Thế nghĩa là sao ? Thế nghĩa là văn như bò, chữ như gà chứ làm sao nữa. Chao là xót xa, đứa con rứt ruột của ta, niềm hy vọng của ta. Giờ thì đã hết ! Sao cuộc đời lại bất công với ta đến nhường này. Thân tàn, chân khoèo, văn dốt thử hỏi còn sống làm cái nỗi gì. Sao bữa ấy ô tô không nghiền nát ta đi hả giời !  

                                                            IV

Cánh cùng phòng cho rằng tính Tỉnh hâm hâm gàn gàn thành thử chả có mối nào thiết tha. Đang chân chuyên viên 4/7 bề bề ở một viện trung ương, ma xui quỷ khiến thế nào, giở chứng giở thói đi chuyên tu văn chương, đâm đổ đốn suốt ngày cứ u u, minh minh. Trong viện  lạc loài như  quạ giữa bầy bồ câu. Mấy đứa ác khẩu độc mồm bảo :

-          Băm gần chục nhát, tứ tuần đến đít rồi, chả lo nhà cửa xe cộ, lấy vợ đéo lấy lại văn chương thi phú dở hơi bỏ mẹ !

 

Với đám đồng nghiệp ấy, Tỉnh quá coi thường. Lũ chúng tối ngày chỉ biết  cắm mặt vào vi tính, tay loằng ngoằng như dây thép.  Da tai tái như bị cắt  tiết. Mặt bợt bạt như người cõi âm. Giọng nhờ nhợ như nước đánh phèn. Hình như cuộc đời và niềm vui của chúng là thế giới vi tính. Mắt đã lộn tròng như gương cầu lánh nạn mà vẫn cứ bám lấy màn hình như  cá lau kính. Tỉnh dị ứng với COMPUTER ghê gớm, nên có đơn vị cơ sở tặng cho chiếc máy COMPAQ, Tỉnh tức mình sổ toẹt mất nguồn viện trợ ODA. Tỉnh ghét cay ghét đắng cáI trò viết thư bằng máy vi tính, tình yêu gì mà như  tình báo. Mặt đối mặt còn chả ăn ai, huống hồ chơi trò ú tim. Mà lũ chúng tâm sự hay chúng chửi nhau thế không biết. Tỉnh chõ mắt nhìn vào mà xấu hổ đỏ rần hết cả tháI dương, toàn lời ong tiếng ve. Chúng thi thố chit chít chat chat bằng đủ loại dung tục từ, thô thiển từ, chợ búa từ,  tục tĩu từ. Tỉnh cảm thấy kỳ quặc làm sao khi có bao đứa cứ vênh vênh vang vang với các loại điện thoại di động NOKIA/MOTOROLA. Tỉnh thì muốn lẳng mẹ chiếc máy điện thoại di động công cho nhẹ nợ. Cuộc đời rối rắm vì đủ các loại  ràng buộc lại còn tự quàng thêm dây cái xích vô hình di động để tự mình, mình lại trói mình vào trong thậm là hoạ hại. 

 

Tỉnh thấy đám cùng phòng cứ hùng hục đua nhau làm thêm ngoài giờ. Tỉnh chả hiểu là chúng định sống để làm, hay để vì cái chết tiệt gì mà ngày vào ngày ấy cứ đều chằn chặn. Đến khi nhậu nhẹt  xả láng tiêu ù cái hết sạch cả tuần lương. Tỉnh là số ít  con nhà  trí thức tiểu tư sản bị vô sản hoá, còn hầu hết cán bộ cùng phòng Tỉnh đều từ lực lượng cốt cán tiến lên hữu sản. Trong giờ làm việc chúng gọi  điện mặc cả ô tô, bất động sản rầm rĩ  cả phòng y chang đám gà mái ghẹ sắp nhảy ổ, ra điều khoe của, ra điều chơi trội hơn người, hớn hở mặt mày, mãn nguyện tệ. Bọn dấm dớ ấy, toan toan tính tính, đua nhau kiếm tiền, hòng mua hết thứ này đến thứ khác. Tậu được cái ô tô thì lại cất cất giấu giấu, lau lau chùi chùi, suốt ngày lo bở hơi tai vì chán vạn thứ : Nào lo không có bãi đỗ xe, lo xăng lên giá , lo xe xuống giá, lo  tai nạn.…. cứ như ô tô sở hữu mình ấy. Lo cả tỷ  thứ thế thì sung sướng nước mẹ gì, có tiền rong ruổi chơi xa cho sướng, phố phường chật hẹp tắc đường cả ngày, thong dong đi bộ chả nhàn tản thư thái lắm ru.

 

Tỉnh cho rằng văn chương là để dãi bày ba tấc lòng, là để tìm kẻ tri âm tri kỷ, nên gặp ai cũng bám lấy đọc thơ. Lĩnh lương lại tổ chức bia rượu nhâm nhi bù khú suốt ngày, thành thử con cái các cụ cốp rất khoái cái tính bất cần của Tỉnh. Sự đời được lòng Sóc thì mất lòng Thỏ.  Đám chuyên viên vô công rỗi việc trong phòng lại có chủ đề ì xèo 

- Cha Tỉnh chỉ được cái thấy người sang bắt quàng làm họ.

“Không ! Tỉnh chả thiết, ấy là nó vui, nó thích mình, thì mình thích nó, chứ nó sang trọng choảnh choẹ,  giàu có thì nó hưởng, mình đứng vào cũng chỉ làm nền cho nó chứ  xêng xang vẻ vang nỗi gì,  có phải cổ phần, cổ phiếu gì  đâu mà đòi  dây máu ăn phần cơ chứ.”

 

Có đi có lại mới toại lòng nhau, mấy cậu ấm cũng chơi đẹp đền đáp lại Tỉnh bằng mấy chầu bia ôm. Tỉnh ta nhân thể, thực hành thực tế, đang cơn đùa tình, cợt nhả bèn rút bút ra ghi ghi chép chép. Bọn bảo kê cho là Tỉnh định  tố cáo công an ập vào đánh cho thừa sống thiếu chết. Chuyện vỡ lở, công an đến túm cả bọn, mấy cậu ấm “đi đêm” bằng phong bì rút êm. Mỗi Tỉnh trật khấc, bị bắt lôi ra đồn cùng CAVE. Khi tra hỏi, Tỉnh bèn khai là đi thực tế tìm vốn sống. Con CAVE vừa mơn trớn tình củ trò vợ vợ chồng chồng với Tỉnh xong vội đốp luôn :

Nó nói  láo đấy, các anh đừng tin thằng này vào đây nhẵn mặt rồi, nhưng tư cách

không đứng đắn, chơi không đẹp chuyên xù tiền bo bọn em đấy.

Quả có thế, Tỉnh quen được các cậu ấm bao cả gói nên chả nghĩ  chuyện lại quả cho các em bao giờ. Kết quả là trước khi tác phẩm văn chương của Tỉnh lên báo thì  Tỉnh đã sớm nổi tiếng nhờ bức ảnh chân dung xuất hiện kém trang trọng trên báo AN NINH với một lời tựa làm phiền lòng các nhà đạo đức. 

 

Khác với Quê, Tỉnh cho rằng văn chương là của trời cho, nhất nhất phải chờ cảm hứng mới toan cất bút để  cáI tinh hoa phát tiết ra ngoài. Tỉnh ra sức lao tâm khổ tứ rình bắt đón nhận cái vô thức, cái bí ẩn chìm sâu trong tâm thức. Đêm ngủ Tỉnh bắt thằng em ngồi chầu chực để ghi lại giấc mơ. Nhưng báo hại thay khi Tỉnh ngủ, nó cũng ngủ thành thử chả ghi lại được gì. Tỉnh dậy ức quá thụi cho nó một quả, rồi la lối mắng chửi om xòm:

Mày biết không thằng nhãI kia, mày đã để sổng mất biết bao nhiêu ý tưởng vĩ đại,

một đi không trở lại lẽ ra sẽ được đi vào biên niên sử để lại cho hậu thế nghìn năm,  thế mà mày lại ngủ quách đi thật là đồ ăn hại đái nát, ai cũng như mày thì nền văn chương sẽ đi về đâu hở hở  ? ? ?

 

Thân mẫu Tỉnh bực quá đánh tiếng:

-Xào ôi ! Chữ nghĩa văn chương không bằng cái xương con cá lẹp.

Đến cơ quan, Tỉnh cũng đem luôn cái học thuyết Phờ Rơi Phờ Rớt gì đó ra truyền bá. Em Thị Liếng có bộ ngực kỳ vĩ, áo xẻ he hé lườn nghe bàn chuyện văn chương cũng vội hóng hớt chen ngang vào:

- Anh Tỉnh ơi em cứ nghe người ta nói LIBIDO, LIBIDO thế LIBIDO là cái gì hở anh

- Nó là cái này này…

Tỉnh giơ tay bóp vú Liếng. Liếng đỏ mặt như gấc chín, vả luôn vào mặt Tỉnh đánh bốp.

Tỉnh chả ngại, còn nhăn nhở: 

-  Ấy, làm như cô em thì gọi là ức chế những ẩn ức, bị mặc cảm khống chế  gây nên thói đạo đức giả, nhưng thôi lần sau đừng ăn cơm Mèo nói leo Phờ Rớt nhá .

Cơ quan tổng kết cuối năm. Chủ tịch công đoàn muốn có thành tích đem Văn Tỉnh ra  ỏm tỏi:

- Viện ta năm nay vinh dự có anh Quách Văn  Tỉnh vừa đại diện đi họp hội nghị liên hiệp văn chương - Đây là một thành tích hiếm hoi trong lịch sử viện ta. Không những thế Văn Tỉnh còn là cây bút chủ lực trong trại viết  vì ANTQ, Phòng chống SIDA, SĐKH. Vì những thành tích này chúng tôi đang cơ cấu anh đăng ký thi tuyên truyền viên giỏi toàn ngành…

Tay chuyên viên bẩy của viện ngồi bên vỗ đùi Tỉnh đánh bép trầm trồ :

- Chú mày giỏi giỏi thật, đời anh ôm toán giải tích với tuyến tính đọc lòi tròng có mơ cũng chả bao giờ có dịp lên những diễn đàn tầm cỡ như thế ..Nhưng mà cậu tham luận gì ở đại hội văn nghệ ấy ?

 

- Dạ anh cứ quá nhời, chứ em có tham lam, tham luận gì đâu, chẳng qua tay Văn Sỹ Diện đồng môn ra dự hội nghị ở thành phố chả có xe cộ gì, em đành xe ôm cho hắn thôi. Em chẳng giỏi chuyên môn như các anh thì đành bày trò ngồi rỗi ăn không nói láo chơi, hết chuỵện khôn đồn chuyện dại, thoảng lắm mới có được vài ý là lạ tự đắc là sáng tạo, người đời lại cho là quái đản ngông cuồng.

- Thế còn chuyện đi dự trại sáng tác …

- Em là thằng quen vui đâu chầu đấy thích bù khú với đám văn chương võ mồm cho sướng miệng. Hôm uống bia, lão trưởng ban tổ chức trại thấy em ngồi lù lù ra đấy chả lẽ không mời. Chủ tịch công đoàn nói thế thôi, chứ đi trại khó gì, y như gà công nghiệp ăn xong lại nhốt vào phòng. Em đi trại bí văn đặc biệt cái loại thông tân báo chí nêu gương người tốt việc tốt thì đến bố em cũng chả viết được, viết văn chứ có phải làm báo tường đâu mà hô hào tiếp thị như tuyên huấn thế. Thành ra  rỗi hơi toàn trốn ra ngoài chơi, tưởng các bố nhà văn khác mải  hì hục cày cuốc, nào ngờ ra quán thấy các bố đã ngồi đấy tự bao giờ…  

   

Đương chuyện, viện trưởng hồ hởi tiến đến bắt tay Tỉnh:

 - Chúc mừng cậu đã làm rạng danh viện ta, nhưng văn chương tay trái thôi nhá dành  tâm trí cho việc chính của viện đấy thỉnh thoảng có đám văn công, nghệ sỹ nào “Văn hoá văn nghệ“ vui vẻ trẻ  trung cho anh thư giãn với nhá ?

Dạ dạ dạ vâng thưa sếp…..

Miệng nói bụng Tỉnh lầm bầm: “Mẹ kiếp văn chương xương xẩu bỏ mẹ ra, múc óc ra viết còn chẳng xong nữa là tay trái với tay phải.  Nghệ thuật mà cứ như đùa, lại còn “Vui vẻ trẻ  trung” nữa chứ,  dễ phường chèo hay con hát nhà hàng đấy hẳn !” 

 

*

*           *

Họp cả nhà Bà Tỉnh bảo:

- Thằng Tỉnh chơi đủ rồi đấy, lo lấy vợ đi, tới tầm rồi, người đời ai chả phải  làm việc ấy. Yêu thì dễ, chọn vợ chuyện cả đời xưa nay là chuyện khó.

Tỉnh  cười khà khà đáp lại  :

- Bà yên tâm hoàn toàn đi, yêu được một  người mới khó, chứ tuyển chọn vợ là chuyện dễ, vợ "Nhiều không  có chứ  ít thì khối", bà cứ đưa ra một sê ri tiêu chuẩn cháu sẽ liệt kê liền lúc được cả  chục cô, nhà mình mà đăng quảng cáo trên tờ mua và bán thì điện thoại sẽ bận như tổng đài 1080. 

Nói là nói vậy nhưng hiện chả có phỏm nào, nên Tỉnh đành chấp thuận theo phương án gia đình giới thiệu cô Linh Thị Lợi, tiến sỹ (Tiến tới hệ tại chức) con nhà gia giáo. Vì là người được giới thiệu nên mặc dầu tuổi đầu hai đít chót vót, nhưng cô Lợi vẫn giữ thói vênh vênh hoảnh hoẹ làm cao một cách vờ vịt. Người rắn như sắt, khô  như ngói, nhưng cô ta cho rằng đó là dáng người dây - Đang mốt. Tác phong chuẩn mực đứng đắn, ăn nói vuông chằn chặn như lên lớp, đụng đến cái gì cũng CÔNG, DUNG, NGÔN, HẠNH đến thầy giáo nghe còn phải nể. Soi tâm hồn vào đôi mắt cô ta Tỉnh chỉ  một  sự  vô cảm. Đúng lịch cứ cuối tuần, Tỉnh lại đến nhà Lợi làm nhân vật uống nước chè của A Zit Nê Xin ngồi tiếp phỏng vấn của phụ huynh, thỉnh thoảng phải  cố nặn ra một số nụ cười méo mó dị mọ. Chửa chơi bời yêu đương, tâm sự A, B gì Lợi đã  bắt Tỉnh trình diện trên dưới một tá họ hàng hang hốc các loại. Tỉnh thốt nghĩ: “Ơ hay dễ thường lấy chồng cho Lợi hay cho cả họ nhà cô ta đấy ! Chắc định tổ chức giám khảo hội đồng lấy điểm đây ? Tỉnh cho là nếu Thị Lợi được nghe thơ của mình hẳn cô sẽ  tâm phục khẩu phục tài thơ mà đem lòng yêu mến ngay. Ấy vậy nên Tỉnh gửi cho Lợi thơ thế này

 

Anh trút lên cơ thể em phần  tinh tuý của mình

Như anh trút hồn mình lên trang giấy trắng

Và anh  trở nên hoàn toàn kiệt quệ

Như  đầu óc anh trở nên trống rỗng

Khi viết trang bản thảo cuối cùng

Viết văn và làm tình là công việc khó nhọc

Nhưng thiết thân & kỳ thú  nhất đời ta   

Lợi mang về nhà đọc thấy ghê quá buột  miệng: “Eo tởm, đồi trụy quá, mất dậy quá”. Lợi cả nghĩ: Nếu con người văn chương cứ dở dở ương ương thế này thì  mình theo suốt đời sao nổi. Mà vấn đề là có tài năng thật hay không cơ chứ ? Tưởng văn chương giai phẩm lịch lãm thế nào hoá toàn những chuyện lung tung bậy bạ..

Tỉnh đến, Lợi bèn nói luôn:

- Có lẽ anh em mình phải  chia tay thôi …

- Sao ? Sao lại thế ? chẳng lẽ bố mẹ em can ngăn ư ? Em yên tâm anh sẽ có khối chiêu, các tình huống tiểu thuyết anh còn chế được huống hồ ba chuyện lẻ tẻ này

- Không, em mà muốn thì chả ai cấm được, đơn giản là em không đủ kiên nhẫn và sức chịu đựng với văn nghiệp của anh và cả bản thân anh nữa.

“Âu cũng vì cái duyên cái số nó chưa vồ lấy nhau” Tỉnh tự an ủi nhưng cô nàng thiển cận quá, có mắt như gà mờ, chẳng nhìn thấy tài năng tiềm tàng của ta: Để rồi xem sau này nghe thấy tác phẩm của ta quảng đại trên phương tiện thông tin đại chúng lại chả hối, chả tiếc, chả ngồi ôn cố chán tân vì  đã bỏ qua tài nhân. Rõ của đến tay còn để mất ! Nhưng thôi người đã không hiểu ta, thì ta cũng chẳng thèm hối tiếc” Nghĩ thế nên đầu óc Tỉnh táo hẳn ra, tâm hồn thơ thái, thanh thản, rõ là chuyện hiếm thấy trong lịch sử thất tình. Rảnh chuyện tình, Tỉnh lại lao vào viết. Viết như trâu húc mả, chả ai bắt mà cứ như bị ma xui quỷ khiến, đôi lúc  nửa tỉnh nửa mê trò truyện cùng các nhân vật tưởng tượng lảm nhảm như lên đồng. Đêm đêm trong vòng xoáy dữ dội của trí tưởng tượng, dưới áp lực của ngòi bút Tỉnh tự đốt cháy mình cho đến rốc ráng cạn kiệt. Nửa đêm Tỉnh mới buông bút ra phố tự bồi dưỡng bằng một chầu “bốc mả” và cũng để hóng hớt cánh CAVE tan ca đêm họp chợ cuối phố tầm canh khuya. Tổng kết đi khách cuối ngày rôm rả như tôm tươi:   

 

Cô này;

- Hát cả ngày bã cả hơi tai tối đến tao mệt quá, có thằng nom vẻ mặt cũng tinh khôi sáng láng lên phòng cứ hùng hục vần tao như lợn, tao kệ nhưng thấy nó có một chiêu cứ tua đi tua lại như chó nhai giẻ rách, mà có mỗi cái  công cụ chính thì không dám dùng ngay sợ “Phun” Xi Pa Sớt sớm, bóng xịt hơi tao tức khí chọc lét cho mấy cái cu cậu đành “Khóc ngoài biên ải” luôn lúc đếm tiền trả vừa liếm nước bọt vừa xót như bào.

Cô kia:

- Chả bằng sẩm tối tao vừa gặp 1 bố cốp đang nứng tình lại bị vợ Mobi phôn cho cái, kể lể thanh minh giải thích một thôi một hồi xông lên tụt hơi đành no bụng đói con mắt, cố mọi cách vẫn không thế nào “Vãn Hồi” được. Thật hoạ vô đơn chí. Tao  Đinh Bộ “Lĩnh” xong tiền,  OK A le tếch  !

….

Quay sang thấy Tỉnh vêu mõm hau háu hóng hớt mụ chủ quán hất hàm hỏi:

- Này bố mết con em nào để mẹ này “Sợ gà”6 cho một đứa 

No bụng đói đôi con mắt thôi, nom cũng muốn lắm nhưng viết mệt quá nên bút hết mẹ nó mực rồi …

Hoài của ! Lực bất tòng tâm hả,  văn chương các bố chỉ được cái đĩ mồm …

Duyên do trăm sự tại trời, tối ấy (Chả biết ra ngõ bước chân nào trước) phúc đức thay Tỉnh vừa ngồi chưa ấm chỗ, đã có một cô em hơi bị xinh xẻo sà vào ngay cùng bàn. Do chất nghệ sỹ của Tỉnh khá cao nên Tỉnh luôn hướng về cái đẹp. Thấy cô em xinh xẻo quá. Tỉnh bỏ ăn bằng miệng chuyển sang ăn bằng mắt, nhìn chòng chọc như muốn sở hữu bằng mắt. Em hơi bị xinh xẻo tự xưng là một diễn viên sắp nổi tiếng mang danh Vô Thị Tư. Sau màn giới thiệu giải quyết khâu oai của cả hai bên, Thị Tư  nhí nhảnh, mắt chữ A mồm chữ O, dung dăng dung dẻ, nói cười giả lả đong đưa:

-      Chúng mình nên gọi nhau bằng “đằng ấy” cho nó tre trẻ, hồn nhiên anh ạ

Thế đằng ấy đã tre trẻ với mấy đám  như đây rồi  ?

Anh à.. đằng ấy ứ ứ ứ chơi hỏi  thế đâu ! Đây lòng lành mà đằng ấy chẳng hiểu cho (Phụ lòng Đây)

Ừ thôi,  Ừ thôi nữa mờ, mình xin, mình xin, phố khuya  ta đưa nhau về nhá  

-   Anh à.. đằng ấy ừ ừ ừ

 
Hôm sau,  Thị Tư  rủ Tỉnh đi xục bún bung. Nàng bảo hàng  này cả Hà Nội xếp hàng chờ.  Tỉnh tự nhủ: “Ô dễ thường thiếu hàng này thì cả Hà Nội rã họng chắc

- À mà làm sao đằng ấy lại thích đây ?

-  Cha em bảo phải chọn trai tài, nhà môn đăng hộ đối, kiếm cái giống tốt mai sau con cái tài năng, công thành danh đạt rạng rỡ làm quan cả họ được nhờ..

Tỉnh phì cười (Tý nữa thì bún bung ra đằng mũi)  hỏi đùa:

Cha đằng ấy  theo trường phái Nhật Hoàng à ?

Anh à.. đằng ấy ứ ứ ứ chơi hỏi  thế đâu !

Tỉnh lại thầm nhủ: “Cái gen toán học của bố Tỉnh thì làm nên được cái trò trống quái gì, chẳng qua chỉ giúp mấy thằng quản lý cơ hội khôn lỏi nó lợi dụng báu bở gì”

Quá tam ba bận gặp, Tỉnh đem Tư về nhà làm thủ tục ra mắt. Khách về chưa bén gót, chẳng  đợi hỏi, bố Tỉnh đã đe nẹt:

 

- Tao hỏi, chứ mày muốn máI ấm nhà yên hay tan cửa nát nhà mà đi theo mấy con nặc nô ăn mặc kinh dị thế ? 

-  Bố lạc hậu bỏ xừ, gái tân thời mặc váy ngắn nom đẹp mỹ mãn, xinh như trong mộng  thế mà bố lại bảo là nặc nô. Bố cứ thử nhìn lại đi xem có ngon hơn o Thắm quê  ta ngày xưa không ? Mà bố làm như dễ lắm ấy, con tán vã cả bọt mép ra mà chửa ra đâu vào đâu, huống hồ ở nhà bố mẹ đã không hậu thuẫn thì thôi còn hết gàn lại phá.

- Ờ ờ mà mỗi thời mỗi khác, mỗi người một vẻ, không so được, dưng  mà cái nết đánh chết cái đẹp ...

- Người ta bảo trai tài gái sắc chứ mấy khi lộn ngược, bố chịu không. Con gái đẹp  còn dạy thành ngoan được chứ con gái xấu thì bất khả kháng đố có làm cho đẹp được (Nói

vô phép chứ con gái cả họ nhà mình xấu như đui - Tỉnh  suýt buột miệng)

- Ai chả biết nhưng mà có mài cái đẹp ấy ra mà ăn được không hử nó nghề con hát  léng téng ba lăng nhăng đi đêm về hôm  thì cái thân làm khổ cái đời con ạ

Làm cha cứ tha hồ mà nói ngoa, Tỉnh ngậm miệng cóc buồn cãi nữa, ngấm ngầm nghĩ : “Ai mà biết được ma ăn cỗ, cứ suy như ở cơ quan Tỉnh  toàn những mợ  bề ngoài thật là hiền thục đi làm hết buổi lại cun cút cun cút  về nhà lo chợ búa vun vén cho chồng con. Có ai biết, ai ngờ giữa giờ làm trốn ra ngoài nhảy đầm nhảy vịt như động cỡn  vớI bồ bịch rồi tan tầm lại về với bó rau trên tay nào ai biết đấy là đâu. Chung thuỷ hay không nó ở trong bụng  ấy chứ, nước mẹ gì ba trò hình thức đi đến nơi về đến chốn. Lòng người sâu lắm, mà cuộc đời  lại nông choèn, chữ ngờ xưa nay chả ai học được”     

* * *

 Quê ra viện, khập khiễng về nhà, nhân ngày 20/11, cả lớp cũ họp nhau tại tư gia thầy giáo cũ. Ông  giáo làng bắt Quê đứng dậy tuyên bố trịnh trọng gần bằng tuyên ngôn của hội bảo thọ:

- Trong đàn đàn lớp lớp học trò của tôi, duy  chỉ có anh Vũ Quê đây, theo được văn chương của thầy, anh đem lại niềm tự hào cho tôi. Văn chương là nghề cao quý, văn dĩ  tải đạo ! Văn chương cảm hóa, biến cải con người, là công cụ uốn nắn con người

 Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm

  Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà

Đoạn hô cả lớp vỗ tay rào rào. Quê ngượng, mặt đỏ chín nhừ như thịt ninh nồi áp suất.

Đoạn thầy  tiếp: 

… Anh  Quê đã trở nên nổi tiếng, nay thầy nhờ anh tổ chức cho thầy và nhà trường được lên truyền hình nhân lễ kỷ niệm 30 năm. Cả đời thầy cống hiến cũng chỉ mong có được một khắc hiện diện trước bàn dân thiên hạ, nhờ anh gắng giúp thầy…   

Tỉnh nghe hốt quá chối đây đẩy:

- Thầy cứ nói thế chứ em thì có gì đâu. Dân văn chương chúng em chỉ có cái mẽ thế thôi, chứ thực chất chả có quyền hành thế lực gì, có lẽ thầy nên nhờ bạn Quang làm bên uỷ ban thầy ạ…

Quang được thể khoát tay nói luôn: 

- Xuỳ, muỗi ! thầy vô tư đi, để em lo, mất vài tờ là ổn áp cả, thời buổi Softina còn vô tuyến thành hình huống hồ thầy lao tâm khổ tứ suốt một đời.

Thầy ngậm ngùi cảm ơn. Cả lớp giải tán. Ra ngoài thằng Hốt vội hỏi Quê:  

- Tại sao cậu lại từ chối thẳng thừng thế, cậu đã làm sụp đổ thần tượng và tâm niệm của thầy 

- Ờ trước đây mình cũng nghĩ vậy nhưng vào nghề mới hay so với cánh thằng Quang bọn tớ  chả là gì.

**         **

 

Lên phố, Quê ghé vào thăm Tỉnh, đám nhân viên cùng phòng nhao lên hỏi:

- Ông là thế nào với cha ấy ?

- Tôi là bạn ...ờ bạn thôi ….

- Chắc lâu lâu không viếng thăm nhau hả ? Cha ấy, hồi này thân bại danh liệt rồi, tiền hết, tình tan, đời tàn, trông chả khác gì lão nông tri  điền

- Thế à  ?

- Còn phải  hỏi, chơi gái hết mẹ nó tiền bán nhà, bắn sới về quê rồi, tưởng làm nên tác phẩm nhớn ai dè chỉ  ăn tàn phá hại …

- Tháng trước tớ vào hàng Karaoke vẫn gặp hắn  - Tay ngồi cạnh đá ngang

- Nghe bảo chơi bời yêu đương gái gú thế nào lỡ bị con CAVE nó chài cho thế là phăng teo lên đồng rừng

 

- Đéo mẹ sướng không biết đường sướng ! Đang chân chuyên viên viện mình oách xì lai thế  bỗng dưng lại đua đòi đâm đầu vào chốn văn chương hoá u mê

Sốt  ruột cho bạn  tri kỷ quá, Quê tức tốc tìm đường thăm Tỉnh.

Con đường sống trâu chi chít  ổ voi cùng ổ gà, chốn dung thân của Tỉnh chưa hẳn là “Thâm sơn cùng cốc” nhưng gọi là “đồng rừng” như  cánh đồng nghiệp Tỉnh cũng chả sai. Cố tri gặp nhau mừng như điện mới về làng. Tỉnh dốc bầu tâm sự  cùng Quê:

- Học xong tôi mới thấy chợn, tưởng ngược về nguồn hoá lại xuôi ra biển, biển văn chương bao la quá mà đời mình thắm thoắt đã sắp trung tuần rồi.

- Xá kể gì, dân nước mình trẻ dai, trên  bốn mươi vẫn là nhà văn trẻ cơ mà, vô tư đi  “Vạn vật sợ thời gian, thời gian sợ kim tự tháp“ 7

- Giá biết mình sẽ là kim tự tháp thì dẫu tự đốt cháy mình như cây rơm tôi cũng chẳng ngại nhưng mình là cái gì đây: Vũng hay đồi ? Biết bao điều viết ra mình cho là hay ho người ta lại đổ vào sọt rác Chốt lại tay trắng vẫn về trắng tay. Ngẫm mà xem mình chả làm gì được cho đời ông ạ. ..

 

- Ông nói thế nghe cóc vào, văn chương cứu rỗi nhân quần đấy ..

- Thử hỏi thấy người ốm & con nghiện ông có làm gì được không, hay cũng đành chịu ? Ốc không mang nổi mình ốc, lúc nào cũng xin Mạnh Thường Quân tài trợ nói chi đến người khác. Làm sao tôi có thể bảo người ta quý mình, khinh lũ tham tài khi mình tiền không, quyền không, cái gì cũng không trừ cái mồm. Tôi cũng không thể giải quyết được vấn nạn việc làm ngay cho chính đứa em gái của mình đây này. Trước mọi sự tớ đều bất lực, cứ ôm bụng chữ mà lơ láo nhìn.

 - Sự đời nó thế, biết làm sao được. Nhà văn là tấm gương trung thành phản ánh thời đại

Tác phẩm của tôi không chống được tệ nạn xã hội, không ngăn ngừa được SIDA,

không bảo vệ môi trường....những cái đó báo chí, các cơ quan văn hoá thông tin tuyên truyền làm suốt, chuyên môn của họ khá hơn nhiều. Tác phẩm của tôi ra hay không ra thì người ta vẫn cứ tham nhũng, vẫn cướp đường, vẫn gái điếm, vẫn trẻ lang thang, vẫn người cơ nhỡ. Dẫu có viết vạn trang thì  đời này vẫn vậy thôi. Ngày ngày sở kiến bao nỗi thống khổ , cũng  đành lòng vậy, cầm lòng vậy biết làm chi bây giờ ? Thấy gái quá lứa, lỡ thì độc thân, thương thì thương thật nhưng mang thân mình lấy người ta sao được. Ngẫm kỹ nhiều khi tôi cũng thấy mình bất lương lắm. Bao lần  trông thấy trẻ nhỏ ăn xin què quặt tật nguyền như một cái rẻ rách (Có thể đếm được và có thể không đếm được) Vậy mà nào đâu đã một lần dám giang tay bế về nhà để cưu mang chúng. Cứ  đành quay mặt làm ngơ, chứ mang về thì nhà mình sẽ thành cái gì hả ông ! Tôi biết tôi  cảm thấy hết nhưng chỉ có thể tự tổng  sỉ vả mình qua trang giấy mà thôi, chỉ là những nỗi đau đời mà thôi. Biết sao được, khi nhà văn chả phải  nhà từ thiện.

Vừa lúc  Thị Tư bưng mâm dọn ra có các món mang tên thông thường nhưng đó là món xịn, đĩa thịt gà rắc lá chanh da vàng cượm thịt săn ăn ngọt mà không béo, không sàm sạm bã bà bà như thịt gà công nghiệp làm sẵn đầu hàng Bè. Đĩa rau muống non dài mềm muốt mát như sợi bún, xanh mướt, bát canh chua, rổ rau sống  tú hụ sum họp đủ các loại hành tỏi xương sông, mùi tàu, xà lách, cành  giới, giá ngâm..  

 

Nhìn cô vợ trẻ xinh non tơ của Tỉnh, Quê nhấm nhấm nháy nháy

Tỉnh cười xoà:

- Đang ế xưng ế xỉa, may “Cuối đời gặp lại  Lan“, cả nhà không đồng ý nhưng “Mỹ nhân nan tấc đắc”8  tôi cóc cần các vị ấy thẩm định thay, quyết định hộ hạnh phúc cuộc đời mình. Hai đứa làm bữa cỗ nho nhỏ trình diện bạn bè rồi ngược về đây luôn.

 

- Tôi thì quê mò ra phố  ông thì từ phố lại trốn về quê. Ông đúng hay tôi đúng, ông đúng thì tôi sai mà tôi sai thì ông đúng hay cả hai đều sai. Như thế nào thì hợp lẽ đời đây ?

- Ông cứ sai sai đúng đúng gì thế, mang tiếng là thị dân chính hiệu, nhưng tôi thấy  Hà thành chẳng qua cũng chỉ là một cái làng lớn mà thôi. Dù tôi với ông có mất cả tháng ngồi cãi nhau thì cuộc sống vẫn diễn tiến, non sông muôn đời vẫn vậy cả thôi. Thú thật với ông trước đây ở phố nhiều lúc phát hoảng khi thấy mìnhh đã bị cách ly với cỏ cây non nước, mây trời hoàn toàn, hàng ngày bị bao vây kín mít bởi các phương tiện nhân tạo, đến cả bàn chân cũng chả tìm thấy chỗ nào có đất mà đặt nữa. Hơi thở  đặc quánh bụi và cái loại chất khí  thải. Thôi ta lên đồi hái mớ chè kẻo tối tán gẫu lại  chả có gì nhấm nháp.

 

Tỉnh dẫn Quê lên đồi chè. Bóng nắng chiều hôm vếch qua đỉnh đồi rọi vào hiên nếp nhà gianh như những ánh đèn pha cực lớn. Gió lùa rặng bạch đàn lao xao, dồn đuổi  đám mây như đàn cừu trên thảo nguyên. Những ngọn bí đương hoa, loe ngoe len lỏi, đan chen vào giàn bầu sai trĩu trịt. Tiếng trâu về thôn khua mõ lốc cốc, mấy chú nghé cuối bầy, vừa nghé ọ, vừa lắc cổ ngúng nguẩy đầu, cọ sừng vào nhau lách cánh. Nước sông cuộn chảy như  dòng người trôi trên phố, đưa đẩy đôi ba chiếc bè gỗ thong dong về xuôi. Quê chợt ngộ ra nhiều điều: “Mình cứ  ao ước Villa biệt thự, nhà mặt phố, cố chạy vạy lo lót chỗ nọ chỗ kia mà làm cái chết tiệt gì, để ruộng vườn nhà quê hoang hóa, để biết bao buổi chiều như thế này lơ đễnh trôi đi”

 

1)Kitx - Nhà thơ Anh.

2)“Bay trên đầu thế kỷ nhân gian” -Thơ Tố Hữu

3) Nguyễn Du - Truyện Kiều: “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”

4)Thư gửi E li ze”   Nhạc phẩm của Bethoven

5)Thơ Nguyễn Bính

6) “Sợ gà”5: Gạ sờ

7) Na Po Le On 

8) Người đẹp xưa nay hiếm

Vinh Huỳnh
Số lần đọc: 2383
Ngày đăng: 12.04.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một thời - Hồ Tĩnh Tâm
Kẻ đạo văn - Hòa Vang
Ngày đã qua - Nguyễn Ngọc Tư
Đi xa - Nguyễn Văn Ninh
Bến cây ổi - Nguyễn Đức Thiện
Lương - Nguyễn Ngọc Tư
Đứa con không về - Bích Ngân
Có Vợ - Phan thị Vàng Anh
Muốn có tự do, một cõi cho mình thì hãy mặc lòng chấp nhận - Nguyễn Thị Thu Hiền
Người về - Đinh Lê Vũ
Cùng một tác giả
Thăng trầm (truyện ngắn)
Phù du (truyện ngắn)
Ám ảnh (truyện ngắn)
Nghĩa tử (truyện ngắn)
Hão-1 (truyện ngắn)
Hão-2 và hết (truyện ngắn)
Gái quê (truyện ngắn)
Cạnh tranh (truyện ngắn)
Vợ dại (truyện ngắn)