Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.186
123.211.585
 
Trung Quốc - Giang Nam du ký
Vũ Ngọc Tiến

Chuyến bay Hà Nội - Bắc Kinh cất cánh lúc 8h40, nhưng suốt đêm trước, tôi trằn trọc không sao ngủ được. Đã gần 40 năm, tôi mới có dịp trở lại đất này. Thầy xưa, bạn cũ ai còn, ai mất ? Vị ân sư của tôi, giáo sư Triệu nghe nói đã chết trong cách mạng văn hoá. Triệu Nhất Mai, bạn gái đầu đời thủa ấy cũng đang định cư ở Mỹ. Chuyến đi này, tôi chỉ ghé Bắc Kinh 2 ngày thăm Vạn Lý Trường Thành, Cố cung, Di Hoà Viên, Thập Tam Lăng...như bao du khách vô tình khác.

 

Nơi tôi muốn đến là dải đất Giang Nam với bao kỷ niệm một thời xa:Vũ Hán, Thượng Hải, Nam Kinh, Tô Châu và Hàng Châu. Lạ sao, những ngày ở Bắc Kinh tôi bỗng có cảm giác giống như nữ sĩ Quỳnh Dao, trong chuyến hồi hương năm 1981, bà sợ về thăm quê cũ Hồ Nam. Ở Hà Nội bao năm tôi khao khát thăm lại trường cũ bên Đông Hồ-Vũ Hán, viếng mộ thầy Triệu, tìm lại dấu xưa của nàng Triệu Nhất Mai, nhưng giờ bỗng thấy sợ, nỗi sợ ghê người, lạnh buốt sống lưng. Mộ thầy giờ biết hỏi ai, chắc gì lũ nhóc cuồng tín Hồng vệ binh cho thầy được mồ yên mả đẹp. Rặng liễu bên Đông Hồ và những con đường lượn quanh sườn đồi rụng đỏ lá phong sẽ chỉ gợi cho tôi nỗi khắc khoải nhớ nàng Triệu Nhất Mai bên kia Thái Bình Dương xa tắp mù khơi... Thôi đành theo gương nữ sĩ Quỳnh Dao làm kẻ lãng du khắp miền Giang Nam, phong cảnh hữu tình, núi sông kỳ vĩ, với bao huyền tích xa xưa, thấm đậm hồn thơ những cây đại bút của Trung Hoa năm nghìn năm lịch sử.

 

ẤN TƯỢNG NAM KINH

 

Anh bạn nhà thơ Trương Kiến Bình, bận việc ở Bắc Kinh nhưng đã khéo thu xếp lịch trình du Giang Nam của tôi thật chu đáo. Đón tôi ở sân ga Nam Kinh là nữ sĩ Thẩm Vân, cái tên đẹp như người và giọng nói thì như hát. Nam Kinh là kinh đô cổ triều nhà Minh lúc khởi nghiệp nên ở Bắc Kinh chỉ có Thập Tam Lăng, còn hai đời Vua đầu triều xây lăng ở đất này. Nam Kinh cũng là đại bản doanh của chính quyền cách mạng Tân Hợi (1911), của nền cộng hoà theo chủ nghĩa Tam Dân do Tôn Trung Sơn khởi xướng. Người đẹp họ Thẩm đưa tôi đi thăm nhiều danh thắng, nhưng có lẽ để lại nhiều ấn tượng trong tôi là lăng Tôn Trung Sơn và cung Mỹ Linh. Nhà cách mạng, người cha của nền cộng hoà yên nghỉ ở nơi sườn núi phía Tây-Nam thành phố, giữa bát ngát rừng thông và mây trời bảng lảng. Theo di chúc của ông, ở đây không có lâu đài, cung điện, xác ướp hay ngữ lục khắc vào bia đá... Ở đây chỉ có lối đi thêng thang với 300 bậc lát đá, giữa hai hàng thông xoè tán đẹp đến mê hồn. Bức đại tự trên cổng khắc trên nền đá quý chỉ có hai chữ Bác Ái rất chân phương, sống mãi với thời gian, thi gan cùng tuế nguyệt. Hậu thế nhớ ơn ông, khắc thêm vào vách núi bốn chữ Thiên Hạ Vi Công và chỉ có thế thôi, các vĩ nhân xưa nay đều chân tâm vi diệu nên mới vĩnh viễn nhàn du tiên cảnh. 

 

Mỹ Linh cung là ngôi biệt thự cổ, in đậm tinh hoa kiến trúc đời vãn Thanh vào lúc giao hoà giữa hai nền văn minh Đông Tây. Nó hiển hiện lung linh trên từng nét hoa văn và cả trong tổng thể không gian kiến trúc. Vào thời tôi du học, những năm 60 của thế kỷ trước, không ai nhắc đến ngôi biệt thự này. Nó tàn tạ theo thời gian và bị đập phá bởi Hồng vệ binh năm 1966. Nay ngôi biệt thự được khôi phục nguyên trạng như trước ngày cặp vợ chồng nổi tiếng Tưởng Giới Thạch-Tống Mỹ Linh rời Trung Hoa lục địa. Đi thăm từng căn phòng, xem cách bài trí của họ, tôi mới thấy cặp vợ chồng này sống thanh tao và ở đâu cũng có dấu ấn của họ tôn thờ Tôn Trung Sơn như người cha tinh thần của mình. Người dân Trung Quốc giờ nhìn họ không còn khe khắt, cay nghiệt như xưa. Có tin  mùa thu năm 2003 bà Mỹ Linh vừa tạ thế ở Mỹ hưởng dương 106 tuổi. Tôi mừng cho tuổi thọ của bà và cũng mừng cho sự công bằng của lịch sử.

 

Nam Kinh còn có khu phố đi bộ, rộng mười dặm vuông. Đường phố lát đá xanh, hai bên là những dãy nhà gỗ, mái cong, lợp ngói thanh lưu ly hay hoàng lưu ly, bốn phía có cổng ra vào bằng những thân cây cách điệu và bãi đỗ ô tô. Thẩm Vân bảo tôi, 90% ngôi nhà ở đây là xây mới. Người ta chỉ giữ lại các di tích lịch sử và vài chục ngôi nhà cổ đặc sắc quanh Vạn Thọ Kiều, dọc bờ kênh Thủy Vĩ, còn lại san ủi hết. Doanh nhân cả nuớc vào khu này đầu tư xây nhà hàng, khách sạn, bán đồ lưu niệm...đều phải đấu thầu giá đất theo vị trí từng lô và bắt buộc lựa chọn một trong gần 100 kiểu dáng kiến trúc được thiết kế theo nghiên cứu tinh hoa kiến trúc đời Minh, đời Thanh. Vậy nên đi bộ lúc nửa đêm ở khu này tôi có cảm giác như Tống Giang và các anh hùng Lương Sơn Bạc đi dự đêm Nguyên Tiêu ở Đông Kinh gần 1.000 năm về trước. Bao giờ đất Thăng Long ta có được khu phố đi bộ như vậy sẽ tuyệt diệu làm sao...

 

NHỮNG HUYỀN THOẠI XƯA VÀ NAY

 

Tô Châu có lịch sử 2500 năm, bởi vẫn còn lưu dấu tích những huyền thoại về mối tình tay ba giữa Ngô Vương Phù Sai và chàng Phạm Lãi với người đẹp Tây Thi trên danh thắng đồi Hổ. Vào thành phố phải qua cây cầu đẹp mê hồn bắc qua kênh Ngân Hà do Tuỳ Dạng Đế bắt dân khai đào cách đây 1400 năm, để Vua ngồi thuyền ngắm cảnh Giang Nam. Dọc đường từ đồi Hổ đến Hàn Sơn Tự xanh rợp tán cây thân trắng, lá giống bồ đề, nhưng gỗ có mùi thơm.

 

Tôi thầm cám ơn anh Trương Kiến Bình đã khéo nhờ được mỹ nhân đất Tô Châu có tên Chiêu Cảnh, cùng họ với nàng Chiêu Quân, một trong tứ đại mỹ nhân Trung Quốc làm người dẫn đường. Tôi gọi nàng là tiểu thư Chiêu, liền bị nàng sửa ngay. Nàng bảo, người Tô Châu kiêng dùng chữ Tiểu thư (Xéo chể) vì bị lẫn với từ dùng cho gái làng chơi. Người đẹp ở Tô Châu phải gọi là Nha đầu (Ya thấu). Thế rồi nàng thủ thỉ bên tôi huyền thoại về loài cây ven đường có tên là cây “Rương thơm”. Chẳng biết từ bao đời nay, người Tô Châu có tục lệ hễ sinh con gái, gia chủ sẽ trồng một cây này ở trước cửa. Khi con gái về nhà chồng, người cha tự tay đốn cây đó lấy gỗ làm thành chiếc rương đựng của hồi môn. Khách qua nhà chỉ cần đảo mắt đã biết nhà này có mấy con gái, ai đã lên xe hoa, ai còn buông rèm đợi ý trung nhân. Câu chuyện vừa dứt, xe đã đến bến Phong Kiều, chúng tôi đi bộ vài trăm mét trên Phong Kiều lộ, vào thăm Hàn Sơn Tự trong âm hưởng bài thơ “Phong Kiều dạ bạc” của Trương Kế hơn 1.000 năm về trước. Chuyện kể rằng chàng Nho sinh Trương Kế mang nỗi buồn thi hỏng đi  tiêu dao ngày tháng. Một đêm chàng nằm trong thuyền ở bến Phong Kiều nghe tiếng quạ kêu, trong khói sương mờ phủ và xa xa lấp loé ngọn lửa chài, bèn tức cảnh sinh tình hạ bút đề thơ:

 

“Nguyệt lạc ô đề, sương mãn thiên  

Giang phong, ngư hoả đối sầu miên”.

 

Đến đây bút hoa ngừng lại, chàng nghẹn lời chưa viết thêm được nữa. Bỗng đâu từ phía Hàn Sơn Tự  thảng thốt gióng lên hồi chuông bất thường vào lúc nửa đêm. Thi hứng lại trào lên và Trương Kế viết tiếp:

 

“Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn Tự

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”.

 

Một thi phẩm tuyệt tác hoàn thành và Trương Kế  bợn lên chút băn khoăn, vì sao có hồi chuông bất thường này. Mờ sáng hôm sau, chàng tìm đến Hàn Sơn Tự hỏi rõ căn nguyên. Sư cụ kể rằng, đêm qua, ngắm trăng thượng tuần, giữa trời nước mênh mang, ngài chợt nhận ra mọi thứ ở đời đều là hư ảo, biến đổi vô thường. Ngài làm hai câu thơ thiền:

 

“Sơ tam, sơ tứ nguyệt mông lung

Bán tự ngân câu, bán tự cung”.

 

Đến đây, ngài cũng không thể viết thêm được nữa, bèn gọi chú tiểu, học trò yêu của mình ra viết tiếp. Chú tiểu không hổ danh là đệ tử chân truyền của sư phụ, suy ngẫm trong giây lát rồi tiếp: “Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn - Bán trầm thủy để, bán phù không”. Bài thơ thiền tuyệt tác đã trọn vẹn ý nghĩa về vầng trăng thượng tuần lúc như móc câu bằng bạc, lúc như cánh cung trên trời và chú tiểu nhấn thêm vần luận kết, nó giống như một phiến ngọc, phần thì chìm đáy nước, phần mờ ảo giữa hư không. Hai thầy trò ngây ngất trước thi phẩm. Sư cụ liền bảo tiểu hãy gióng lên hồi chuông gọi vũ trụ cùng thưởng thức. Hoá ra cũng chính hồi chuông ấy đã giúp Trương Kế hoàn thành kiệt tác để đời...

 

Lại nhớ đến bài viết cách đây không lâu trên báo Văn Nghệ, tôi hỏi Chiêu Cảnh: “Nghe nói có một ký giả người Nhật đưa ra giả thiết nói rằng mấy chữ “ô đề”, “sầu miên” là tên địa danh, liệu có đúng? ” Người đẹp họ Chiêu cười, nhỏ nhẹ đáp: “Ông ta đã nhầm và quên rằng thời mở cửa, người ta biết kiếm tiền bằng cả những câu trong các kiệt tác thơ Đường. Một làng du lịch sinh thái lấy tên “ô đề” và ngọn núi bên kia sông ai đó gọi tên là núi “sầu miên” cho thêm phần lãng mạn, điều đó có gì lạ đâu!”. Hồi lâu nàng kể thêm một huyền thoại mới về Hàn  Sơn Tự, thời kinh tế thị trường. Danh thắng Hàn Sơn Tự giờ đây mỗi ngày thêm đẹp và mở rộng, đâu cũng nhìn rõ bàn tay tôn tạo, nâng niu chăm sóc của con người là nhờ vào nghệ thuật quyên góp  độc đáo.

 

Vào đêm cuối năm, trước giao thừa, khoảng 10h40, sư cụ chùa Hàn Sơn gõ đủ 108 tiếng chuông, lay gọi 36 ngôi Thiên Cang, 72 ngôi Địa Sát trong vũ trụ về cùng đón xuân với bách tính. Dứt 108 tiếng chuông là vừa kịp giao thừa. Trước đó nhà chùa cho đấu thầu, ai xướng lên tiếng bạc cao nhất sẽ được vinh dự gõ thêm 3 tiếng chuông Phúc - Lộc - Thọ cho mình ngay khi 108 tiếng chuông của sư cụ vừa dứt. Dịp tết Quý Mùi (20030), có ông chủ từ  Quảng Đông tìm đến Tô Châu xướng lên tiếng bạc trị giá 660.000 nhân dân tệ, cỡ 1,2 tỷ đồng Việt Nam để giành được quyền mua ba tiếng chuông ấy. Một kỷ lục suốt hơn 20 năm mở cửa chưa ai vượt qua.

 

ĐẾN SÔNG TIỀN ĐƯỜNG NHỚ NGUYỄN DU

 

Rời Tô Châu, lẽ ra theo thu xếp của Trương Kiến Bình, sẽ có anh bạn nhà văn, nhà báo Hứa Vĩnh Đồng đón tôi thù tạc những chén rượu Mao đài trên mặt nước Tây Hồ của Hàng Châu. Thế nhưng tôi cố nài thêm Chiêu Cảnh cùng đi, để được bên người đẹp Tô Châu ngồi thuyền ngắm tháp Lôi Phong, nhắc lại sự tích Thanh Xà-Bạch Xà. Tôi muốn nghe chính giọng nói du dương của nàng kể lại công trình con đê Tô Đông Pha ngăn nước Tây Hồ với bãi lầy phía Đông, tạo nên thành phố Hàng Châu xinh đẹp như  ngày nay. Còn một điều thầm kín khác, nhìn mỹ nhân họ Chiêu, tôi luôn liên tưởng đến nàng Kiều, muốn cùng nàng ra bến sông Tiền Đường, dưới chân tháp Lục Hoà để nhớ Nguyễn Du.

 

Tiền Đường là cửa sông lớn nhất của Dương Tử. Nay đã có cây cầu hiện đại hai tầng bắc qua, nhưng với người xưa, qua khúc sông này là cả sự hiểm nguy bởi nước to, sóng cả. Vì  một lẽ huyền bí nào đó của trời đất, mỗi năm vào ngày 15/8 âm lịch, khúc sông này đùng đùng nổi lên những con sóng bạc đầu như giữa biển khơi. Phải chăng đây chính là bối cảnh để Nguyễn Du mô tả Thuý Kiều trẫm mình sau khi bị Hồ Tôn Hiến làm nhục:

 

“Triều đâu nổi sóng đùng đùng

Hỏi ra mới biết là sông Tiền Đường

Nhớ lời thần mộng rõ ràng

Này thôi hết kiếp đoạn tràng từ đây.”

 

Ông Trúc Đình, tên thật là Trương Công Đỉnh, những năm 30 thế kỷ trước du ngoạn qua đây đã cố công theo dòng người bản địa cơm nắm muối vừng ngồi  đợi sóng bạc đầu theo thuỷ triều xô vào để chiêm nghiệm lại tâm trạng Nguyễn Du ở khúc sông này. Về nước ông có bài đăng trên báo Đông Tây của Hoàng Tích Chu kể rằng dân địa phương cho biết, nàng Kiều đã chết ở đây, nên ngày Tiền Đường có sóng bạc đầu là ngày giỗ Thúy Kiều. Việc Kiều được Giác Duyên cứu vớt là do thi hào Nguyễn Du hư cấu thêm. Tôi đến Hàng Châu lỡ dịp 15/8 âm lịch, chỉ nghe bây giờ các ông chủ nhà hàng mỗi năm tận dụng cảnh tượng kỳ vỹ này, kéo nhau đến dựng rạp, kê bàn ghế đón khách du lịch đến xem kín cả hai bờ sông. Đứng bên Chiêu Cảnh, nhìn dòng sông, lòng tôi nôn nao nhớ Nguyễn Du, cảm thông với tâm trạng của Kim Trọng lúc đó:

 

“Ngọn triều non bạc trùng trùng

Vời trông còn tưởng cánh hồng lúc gieo.”

 

PARI CỦA PHƯƠNG ĐÔNG

 

Lại một sự chu đáo hiếm có khi Trương Kiến Bình đã rất hiểu tôi, nên không tiếc tiền đặt phòng ở tầng 12 Khách sạn 4 sao mang tên “Con đường tơ lụa”, gợi nhớ thời hoàng kim của văn minh tơ lụa phương Đông tràn sang phương Tây cách đây 2.000 năm. Con số 12 cũng gắn với nhiều kỷ niệm của đời tôi, nhất là sau lần tôi viết tập truyện ”12 con giáp” và mấy cuốn tiểu thuyết lịch sử sau đó đều chỉ có 12 chương...

 

Ai đó nói rằng đến Thượng Hải chỉ để xem người, nhưng đâu phải vậy. Ở thành phố 16,5 triệu dân thường trú và 5 triệu dân tạm trú này, tôi đi trên đường không thấy cảnh nhốn nháo người và xe máy, xe đạp như Hà Nội. Vài chục cây cầu vượt trên không với 3 hoặc 4 tầng xe chạy đan chéo nhau ở các nút giao thông đã giải phóng, thông luồng cho hơn 4 triệu ô tô các loại. Tàu điện ngầm và những chuyến xe buýt cỡ lớn chui qua đường hầm dưới đáy sông Hoàng Phố đã hút người dân đi lại qua hai bờ Đông-Tây. 6.000 toà nhà chọc trời từ 20 - 88 tầng là nơi “ẩn náu” của người già, trẻ nhỏ, tách họ ra khỏi nhịp sống hối hả của đô thị hiện đại.

 

Có lẽ đông người chỉ là ở bến sông Hoàng Phố, quảng trường Nhân dân và những công viên tráng lệ hay phố đi bộ nổi tiếng có tên Nam Kinh, nhộn nhịp 24 giờ trong ngày. Tháp truyền hình ở khu phố Đông bên kia sông Hoàng Phố vươn tới độ cao 418m, đứng thứ 3 Thế giới về tầm cao kiến trúc, được khánh thành năm 1995. Đứng ở tầng nhà lắp kính cao 259m, rộng 500m2, trên tháp truyền hình có thể ngắm toàn cảnh tráng lệ đến mê hồn của Thượng Hải về đêm. Thượng Hải chậm mở cửa 10 năm so với Quảng Châu, vậy mà chỉ qua 12 năm xây dựng đã thành Pari của phương Đông, niềm tự hào của người Trung Hoa về kiến trúc hiện đại mà vẫn hàm chứa trong đó nội dung triết học và lịch sử dân tộc mình: Toà thị chính mang dáng dấp chiếc mũ quan Thái sứ triều Tống, nhà trưng bày cổ vật Trung Hoa được cách điệu từ Vạn Lý Trường Thành...

 

THAY LỜI KẾT

 

Tôi trở lại Trung Quốc làm cuộc lãng du Giang Nam với bao hoài niệm và cảm xúc lâng lâng xao xuyến, để rồi lên máy bay từ Bắc Kinh về Hà Nội tôi đã bật khóc. Sao tôi không chịu nghe Trương Kiến Bình thăm lại Vũ Hán xác xơ nghèo đói những năm 60 thế kỷ trước, khi còn du học. Giờ Vũ Hán đã đổi thay không thua kém Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu là mấy.

Thầy Triệu ơi! Nhất Mai ơi! Các thầy xưa, bạn cũ của tôi ơi!

Xin tất cả hãy tha lỗi, cảm thông cho nỗi lòng của tôi.

Biết nói gì đây? Mà thôi, nếu ai đã đọc “Nỗi hoài hương dằng dặc” của nữ sĩ Quỳnh Dao sẽ hiểu nỗi sợ vô cớ, kỳ quặc này và hãy tin sẽ có ngày tôi trở lại Vũ Hán, đến Đông Hồ đọc “Hoàng hạc lâu” của Thôi  Hiệu và tìm kiếm dấu xưa, người cũ...

Vũ Ngọc Tiến
Số lần đọc: 5166
Ngày đăng: 19.04.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Điều bình dị và phi thường ở một người phụ nữ - Thanh Xuân
Lửa Napalm không giết được tình yêu. - Thanh Xuân
Bảo tàng khẩn hoang nam bộ, tại sao không ? - Lê Vũ Tuấn
Chuyện “HẬU SỰ” ở Đồng Tháp Mười - Lê Vũ Tuấn
Ghi chép một chuyến đi-1 - Nguyễn Văn
Ghi chép một chuyến đi-tiếp theo và hết - Nguyễn Văn
Làm giàu trên lũ - Lê Vũ Tuấn
"Tác chiến" ở miền Tây - Huỳnh Kim
Bơi thuyền kayak trên sông Hậu - Huỳnh Kim
Tuổi thơ bên Thành Hoàng Đế - Mai Thìn
Cùng một tác giả
Âm bản chiến tranh (truyện ngắn)
Gà ô tử mỵ (tuyển truyện)
Rồng đá (truyện ngắn)
Chàng gàn (truyện ngắn)
Lão Hợi (truyện ngắn)
Tam tấu hoa (tạp văn)
Thế là…Chị ơi ! (truyện ngắn)
Quán thiêng (truyện ngắn)
Hà Chính (truyện ngắn)
Tam ngưu tương mệnh (truyện ngắn)
Ma mèo (truyện ngắn)
Lục hòa (truyện ngắn)
Thằng hủi (truyện ngắn)
Chù Mìn Phủ và tôi (truyện ngắn)
Lớp trẻ (tạp văn)
Thiền Sư Kiến Đức (truyện ngắn)
Dốc Đầu Lâu (truyện ngắn)