Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.078
123.233.718
 
Chất liệu
Trang Thế Hy

Lại một câu chuyện về nhân cách rất tinh tế, thấm thía. Cuộc sống có trở thành “chất liệu” hay không, còn phụ thuộc vào người quan sát. Đọc những truyện ngắn nhẹ nhàng như thế này thật thích. Song nếu đến truyện thứ 3, thứ 4... mà tác giả vẫn duy nhất một đề tài về nhân cách này thì có lẽ đó sẽ là chuyện khác.

Một câu chuyện tình kín đáo, tế nhị thuở học trò song vẫn không kém phần ẩn dụ (hình tượng những con tàu...) Tài nhất là cách đặt tên cho nhân vật thằng “Cờ đỏ”. Một hình ảnh thảm hại của một kẻ hèn hạ trong tình yêu, mặc dù dẫu không có kẻ phá bĩnh này thì vẫn xảy ra việc... “trễ tàu”. Chủ đề của truyện ngắn gói gọn trong một chữ: Hối! Bất ngờ sẽ nằm trong cuốn nhật kí mà dù tác giả chưa mở nó ra, thì người đọc vẫn có thể đoán biết ở trong đó viết gì...

                                                                                            VPL

 

 

Tôi đứng xếp hàng mua vé xe trở về nhiệm sở sau những ngày nghỉ Tết. Đứng trước tôi là một ông già ngoài sáu mươi tuổi còn vạm vỡ, quắc thước, tay xách một giỏ mây đựng một cặp gà giò và một mụt măng tre gai . Đứng sau tôi là một thiếu phụ chưa đến bốn mươi tuổi, vóc người hơi nhỏ thó nhưng khoẻ mạnh, đãy đà. Dáng điệu , cách trang sức, quần áo, khăn dép, hành lý; mọi thứ ở người đàn bà xinh đẹp nầy đều nói lên rằng chị là cư dân thường trú của một thành phố lớn, không phải người tỉnh lẻ.

 

Đã hơn mười giờ sáng. Từ trên cái loa mắc trên cành me tây, vang lên lời thông báo của Ban điều hành bến xe rằng hôm nay số xe đăng ký chạy về thành phố Hồ Chí Minh sẽ rất ít để hành khách biết mà toan liệu cho tình huống của mình. Ai thư thả có thể gác lại chuyến đi. Ai gấp  nên đáp xe lam qua Mỹ Tho đi xe chuyền. Ai chờ nếu cuối cùng không mua được vé  đừng nên than phiền vì đã được báo trước.

 

Anh thanh niên đứng trước ông già  xách va-ly lên dợm bước ra khỏi hàng. Nhiều người ùa lại xin chỗ của anh. Người đến chậm nhất là chị  đàn bà đứng sau tôi . Chị không hỏi xin bằng lời mà bằng một nụ cười rất tươi . Anh thanh niên nhìn chị cười lại với chị : "Bước  vô chiếm chỗ của em đi". Vài người trong số ùa lại trước phân bì : "Tôi đến trước và thương lương trước với anh kia mà!" . Anh thanh niên lạnh lùng : "Chỗ của tôi , tôi nhường cho ai là quyền của tôi ". Nói xong anh ta cười với chị một lần nữa rồi xách va-ly đi về hướng ngã tư đón xe lam. Chị đàn bà bước vào chiếm chỗ của anh thanh niên , rồi ngó quanh quất, cười vu vơ , không biết cười với ai. Nhưng nụ cười có cái ngôn ngữ lặng thầm của nó : "Bất chấp mọi biến đổi của xã hội, nhan sắc vẫn cứ là một ưu thế đáng tin cậy trong cuộc sông".

 

Từ hướng phòngvé của một tuyến đường nội địa vang lên lời cự nự hơi lớn giọng của một chị đàn bà :

- Lấn vừa vừa thôi chư! Nêu tôi là một trái chuối chín thì nảy giờ tôi đã dẹp lép như một trái chuối ép rồi!"

Một giọng đàn ông cất lên ghẹo :

- Hết chuyện ví sao lại ví mình với một trái chuối chín ? Nó ngọt, nó mềm, nó thơm, ai mà hổng ham, hổng nhào vô ? Chị phải nói chị là một trái quít chín còn trên cây , thiên hạ mới ớn kiến vàng cắn và gai đâm không dám xáp !

Quít cũng không ổn đâu, một giọng đàn ông khác góp ý. Người ta sợ là sợ những cây quít còi, gai chơm chởm, không có trái. Còn đây là một cây quít đường có một cặp trái no tròn , bóng lưỡng vừa chín tới … Lỡ đã nhìn nó rồi thì con mắt đâu còn nhìn thấy những con kiến vàng và những cái gai       

Chị đàn bà bị ghẹo , phản ứng lại bằng một câu gì đó có vẻ cáu giận , nhưng không ai nghe vì nó bị trấn áp bởi một trận cười tán thưởng những lời đùa cợt dung tục của cánh đàn ông. Chị đàn bà xinh đẹp đứng trước ông già ngoái cổ nhìn về hướng có sự xôn xao :

- Đừng thèm cự, ráng chịu cho nó quen bà chị ơi ! Càng bị ép mình càng đẹp ra chớ không dẹp lép đi như miếng chuối khô đâu mà chị sợ. Như em nè ! Hồi trào nguỵ, ông xã em ổng doạ kiếm vợ bé ngày một. Ổng chê em tròn vo như cái thùng nước lèo. Bây gờ ổng mê em như mê á phiện. Là vì bây giờ người em thon, em có "co" nhờ từ ngày giải phóng , em bị ép trong khi chen lấn mua vé xe.

 

Mấy tiếng "ép", "nguỵ" và "giải phóng" được chị đàn bà phát âm cách  điệu làm cho câu nói có ý nghĩa , châm chọc không phải chỉ do lời lẽ mà còn do giọng điệu và âm sắc nữa.

Nói xong chị đàn bà nhìn quanh quất dò xem phản ứng. Chị thu hoạch được vài thái độ tán thưởng e dè, kín đáo : gục gặc đầu, cười tủm tỉm một mình; tằng hắng có vẻ có lắng nghe, có hiểu ; nheo mắt nhìn người nói bằng cái nhìn thiện cảm vv… Thái độ phản đối biểu lộ trực diên hơn . Một bà già đứng ngoài hàng chờ người thân mua vé , cầm chéo khăn rằn đỏ tém môi trầu, giọng nói gay gắt :

- Mấy cái sa mỡ của cô xộp xuống không phải nhờ cô chen lấn mua vé xe đâu mà nhờ từ giải phóng tới giờ, thịt thà bơ sữa Mỹ nó ít đi. Nói như vậy dễ nghe hơn cô em à !

Một chị đàn bà khác cười gằn :

- Chị nói hơi khó tin. Đàn ông mà chịu ham vợ bé rồi thì vợ nhà có đẹp như tiên cũng không giứ được họ đâu. Còn nếu như chị nói thật , không phải nói xỏ xiên thì tôi nghi ông xã chị mới học tập cải tạo về, ổng còn nhát, ổng chưa dám trổ mòi.

Chất liệu cho ông đó, ông nhà văn ơi !        

Câu nói của ai đó từ bên hàng mua vé ưu tiên làm tôi quay nhìn qua và gặp một nụ cười của một nhà báo quen mặt nhưng không nhớ tên thỉnh thoảng có gặp ở các câu lạc bộ , quán cà phê. Tôi cười chào lại và hỏi nhóng thử :

- Chất liêu nằm ở chỗ nào, ông chỉ giùm coi .

Ông nhà báo nhếch miệng, chĩa một bên ria mép về hướng chị đàn bà xinh đẹp. Tôi nhìn ông tỏ ý có nghe ông nói rồi nhìn về phía trước , không muốn bắt chuyện theo hướng đề tài đó. Ông nhà báo không buông tha :

- Theo ông thì chất liệu nằm ở đâu ?

- Ở số đông thầm lặng không có ý kiến … Hoặc có ý kiến về chuyện khác hơn chuyện xếp hàng mua vé xe.

 

Đáp xong, thấy giọng mình hơi xẳng, tôi vả lả :

- Có thẻ nhà báo mua vé ưu tiên đở quá, hả ?

Bỗng từ hướng ngã tư, một thanh niên mặc quần jean xanh nước biển , áo bờ-lu-dông xám chạy lúp xúp vào phòng vé, đến ngay chỗ ông già đứng trước tôi, vỗ vai ông :

- Trời ơi ! Bác còn đây hả bác Bảy ? Mừng quá ! Xe chú Út đậu ngoài ngã tư chờ bác. Mau lên, ra đi liền cho nó khoẻ.

- À ! Cháu Ngọc, sao mầy biết tao ở đây ?

- Dạ, tụi nầy đang ăn sáng tại nhà chú Năm, thím Năm đi chợ về báo là gặp chú ngồi xích lô lên bến xe đi Sài Gòn. Chú Út lập tức kêu con ăn nhanh  lên , rồi lái xe liền lên đây, sợ bác đi rồi, ai dè còn, mừng quá. Thôi , mình đi bác Bảy.

Anh lái xe vừa nói vừa chụp quai giỏ mây. Ông già giằng cái giỏ lại.

- Mầy ra nói lại với chú Út là tao cám ơn chú . Tao có việc riêng của tao phải đi bằng xe đò.

Bác mà không ra, ông Út ổng tưởng con ăn nói vô phép sao đó với bác, ổng lại rầy con cho coi. Hay là bác chịu khó ra nói với ổng đi.

 

Ông già cười :

- Ra đặng ổng hốt tao lên xe hả ? Tao không mắc mưu thầy trò tụi bây đâu… Thôi trở ra đi con, kẻo chú Út chú chờ… Nhớ nói tao cám ơn… Chú biểu mầy vô lần nữa, đừng vô tốn công.

Anh tài xế chưa chịu đi cứ đứng xơ rớ, vẽ mặt bối rối. Chị đàn bà xinh đẹp thương lượng với ông già :

- Ông bác ơi ! Bác không đi , thôi bác làm ơn giới thiệu cho con đi, con mang ơn. Con cần trở về Sài Gòn gấp lắm.

- Tôi sẵn lòng,  nhưng giới thiệu như thế nào đây ?

- Nói con là em,  cháu gì đó của bác …

- Cô xúi tôi nói dối à ?

- Thì nói là bác cháu mình mới làm quen ở bến xe nầy.

- Cũng là nói dối. Tôi với cô có làm quen với nhau hồi nào đâu … Tôi đề nghị cô theo thằng em nầy ra ngoài xe thương lượng xin đi nhờ thủ coi…

- Ông già nói có lý. Chị đàn bà cười tủm tỉm rồi xách va-ly ra khỏi hàng, đi theo anh tài xế. Ông già dặn vói theo :

- Ngọc à ! Nếu chú Út định vô đây kêu tao, mầy can giùm. Tao nói không đi là không đi, tánh tao mầy biết rồi.

Anh tài xế dạ một tiếng nhỏ nghe xụi lơ, buồn hiu.

Bây giờ nhiều người chú ý đến ông già và bắt chuyện với ông. Được biết hồi chiến tranh ác liệt, chú Út nào đó là cán bộ đặc khu Sài gòn - Gia Định mà một bộ phận nhỏ của cơ quan trên đường di chuyển, từng trú quân tại nhà ông ở một xã căn cứ thuộc huyện Giồng Trôm. Sau giải phóng chú Út từng cho xe về rước ông lên Sài Gòn đi tham quan chỗ nầy, chỗ nọ vài lần. Hôm nay ông đi thăm đứa cháu nội mồ côi đang học ở trường Lý Tự Trọng, một trường dành riêng cho con liệt sĩ.

 

Sau mấy phút thăm hỏi ông già,  đến phần bình luận :

- Trời cho đẹp đỡ quá ! Mới đứng chầu chực mua vé xe đò , bây giờ chễm chệ ngồi xe du lịch… Nếu mụ bà nắn cho chị ta một cái mặt rổ chằn hay một cái giò cà thọt, chừng nào mới được như vậy…

- Chưa chắc ! Đừng tưởng ông "cốm" (+) nào cũng hảo ngọt … Đó là chưa kể những ông hảo ngọt, chơi bời kỹ… Tôi nghi chị ta thương lượng đi nhờ xe không kết quả, mắc cỡ không dám trở vô, leo lên xe lam…

- Khả năng đó rất it. Tôi đoan chắc là chị ta đang ngồi một mình ở băng sau rộng thênh thang

- Sao lại ngồi một mình ? Thấy ổng lịch sự với ông già cỡ đó , mình đoán được ổng lịch sự với người đẹp cỡ nào rồi… Theo ông thì sao , ông già ?

- Thì sao cái vụ gì ?

- Người đẹp đang bị ép như ép chuối trên xe lam hay ngồi chễm chệ trên xe du lịch ?

- Tôi không nghĩ đến chuyện đó. Suy đoán như vậy để làm gì ?

 

Đáp xong ông già hơi nhếch miệng cười một mình rồi trầm ngâm như trước. Cũng y như lúc nãy, khi có người hỏi tại sao ông lại từ chối không đi nhờ xe của một người quen thân có quyền thế đã tỏ ra rất nể trọng ông như vậy, ông chỉ cười cười , không đáp.

 

Bếntre - 1982.

(+) cốm : tiếng lóng, ít thông dụng, chỉ viên chức cao cấp. 

Trang Thế Hy
Số lần đọc: 3159
Ngày đăng: 05.05.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại