Năm nào ở xóm phố của tôi cũng có người chết, nhưng cái chết của thằng bé lần này, không hiểu sao lại ồn ào cả lên.
Có người nói:
- Lối ba giờ chiều, thấy nó về nhà lục cơm nguội, thấy nó mua cho đứa em gái ba tuổi trái ổi.
Có người lại nói:
- Khi nó ra đi, thấy đứa em đeo tay xin mua cuốn tập tô màu. Chắc nó hứa, bởi thấy nó gật đầu.
Người khác bổ sung thêm:
- Nó vừa đi vừa nhảy chân sáo, vừa chun miệng huýt gió điệu gì nghe lạ hoắc. Chắc nó bịa ra.
Một người đàn bà xồn xồn, khàn khàn kể:
- Tui thấy nó đi tới gần vũng nước sát mí đường, nó dừng lại lưỡng lự, rồi mới đu vào cột điện để nhảy qua. Điện giật nó chết tức thời. Người ta bu lại đông qúa trời, nhưng không ai dám rớ vô nó, bởi sợ còn mát điện. Khổ ! Da nó vàng xẹm, nứt lòi thịt ra !
Tôi lách lách chen vô nhà, thấy người ta đặt thằng bé trên bộ ván còng. Trong khi chờ cán bộ khu phố đi kiếm quan tài, xác thằng bé được tạm thời quàn bằng manh chiếu. Em nó, con bé nhỏ thó như củ khoai, gầy đét như khô cá lẹp, nước mắt nước mũi ròng ròng, tay vẫn còn cầm trái ổi ăn dang dở. Cha mẹ thằng bé đi làm mướn ngoài chợ vẫn chưa hay tin, vẫn chưa về.
Ngôi nhà chật ních người, nhưng vẫn toát ra vẻ nghèo khổ, trống trếnh tới lạnh lẻo. Thốt nhiên tôi giật mình nghĩ: thằng bé ở cách nhà tôi có vài chục mét, mà sao tôi không biết chút gì về nó. Nó tên gì? Nó có đi học không? Sao hàng ngày tôi không bao giờ nhìn thấy nó? Chẳng lẽ tôi vô tình đến nhẫn tâm vậy ư ? Đã nhiều lần dẫn chiếc xe đạp cà tàng ngang qua, tôi vẫn thường nghe tiếng mẹ nó rít lên, cùng với ngọn roi quất đen đét. " Mày bán cả ngày mà được có bi nhiêu sao ? Nhịn đói nghen con ! Ra đường cạp đất ăn nghen con ! ". Có thể tôi sẽ dừng lại, sẽ vào nói mấy tiếng can ngăn. Nhưng thằng bé có khóc đâu. Hình như đã nhiều lần vợ tôi nói. " Nhà bà ấy ác quá ! Đánh thằng nhỏ tới bấy bá, tới lọi xương tay. Nó mới tám tuổi đầu chớ mấy ! ". Trời ạ ! Sao bấy giờ tôi cứ tưởng chuyện ở tận những đâu, những đâu. Tôi đâu có ngờ, cách nhà tôi chỉ vài căn, lại có thằng bé khổ đến bầm dập làm vậy. Mỗi ngày, để bán hết xấp vé số, nó phải bêu đầu giang nắng, phải lội bộ rả cẳng mấy chục cây số. Vậy mà nó mới tám tuổi sao ? Lẽ ra nó đã học lớp ba ? Nhưng đường phố lầm bụi thì dạy được những gì, ngoài những chửi thề, nói tục, ngoài những ngang trái, hợm hỉnh ? Nếu chết là giải thoát, chẳng lẽ nó lại giải thoát tới xém da, nứt thịt ?
Buồn quá, tôi ra đầu hẻm ngồi uống cà phê. Hai anh xe ôm ế khách đang ngồi uống cà phê đen, hút thuốc basto.
Một anh nói:
- Phải bỏ tù ông nhà đèn. Dây điện từ thời Nả Phá Luân vận quần xà lỏn, nứt vỏ tứ lung tung, vậy mà không chịu thay, để điện nhểu xuống theo nước mưa, giật chết thằng bé.
Anh kia dằn tay:
- Phải bỏ tù ông giao thông. Năm nào cũng đào đường sửa chữa, vậy mà hễ vừa mưa một cơn là đường đọng nước. Nếu không có vũng nước, việc gì thằng bé phải đu cột đèn cho bị điện giật.
Bà chủ quán ngứa miệng, đế thêm vào:
- Nói như mấy chú, có mà bỏ tù tới cả ông trời. Không ai cấp tiền, làm sao thay dây điện, làm sao làm đường cho tốt.
Mô phật!
Mô Phật!