Kính tặng hương hồn
người thày đầu tiên dạy tôi làm người
Cánh cửa nhà giam khép lại. Anh công an đã thật nhẹ tay, nhưng tiếng động vẫn dội lên, khắc nghiệt. Bao giờ cũng thế, mỗi khi tiếng động ấy dội lên thày giáo Quỹ đều ngoái đầu nhìn lại. Mắt thày trĩu buồn. Cạnh thày, đứa nhỏ gày guộc cũng đang ngoái cổ nhìn về phía cánh cửa nhà tù. Những giọt nước ấp đầy mi mắt nó.
Hai người hai chiếc xe đạp, sóng hàng.
Anh trực đài truyền thanh của nhà máy chờ thày ở cổng nhà:
- Thưa thày. Có người điện thoại báo chiều nay người ta sẽ đến thăm thày.
- Ai thế?
- Dạ không biết. Họ điện thoại hỏi thày còn không. Em bảo còn. Họ hỏi thày còn ở chỗ cũ không. Em bảo họ vẫn còn. Họ nhắn em báo thày chiều nay họ đến thăm. Thôi em về. Thày sắm cái điện thoại đi. Trong nhà, không có cái điện thoại bất tiện lắm thưa thày….
Thày dựa chiếc xe đạp vào bờ hiên, nhắc đứa nhỏ khóa xe của thày lại.
- Con nghe rồi đó. Chiều nhà ta có khách. Con cầm tiền ra chợ, mua thêm chút dầu ăn. Lỡ người ta có ở lại ăn cơm với thày trò mình thì còn có cái mà nấu. Đi nhanh, về nhanh, còn ăn cơm mà đi học chiều.
Thằng bé vâng một tiếng thực lễ phép, làm hết việc được nhắc rồi cầm những đồng tiền thày giáo Quỹ đưa cho, chạy xe đi.
Nhà thày ở cạnh một con suối nhỏ, không có tên. Bờ suối dựng như bờ vực. Ngay cạnh bờ suối có một dẻo đất. Trên dẻo đất ấy có một ngôi nhà. Giữa những nhà xen nhau như dãy phố, ngôi nhà này tách hẳn ra nhờ một vòng tường xây bằng những viên gạch xỉ than tự đóng. Ngôi nhà đã cũ kỹ lắm. Mái ngói đã phủ lớp rêu đen. Tường nhà cũng xây bằng gạch xỉ, màu vôi đã cũ. Cổng có hai cánh cửa gỗ, mỗi cánh vẹo sang một bên, khi đóng lại sẽ không thể kín nổi. Nhưng cổng lúc nào cũng mở toang trừ khi đêm xuống hoặc khi thày vắng nhà. Ngay cổng gặp một cây cầu. Cây cầu này không phải làm để người đi. Nó vốn là những trụ sắt, đỡ một đường ống lớn bằng cả người ôm, dẫn nước từ máy bơm ven sông Cầu về nhà máy. Phía trên ống nước người ta giát thêm những thanh sắt bảo vệ. Người ta đi lại ngay trên đó vì thế mà nó được gọi là cây cầu. Cây cầu ấy không có tên, nối hai bờ suối không tên. Bờ bên này là xóm thợ, bờ bên kia là xóm nhà quê toàn những người làm nương, làm ruộng. Xóm nhà quê có cái tên Đồng Xe. Còn xóm thợ này cũng không có tên.
Thày Qũy vào bếp nấu cơm. Một cái nồi bé xíu được bắc lên bếp. Ngọn lửa than hừng hực cháy như muốn thiêu rụi luôn cái nồi. Thày ráng nhướng con mắt lên chăm chú nhìn bóng nước đang sôi ùng ục trong đó. Khi nước vừa cạn, thày lấy một lớp tro, đổ lên phủ kín hết mặt than hồng, rồi mới đặt lại cái nồi lên trên. Gía mà không phải ăn thì người như thày đâu có phải tỷ mẩn làm công việc chẳng cần mấy thời gian nhưng lại phải rất cẩn trọng kia.
Thày bước ra sau vườn. Mảnh vườn con con và những cây rau đủ loại mọc tuỳ tiện. Rau dền xen rau cải. Lá mồng tơi chen mọc với mấy cọng rau muống cạn. Cũng không nhiều, mỗi lần hái nấu chừng hai nồi canh là hết. Với thày như thế là đủ. Đã lâu lắm rồi thày đã quen với rau dưa. Rau dưa sạch ruột. Thế mà thày vẫn săn chắc, da thịt đỏ au. Mái tóc bạc lưa thưa. Gương mặt rắn rỏi. Chỉ có cặp mắt là hơi kém nên mỗi khi làm cái gì thày phải nhướng lên, hay nheo mắt lại ghé thật gần vào những vật cần nhìn. Thày hái rau như đếm từng cọng. Mỗi thứ vài cọng thôi. Chẳng cần rổ rá gì, cứ nắm nó vào chét tay. Một chét tay chặt là đủ nồi canh rồi. Bàn tay thì làm mà đầu óc thày cứ mông lung. Sao lại cứ phải có nhà tù cho con người?
Thày không phải chỉ có một mình. Vợ thày mới " về" cách nay gần chục năm. Con trai lớn đi bộ đội vào những năm ác liệt nhất của chiến tranh. Ở miết bên chiến trường Lào. Hoà bình, anh ta về thăm thày và xin thày cho ở lại xứ đó vì chót yêu một cô gái sứ Chămpa rồi. Thày đồng ý liền và còn nói: " Con đi trả nợ đất ấy giúp thày. Ngày xưa, đất HàTĩnh mình nghèo mà thày phải lưu lạc. Không có đất Luôngprapăng chắc thày chết đói rồi. Có đôi ba chữ, chữ Pháp, chữ Tàu học được ở quê, chẳng dạy cho ai được thế mà sang đất người ta lại có thể kiếm sống. Suốt một thời thơ trẻ thày sống ở đó mà.". Đứa con trai thứ hai học xong Đại học về quê đi dạy. Lúc đầu thày ngỏ ý: Mình quê Hà Tĩnh, bỏ quê đi quá lâu, mà thày thì không về được… Mới nói được có thế, anh con trai đã nói: Thì để con về. Anh ta về thật. Một cô con gái chẳng nói làm gì. Gái về nhà chồng rồi. Hồi bà còn sống, thày có nuôi một đứa cháu nội con anh cả. Anh muốn cho thằng nhỏ ở với ông bà nội để giữ và nói tiếng Việt gốc. Ai dè, nó cũng có máu của ông nội, của cha đẻ: lớn lên nhất định đòi ra nước ngoài kiếm việc làm. Thế là nó đi lao động nước ngoài, rồi lấy một con vợ mắt xanh lè, về Việt Nam thăm ông nội được đúng một lần rồi đi luôn. Lâu lâu căn nhà cũ kỹ này sôi lên một trận vì có con cháu, hoặc có những học trò bỗng nhớ đến thày về thăm, rồi sau đó lại chìm nghỉm trong sự tĩnh lặng. Nhất là khi bà " về". Anh con trai thứ hai mấy lần mới thày về ở trong quê. Thày không đi. Lý do thực đơn giản: Thày về sống đất này kề từ khi hoà bình năm " năm tư". Về đây, thấy thày bảo thày đã làm thày giáo, thế là người ta mở lớp cho thày dạy. Cái nghĩa ấy thày không sao trả được, thôi thì để thày sống chết với đất này cho trọn nghĩa. Mà thày còn bao lớp học trò. Đi rồi lỡ chúng muốn gặp lại, làm sao mà gặp được.
Rau trong chét tay đã đầy, nhưng thày vẫn hái. Trước đây chỉ một mình thày, nhưng lâu nay có thêm thằng nhỏ, một chét tay không đủ phải thêm một ít nữa, nên thày phải ôm cả mớ rau vào lòng mình.
*
* *
Khách đến vào giấc ba giờ chiều. Ông ta đi trên một chiếc Woai-anpha màu bạc len lách trên con hẻm bê tông đến tận cửa nhà thày giáo Quỹ. Ông ta cúi đầu chui qua cái cổng có hai cánh xiêu vẹo. Ông ta dơ cả hai tay lên và ôm choàng lấy thày giáo Quỹ khi thày mới từ trong nhà bước ra.
- Em chào thày. Thưa thày…
Thày giáo Quỹ khẽ đẩy tay người đàn ông ra và nhướng mắt:
- Anh là ai, sao tôi không nhận ra…
- Dạ, em là Vĩnh. Vĩnh bàn cuối lớp bốn của thày ngày xưa đây ạ…
- Vĩnh… Ờ, ờ, Vĩnh….
Thày ngập ngừng thế một lúc khá lâu và rõ ràng, thày chưa thể tìm ra được cái nét của cậu học trò lớp bốn có gì giống với người đàn ông rẳn rỏi, mạnh mẽ trước mặt mình. Thày đưa cả hai tay, mời khách vào nhà. Ông khách cẩn thận dắt chiếc xe máy qua cổng và lấy ra từ chỗ đèo hàng một bọc nhỏ mang vào nhà, hai tay nâng lên đưa cho thày giáo Quỹ:
- Thưa thày, kể từ ngày lên học cấp hai đến giờ, em không về thăm lại thày. Em đến để xin lỗi thày xin thày nhận cho em gói quà này, coi như thày đã tha lỗi cho em…
Thầy Qũy không thể chối từ dơ tay nhận lấy:
- Anh đến thăm tôi thế này là quá tốt rồi… Lần sau đừng quà cáp gì nhé. Mà này, tôi nhớ ra anh rồi đấy. Đừng trách tôi già lẩm cẩm hay quên. Gần tám mươi rồi còn gì…
Cả hai bỗng yên lặng. Chuyện về một đêm cách nay hơn bốn mươi năm bỗng hiện về.
Đó là một đêm mùa đông, rét như cắt da cắt thịt. Không ai còn đi lại trong cái đêm rét mướt như thế. Vĩnh một mình lang thang trên đường. Nó không còn đường nào để về. Nhà nó giờ này chắc đã đóng cửa. Bố nó chắc đã hết cơn giận lên giường ngủ. Chắc là chỉ còn có mẹ thức vì lo cho nó. Con đường ra cổng nhà mày giấy Đáp Cầu cũng đã vắng tanh, vắng ngắt. Nó đói và rét. Đói vì từ chiều đến giờ nó không có hạt cơm nào vào bụng. Rét vì trên mình nó chỉ có một chiếc áo sợi chùm ra bên ngoài chiếc áo sơ mi mỏng tanh. Nó không dám về nhà. Một cây roi tre đang chờ nó. Một ông bố dữ đòn đang chờ nó. Chiều nay, khi nghe ông bố quát lên: " Đứa nào lấy tiền trong túi tao?" là nó biết mọi chuyện sẽ bắt đầu nếu nó không trốn nhanh ra khỏi nhà. Không oan một chút nào. Chính nó chứ không phải ai khác. Lần này nữa là lần thứ bao nhiêu mà nó vẫn không chừa. Hễ túi áo bố sơ hở, thế nào nó cũng móc. Khi thì vài xu. Khi thì vài hào. Cũng vì vài xu, vài hào đó mà nó đã từng bị những trận đón tím tái cả cái mông vốn gày đét của nó. Vậy mà nó cứ không chừa. Lần này không phải vài xu, vài hào mà vài đồng. Vài đồng với mức lương công nhân cơ khí của bố, sẽ không còn là nhỏ nữa. Vĩnh là một đứa trẻ không ra ngang ngược mà cũng không ra một đứa trẻ hiền lành. Mỗi khi bị đánh đòn là mỗi lần nó khóc thảm thương và lạy bố như tế sao. Nhưng rồi sau đó đâu lại hoàn đó. Có gan sang nhà hàng xóm bẻ cổ gà mang ra suối nướng ăn. Có gan chặt cả buồng chuối nhà hàng xóm, rấm chín ăn dần. Chơi đáo bằng cúc áo về nhà vặn tất cả cúc áo trong nhà. Với nhà, nó là một đứa trẻ bất trị. Ông bố rát đòn đánh nó mãi rồi cũng nản. Nhiều khi chỉ còn bết nhìn nó mà thở dài. Lần này là mấy đồng. Không còn là chuyện nhỏ nữa, Vĩnh biết thế. Nó còn biết lần này nó đã đi quá đà, nên nó không dám về nhà. Con đường ra cổng nhà máy sao mà dài thế. Nó thèm được rúc vào chiếc chăn bông khai mù nước đái của mấy đứa em. Được ngồi bên cạnh cái bếp than hồng rực và bỏ vào đó một củ sắn để lát sau chín quệt mỡ mà nhai. Nghĩ đến củ sắn bụng dạ nó lại cồn cào đói. Nó bỗng thấy cả một khoảng rộng sâu thẳm và đen thui trước mặt. Vĩnh nhận ra, đó là sân vận động của nhà máy. Mà bên cạnh sân vận động là lớp học của nó. Thôi được ghé vào lớp, ngả lưng lên mấy chiếc ghế mà ngủ qua đêm. Chứ còn biết đi đâu bây giờ. Lớp học tường đất mái lá, không cửa nẻo gì. Ngày ấy trường học giống như nhà thờ, chẳng ai dám đến mà phá phách. Vĩnh lẳng lặng chui vào lớp, đến ngay cái bàn mình ngồi học mỗi ngày và ghé lưng xuống cái ghế băng dài. Nhưng cơn đói cứ thúc vào dạ dày nó, khiến cái lạnh càng lạnh hơn. Nó lại bò dậy. Bỗng có một đốm lửa hiện ra. Bếp nhà thày giáo Quỹ. Hồi ấy thày giáo Qũy chưa có nhà. Thày còn ở trong một gian hẹp cạnh ngay lớp học. Gian bếp được làm tách ra. Vĩnh bò dậy. Mong sao, trong bếp nhà thày còn một ít cơm nguội. Thế nào cũng có muối. Cơm nguội chấm muối cũng tốt chán rồi. Cũng chẳng mấy khó khăn để lọt được vào bếp nhà thày giáo Quỹ. Chỉ có một cái phên nứa đan lóng một.Trong bếp có một lò than đã bi chét kín chỉ còn hở có một cái lỗ tròn bằng ngón tay. Nồi cám lợn. Nhà thày cũng nuôi lợn.. Vĩnh thò tay vào chạn. Cái chạn trống không. Ngọn lửa than tạo ra một thứ ánh sáng yếu ớt đủ cho nó thấy được hết các thứ trong bếp. Vài cái nồi. Nó mở vung từng cái. Toàn là nồi không. Nó thất vọng ngồi xệp xuống ngay cạnh bếp than hồng. Dù sao thì cũng được chút ấm áp. Nó chợt nhớ ra, trong nồi cám lợn thế nào cũng có củ sắn. Nhà nào nuôi lợn mà không nấu sắn cho lợn ăn. Nó kiếm được một thanh củi và nhè nhẹ mở nắp vung nồi cám. Bàn tay nó chạm vào nắp vung, bỏng dãy. Nó buông vội. Nắp vung rơi xuống làm vang lên một tiếng động khiến nó rụng rời chân tay. Một ánh đèn pin loé lên. Hồn vía Vĩnh bay đi đâu hết. Bây giờ thì nó run lên vì sợ, chứ không phải vì rét nữa.
- Vĩnh phải không em?
- …
- Lên nhà đi em. Đừng sợ. Không ai làm gì em đâu…
- …
- Lúc tối, bố em có đến đây tìm em. Vì thế khi nghe tiếng động ở ngoài lớp tôi đoán là em đã đến. Người như em thì chỉ còn biết đến lớp học thôi chứ còn đi đâu nữa… Lên nhà đi, tôi rang cơm lại cho mà ăn… Đói lắm rồi phải không?
Đã từng bốc vụng ruốc thịt của em, từng xẻo trộm một miếng thịt nạc bỏ vào chảo mỡ rán vàng, từng ăn vụng một miếng thịt gà kho nước mắm… ngon thật. An vụng, bao giờ cũng ngon thật. Nhưng chắc không thể ngon được bằng bát cơm rang đêm ấy thày giáo Quỹ rang cho Vĩnh. Cả nhà thày không ai thức dậy. Chỉ có hai thày trò. Thày hỏi:
- Vì sao em bỏ nhà đi như thế này?
- Em sợ bố em đánh…
- Vì sao bố lại đánh?
- Dạ, thưa thày…
- Em không muốn trả lời khải không? Thì thôi vậy… Nhưng bố em đã cho thày biết hết rồi. Em ngủ lại đây đêm nay, mai phải về. Về xin lỗi bố mẹ. Cũng còn may, em không ra ga Quán Triều, ga Đồng Quang, ra ngoài chợ… Mà còn biết tìm đường về lớp. Lớp bốn rồi. Biết nghĩ rồi em đừng làm cho bố mẹ buồn, đừng làm cho thày phải buồn.
Đêm ấy Vĩnh không nói thêm câu nào nữa. Mọi chuyện rồi cũng qua đi. Sáng hôm sau thày giáo Qũy lấy xe đạp đèo Vĩnh về nhà. Thày giáo và bố Vĩnh nói gì với nhau ở nhà trên Vĩnh không nghe được nhưng khi thày về, không thấy bố Vĩnh gầm lên vì giận dữ như trước kia.
Bốn mươi năm rồi. Chuyện ấy, Vĩnh nhớ đến tận hôm nay.
- Em cảm ơn thày…
- Sao em nhiều lời cảm ơn thế? Mà cảm ơn vì cái gì nào.
- Vì bát cơm rang đêm hôm ấy… Nếu không có nó, không biết bây giờ em sẽ thành con người như thế nào?
- Thế bây giờ em làm gì?
- Dạ, em đi viết báo…
- Viết báo? Hay đấy. Tôi còn nhớ ngày ấy tôi thì bảo " nước trong leo lẻo " là một cách viết hay, còn anh thì cãi " nước thì làm sao lại trong leo lẻo được". Anh đi làm báo là phải… Nhưng anh vẫn chưa nói cho tôi biết vì sao đêm ấy anh lại bỏ nhà ra đi đấy nhé…
- Dạ, thưa thày…
- Lại dạ thưa thày…
Thày giáo Quỹ chỉ nói được câu ấy rồi thôi.
Anh vẫn chưa dám nói thật sao? Bốn mươi năm rồi còn gì nữa. Ngày ấy tôi cử anh làm lớp phó. Tôi giao cho anh thu tiền gây qũy cho lớp. Tiền thì anh thu. Nhưng anh lại không nộp. Anh tiêu đi một vài xu. Hụt một vài xu anh không dám nộp, thì hôm sau nó hụt mất vào hào. Hụt đến vài hào, anh ngừng lại đi thì thôi, cũng chẳng sao. Lỡ tiêu rồi anh tiêu hết luôn. Tôi biết nhà anh nghèo. Nhà anh đông các em. Lo bữa ăn hằng ngày còn khó. Mà anh thì thèm những cái mà trẻ con rất thèm. Một cái kẹo vừng. Một cái bánh rán. Vài xu xôi… Đứa trẻ nào mà chẳng thèm những thứ đó. Tiêu hết tiền thu của bạn, anh mới phải lấy tiền của bố anh tính để bù vào. Anh có biết vì sao hôm sau bố anh không đánh anh nữa không. Vì tôi xin cho anh, tôi xin để anh nộp lại tiền lớp cho tôi. Cho anh đỡ xấu hổ với bạn bè. Thế mà đến tận bây giờ anh vẫn không dám nói thật với tôi. Người ta nói dối được một lần, người ta sẽ nói dối được lần thứ hai, rồi nói dối cả một đời. Mà thôi, bây giờ anh cũng đã thế kia rồi, sang nửa cuối cuộc đời rồi. Tôi tiếc ngày ấy tôi đã không đánh anh một cái cho thật đau để anh nhớ đời. Cái lần anh làm bẩn vở ấy. Tôi biết anh dây mực ra tay, anh đã bôi lên vở. Vậy mà khi tôi hỏi anh chối bây bẩy: thưa thày tự nhiên mực nó rơi vào. Dấu tay anh rõ ràng mà anh còn dấu tôi. Tôi dơ cái thước thật cao, nhưng khi đánh xuống tay anh, tôi lại hạ thật khẽ. Vậy mà anh sợ, đái ướt cả đũng quần. Anh là học sinh giỏi của tôi ở cái lớp bốn đầu tiên tôi được dạy trong đời, mà tôi thương anh. Nên tôi chẳng đánh anh đau…
- Mà quên tôi không hỏi, không phải ngẫu nhiên anh đến thăm tôi chứ?
- Vâng. Em đến đây còn vì một việc nữa. Em muốn viết về cái xóm này.
- Xóm không tên, cầu không tên, suối không tên, có gì mà viết?
- Dạ, nó có tên rồi đấy, thưa thày.
- Tên gì?
- Xóm nghiện…
- À tôi hiểu rồi.
Thày lặng đi, buồn. Lát sau:
- Anh có muốn nghe tôi khuyên anh một câu không?
- Dạ nghe ạ.
- Anh đừng viết gì cả. Đừng viết gì hết. Xóm nghiện. Anh có thấy nó rất chua xót không? Tôi ở đây đã gần năm chục năm trời, người ta chưa bao giờ nghĩ đến đặt cho xóm này một cái tên. Bây giờ là xóm nghiện. Đúng, con nghiện ở đây nhiều lắm. Ngay trước cửa nhà tôi là có thể mua được thuốc phiện, mua được heroin. Tôi đây cũng là nạn nhân của con nghiện đó. Một năm hai mươi ba lần bị mất trộm. Toàn trộm vặt. Có cái gì bán được là bị trộm. Thôi thì chẳng cần có cái gì trong nhà cả. Thế là hết trộm. Nhưng anh biết ai trộm của tôi không? Học trò của tôi đấy. Nó nghiện. Nó không có thuốc thì nó chết. Nó phải trộm… Vợ nó thương nó, mua thuốc cho nó. Tiền đâu nhiều cho nó hút. Vợ nó mới mua mười bán đi chín, lấy lời cho chồng hút. Người ta ào đến bắt. Cả hai vợ chồng. Trong nhà còn đủ thứ để hai đứa lãnh án hai mươi năm ngồi tù. Tôi làm thày mấy chục năm. Về hưu cũng đã mấy chục năm rồi. Học trò thành đạt nhiều, tôi mừng lắm. Nhưng mừng bao nhiêu thì buồn bấy nhiêu. Một trăm học trò thành đạt không giúp tôi hết buồn khi có một học trò hư hỏng. Cá không ăn muối cá ươn. Khi tôi dạy các anh, tôi có bảo các anh nói dối, ăn cắp, ăn trộm đâu. Vậy mà vẫn có những đứa học trò như thế. Lại còn đi tù nữa chứ…
Đã xế chiều. Nắng đã bắt đầu nhạt. Thằng bé dắt chiếc xe đạp lọc cọc vào cổng:
- Thưa thày con về. Cháu chào bác ạ
Thày giáo Quỹ nhận ra ánh mắt ngạc nhiên của Vĩnh:
- Nó chẳng phải con cháu gì của tôi hết. Con của thằng học trò mà tôi vừa kể với anh đấy. Hôm tuyên án nó xong, thằng bé gào lên gọi bố gọi mẹ nghe mà xót ruột, xót gan. Tôi đưa nó về và nuôi nó đến bây giờ. Mỗi tháng đưa nó lên thăm bố mẹ nó một lần. Hai mươi năm. Tôi muốn khi vợ chồng nó ra tù sẽ có một đứa con tử tế. Nhưng không biết tôi có sống được đến ngày đó không? Gần tám mươi rồi còn gì nữa. Mấy ai sống được trăm tuổi đâu. Anh hỏi sao tôi không giận bố mẹ nó ư? Giận, giận rất nhiều nữa. Nhưng giận rồi lại thương. Vì nó là học trò của tôi mà.
Thày giáo Quỹ thở dài. Tiếng thở dài bật ra làm buồn cả một chiều. Thày quay sang thằng bé:
- Con xuống lo cơm nước. Nấu cơm cả cho bác đây ăn luôn. Sang nhà bác Thanh mượn cái nồi to mới nấu đủ cơm ăn. Nhanh nhanh lên con. An cơm xong, nhớ đi gọi mấy đứa lại học nghe không?
Thằng bé vâng một tiếng thật lễ phép. Vĩnh hỏi:
- Thày vẫn dạy học ạ?
- Anh thấy đấy. Xóm nghiện mà. Lũ nghiện tiền lo cho nghiện ngập hết. Con cái chẳng được học hành gì. Tôi mở cái lớp ở tại nhà này cho chúng nó. Anh có biết không, sau nhà tôi có một vườn rau. Rau trồng có, rau dại có. Ngày nào tôi cũng tưới. Sức già rồi, tưới chẳng được bao nhiêu. Nhưng vài giọt thôi có khi cũng làm tươi lại được một cái lá …
Vĩnh xốn xang. Thày ơi, nếu sau đêm rét buốt kia mà em bị một trận đòn đau, nếu hôm đó thày đánh em một thước thật đau , thì đời em sẽ ra sao. Em xin lỗi thày rồi sẽ có một ngày em có gan nói thật. Trước hết là thật với mình đã. Vâng, có thể em đã là chiếc lá nhận được vài giọt nước thày tưới mỗi ngày …
Tháng 5-2005