Yêu vội
Đắn đo mãi, Quân mới nói: "Anh rất mến Vân!”. Đây là câu tỏ tình của Quân? Thôi cũng được. Có hàng trăm nghìn cách tỏ tình. Con trai thường vụng về, mẹ vẫn bảo thế. Chẳng sao cả. Miễn là Quân yêu tôi. Nhất là trong những lúc như thế này. Ba mẹ chia tay nhau. Họ chẳng yêu nhau nữa. Cũng chẳng yêu tôi. Thì tôi cần người khác.
Buổi đầu yêu nhau, Quân e dè đưa tay vuốt mái tóc tỉa theo kiểu bờm sư tử của tôi. Tôi ngoan ngoãn ngồi yên, không hất đầu bất cần như đối với bọn con trai cùng lớp. Quân hơn hẳn chúng nó: tuổi tác, chỗ đứng trong xã hội. Lại rất đỗi ân cần. Dịu dàng, Quân đưa những ngón tay rờ mặt tôi. Hình như là tay mẹ. Những lúc tôi thiêm thiếp ngủ, mẹ cũng thường làm thế. Tôi biết nhưng giả vờ ngủ say. Để được âu yếm. Giờ đây, càng thèm được âu yếm. Càng ngày, khuôn mặt Quân càng sát lại mặt tôi. Tôi hơi sợ. Tại sao cứ phải nhìn nhau gần như thế, đến độ thấy da căng ra, mắt lồi hơn lên, mặt trở nên dị dạng? Rồi Quân hôn tôi. Hôn là thế này ư? Lưỡi lùa lưỡi. Và răng. Và môi. Ngấu nghiến. Kinh khủng quá! Mắt tôi mở trừng trừng. Chẳng giống những nụ hôn của ba, của mẹ. Tôi đẩy Quân ra. Quân hơi ngạc nhiên rồi thì thầm: "I love you!". A! Thì ra bây giờ Quân mới chính thức tỏ tình. Đây mới là câu tỏ tình của Quân? Nó được phát ra bằng Anh ngữ, dễ dàng hơn câu bằng tiếng mẹ đẻ Quân đắn đo lần trước. Anh ngữ muôn năm! Vừa đảm bảo được lời yêu, lại ăn nói dễ dàng.
Tụi bạn tôi tò mò, háo hức: "Yêu thế nào? Thú vị chứ”. Tôi không trả lời được. Quân không phải là ba, không phải là mẹ. Đôi lần tôi bần thần trước đống ô mai Quân mua. Lâu lắm rồi mới nhìn thấy chúng. Quân chỉ thích rủ tôi đi nhà hàng, vào bar, du thuyền. Du thuyền, mỗi đứa ngồi một phía, một tay chèo. Đập loạn xạ, lung tung. Nhiều khi thuyền tròng trành, thiếu chút nữa xoay như chong chóng. Quân bảo tại tụi mình là người thành phố nên chèo không nghệ. Tôi nghĩ, tại sao tôi và Quân không thể chèo về một hướng như những người khác. Khó lắm thì phải. Ngày trước, ba mẹ cho đi đạp vịt ở hồ này lại dễ dàng hơn.
Du thuyền nhanh chán, Quân rủ đi nhảy, vào bar. Toàn những chỗ mờ ảo. Chẳng còn nhìn thấy mặt nhau. Cứ chúi vào một góc là Quân thọc tay vào ngực tôi khua khoắng. Tôi sợ. Lại thấy Quân trẻ con hơn bọn con trai cùng lớp nhiều. Háo hức. Vồ vập. Mười sáu tuổi, đôi khi tôi vẫn thèm sờ ti mẹ. Hồi nhỏ, mẹ vẫn dọa tôi có ông ngáo ộp. Lần sau, có lẽ tôi không dám đi nhảy, vào bar cùng Quân. Có vào, phải vẽ lên ngực một cái đầu lâu có hai khúc xương bắt chéo. May ra Quân sợ.
Đứa bạn tôi có kinh nghiệm dặn dò: "Hôn nhau khép mắt vào mới thơ mộng”. Tôi vẫn không thể. Mắt vẫn trừng trừng. Láo liên. May mà Quân nhắm mắt. Dạo này Quân để ria nên mặt tôi bị nhột. Tôi không nén nổi, bật cười. Lần này đến lượt Quân đẩy tôi ra, mắt tròn dấu hỏi.
Tuần sau, Quân tuyên bố với bạn bè cắt đứt tôi. Chỉ số thông minh của Quân khá cao. Tuần sau nữa, đã thấy sau xe Quân người con gái khác ôm eo chặt cứng. Chị này già dặn, mặt không non choẹt như tôi, chắc sẽ không bị Quân chê rằng không biết yêu. Tụi bạn tôi dò nguyên nhân: "Chỉ có con Vân là khổ. Tại ngố quá. Giờ chẳng còn ai... ”. Có đứa nghi ngờ: "Mày đã mất?... ”. Mất gì? Được gì? Tôi chẳng mất. Cũng chẳng được gì cả. Đứa tiếc cho tôi cái mối tình đầu. Tôi quay về nhà cũ, dùng đôi giày hầm hố đạp tung cánh cửa. Trống trơn. Chẳng có gì.
Muộn vợ
Trời bắt đấu trở lạnh. Trời trở lạnh, người ta càng cần có đôi. Mấy anh con trai nhà bà Ngữ cứ bấn lên nhìn thiên hạ. Rõ khổ. Nhà người ta dâu con, cháu chắt rộn ràng, nhà mình thằng nào cũng lộc ngộc. Đi ra đi vào là gặp mấy thằng lộc ngộc. Bực cả mình. Có phải ít tuổi, choai choai gì cho cam. Thằng lớn ba lăm, thằng kế theo ba mốt, thằng út cũng hai tám - sấp xỉ “băm”. Người ta bảo “tam nam bất phú” - ấy vậy mà đúng. Cứ như một lời quở. Càng nghĩ, càng sốt cả ruột. Không ngày nào bà Ngữ không giục mấy anh con trai lấy vợ. Giục rồi mới thần người: lấy gì mà cưới? Anh đầu nói đến chuyện vợ con là trầm ngâm, bỏ sang nhà hàng xóm. Anh thứ đỏ mặt đánh trống lảng. Chỉ có anh út còn có vẻ sốt sắng: "Mót cưới nhưng chưa kiếm được người yêu". Tất cả chỉ tại cái tội nghèo. Thu nhập của ba anh con trai nhà bà Ngữ tháng tròn triệu. Một triệu chi tiêu cho cả gia đình năm người. Ông Ngữ về già bị liệt, nằm một chỗ, thuốc thang qua quýt qua ngày. Nhưng cũng là một khoản tốn. Bệnh thấp khớp hành hạ khiến bà Ngữ chỉ quanh quẩn con lợn, con gà. Hàng ngày quanh quẩn con lợn, con gà nấu hai bữa cơm, chẳng nhìn thấy tiền, bà Ngữ suốt ruột.
Ba anh con trai làm thợ đi tối ngày mà thu nhập tròn triệu. Có về nhà, cả ba cũng chẳng giúp được gì. Anh cả tẩn mẩn tỉa dăm ba cây cảnh từ thời thịnh vượng các cụ để lại. Anh thứ quét nhà, lau cái chõng tre, rửa bộ ấm chén. Anh út trẻ trung hơn, hò hét bóng banh cùng lũ nhóc. Ba gian nhà ngói thênh thang hầu như chỉ có mặt hai ông bà già. Ông khạc đờm, bà lủi thủi dọn dẹp. Trẻ con hàng xóm sang chơi chốc lát lại về. Bữa cơm có mặt năm người rồi vắng vẻ. Ba anh con trai lững thững đi về, lững thững ăn ngủ. Kế bên, xóm giềng nhộn nhịp. Mẹ gọi con, vợ gọi chồng. Nhà bà Ngữ im lìm. Toàn người lớn, chẳng ai muốn nói với ai. Duy có vài lần ba anh con trai có khách. Mấy cô gái theo anh cả, anh thứ, anh út về chơi, xem gia cảnh. Ông Ngữ cố không khạc đờm, bà Ngữ lo toan đi bứt ổi. ông bà vui ra mặt. Mấy cô gái ngồi hờ trên chõng tre, hỏi thăm bệnh tình ông Ngữ, rón rén ra sân xem cây cảnh rồi về. Bạn gái ba anh con trai ra về, hôm sau xóm giềng đồn ba anh con trai sắp lấy vợ, lại cá cược anh nào cưới trước, cưới sau. Có hỏi, bà Ngữ hỉ hả:" Còi to cho vượt”. Không thể anh hai tám tuổi đợi anh ba mốt tuổi, anh ba mốt tuổi đợi anh ba lăm tuổi. Với bà Ngữ, giải phóng anh nào đi cũng nhẹ, cất được gánh nặng muộn phiền nghìn cân.
Trời rét đậm, thiên hạ đã có đôi. Bà Ngữ thấp thỏm, muộn phiền. Mấy cô bạn gái ba anh con trai đến chơi một lần không thấy lại. Các cô lần lượt lên xe hoa. Anh cả trầm ngâm, anh thứ buồn mất mấy ngày, anh út buông tiếng chửi đổng. Tàn vụ rét, đi qua nhà bà Ngữ, người ta vẫn thấy anh cả tẩn mẩn tỉa cây, anh thứ quét nhà, anh út hò hét trẻ con chơi trận giả...
Người mang tên một loài chim
Nàng có ba người chị: Uyển, Khuyên, Oanh. Hoài thai lần thứ tư, mẹ nàng quyết: "Trời chẳng thương cho mụn con giai thì cũng đủ " tứ nữ bất bần”. Nàng được sinh ra, đặt tên là Yến. Mẹ nàng trào nước mắt. Cha nàng dứt khoát bỏ đi trong dàn hợp xướng tiếng khóc như ri của bốn chị em nàng. Mẹ nàng - bà lại quyết: "Con Yến phải ghi lấy cái hận này! Riêng mày phải nên tấm nên cám, phải ra trò!".
Lời bà mẹ tiên đoán chẳng lệch đi chút nào. Mỗi lần trước gương, nàng ngẫm ngợi... Nhưng tất cả cũng là sự tất yếu của môi trường, của hoàn cảnh - thông minh, nàng thừa hiểu. Ai làm nên số phận? Nàng hiểu: bản thân mình phần nhiều. Sống trong niềm thù hận, ý thức sâu sắc về bản thân, nàng xác định: đặt đàn ông dưới chân. Chúng chỉ là phương tiện, là một trong những thú tiêu dao của nàng ở cuộc đời. Nhìn vào mẹ, vào mấy bà chị yếu đuối, chịu sự khuất phục của số mệnh, nàng càng khẳng định điều này.
a
Nạn nhân đầu tiên của nàng chính là... chồng nàng. Kể cũng lạ. Nhiều người đã khó lý giải được chuyện nàng dễ chấp nhận một anh bảo vệ làm chồng. Yến đẹp, chỉ số thông minh cao, khéo léo, xuất sắc về nhiều mặt. Ấy vậy mà cho tới năm hai mươi ba tuổi nàng lên xe hoa, thực sự nàng chưa từng cùng ai. Có người đem cái nghi ngờ vỗ độp vào mặt chồng nàng: "Vợ mày - nó có còn...?". "Còn!" - chồng nàng khẳng định, chắc nịch. Ai đó thương anh chồng phải chăng ngờ nghệch, bị hớp hồn, ăn thuốc lú của người đẹp hay bị người đẹp cao tay đánh quả lừa. Bàn đi tính lại, dò đi xét lại, đúng là Yến chưa từng cùng ai. Chàng bảo vệ được thể tự hào - về bản thân, về cô vợ ngọc vàng.
Chỉ có Yến mới lý giải được chuyện này. Nàng chưa từng cùng ai - cho đến khi lấy chồng. Đúng ra, nàng không thèm cùng ai. Tuổi trẻ, nàng thiếu độ "chín" hơn bây giờ nhưng quá đủ độ hấp dẫn để lũ đàn ông lượn vè vè. Yến mang máu lạnh. Vả lại, như đã xác định từ tấm bé, nàng phục thù tiêu chí: đặt đàn ông dưới chân mình.
Lấy chồng, Yến coi quyết định ở tuổi hai mươi ba là đủ sáng suốt. Lấy chồng, nàng tạo nên cho mình một vỏ bọc vững chãi suốt cuộc đời. Chẳng ai muốn làm ma không chồng. Huống hồ, người chồng đó lại quá tôn sùng, tin tưởng nàng. Cho chồng một, Yến biết nàng lấy lại được mười. Hàng chục năm cuộc sống chồng vợ, chồng nàng đố một chút ì xèo nào về chuyện đi hôm về sớm của vợ. Thiên hạ dị nghị, xì xầm, anh bảo vệ đơn giản: "Công việc cô ấy phải thế, có sao!". Thấy chàng rể hiền lành, mẹ Yến bảo nàng: "Số mày thuận lợi, không đa truân đâu con ạ! Phải dắng dỏi mà giữ gìn”.
Thì ít nhiều Yến cũng theo lời mẹ, giữ gìn. Nàng làm theo cách của nàng. Nàng coi cái gọi là "tổ ấm" là chốn nương náu tốt nhất mỗi lúc thu mình. "Tổ ấm" cũng là nơi cất giấu kho báu - những vật chất nàng cuỗm được từ bọn đàn ông đem về. Nàng hoàn toàn yên tâm bởi kho báu đó có tên lính canh trung thành là gã chồng. Chỉ có một mục đích gây dựng cho "tổ ấm" - với Yến - là con bé Ngọc. Nó là kết quả của sự chung đụng giữa nàng với chồng hay bất cứ người đàn ông nào? Ai cũng vậy thôi. Yến cần một đứa con để còn hừng hực chí khí rút ruột đàn ông đem bạc vàng châu báu về cho hòn ngọc của mình. Thực sự, con bé Ngọc là con giữa Yến với chồng nàng. Yến biết bố nó là ai cũng vậy thôi. Để hợp lý hóa, nó có một người bố đẻ cận kề - thế có hơn không. Như thế, nó sẽ được dồn nhiều tình cảm, công sức hơn. Nhưng nó chỉ là của nàng. Yến muốn khẳng định điều này. Nàng dạy con, tất nhiên, điều mẹ nàng sớm manh nha cho nàng từ tấm bé: đặt đàn ông dưới chân mà sống. Song con bé Ngọc lớn lên hồn hậu quá. Nó vòi vĩnh: "Mẹ sinh cho con thêm đứa em, mẹ nhé?". Không, nhất định không! Có thể chiều chuộng con bất cứ thứ gì nhưng Yến không thể chiều nó điều đó. Nàng vẫn nói như đùa với chồng: "Cho nhà anh tiệt giống!". Chồng nàng lặng câm, không phản ứng. Quyết định của nàng luôn là số một. "Gái một con", nàng phải bảo vệ nhan sắc.
a
Có vỏ bọc vững chắc, đặt ra tiêu chí rõ ràng, Yến tung hoành ngang dọc. Không ở đâu trong thành phố loại ba này mọi người không biết đến nàng. Giữ nụ cười trên môi, nàng có được vô khối các mối quan hệ, từ sếp tỉnh đến sếp thị, từ sếp to đến sếp nhỏ. Ngoạn mục nhất là trong cái cơ quan tầm cỡ vừa vừa của nàng có mấy đời sếp thi nhau chen chúc làm nô lệ, làm nạn nhân cho nàng. Sếp cũ chưa đi, Yến đã sớm biết lượng chừng ai là sếp mới, nàng sớm gây dựng quan hệ. Nàng bắn ánh mắt đến đâu, các sếp trước sau cũng ngã gục đến đó. Sai lầm của các sếp - như mọi sai lầm thông thường vẫn thấy ở đời là tin ở tình yêu - tình yêu Yến dành cho các ngài. Làm gì có tình yêu, nhất là với các sếp (!).
Thứ tình cảm xa xỉ ấy, ngay từ thời trẻ Yến đã không có. Qua tứ tuần, nàng lại càng có thể khẳng định nó là thứ tình cảm xa xỉ, không tồn tại. Thế nhưng cho đến bây giờ vẫn vô khối kẻ trong các sếp đắm đuối với chữ tình. Cũng là chữ "t" cả thôi - Yến cười mỉm. Các sếp cứ mải đắm đuối, ảo tưởng, nàng cứ việc thu về hàng xếp tiền trong các vụ áp phe cần chữ ký của các ngài. Không phải là các sếp không biết gì. Con gái trẻ, đẹp vây quanh các sếp cả đống. Chúng có cái dại, cứ thấy tiền là sáng mắt (mặc dù phần của chúng có là bao so với phần của nàng). Yến không thế. Nàng thừa thông minh để hiểu được các sếp đã quá ngán loại đàn bà con gái như thế. Nàng điềm nhiên nhìn đống tiền, quà. Nàng tạo cho các sếp cảm giác yêu thương, tin cậy ở nàng. Vỏ bọc của nàng rất dày, rất sang, đầy vẻ quý tộc, thượng lưu chứ không phải loại ngốc nghếch, thực dụng rẻ tiền. Đàn ông vốn không thích phụ nữ thông minh hơn mình nhưng cũng thích dùng phụ nữ thông minh như để tăng thêm độ thông minh cho... chính mình. Với sếp này, nàng bóng gió nhắc tới sếp kia (tất nhiên là sếp to hơn), thế là các ngài đã nể nhau lắm và vô hình chung cũng… nể nàng. Cuối cùng (nàng chỉ cần, chỉ quan tâm tới kết quả cuối cùng): các sếp tự nguyện dâng cho nàng chữ ký. Kèm theo chữ ký là cả đống tiền và cả… tấm tình. Chao ôi là các kiểu tình “ông đút chân giò, bà thò chai rượu”(!). Ấy vậy mà cũng đã có sếp một hai đòi ly dị vợ, khiến vợ tự tử hụt và… đòi lấy Yến. Ngưỡng mộ đến độ sây sẩm mặt mày về tài sắc của nàng, sếp càng có dịp so sánh và ngán ngẩm “mụ vợ quê kiểng, thiển cận” ở nhà. Tới lúc ấy, Yến hoảng. Nàng đánh bài “tâm lý chiến” về con đường công danh sự nghiệp của sếp, về vẻ đẹp của “tình yêu” dang dở giữa sếp và nàng…
Duy chỉ có một lần, Yến bị nạn, gặp “cướp”. Yến không duy tâm, mê tín tin vào luật nhân quả hay để ý tới lời mẹ nàng về cái sự “đi đêm…”. Lúc này, nàng đã quá nổi tiếng trong “giới thượng lưu” của thành phố. Bỗng đâu lù lù về cơ quan mới của Yến một sếp “khổng lồ”. Gọi là sếp “khổng lồ” vì dây, ô của sếp rất to, không chỉ trong thành phố tỉnh nhà. “Có mới nới cũ”, Yến bập luôn vào sếp. Sếp cũng có vẻ kết nàng. Mọi sự diễn ra suôn sẻ như mọi “vở”, mọi “bài” Yến đã từng. Đùng một cái, sếp lại có lệnh rút. Yến chưng hửng khi vụ áp phe còn đang dang dở, đe dọa bị phanh phui. Nàng loay hoay không biết giải quyết thế nào, “alô” cho sếp. Sếp trả lời lạnh lùng: “Công việc là công việc, đàn bà là đàn bà”.
a
Sau cú vấp ấy, Yến hận đàn ông ngút ngàn. Nàng càng hận hơn khi chính chồng nàng – chàng bảo vệ hiền lành xưa, nay dám táo gan bỏ nàng theo “tiếng gọi của tình yêu”, cuỗm gần hết kho báu nàng dày công gây dựng. Tình yêu là gì mà có sức mạnh gớm ghê đến vậy? Yến trở nên hoang mang. Nàng biết mười mươi đứa con gái bỏ bùa mê thuốc lú cho chồng nàng kém nàng rất nhiều, ở mọi phương diện… Yến lại càng hoang mang hơn khi thấy con bé Ngọc ngày càng tuột khỏi tầm tay nàng. Không những không oán hận, nó lại còn ra mặt cảm thông, ủng hộ cái gọi là “tình yêu” của bố…
Yến chợt nhớ tới loài chim nàng mang tên. Nghe nói loài chim ấy xây tổ bằng nước dãi của chính mình. Những cái tổ ấy quý vô cùng.