Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.216.121
 
Những người đạp xe chở bao xác rắn
Triệu Xuân

Năm giờ sáng, trời Sài Gòn xanh ngắt. Từ nơi tôi ở, hàng trăm người lớn bé, già trẻ, gương mặt nào cũng tươi rói, đỏ da thắm thịt, chạy bộ theo đường Nguyễn Văn Trỗi ra công viên Hoàng Văn Thụ và sân vận động Quân khu 7 tập thể dục. Ngược chiều với dòng người này là một dòng đời khác: hàng chục người, đa số là phụ nữ tuổi từ 25 đến 50, mặt mày hốc hác, xanh mét, đầu đội nón lá, quần đen áo sậm màu, đạp xe đạp cà tàng chở theo những bao xác rắn (bao tải bằng sợi polieste, còn gọi bao dứa) hối hả chạy về trung tâm thành phố. Họ là ai? Xin thưa, họ là những người đi mua, đi lượm ve chai (Hà Nội gọi là đồng nát). Trong vòng hai năm trở lại đây, khu vực trung tâm Sài Gòn xuất hiện những người đàn bà đạp xe với bao xác rắn, thoắt ẩn thoắt hiện, khi chỉ có những bao rỗng không, khi thì chất chồng ngồn ngộn năm sáu bao căng phình, đạp gò lưng tôm, tiến đến các vựa thu gom đồ phế liệu. Tôi đã hỏi chuyện chẵn sáu chục người. Tiếp chuyện với họ không dễ, vì ai cũng vội vàng, hơi đâu mà trò chuyện lôi thôi rách việc. Thế nhưng, khi mà ta có vài món đồ cần cho đi hoặc bán rẻ thì ôi chao, tha hồ gợi chuyện.

-Mỗi ngày chị kiếm được bao nhiêu?

-Đỏ thì hai chuyến nặng oằn lưng, bẩy chục nghìn. Đen thì một chuyến cũng không xong, nhẹ tênh, chỉ vài nghìn, không đủ ăn cơm với nước mắm!

Người đàn bà mà tôi đang hỏi chuyện tên là Nguyễn Thị Phấn, vừa tứ tuần mà trông như đã năm mươi. Chị Phấn quê ở Thanh Hóa. Chị có hai con, con trai đầu đang học đại học năm thứ hai công nghệ thông tin ở Hà Nội. Con gái út đang học lớp 10. Gia đình chị cũng như gia đình chồng chị có nòi hiếu học. Hiềm nỗi hai vợ chồng làm nghề thợ xây, thu nhập thấp quá, không thể chu cấp cho con học ở Hà Nội. Thế là họ bàn với nhau: xin nghỉ việc để nhận một cục (tiền nghỉ chế độ) rồi gửi con gái cho bà ngoại. Theo chỉ dẫn của một người hàng xóm - người này vô Sài Gòn trước đó vài tháng, viết thư về- họ Nam tiến, gia nhập đội quân thu gom ve chai. Hai vợ chồng thuê một căn phòng tại Xóm Mới Gò Vấp, tiền ăn, tiền nhà trọ, tiền sửa xe đạp, mỗi tháng một triệu đồng. Tiền kiếm được của hai người bình quân 3 triệu, nếu không đau yếu gì thì để dành được 2 triệu lo cho hai con ăn học. Nhìn bộ quần áo đã sờn rách, mái tóc bết bụi và mồ hôi của chị Phấn, tôi chưa kịp nói lời khích lệ… thì chị cười rất tươi, phô ra hàm răng đã sún gần hết, giọng hể hả:

-Vất vả lắm, nhiều lúc bị người ta mắng nhiếc, nhục lắm! Tiếng là tha phương cầu thực thật đấy nhưng vui lắm bác ạ! Vợ chồng em bảo nhau: Có vất vả nữa cũng vui. Em hỏi bác chứ còn gì vui bằng các con mình được ăn học thành người, thành tài, bằng anh bằng em với thiên hạ?

-Thế mỗi tháng anh chị cho thằng lớn được bao nhiêu?

-Nhà em vừa mua cho cháu cái máy vi tính! Nó học giỏi bác ạ! Chúng em không để cháu thiếu thốn phương tiện học tập. May phúc cho nhà em, con trai em nó ngoan lắm cơ, mà lại tiết kiệm nữa, không tiêu hoang bao giờ, nó biết đồng tiền bố mẹ kiếm được không dễ dàng gì.

-Còn con út?

-Cháu trắng như trứng bóc! Từ năm lớp một tới giờ toàn nhất lớp, làm Trưởng lớp cơ đấy! Cháu mới viết thư vào cho nhà em đây này, nó khoe năm học mới này lại được bầu làm Trưởng lớp 11 A 1! 

Tôi nhìn chị Phấn oằn lưng đạp chiếc xe cà tàng trên đó cả sáu chiếc bao xác rắn đã căng phồng mà thấy lòng rưng rưng. Chị khoe ngày hôm nay được ba chuyến, bội thu! Chồng chị cũng oặt xà lai hai chuyến rồi! Cầm chắc một trăm năm chục ngàn đồng hôm nay. " Cầu cho Sài Gòn ngày càng có nhiều nhà giàu, người ta càng giàu thì rác thải ra càng… có giá trị, và người đi mua rác, lượm rác như vợ chồng em có cái mà ăn"! Chị bảo tối nay hai vợ chồng sẽ thưởng cho nhau một bữa cơm có ốc nấu chuối với nhiều rau tía tô cho giải cảm, chống nhức mỏi, đau lưng. Vẫn tiếng cười sảng khoái, chị tiếp:" Em sẽ mua cho chồng một cút rượu, bác ạ!".  

 

Sài Gòn, Hà Nội có nhiều người quá giàu, tiền của thừa thãi, nhưng trong số họ, đã có mấy ai được sự thanh thản, niềm vui, niềm tự hào như vợ chồng chị Phấn?

 

Lớp người hành nghề cũ theo cách mới

 

Khu vực có đông người ở trọ hành nghề đạp xe chở bao xác rắn nhất là Gò Vấp. Một số ít hơn trọ ở Hóc Môn, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Chánh. Rất lạ là không có mấy người trọ ở khu vực Quận 7 hay Nhà Bè. Tôi hỏi vì sao thì được trả lời: Nơi trọ phải hội đủ ba điều kiện: Gần khu vực người Bắc, người Trung, dễ thuê nhà, dễ quan hệ. Hai là khoảng cách đến khu trung tâm phải ngắn nhất, và ba là trên đường trở về nơi trọ phải có chủ vựa tiêu thụ những thứ đựng trong bao xác rắn căng phình! Phần lớn những người tha phương đi thu gom ve chai xuất phát từ  Ninh Bình, Thanh Hóa,  Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Đông nhất là Thanh Hóa và Quảng Ngãi. Không có một con số chính thức nào về những người này. " Có trời mà biết!- Một cán bộ ở Ủy ban Nhân dân quận Gò Vấp nói- Nhưng đa số bà con là những người lao động lương thiện, rất nhiều người có nhà cửa đàng hoàng ở quê, họ vô đây chỉ vì cần có tiền nuôi con ăn học hoặc nuôi chồng, nuôi cha mẹ bệnh nặng…". 

 

Chị Lê Thị Ngà, quê Ninh Bình, có ba con còn nhỏ. Cách nay hai năm, chồng chị đột ngột ngã bệnh nặng cho nên phải đưa chồng vô Sài Gòn chữa trị. Ở quê, chị làm cả tháng không kiếm được một trăm ngàn đồng. Ở đây, Ngà nói:" nếu siêng năng và may mắn, em lo đủ tiền cho chồng chữa bệnh, ngoài ra mỗi tháng còn dành dụm được một triệu". 

 

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, người ta biết bao nhiêu là tệ nạn cũ cũng như mới nảy nòi từ vài năm nay, làm nhức nhối lương tâm cộng đồng xã hội, làm ô uế văn minh đô thị. Nào là băng nhóm giựt dọc, trộm cướp, ma túy, mại dâm, nào là băng nhóm bắt trẻ con đi ăn xin, giả dạng cùi hủi để đi ăn xin, nào là giả danh thợ hồ, giả danh bán hàng rong để lừa đảo… Trong bức tranh xã hội lẫn lộn nhiều mảng màu tối sáng ấy, hình ảnh những người đàn bà đạp xe với bao xác rắn nổi hẳn lên như là một thực thể mà với họ, xã hội cần trân trọng, thương yêu và giúp đỡ chứ không thể coi khinh coi rẻ. 

 

Nghề mua, lượm ve chai có ở Sài Gòn từ lâu rồi. Nhưng nó sôi động nhất là từ những năm 1964-1965, khi quân  viễn chinh Mỹ ồ ạt tràn vào. Mới hai năm trước, Sài Gòn còn nhan nhản những người đi bộ, chân trần, vác cái bao xác rắn trên vai, quần áo bẩn thỉu,  tay phải cầm thanh sắt nhỏ bằng ngón tay trỏ, dài chừng 60 cm, một đầu cong như dấu hỏi, gập người bươi những thùng rác và tranh giành nhau, đánh nhau để được bươi những bô rác công cộng. Khi những bô rác công cộng bị thu hẹp lại, chuyển thành những xe rác dân lập, thu gom theo giờ cố định, chủ xe kiêm luôn việc thu gom rác phế liệu; thì những người chân trần bươi rác kia hết đất kiếm ăn, thất nghiệp! Họ  biến đi đâu? Không ai biết! Thế rồi những người đàn bà đạp xe với bao xác rắn hiện ra, thầm lặng, nhẫn nại. Họ đi vào từng khu chung cư, từng con hẻm thua mua phế liệu, và gặp rác là… bươi, nhặt nhạnh từng miếng sắt vụn cho tới vỏ lon, vỏ chai, bao nilon…  Họ nhanh chóng tạo được quan hệ vừa mềm mại, vừa chặt chẽ với các đầu nậu thu gom phế liệu. Tôi hỏi chuyện một gia đình chủ vựa phế liệu trên đường Nguyễn Đình Chính. Con gái chủ nhà, tốt nghiệp đại học kinh tế, không xin đi làm mà ở nhà cai quản cơ ngơi cho cha mẹ. Cô có cặp chân dài và eo nhỏ nên chuyên mặc quần jean áo thun, cô nói về những người đạp xe chở bao xác rắn:

- Họ nói quá lẹ, giọng líu lo nên mấy ngày đầu cháu nghe hông nổi! Sau quen dần, thấy mấy bả dễ thương và siêng dễ sợ. Hàng của mấy bả đưa về hầu như không phải lựa chi cả, vì họ tự phân loại ngay từ khi nhập vô bao. (Hèn chi! Chừ tôi mới hiểu tại sao người ta đóng giá để treo cùng lúc bốn cái bao xác rắn sau poocbaga xe đạp). Thứ nào ra thứ  ấy: miểng ra miểng, vỏ lon bia, vỏ chai, sắt thép vụn, đồ dùng cũ, đồ mủ (nhựa), báo khổ lớn, báo khổ nhỏ, sách tập cũ… Cháu chỉ việc cân ký lên hoặc đếm để tính tiền. Chưa bao giờ cháu thấy một người nào nói năng tục tằn, diện mạo dữ dằn hay là cãi cự như những người bươi rác có thanh sắt móc câu ngày trước!  

 

Hiểm họa và đối thủ

 

Hiểm họa thứ nhất là bệnh tật. Nơi cư ngụ của những người đạp xe chở bao xác rắn  rất tạm bợ, không đủ tiêu chuẩn tối thiểu về vệ sinh, dưỡng khí… Ăn uống thì thất thường, vì tiết kiệm nên không bao giờ họ được ăn đủ chất dinh dưỡng. Nghề của họ bắt buộc phải bán lưng cho trời bán mặt cho rác, biết bao vi trùng sẵn sàng tràn ngập cơ thể.  Thế nhưng, theo bà Trần Thị Loa, 50 tuổi,  quê Ninh Bình: bệnh tật bà không sợ, chỉ sợ "mấy ông mặc đồng phục bảo vệ ở những cao ốc văn phòng cho thuê và những khách sạn sang trọng. Mấy ông này, nói tiếng Việt như mình mà sao dữ nhhư cọp, hễ thấy bóng dáng tụi tui héo lánh tới là họ rượt thẳng cánh, tay cầm dùi cui, tay cầm cái máy alô đen thui, miệng toang toác… Cứ như tụi tui là con hủi, con siđa vậy!  

- Đã bao giờ chị bị cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự đường phố làm khó chưa?

- Cũng có, nhưng rất ít, mà mấy chú cũng thông cảm ngay khi nghe tui giãi bày. Thiệt tình mà nói, giữa khu vực trung tâm Sài Gòn tráng lệ, tinh tươm như vầy lại trồi ra mấy con mẹ ăn mặc lếch thếch, nón mê sùm sụp, mồ hôi đầm đìa, đạp xe chở lềnh khênh sáu bảy bao xác rắn thì cũng chướng mắt lắm, nhất là với khách ngoại quốc. Có không ít người nhắm mắt, bịt mũi khi thấy tụi tui! Những lúc ấy, tủi phận vô vàn! Nhưng biết làm sao đây? Đói thì đầu gối phải bò! Vả chăng, tụi tui là công dân nước Việt đàng hoàng, chỉ lầm lũi đi kiếm rác chứ có làm hại ai? Chúng tôi không phạm pháp! Chúng tôi có tư túi hay ăn hối lộ, tham nhũng bao giờ? Chúng tôi có kết bè kết đảng sâu dân mọt nước bao giờ? Cũng có đủ tư cách mà!

- Ngoài nỗi sợ mấy người hành nghề bảo vệ mướn nói trên thì chị lo sợ nhất điều gì?

- Tui biết mình đang là đối thủ cạnh tranh của những ông bà xe rác dân lập cũng như xe rác của công ty môi trường đô thị. Dân mình thường đổ rác vào buổi tối hoặc sau giờ ăn trưa. Mờ sáng chúng tôi xuất hành, 5giờ có mặt! Sau 6 giờ sáng thì rác chỉ thuần là rác! Buổi trưa, 12 giờ, khi các ông bà xe rác dân lập và Nhà nước ngủ thì tui xuất hiện, làm luôn chuyến thứ hai. Chúng tôi xuất hiện sớm hơn họ cho nên có bao nhiêu nhân trong rác thì chúng tui xơi ráo trọi. Bởi thế, các ông bà xe rác dân lập và công lập thù chúng tui hơn thù giặc ngọai xâm!

- Còn những người bươi rác, thu gom phế liệu bằng xe ba bánh, có hộ khẩu thường trú thì sao?

- Họ thì ăn nhằm gì!

- Thiệt vậy sao?

- Hẳn! Họ có mối quen, nhưng phần đông là người tại chỗ, không nhẫn nhục chịu cực được như tụi tui! Mặt khác, họ chỉ mong mua thiệt rẻ để bán thiệt mắc, đời nào có vậy!

Có rất nhiều chuyện buồn do những người ngụ cư gây ra. Lạ thay, nhưng rất ít vụ việc do những người chở bao xác rắn phạm phải. Vì sao? Chị Hoàng Thị Thơm quê ở Triệu Sơn Thanh Hóa nói:

- Chúng em từ miền Bắc tha phương vào Sài Gòn kiếm ăn, nhưng cái gốc không phải ăn mày, càng không là lưu manh! Đói cho sạch rách cho thơm. Cha mẹ em dạy thế. Chúng em chỉ mong được yên ổn làm ăn, có tiền nuôi con ăn học thành người. Ở quê, nhà nào cũng hiếu học, nhưng đa phần không có tiền cho con học lên cấp ba! Ngành giáo dục bắt dân nộp tiền nhiều quá, con nhà nghèo còn ai đến trường nữa!  

 

Đã có một vài người vô Sài Gòn mua ve chai, nhờ may mắn mà phất lên thành đại gia, tài sản hiện có tới hàng triệu đô. Nhưng số đó hiếm lắm. Đa phần, họ là những người nghèo. Gần hai năm nay, tôi vẫn nao lòng mỗi khi gặp những người đàn bà đạp xe chở lặc lè những bao xác rắn trên đường phố Sài Gòn, khi mà cả thành phố ngựa xe như nước, nườm nượp giai nhân tài tử đua chen; khi mà trong các nhà hàng, quán nhậu, người ta xài tiền không cần biết là tốn hết bao nhiêu... Một sự tương phản ghê gớm! Một sự tương phản làm nhói lòng không nguôi!

 

Thành phố Hồ Chí Minh, tháng Chín 2005

Triệu Xuân
Số lần đọc: 3819
Ngày đăng: 19.04.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Điều bình dị và phi thường ở một người phụ nữ - Thanh Xuân
Lửa Napalm không giết được tình yêu. - Thanh Xuân
Bảo tàng khẩn hoang nam bộ, tại sao không ? - Lê Vũ Tuấn
Chuyện “HẬU SỰ” ở Đồng Tháp Mười - Lê Vũ Tuấn
Ghi chép một chuyến đi-1 - Nguyễn Văn
Ghi chép một chuyến đi-tiếp theo và hết - Nguyễn Văn
Làm giàu trên lũ - Lê Vũ Tuấn
"Tác chiến" ở miền Tây - Huỳnh Kim
Bơi thuyền kayak trên sông Hậu - Huỳnh Kim
Tuổi thơ bên Thành Hoàng Đế - Mai Thìn
Cùng một tác giả
Cõi Mê (truyện dài)
Nỗi đau (truyện ngắn)
Trả giá (truyện dài)
Bụi đời (truyện dài)
Sóng lừng (truyện dài)
Tôi không mất em (truyện ngắn)
Khát vọng (truyện ngắn)
Giấy trắng (truyện dài)