Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.138
123.227.311
 
Văn học hiện đại dân tộc Mường : Những khuôn mặt
Nguyễn Thị Thu Hiền

Áng sử thi đồ sộ  Đẻ đất đẻ nước  với dung lượng trên 50.000 câu thơ đã vắt qua thời gian từ thuở Dịt Dàng đến nay thôi thúc người cầm bút dân tộc Mường qua nhiều thế hệ phải biết khám phá. Dù chưa nhiều song đội ngũ tác giả người dân tộc Mường hiện nay đã đem lại những mùa hoa trái mới đầy đặn, mang cái độc đáo riêng của bản sắc Mường.

 

1.Nhà thơ Vương Anh

 

Nhắc đến Vương Anh, điều ghi nhận đầu tiên là công trình lao động bền bỉ 40 của ông để bộ sử thi Mo Mường  Đẻ đất đẻ nước đến với bạn đọc rộng rãi như hiện nay  ( ngoài ra ông còn có các tập sách khác sưu tầm, nghiên cứu, biên dịch văn hóa dân gian: Thổ, Mường, Thái, Mông, Dao, Khơ Mú...). Vương Anh lao động khám phá để rút ra tinh chất, cốt cách thơ Mường quý hiếm

 

Năm 1969, chùm thơ gồm các bài: Hoa trong Mường, Tình còn tình chiêng, Theo những dấu chân, Một chặng đường ta qua của ông được giải nhì cuộc thi thơ báo Văn nghệ. Nhà thơ Nông Quốc Chấn đã coi đó là: " một trong những thành tựu mới trên lĩnh vực văn học do chính sách dân tộc của Đảng đưa lại".

 

2.Nhà văn Hà Thị Cẩm Anh

 

Đọc Gốc cội xù xì đoạt giải nhất của Hà Thị Cẩm Anh trên báo Văn nghệ năm 2004, nhiều người hình dung chị là tác giả trẻ như những nhân vật trong truyện. Ở tuổi 16, chị đã có Thím cò khoai gây dư luận văn chương tỉnh Thanh, có mặt trong nhóm văn học Ngọc Trạo miền Tây Thanh Hóa. Bẵng đi thời gian dài vì sự vất vả của cuộc sống chị không viết. Năm 1998, Hà Thị Cẩm Anh cầm bút trở lại và lần này thì quyết liệt. Có ai ngờ người phụ nữ đã bước vào tuổi " lục thập hoa giáp" lại có một trận maratông trong văn chương và gây bất ngờ như vậy. Những gì chất chứa trong con người chị đã bung ra như nham thạch núi lửa tuôn trào. Chị viết liên tục, sôi động và trầm lắng những gì đã quan sát, trải nghiệm, để những Đêm khua luống dành cho người chết, Ngôi nhà sàn cũ kĩ, Gốc cội xù xì... để lại nhiều dư ba trong bạn đọc.

 

3.Nhà văn Bùi Minh Chức

 

" Tôi tự cho mình là một người cầm bút nghiêm túc, có trách nhiệm, hơi có một chút khắt khe với chính bản thân mình"- Bùi Minh Chức kiệm lời tự bạch. Theo nhà thơ Hà Lý- giám đốc NXB Văn hóa dân tộc: " Đó chính là cách nghĩ của một người đàn ông Mường, một cây bút văn xuôi thực thụ trong làng văn nghệ các dân tộc thiểu số Việt Nam". Còn nhà văn Ma Văn Kháng nhận xét về văn Bùi Minh Chức: " Sống là cả một công cuộc khó khăn! Một nhân vật trong một truyện ngắn của Bùi Minh Chức ở tập Sự tích một câu nói bằng đời mình đã chiêm nghiệm vậy. Ấy thế cái cuộc đời lạ lùng, kì thú nhưng cũng hết sức éo le này! Éo le vì lắm nẻo đường khuất khúc, vì cuộc sống vốn là lắm ngẫu sự, bất ngờ, nhiều nghịch dị không lường trước. Vì số phận một con người không chỉ là từ bên ngoài ta bước vào ta. Mà nó ở tự trong ta bước ra. Từ tính cách, bản thể của ta bước ra...". Giọng kể theo cổ tích dân gian với bản sắc riêng, tạo bầu không khí nuôi dưỡng nhân vật sống động trong hình tượng một huyền thoại- huyền thoại của ngày hôm này, Bùi Minh Chức còn thành công ở Ảo ảnh sông Bôi, Chuyện của bố Mứng... In thơ từ năm 1965, có đóng góp không nhỏ ở các tuyển truyện ngắn, nhà văn Mường Động vẫn đang âm thầm và miệt mài  với bản thảo tiểu thuyết Tín đồ

 

4.Nhà văn Hà Trung Nghĩa

 

Là người thành công sớm trong đội ngũ nhà văn dân tộc Mường viết văn xuôi từ 1976, Hà Trung Nghĩa thường lặng lẽ. Bạn đọc quan tâm đến văn học dân tộc thiểu số phải khâm phục ông ở lao động sáng tạo. Làm công tác quản lí thuộc ngành y nhưng Hà Trung Nghĩa lần lượt cho ra đời 2 tiểu thuyết trong 3 năm liên tiếp: Lửa trong rừng sa mu (NXB Lao động 1999), Gío bụi nhân gian (NXB Lao động 2001). Trước đó, tập truyện ngắn Hoàng hôn của ông đoạt giải B Hội nhà văn Việt Nam. Văn xuôi Hà Trung Nghĩa ngờm ngợp chất liệu đời sống với sự đấu tranh giữa cái tốt- xấu, cao cả- thấp hèn. Từng là bác sĩ quân y trong chiến tranh, bối cảnh chiến trường cũng được ông đưa vào tác phẩm lầm nền cho ranh giới của sự sống- còn rất thành công.

 

5.Nhà thơ Bùi Thị Tuyết Mai

 

Còn trẻ cả về tuổi đời và tuổi nghiệp, Bùi Thị Tuyết Mai không rụt rè như phần lớn phụ nữ dân tộc thường kín đáo đến rụt rè. Vẫn là cô gái Mường thuần khiết và ý nhị, chị luôn hướng sự tìm tòi mới mẻ đến táo bạo trong thơ. Tập thơ đầu tay Mưa trong nhà (NXB Văn hóa dân tộc 1998) khi chị  mới 27 tuổi đã gây ấn tượng với người đọc và đoạt giải thưởng của Hội VHNT các DTTS Việt Nam. Theo nhà thơ Mai Liễu: " Thơ Bùi Thị Tuyết Mai độc đáo ở sự suy tư , một hiện tượng ít gặp ở các tác giả thơ nữ người dân tộc thiểu số. Cũng nói về nỗi cô đơn, về tình yêu tan vỡ, thơ chị không ủy mỵ, cũng không man mác buồn đau mà luôn lấp lánh những kỉ niệm, hồi ức và hy vọng. Đó là một  tính cách mạnh mẽ tự tin, biết chấp nhận và cũng dám dâng hiến:

                                   

Những người đàn bà như những con ong

Ru con ạ ời

Nựng chồng lả lơi

Yếm thắm nồng bầu rượu ngọt

Và thời gian như con gấu choàng lên vầng trăng đỏ

Trộm từng hớp mật..."

Nguyễn Thị Thu Hiền
Số lần đọc: 5759
Ngày đăng: 19.04.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người hoài cổ - Trọng Huân
Chung quanh bài thơ "GIANG HỒ" của PHẠM HỮU QUANG - Trần Hữu Dũng
Đọc Dấu Hạ Của Nguyễn Đức Sơn - Nguyễn Nguyên An
Sáng tạo là một cuộc vong thân - Nguyễn Thanh Tuấn
Tản mạn về thuyết ngã tâm và thói vọng ngoại - Trương Thái Du
Tư duy thể nghiệm trong Tập thơ Hôm qua,hôm nay và hôm sau của Vũ Trọng Quang - Hoài Anh
Bước đầu tưởng như Giác Ngộ về chùa Miền Tây Nam Bộ - Nguyễn Văn Hoa
Nghệ Sĩ VÕ NGỌC LAN muôn thuở còn tương tư - Võ Quê
Một cuốn tiểu thuyết có quá nhiều lỗi ! - Ngô Thanh Hương
Vấn đề đã xác minh ( Ai là tác giả bài thơ “ Kỷ vật cho em “ ). - Nguyễn Hòa vcv
Cùng một tác giả
Ly (truyện ngắn)
Hai người vợ lính (truyện ngắn)
Gío ngược Đồng Vai (truyện ngắn)
Chuyến Xe Giối Già (truyện ngắn)
4 Truyện cực ngắn (truyện ngắn)
Miền cỏ bên đời (truyện ngắn)
Nghi án Yên Tử (truyện ngắn)
Phố mới (truyện ngắn)