Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.193
123.213.468
 
Điều bình dị và phi thường ở một người phụ nữ
Thanh Xuân

Ở xứ Rạch Giá, có một người con gái giả trai đi tòng quân cứu nước và ở trong quân ngũ 5 năm liền, giữ chức đại đội trưởng-một đại đội trưởng gan dạ, đã đánh là quyết thắng. Cũng con người ấy đã dùng dao phay chém một tên ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân. Khi sa vào tay giặc, đã biến tòa án quân thù thành nơi kể tội ác chúng và  dõng dạc tuyên bố :" Nợ nước,thù chồng quyết trả". Nhân dân gọi bà là" nữ tướng" Trần Thị Quang Mẫn-dì Mười Mẫn, người phụ nữ đã làm nên huyền thoại trong huyền thoại của dân tộc chống ngoại xâm bằng khí phách "đạp luồng sóng dữ,chém cá tràng kình" của Triệu Trinh Nương...

 

Năm 1994, người con gái trở thành "anh Vệ quốc đoàn" năm xưa đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao qúi Bà mẹ Việt Nam anh hùng. " Nữ tướng" Trần Thị Quang Mẫn, mẹ Việt Nam anh hùng Mười Mẫn, còn mãi những dòng tiểu sử khiến ai nghe cũng đều khâm phục, kính trọng. Còn với mẹ, ngay cả giây phút thiêng liêng được cả nước tôn vinh Bà mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ vẫn chân chất, bình dị, hiền lành như vùng quê mẹ được sinh ra và lớn lên.

 

Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Quang Mẫn sinh năm 1927, trong một gia đình trung nông ở xã Vĩnh Thạnh, huyện Giồng Riềng tỉnh Rạch Giá . Khí thế hào hùng của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã thổi bùng ngọn lửa yêu nước trong lòng người con gái thôn quê Trần Thị Sáu (tên gọi ở nhà của má Mười Mẫn). Ngọn lửa yêu nước đó được nhen nhóm từ những bài học lịch sử ở trường làng và " kho sách quí" cúa người cha vốn  uyên thâm, kỹ lưỡng và nghiêm khắc. Thế là ý thức tòng quân giết giặc cứu nước luôn thôi thúc cô con gái của ông. Mẹ Mười Mẫn kể lại: "Ở nhà mẹ tên Trần Thị Sáu, thứ sáu trong gia đình có 14 anh chị em-12 gái, 4 trai. Ông già thương yêu con cái, nhưng rất nghiêm khắc.Theo ông, con gái là phải rành bếp núc, thêu thùa, may vá. Nhưng mẹ lại không mang dáng dấp yểu điệu thục nữ, mà thích phóng khoáng, mạnh mẽ, làm chuyện của con trai như chăn trâu, lội đầm xem cá sấu. Khi chăn trâu ngoài đồng, thì hò cho trâu rượt đuổi nhau,  rồi rủ chúng bạn "đánh trận giả". Những năm 40, quê của mẹ còn hoang sơ, rừng có cọp, đầm có sấu. Mẹ nghe kể chuyện Mồ Thị Cư  đánh cọp rất thán phục, nghĩ mình cũng sẽ làm được những điều mọi người làm được".

 

Sinh ra trong một gia đình trung nông, khá giả, cô Sáu rất thương người nghèo và căm ghét bọn cường hào ác bá, theo gót Tây ức hiếp dân lành. Ông già thấy ở quê không có trường dạy chữ, chỉ có trường dạy võ, ông cho mời thầy về dạy chữ quốc ngữ cho các con và con em nhân dân trong xóm. Lớp toàn con trai, chỉ có cô Sáu và người em là gái. Khi có một ít vốn chữ quốc ngữ, cô Sáu thèm cái tủ sách của cha và quyết biến cái tủ sách ấy thành cái vốn cho mình mà cô nghĩ rằng sau này sẽ rất cần đến nó. Thế  là những trang sử Bà Trưng, Bà Triệu,  Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Huệ, truyện Hoa Mộc Lan tòng chinh và ngay trên quên hương Sáu có người anh hùng đánh Pháp Nguyễn Trung Trực...thấm đầy nước mắt cô và đọng lại giữa trái tim trong trắng và cháy bỏng tình yêu nước của cô. Trong những giấc mơ, cô thấy mình thành Hoa Mộc Lan ...

 

Năm 1944, khi mới 17 tuổi, Trần Thị Sáu trốn nhà đi theo Vệ quốc đoàn, nhưng không thành. Lần ấy gian nan lắm. Mẹ Mười Mẫn nhớ lại: " Trốn nhà thì đâu có được đi đàng hoàng ngoài đường, mẹ phải băng qua một cánh rừng và một đầm sình lầy, dưới đầm có cá sấu, chúng có thể đớp người bất cứ lúc nào. Sợ lắm, nhưng mẹ nhớ tới Triệu Thị Trinh ngày xưa quyết chém cá kình ở biển Đông, còn mình sao không lội đầm được. Nếu cá sấu cắn bị thương, còn sống, thì còn đi đánh giặc được.  Nhưng lần ấy, mẹ không bị cá sấu cắn mà bị ăn đòn. Sau khi chui được vào nhà người chú, chờ sáng mai đi tìm vệ quốc, thì ông già đuổi theo tóm được. Ông cộng hai tội: một là bỏ học từ Rạch Giá về quê;  hai là trốn đi theo vệ quốc, công việc của đấng nam nhi". Má Mười Mẫn vừa kể vừa nhai trầu và lấy khăn thấm nước mắt. Trong suốt câu chuyện, có hai lần má khóc. Đó là lần nhắc tới Quốc Hưng, con trai duy nhất của má và lần nhắc chuyện cha mẹ ở quê nhà.

 

Lần đầu tóm được con gái trốn nhà đi theo vệ quốc, trong cơn giận dữ, ông già dúi đầu con mình xuống bộ ván gõ, cầm dao chặt cụt hết mái tóc dài chấm eo của cô con gái 17 tuổi. Má Mười Mẫn kể: "Hồi ấy, con gái hư mới bị cạo đầu, bôi vôi. Má bị chặt cụt tóc cũng xấu hổ lắm rồi". Thương cha không dám cãi, cô Sáu theo cha về nhà, nhưng vẫn khóc tức tưởi và nằm bẹp, không thèm ăn uống, chỉ nghĩ tìm cách và chờ cơ hội trốn nhà lần nữa. Người mẹ dịu dàng, thương con, sợ con ngã bệnh, bà cố khuyên Sáu ăn uống cho tươi tỉnh. Sáu thuyết phục mẹ cho cô đi tòng quân. Bà mẹ nghẹn ngào ôm con vào lòng. Chẳng mấy chốc, tin con gái thứ sáu của ông bà Hai Phước trốn nhà đi đánh giặc đã lan đi khắp xóm. Một gia đình danh giá, có chữ nghĩa, được xóm làng trọng nễ, lẽ nào lại ngăn cấm tinh thần yêu nước của con. Ông Hai Phước nghĩ như vậy và ông biết khó lay chuyển được lòng quyết tâm của con gái, ông già lặng lẽ cho con thực hiện ước mơ của mình. Bà mẹ khóc ròng khi thấy cô Sáu cắt tóc húi cua( tóc hớt cao ), nịt ngực thật sát, mặc quần soọc, gỉa thật giống con trai. Cái tên Trần Quang Mẫn gắn vào đời Trần Thị Sáu từ đó.

 

" Anh " chiến sĩ liên lạc" đẹp trai" Trần Quang Mẫn được đầu quân vào Trung đội 1, đại đội 70, chi đội 124 " Bộ đội Huỳnh Thủ" từ đầu năm 1946. Lúc ấy,  đơn vị này đang hoạt động ở Vĩnh Thuận-U Minh Thượng. Giây phút Trần Thị Sáu trở thành " anh " chiến sĩ vệ quốc đoàn Trần Quang Mẫn thật hồi hộp. Trong những câu chuyện tâm tình với thế hệ trẻ sau này,mẹ Mười Mẫn kể : "Đó là giây phút hồi hộp và rất thiêng liêng trong đời mẹ. Một buổi xế chiều, có một tân binh tìm đến đại đội 70. Lãnh đạo đại đội, xem qua đơn và tiếp nhận . Khi người cán bộ đại đội đến nhận và gọi " Anh Mẫn về Trung đội 1" , Mẫn mới thở phào và mừng thầm " chuyện giả trai bước đầu như vậy là thành công". Nhưng những gì khó khăn còn chờ đợi ở phía trước, cô chưa lường được hết. Cô chỉ  nghĩ tiếp các màn kịch sau này, càng khéo, càng hay. Vốn có một vóc người tầm thước, nên chuyện bắt chước bộ dạng đàn ông của cô không mấy khó. Khi đơn vị đóng trong nhà dân, "anh Mẫn" luôn giành các công việc nặng nhọc: gánh nước, đốn cây, bữa củi... Xong các công việc, "anh Mẫn" đá cầu, đánh banh...cho nước da rám nắng và chân tay nở to. Má Mười Mẫn nhớ lại: " Nghĩ đơn giản, nhưng khi vào cuộc rồi, mình hay bị có tịch giựt mình. Nên để cho chắc ăn hơn, má tập hút thuốc rê, uống rượu đế; chạy ra giữa đồng đào lỗ, úp mặt xuống hét cho vỡ giọng khàn khàn, giọng rè y chang đàn ông.". Còn một chuyện tưởng chừng như quá  sức đối với người phụ nữ giả trai theo con đường binh nghiệp: ban đầu ngủ trưa, Mẫn cũng chui vào nóp; đi tiểu Mẫn " biến" vào bụi rậm. Anh em kháu nhau " thằng Mẫn làm điệu bộ gì như con gái", họ lén lục đồ Mẫn coi thấy toàn đồ đàn ông. Biết anh em ngờ vực, Mẫn làm luôn một " màn kịch" cuối để chặn đứng nỗi ngờ vực trong anh em: Mẫn đã tập...đi tiểu đứng trong lùm trúc; ngủ trưa không chui vào nóp, mà mặc quần xà lỏn, áo thun. Còn chuyện  " đến kỳ " của phụ nữ cũng được " anh Mẫn " trị luôn bằng bài thuốc " uống lá rau răm"...

 

Năm 1947," anh Mẫn" được giao nhiệm vụ làm Trung đội trưởng. Nhiệm vụ khá nặng nề, làm thế nào để chuyện giá trai đừng bại lộ, để " anh  Trung đội trưởng Trần Quang Mẫn" được đi đánh trận trực tiếp? Mẫn suy nghĩ miên man. Lúc ấy chi đội 124 của ông Huỳnh Thủ nổi tiếng khắp miền Tây và cả nước với những chiến thắng Cây Bàng, Lô 12 ( Vĩnh Thuận ), Sóc Xoài ( Châu Thành A- nay là Hòn Đất ), làm cho quân Pháp kinh hồn. Trần Quang Mẫn thấy mình rất vinh dự ở đơn vị này và quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 1950, chuẩn bị vào mùa chiến dịch, Trần Quang Mẫn được đề bạt làm đại đội trưởng. Gần 5 năm binh nghiệp, người phụ nữ giả trai ấy đã sống với những ngày vất vả luôn được nhân đôi, nhưng bù lại, cả miền Tây đều biết tiếng Đại đội trưởng gan dạ, đánh giặc giỏi, được cấp trên khen ngợi. Anh em đồng đội mến phục, nhiều em gái hậu phương đem lòng yêu " anh Mẫn". Trong đó có cô Cà Mun, dân tộc Khmer, 16 tuổi, có tiếng đẹp người đẹp nết. Lẫn trốn mãi không thoát, vì Cà Mun đã  yêu " anh Mẫn" đến 4 năm trời, quyết thành vợ  thành chồng với " anh". Mẫn điếng hồn, bất ngờ và xúc động. Trong khi đó, đơn vị có người thương Cà Mun. Không thể để lỡ chuyện hôn nhân của bạn, Mẫn đành thú thật với Cà Mun thân phận mình. Cà Mun hờn giận và không tin, Mẫn phải vén áo cho cô xem bộ ngực trẻ trung của người con gái phải bị nịt chặt. Cà Mun oà khóc vì " thương chị Mẫn quá". Thế là Mun đi lấy chồng, câu chuyện bí mật con gái  được hai người giữ kín.

 

Trong khi đó, ở đơn vị có anh trung đội trưởng đặc công tên Nguyễn Văn Bé, bấy lâu nay cứ ngờ ngợ sự kín đáo " kỳ kỳ" của đại đội trưởng Quang Mẫn, nên đã trộm nhớ thầm thương.  " Sự kiện " Cà Mun đi lấy chồng, càng làm anh Bé tin Mẫn là con gái. Năm 1951 anh chính thức cầu hôn Mẫn. Để chắc ăn hơn, anh chạy lên đơn vị báo cáo " Đại đội trưởng Trần Quang Mẫn " là cô Mẫn. Mọi người té ngữa, nhưng tuyệt nhiên không ai buông lời đàm tiếu, mà trong mắt mọi người luôn ánh lên những tia nhìn cảm phục, trân trọng người con gái có tấm lòng nồng nàn yêu nước, mọi người vun vào cho mối tình rất đẹp của cô " đại đội trưởng Trần Thị Quang Mẫn" và anh trung đội trưởng dặc công Nguyễn Văn Bé .

 

Mẫn cảm động vì người đàn ông hiền lành, thật thà đem lòng yêu thương mình chân thành, nhưng cũng giận vì anh làm chuyện giả trai của cô bị lộ, để cô không được làm " anh Mẫn ", đi xung trận như anh em chiến sĩ, trong lúc cả nước vào chiến dịch " căng địch ra mà đánh". Mẫn cứ tức tưởi hoài. Đầu năm 1952, họ nên duyên chồng vợ. Nhưng hạnh phúc đến với họ qúa ngắn ngủi. Cuối năm 1952, Mẫn sinh đứa con đầu lòng mới 23 ngày tuổi, thì nhận được tin xé lòng: anh Bé chồng cô hy sinh. Mọi người sợ cô sinh còn non ngày tháng, không chịu đựng nỗi cú sốc lớn này.Mẫn sống trong vòng tay bè bạn. Sự chia sẻ, cảm thông của đồng chí, đồng đội, giúp cô vượt qua. Mẫn tha thiết đề nghị tổ chức để cô ở lại trong đơn vị quân đội để được đi chiến đấu. Tổ chức vẫn phân công Mẫn ở lại đơn vị, giữ chức vụ đại đội trưởng và trong tim cô khắc sâu lời thề " nợ nước thù chồng, quyết trả".

 

Sau khi phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, không thực hiện tổng tuyển cử , Mỹ đã dựng lên chế độ độc tài phát xít Ngô Đình Diệm ở miền Nam. Với Luật 10/59, chúng lê máy chém khắp miền Nam, hàng loạt đồng bào yêu nước và cán bộ cách mạng bị giết hại dã man. Bọn Diệm đã dựng lên ở miền Tây 7 tên ác ôn khét tiếng mà chúng gọi là " Người hùng chống cộng Miền Tây", đứng đầu là tên Lâm Quang Phòng, chỉ huy khu An Phước (Vĩnh Thuận)- Khu giết người nổi tiếng của miền Tây. Rừng tràm Ban Biện Phú là nơi chúng giết và thủ tiêu hàng ngàn cán bộ, Đảng viên và quần chúng cách mạng. Nghi quyết của tỉnh uỷ Rạch Giá là phải  trừ khử tên Phòng bằng mọi giá, để bảo toàn lực lượng.

 

Mười Mẫn được phân công nhiệm vụ này. Cuộc chiến đấu không cân sức đã diễn ra. Một bên là tên ác ôn nham hiển, có cả trong tay một một lực lượng tay sai, được trang bị đầy đủ vũ khí giết người sẵn sàng bảo vệ hắn, một bên chỉ có một người phụ nữ, bước vào trận chiến đấu, vũ khí mang theo là tấm lòng kiên trung với Đảng, với nhân dân và con dao phay bên mình. Nhưng Mẫn hiểu, chị không hề đơn độc, vì phía sau chị còn cả Đảng bộ Rạch Giá, có nhân dân đang gởi gắm niềm tin nơi chị và hàng ngàn hồn oan đòi quân thù trả máu. Chính điều ấy đã thôi thúc chị có thêm sức mạnh vô biên, bước vào cuộc chiến đấu. Mẫn nhớ lời anh Chín ( tức đồng chí Nguyễn Tấn Thanh- Chín Cửu, lãnh đạo tỉnh uỷ ) dặn dò : "Khi đối mặt với quân thù phải bình tĩnh, khôn ngoan. Nếu sa vào tay giặc, thì hãy chiến đấu kiên cường như người cộng sản". Chính hôm giao nhiệm vụ cho chị, anh Chín đưa cho chị cây súng ngắn, nhưng chị đã chọn cây dao phay, dễ nguỵ trang khi gặp bất trắc.

 

Đêm chèo xuồng trên dòng sông Cái Bé, để về Tà Niên ( Châu Thành), nơi tên Phòng sẽ đến để cúng xả tang cho cha ở nhà người cô ruột hắn, Mẫn đã dừng lại một góc khuất để mài dao. Trong đêm tối, Mẫn vừa mài dao, vừa thầm gọi vong linh chồng. Chị nghĩ như có anh cùng đi bên chị trong trận chiến đấu một mất một còn với kẻ thù. Trong phút xúc động trào dâng, Mẫn nghĩ đến thằng Hưng, đứa con trai bé bỏng của chị: " Hưng ơi, con ở nhà với dì và ngoại. Khi lớn lên, con sẽ hiểu và không oán hận vì sao mẹ không ở nhà nuôi con, con càng thương mẹ hơn". Nước mắt chị nhoà trong đêm. Nhưng giây phút  nghĩ về con, không làm mềm lòng và chùn bước chân của Mẫn. Trong một lần họp mặt nữ tù binh, tù chính trị do Hội phụ tỉnh tổ chức, má Mười Mẫn kể lại phút giây này, cả hội trường lặng đi, không ai cầm được nước mắt.

 

Đến chợ Tà Niên (cách Rạch Giá hơn 10km), Mẫn quan sát để nghe ngóng tình hình. Nhà cô tên Phòng khách khứa đông tấp nập. Tên ác ôn này có quá nhiều nợ máu với nhân dân, nên những buổi "xuất trại" như thế này, hắn mang theo cả một lực lượng hộ tống: dưới bến sông có mấy chiếc bo bo, trên bờ xe "Jép" đậu thành hàng dài, nhiều lính canh gác bên ngoài. Mẫn len lỏi trong đám đông giúp việc của gia đình người cô của Phòng, vào thẳng khu nấu nướng, luôn tay làm việc: hết gọt đu đủ, đến gọt dưa, chẻ cau, têm trầu... vừa làm, vừa đưa mắt quan sát không bỏ sót chi tiết nào của tên Phòng. Cây dao yếm mài bén ngót đêm qua, được Mẫn dắt dưới lớp "áo cánh" trước ngực, rồi mặc phủ bên ngoài hai lớp áo trắng.

 

Tên Phòng mặc áo ka-ki bên trong, bên ngoài mặc áo tang, đầu đội bích cân, đến bên bàn thờ quỳ lạy.Từng là người chỉ huy đại đội đầy mưu trí, trong trường hợp này, Mẫn luôn bình tĩnh. Chị đến bên cạnh bàn thờ, giả vờ têm trầu. Chị muốn hành động ngay, nhưng lúc hành lễ, người quá đông. Nếu khử tên Phòng ngay lúc ấy, lực lượng cản trở rất nhiều, có khi chưa hành động, Mẫn đã bị bọn lính bảo vệ Phòng nổ súng, bắn Mẫn trước. Mẫn lui xuống bếp, vẫn theo dõi sát tên Phòng. Khi tiệc xong, tên Phòng thấm mệt, hắn nằm trên võng lim dim, cho hai tên bảo vệ đứng hai đầu đưa. Nhìn cảnh ấy, Mẫn trào gan. Chị thầm nghĩ " Giờ đền tội của mày đã điểm". Trong khoảnh khắc, thừa lúc hai tên bảo vệ quay ra ngoài, Mẫn rút dao, dồn hết sức mạnh căm thù chém vào cổ tên Phòng. Nhưng cổ áo ka-ki dày quá và lưỡi dao vướng cái võng, hắn chỉ bị sướt trên mặt, rồi lăn xuống đất, chui xuống gầm giường trốn. Mẫn với theo, chém tiếp mấy nhát vào suờn vào cổ hắn. Tên Phòng la ú ớ, thất thanh. Cả trung đội bảo vệ tên Phòng và lính đồn quanh Tà Niên- Châu Thành được báo động, cũng ập đến. Chúng vây thành vòng tròn, Mẫn đứng giữa bầy lang sói. Bọn giặc không nổ súng vì quyết lòng bắt sống Mẫn. Chị cầm con dao đưa lên ngang ngực và nói: " Tên Phòng giết chồng tôi. Tôi chém nó để trả thù. Lưỡi dao này đã dính máu tên Phòng. Mấy người đừng vào chết thay cho nó". Trực thăng đến ngay đưa tên Phòng về Sài Gòn để cấp cứu. Bọn giặc quăng hàng trăm chiếc ghế đẩu có trong bữa tiệc vào người Mẫn. Chị dùng thế võ, chụp hết và ném trả vào chúng, tay vẫn không rời con dao. Nhiều đứa bị ghế trúng vào đầu, tuôn máu. Mẫn đuối sức dần, một chiếc ghế bay vào cánh tay, làm con dao rơi xuống đất. Bọn chúng ào đến như bột bầy thú dữ. Đứa túm tóc, đứa bẻ tay. Hàng chục đôi dày đinh đá phốc vào ngực Mẫn. Chị gục trên vũng máu. Đó là tháng 7 năm 1958.

 

Khi tỉnh dậy, Mẫn thấy mình nằm trong xà-lim của khám lớn Rạch Giá. Tóc bê bết máu, se thành lọn. Hai chiếc áo trắng rách tả tơi, thấm máu chuyển thành màu nâu sẫm. Mẫn hiểu điều này sẽ xảy ra khi chị nhận nhiệm vụ lên đường. Đêm mài dao trên dòng sông Cái Bé, khi hôn con lần cuối để lên đường, Mẫn nghĩ trận chiến đấu này, mình có thể hy sinh, nhưng phải đổi bằng mạng tên ác ôn, bán nước này. Giờ nằm trong khám, cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn. Má Mười Mẫn nhớ lại: " Khi tên thi thiếu tướng Trần Văn Là, Tổng nha cảnh sát Sài Gòn hỏi má: mày là Việt cộng, ám sát thiếu tá Việt Nam cộng hoà. Má trả lời nó: Nó là tên ác ôn, giết chồng tôi và thường dân vô tội. Tôi giết nó để trả thù chồng. Hắn hỏi tiếp: Nếu bây giờ, có thiếu tá ở đây, mày làm gì ? Tôi sẽ chém nó nữa -Tên Là gằm mặt, bỏ đi. Một thằng khác nhào tới, đấm vào mặt má và hét lên: đồ mặt đen, sao mày dám chém thiếu tá tao hả. Má nói: tao tiếc là đầu thằng ác ôn đó chưa lìa khỏi cổ. Thằng sạo chó đó, cũng dông mất. Từ đó, giặc không gọi má bằng mày, hoặc con nữa mà gọi bà Mẫn. Báo chí Sài gòn lúc đó chạy tít lớn, thật ấn tượng " Nữ  chúa miền Tây hạ sát Lâm Tướng quân". Nhân dân miền Tây, Rạch Giá thì hả hê vô cùng.

 

Giặc đưa chị qua hàng chục trại giam: Rạch Giá, Chương Thiện, Tân Hiệp, Chí Hoà, Côn Đảo...Biết bao ngón đòn nham hiểm, bao thủ đoạn dụ dỗ, hòng làm nhụt chí khí của người chiến sĩ cách mạng và chúng vẫn huênh hoang : " Cho bọn Việt cộng trở về thời trung cổ". Nhưng tất cả đều vô ích. Án kêu 12 năm khổ sai, Mẫn "cãi" giảm còn 7 năm và 5 năm biệt xứ. Ở nhà tù nào, Mẫn cũng khuấy động phong trào: khi thì tổ chức sinh nhật Bác, khi tổ chức văn nghệ mừng ngày thành lập Đảng, ngày quốc khánh, khi đấu tranh chống đàn áp đánh đập tù nhân.

 

Cuối năm 1966, bọn giặc buộc phải thả má Mười Mẫn. Ngần ấy năm bị đày đoạ, giam cầm, nhiều thứ bệnh má mang trong người, trong đó di chứng của việc tra tấn bằng chạy điện, mỗi khi trời mưa, má cứ bị giật từ trên giường văng xuống đất, đầu nhức muốn vỡ tung. Má được đưa ra Bắc, rồi được đi các nước xã hội chủ nghĩa trị bệnh. Nhưng nỗi đau đớn, bất hạnh lại ập xuống đời má một lần nữa. Người con trai duy nhất của má là Nguyễn Quốc Hưng, khi má còn bị giam trong tù, năm 1962, mớo 10 tuổi, Hưng đã trốn nhà đi bộ đội. Nhưng ai cũng biết đó là giọt máu duy nhất của má và liệt sĩ Nguyễn Văn Bé, nên mọi người tìm cách bảo vệ Hưng, chờ ngày mẹ con má sum họp. Nhưng mẹ con gặp nhau chưa hết nừng. Má cũng chưa kịp kể cho Hưng nghe vì sao phải gởi Hưng ở nhà vớ dì và ngoại, chưa kể cho con nghe đoạn đời lao tù của má. Thì ngày 30/6/1967- má Mười Mẫn nhớ như in: " Má vừa đi họp về. Có người quen chạy lại báo tin, nghe bọn giặc nói trận càn ở Bưng Đế- Gò Quao, tổ chiến đấu của Hưng bắn đến viên đạn cuối cùng và tất cả đã hy sinh. Lỗ tai má nổ lùng bùng. Cứ mong đó là nghe nhầm. Nhưng là sự thật. Thằng Hưng gặp ba nó. Để lại nỗi đau cho mẹ". Sau mỗi lần kể về Hưng, má Mười Mẫn lại ngồi lặng, rồi kéo chéo khăn. Nhưng hình như mẹ không còn nước mắt để khóc! Tháng 12 năm 1994, má Mười Mẫn được Nhà nước phong tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, vì có chồng và con trai độc nhất hy sinh.

 

Còn một huyền thoại khác về người phụ nữ dùng dao phay chém tên Lâm Quang Phòng. Đó là năm 1974, trên đường đi công tác qua kênh Chủ Mía, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), vừa qua trận máy bay ném bom. Xóm làng xơ xác, một phụ nữ mang thai  gần đến ngày sinh bị bom chết. Đứa bé trong bụng giãy giụa. Mọi người đứng bất lực, nhìn cảnh đau đớn, thương tâm này. Má Mười Mẫn kêu lên: "Cứu đứa nhỏ mau lên! Nó còn chòi đạp. là còn sống !". Sẵn con dao găm mang bên người cùng cây súng, má Mười Mẫn mổ bụng người mẹ, đem đứa bé ra. Mỗi người giúp một tay, đứa bé gái được cứu sống. Sau khi nhờ bà con chôn cất người me là chị Năm Sương, má Mười Mẫn, nhờ bà con ghi tên trên bia mộ, rồi ẵm đứa bé theo và nuôi luôn sau này, đặt tên là Ngọc Hân. Hân lên lên, nghe mẹ nuôi kể về sự ra đời của cô trong hoàn cảnh đau thương như thế, cô càng nhớ thương mẹ ruột, càng yêu kính mẹ nuôi.

 

Hiện nay, Hân đã có gia đình và cùng mẹ Mười Mẫn sống tại quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Mẹ Mẫn được Binh đoàn Đồng Tháp anh hùng- B70 không quân nhận phụng dưỡng. Trong ngôi nhà ấm cúng của mẹ, luôn có những người con khắp mọi miền đất nước, có cô con gái hiếu thảo Ngọc Hân và cháu ngoại, má Mười Mẫn nói : " Má được an ủi nhiều lắm và thấy như thằng Hưng con má vãn còn"

 

Đôi bàn tay người phụ nữ từng dồn căm thù để chém tên ác ôn bán nước. Nhưng đau đớn khi vì cứu đứa con mà dùng lưỡi dao, làm đau thêm thân thể người mẹ bị bom giết chết. Những điều phi thường đó, không phải người phụ nữ nào cũng làm được. Còn điều bình dị, vì mẹ có chung cốt cách của người phụ nữ Việt Nam.

 

Rạch Giá, tháng 3/1998

Thanh Xuân
Số lần đọc: 3493
Ngày đăng: 15.04.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lửa Napalm không giết được tình yêu. - Thanh Xuân
Bảo tàng khẩn hoang nam bộ, tại sao không ? - Lê Vũ Tuấn
Chuyện “HẬU SỰ” ở Đồng Tháp Mười - Lê Vũ Tuấn
Ghi chép một chuyến đi-1 - Nguyễn Văn
Ghi chép một chuyến đi-tiếp theo và hết - Nguyễn Văn
Làm giàu trên lũ - Lê Vũ Tuấn
"Tác chiến" ở miền Tây - Huỳnh Kim
Bơi thuyền kayak trên sông Hậu - Huỳnh Kim
Tuổi thơ bên Thành Hoàng Đế - Mai Thìn
Mái đình quê tôi - Lê Vũ Tuấn