Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.219.872
 
Về trong nỗi nhớ…
Đinh Thị Như Thuý

        1.

       Tôi muốn neo lại cái nhìn của tôi, cảm giác của tôi vào buổi mai này, khi đứng bên sông Hàn một ngày cuối hạ, khi chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa chuyến bay sẽ lại mang tôi ra đi. Kỳ lạ làm sao những khát vọng trong cuộc đời con người, tưởng đã hạnh phúc được đắm mình vào xa rộng những chân trời từng mơ ước, để rồi bây giờ đột nhiên tôi thấu hiểu trái tim tôi, hơi thở tôi, cả những sợi tóc trên mái đầu tôi đều thuộc về nơi này…Ôi Đà Nẵng! Ôi sông Hàn một thời nhỏ dại của tôi!

   “…Cuối con đường lấp loáng một dòng sông. Nơi hoàng hôn thả màu chiều xuống cỏ. Mái tóc dài nghiêng bên trang vở. Nơi em thả nỗi buồn cho nước mang đi.” Những câu thơ đầu tiên tôi viết đã nhiều tâm tư với sông, đã tưởng tượng con sông như một người tình… Đó là thời điểm giữa những năm tám mươi, khi người con trai muốn tỏ bày tình cảm với người con gái mình yêu, thường hát theo Lionel Richie trong giai điệu nồng cháy mà êm dịu của bài “Hello…” đắm đuối .Tôi cũng yêu giọng hát Lionel Richie  nhưng chưa  biết vào quán uống cafe, chỉ biết đắm đuối bởi hoa bồ kết dại hằng đêm thả hương dọc đường Bạch Đằng ven sông từ Cổ Viện Chàm đến cầu chữ T trước toà thị chính… Bờ sông Hàn lúc đó rải rác ghế đá dưới những giàn hoa giấy. Đã có lần trong đêm tôi ngồi cùng anh dưới những chùm hoa rực rỡ ánh ngày, nhìn ra mặt sông đen thẫm, nao lòng bởi một bóng thuyền lặng lẽ trôi xuôi.  Sự yên lặng khiến bàn tay muốn tìm hơi ấm bàn tay mà đau đớn không dám chạm vào, bởi biết rằng mình sẽ không thuộc về nhau và ngày mai đã là một ngày khác.

 

   Sông Hàn xưa đẹp  nhất vào buổi sáng. Yên bình, thanh thản trong một chút khói sương ngưng đọng trên mặt nước, khoảnh khắc này trôi qua khá nhanh như thể chỉ chờ mặt trời lên là  tan biến. Tôi thường đạp xe từ Hoàng Diệu qua Lê Đình Dương, vòng một chút quanh công viên nhỏ trước Cổ Viện Chàm để ra đến bờ sông, gió nhẹ và sự chảy trôi của nước luôn làm thanh lọc tâm hồn con người. Chợ Hàn khi đó có những ma soeur áo choàng đen, khăn đen viền  trắng ôm khít khao khuôn mặt  dịu hiền đạp xe đi bán hoa. Là hoa cắt trong tu viện Thánh Tâm, thường thấy nhất là hoa bướm đủ màu vàng, tím, trắng… Tôi đã mua hoa cho mình vào một sinh nhật để buồn vì hoa chóng tàn, đêm đó Trúc mang đến tặng ba nụ hồng hái trong vườn nhà, những nụ hồng còn non không đủ sức nở vẫn làm không gian quanh nó phảng phất hương! Thương làm sao, cái thời nỗi lo cơm áo khiến con người không thể dành cho mình những mộng mơ hoa lá, vì  cứ thấy có lỗi với những nhọc nhằn của cuộc sống chung quanh.

 

   Giờ sông Hàn xưa vẫn còn nguyên thương nhớ trong lòng người đi xa, nên không thể không ngạc nhiên trước rực rỡ sáng trưng của một bờ sông luôn náo động âm thanh, đông đúc người xe, rộn ràng nhịp sống. Một sông Hàn trẻ trung, hiện đại với cây cầu quay nổi tiếng nối hai bờ làm nên sự thay đổi kỳ diệu cho những người dân xóm nhà chồ bên khu Bạch Đằng Đông… Mà đâu chỉ  thêm  một cầu quay, bên cạnh cầu Nguyễn Văn Trỗi, cây cầu xưa cũ nhất, sông Hàn còn  có thêm cầu Trần Thị Lý  (nâng  cấp từ cầu đường sắt xưa), cầu Tuyên Sơn, cầu Cẩm Lệ, và hoành tráng nhất phải nói  đến là cầu Thuận Phước (đang được xây dựng),  cây cầu vòng cong trên mây,nằm ở hạ lưu sông, nơi  gặp gỡ của sông và biển, nối liền cảng du lịch Thuận Phước với cảng Tiên Sa… 

   Bến phà xưa  đã không còn để những học trò nghịch ngợm xuống phà mà không qua bờ Đông, cứ ngồi mãi tất tả theo con phà qua lại hai bờ, nói cười chọc phá nhau, nhìn bầy cá bạc bơi theo rỉa những rong rêu bám dưới hông phà…Tiếng cười nắng vỡ như vẫn còn lăn lăn mãi trên mặt nước sông Hàn hôm nay…

 

      2.

      Một vòng Đà Nẵng của chúng tôi không thể không qua đường Trần Phú, con đường song song và ngược chiều với Bạch Đằng, con đường êm  nhất  của Đà Nẵng xưa. Thật khó hình dung những năm học cấp III ở trường Phan Châu Trinh chúng tôi đã  từng học quân sự trên đoạn đường này. Những lăn, lê, bò, toài, cùng đi đều, ngắm bắn, ném lựu đạn đều đã diễn ra  ở đây. Nhớ lại để thấy một Đà Nẵng vắng vẻ, thơ mộng với những con đường nhiều bóng cây xanh. Đường Lê Lợi nhiều phượng. Đường Hải Phòng có cây điệp bông vàng. Đẹp nhất là hai hàng kiền kiền trên đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn). Mùa hạ lá rụng vàng mặt đường, lá khô cong vỡ rào rạo dưới mỗi bước đi. Những chiếc lá thường được Trúc nhặt viết vài câu vu vơ rồi ép vào vở. Ôi “…ngày xưa, ngày đó, ngày xanh lên khung trời.” Có bao nhiêu yêu dấu ràng buộc trái tim con người đã bắt đầu từ những con đường “nằm nghe bước chân qua” ấy.

   Chiều hôm  trước tôi đã vào thăm trường cũ, biết nơi này đang chờ ngày san phẳng để một ngôi trường mới được mọc lên.  Một ngôi trường cao tầng với nhiều phòng học nhiều cửa gương cùng nhiều trang thiết bị hiện đại…Đó là điều đáng vui mừng, nhưng sao những giọt nước mắt không kìm chế được vẫn ứa ra trên mi mắt tôi. Là vì ích kỷ muốn lưu giữ hoài hình như thân thương ngày cũ, hay vì tôi đang cô đơn đối diện với tôi xưa. Bức tượng nhà chí sỹ Phan Châu Trinh vẫn cái nhìn nghiêm nghị, khảng khái. Những gốc kiền kiền cổ thụ vẫn chạy những  chiếc rễ  khổng lồ loằng ngoằng trên sân đá. Vẫn không gian ngày đó nhưng  sao tiêu điều tàn  tạ. Tôi để nước mắt rơi trên lối hành lang đã không còn những viên gạch vẹn nguyên, nghe tiếng nói cười của mình xưa ngây ngô khờ dại. Bóng dáng thầy cô, bè bạn về trong nhớ thương hun hút.

 

    Nhớ nhất là thầy Ngôn khắc khổ, mỗi giờ văn vắt kiệt mình cùng tác phẩm, cố không nghĩ về người vợ bán thân bất toại và gia cảnh nheo nhóc ở nhà. Thầy là người khiến tôi phải khóc cười trong mê mải văn chương. Cùng thầy tôi đã  run rẩy theo vó ngựa tàn bạo của quân Mông Cổ xưa, đã mềm lòng với tiếng thở dài Mỵ Châu rối bời lông ngỗng trắng, đã xót đắng “Em như quả ớt chín cây, càng tươi ngoài vỏ càng cay trong lòng”… Sau này thầy bỏ nghề đi làm mộc để nuôi sống gia đình nhưng những ấm áp, nghĩa tình, những đam mê mây gió thầy nhóm lên trong mỗi đứa  học trò chúng tôi thì còn mãi. 

 

    Nhớ nữa là Quỳnh, người bạn vĩ cầm, tóc tém, mắt một mí mê hoặc cả lớp bằng réo rắt Hạ Trắng một đêm trại, sân trường đầy sao…                                                                                                  Phòng học này, trong đau đớn chúng tôi đã xé những mẩu vải tím cài lên áo trắng để  cùng để tang cho Nguyễn. Nguyễn chết bên biển sau khi tỏ bày tình cảm với cô giáo thực tập chủ nhiệm lớp…và bị từ chối! Tình yêu kiểu thần tượng của học trò đó, đã trở thành một ám ảnh trong chúng tôi, bởi Nguyễn đã trả một cái giá quá đắt.  Đó cũng là chuyện đầu tiên khiến tôi nghĩ ngợi, để biết rằng yêu là phi lý là nghiệt ngã, là đau đớn, là chia ly không hẹn trước …

 

   Như anh và tôi! Tôi nhớ anh cao gầy, lơ ngơ mắt kính cận…đếm những bước dài trong con hẻm, đếm những thanh tà vẹt trên đường ray xe lửa mỗi tối đến nhà tôi chi. Có  một trăm năm mười bảy thanh nếu đi kiệt mười hai, và chỉ có mười hai thanh nếu đi kiệt tám. Tôi luôn cười vào sự chính xác ngớ ngẩn đó. Để làm gì? Để nếu đánh rơi kính anh vẫn đến được nhà em. Đường ray xe lửa bây giờ là đường Nguyễn Hoàng, những ngôi nhà lên tầng vội vàng như vẫn chưa hết ngỡ ngàng vì sự đổi đời đột ngột. Chỉ có tôi lẩn thẩn hoài nhớ tiếng còi tàu những khuya mất ngủ, và vẹn nguyên là hình ảnh chiếc đèn pha phía đầu máy rọi ngược ánh sáng lên cây ô môi đang kỳ nở bông, hồng rực như cây san hô dưới đáy đại dương huyền ảo.

 

    Anh đã không đánh rơi kính nhưng chúng tôi vẫn chẳng giữ được nhau. Tôi nhớ anh trong đêm cuối tháng chạp, chúng tôi ngồi canh lửa nồi bánh tét, chuyện trò, đàn hát… Gần sáng anh cứ ngồi thế mà thiếp đi…Tôi đi pha trà, lấy mứt gừng, chờ ngày rạng để nghe anh thú nhận đã ngủ thật ngon! Rất nhiều năm sau, khi ngủ bình yên bên cạnh người tôi yêu, tôi mới hiểu được niềm hạnh phúc trong lời anh nói và luôn ân hận vì đã đi qua một tấm lòng…Thôi đừng yếu mềm, Nguyên Sa viết: “Tất cả những gì nguyên lành đều xây trên một chút gì  đổ vỡ…” Hạnh phúc nguyên lành, hay ngôi trường mới nguyên lành cũng vậy thôi. Ngày sau về Đà Nẵng tôi vẫn sẽ đến đây cho dù không còn cảnh cũ người xưa…

   

      3.

      Ngõ Cát là  tên con hẻm nhỏ nhà tôi do bạn bè đặt, là thích gọi vậy thôi, chứ muốn sục chân vào cát thật sự chúng tôi phải qua biển. Gần nhất là bãi Thanh Bình nằm cuối đường Ông ích Khiêm, thường dành cho bọn trẻ con vì nước cạn, ra xa đến mấy chục mét, nước vẫn chỉ lên quá thắt lưng. Người lớn không thích biển cạn một phần, phần nữa sợ dơ do cống rãnh của  khu dân cư quanh đó đổ về . Vả lại cảnh quan của bãi tắm cũng luộm thuộm bởi nhà ở, quán hàng lụp xụp nối nhau…Cái nghèo khó lộ ra trên từng tấm ván ép mục nát, từng miếng tole thủng không đủ sức che chắn gió mưa, từng dây phơi áo quần cũ kỹ . Cả bải biển dài chỉ có một toà nhà có vẻ khang trang, đó là khách sạn Thanh Bình, nhà nghỉ công đoàn thành phố.  Mặc kệ hết, lũ trẻ chúng tôi khi đó chỉ biết ùa vào biển. Sóng vỗ bờ, trùm phủ bọt trắng lên những thân hình đen nhẻm, hét cười, vốc cát ướt xây lâu đài, sung sướng vô lo…

 

    Biển Thanh Bình bây giờ nối dài ngút ngát trong vòng cung biển Liên Chiểu- Thuận Phước từ cửa sông Hàn đến  quốc lộ 1 sát chân đèo Hải Vân. Đường rộng thênh thang, lâu đài, biệt thự, lá hoa rực rỡ. Người xa tìm về thân quen biển cũ còn chăng là khách sạn Thanh Bình nâng cấp sang trọng thành nơi lý tưởng cho ai muốn dừng chân nghe biển thở suốt đêm. 

 

   Lớn lên một chút, không còn thích xây lâu đài trên cát, chúng tôi thường rủ nhau qua Mỹ Khê hoặc đi xa hơn đến Sao Biển… ở đấy có bờ cát rộng, có rừng dương vi vút… Ngoài xa kia đại dương thăm thẳm ngút ngàn ẩn giấu bao điều bí mật. Nhiều lúc  không tắm, chúng tôi ngồi hàng giờ nhìn những bức tranh núi  sóng biển đã vẽ trên cát sau mỗi đợt vỗ bờ, nghe trong lòng thức dậy nhiều khát khao, mong ước.  Một truyền thuyết cổ kể rằng nếu tặng cho biển một món quà vào đêm trăng biển động, biển sẽ yêu và  không ngớt gọi tên mình. Chúng tôi đã lén ra biển, hồi hộp viết tên mình trên cát, ném chiếc vòng đá Non Nước màu hổ phách vào con sóng hung dữ nhất, rồi chờ mưa và thuỷ triều xoá nhoà những con chữ run run…Tin rằng biển đã nhận tên mình! Từ đó đi đến đâu tôi cũng nghe trong gió, trong sóng, trong u u tù và vỏ ốc tiếng gọi trở về…

     Trở về để thấy ngõ Cát  nhà tôi xưa đã không còn cát, cũng không còn hàng dương liễu rắc những cọng lá dài dày êm dưới bóng mát và tiếng gió ru.  Phố phường bây giờ chật hẹp, đất đai  mua bán được đo đếm, tính toán từng mét vuông, nhà cửa tầng chồng lên tầng ngộp thở, còn đâu không gian để thênh thang tiếng cười của Trúc. Trúc ngày xưa hát  tình ca Ngô Thuỵ Miên những  buổi trưa mộng mị  trong tiếng reo dương liễu cũng đã xa lăng lắc một góc trời phiêu bạt. Người đàn bà áo đen tóc ướt đi dưới mưa trong tưởng tượng  “…nhạc chiều lang thang rũ xanh, từng giọt mưa rơi ướt trên cung đàn.. ” của Trúc còn trẻ mãi hay đã già đi như ngôi mộ cổ bên bụi duối âm u.  Ngôi mộ cổ Ngõ Cát vẫn còn và  đã được công nhận là di tích văn hoá, nhưng không còn đứa trẻ nào tin rằng dưới bụi duối đang chật vật ra những trái vàng nhỏ xíu kia, có hai con rắn canh giữ kho báu! Vào những hoàng hôn nếu kiên nhẫn và thận trọng ta có thể nhìn thấy chúng thể hiện nghi lễ trung thành trong một vũ điệu tuyệt vời… 

 

    Ngày xưa chúng tôi đã tin thế, như tin vào lời biển gọi, tin vào những giọt mồ hôi rịn ướt vũ nữ Apsara trong Cổ Viện Chàm. Lòng tin hồn nhiên, trong trẻo để với chúng tôi cuộc đời luôn thiêng liêng, đáng sống, để chúng tôi đi qua bằng những bước trân trọng, hàm ơn…

 

        4.

        Đà nẵng xưa đã vươn vai Phù Đổng. Gần hai mươi năm xa, với những chuyến đi về thăm viếng, tôi luôn ngưỡng mộ trước sự thay da đổi thịt nơi này …Những con đường, những khu đô thị mới đã xoá lấp bao u ám của những cảnh đời nghèo khổ xưa kia. Thay đổi của Đà Nẵng ở rất nhiều nơi là sự đổi thay dâu bể, là phá bỏ cái cũ để làm lại cái mới một cách toàn diện. Những người mới đến Đà Nẵng làm sao tưởng tượng được con đường Lê Đình Lý, trục giao thông Bắc Nam to đẹp với biệt thự, chung cư, nhà hàng ngày đêm rộn ràng, tấp nập lại là bàu Thạch Gián xưa kia. Cũng làm sao hình dung được khu đất đẹp như trong mơ ước, nơi đang chờ thực thi dự án Biệt Thự Đảo Xanh soi bóng xuống sông Hàn,  trước đây ruộng cạn bùn lầy, nhếch nhác, bẩn thỉu…Và rừng bạch đàn Tuyên Sơn cũng đã thôi xào xạc lá, thay vào đó là ngay hàng thẳng lối những biệt thự và chung cư cao tầng, đang chờ ngày đón đưa bao tuyển thủ quốc gia, trong những ngày hội thể thao lớn của thành phố…Biển xanh đã thành ruộng dâu nhưng không làm nên nước mắt. Có chăng chỉ là nước mắt của lòng sung sướng tự hào. Điều đó có thể đọc được trên nét mặt, trong câu chuyện của những người dân Đà Nẵng hôm nay, khi họ không đứng ngoài cuộc, khi mỗi  thay đổi của thành phố quê hương đều có sự nỗ lực tham gia của họ.

 

     Rời sông Hàn theo vòng xe cũ tôi lại về Cổ Viện Chàm…Màu vôi vàng, bức phù điêu, những pho tượng thấp thoáng sau hàng sứ già trầm tư đang mùa thay lá. Không gian u tịch luôn thêu dệt trí tưởng tượng cho người...  Nơi này từng là sân chơi của chúng tôi, trốn tìm, nhảy dây, xỏ hoa sứ thành chuỗi đeo lòng thòng trước ngực… Bây giờ Cổ Viện Chàm kín cổng cao tường, vé tham quan được tính bằng đô la Mỹ…Có ai còn xót xa nhớ những năm tám tư, tám lăm khuôn viên u tịch nơi này được sử dụng làm quán café, sinh tố…để xô bồ người mua, người bán, để đêm ngày cả thần cả đá đều ong ong u u tiếng hát Nhã Phương…Ôi chao là kỷ niệm , sao cứ buộc tôi luẩn quẩn mãi trong khu rừng nhớ thương. Đà Nẵng đã theo thời gian mà hưng thịnh. Mỗi năm xa mỗi khác. Mỗi lần về mỗi cảm phục, mừng vui. Và nhớ thương trong tôi phải chăng thường tình kiếp người, khi ngắn ngủi tháng ngày gặp gỡ, mà khát khao gần gũi lại quá rộng dài! Rồi sẽ còn bao vật đổi sao dời, bao đèn điện cửa gương cao ốc…những góc phố quen có thể rồi mất để Đà nẵng theo kịp Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…Nhưng mất làm sao thời gian ta đã sống, những vô hình,  hữu hình đã tạo nên chính bản thân ta…Đà Nẵng với tôi mãi là ấp Tara để mỗi lúc cô đơn, vấp váp, yếu lòng… tôi lại như Xcarlet tìm về, để được  yêu thương, để có thêm sức mạnh, để rồi lại bước đi trong cuộc đời bằng đôi chân và trái tim của một người vững vàng hạnh phúc. Mà làm sao không hạnh phúc khi  vẫn còn một ni ấm áp chờ đợi ta, một bến bờ yên bình để đến, một thành phố với ngàn ngọn đèn hắt lên trời quầng sáng màu sửa loãng…Phía ấy có sông Hàn…

 

8 . 2005 .

Đinh Thị Như Thuý
Số lần đọc: 3624
Ngày đăng: 20.04.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trung Quốc - Giang Nam du ký - Vũ Ngọc Tiến
Những người đạp xe chở bao xác rắn - Triệu Xuân
Điều bình dị và phi thường ở một người phụ nữ - Thanh Xuân
Lửa Napalm không giết được tình yêu. - Thanh Xuân
Bảo tàng khẩn hoang nam bộ, tại sao không ? - Lê Vũ Tuấn
Chuyện “HẬU SỰ” ở Đồng Tháp Mười - Lê Vũ Tuấn
Ghi chép một chuyến đi-1 - Nguyễn Văn
Ghi chép một chuyến đi-tiếp theo và hết - Nguyễn Văn
Làm giàu trên lũ - Lê Vũ Tuấn
"Tác chiến" ở miền Tây - Huỳnh Kim
Cùng một tác giả
Người thóat mộng (truyện ngắn)
Đất (thơ)
Chị và em (truyện ngắn)
Mười năm (tuyển thơ)